Cuộc cách mạng thời trang không biên giới và nỗ lực thay đổi thời trang thế giới 

Thế giới đang trở nên chao đảo và mất cân bằng trước sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các “ông lớn” trong ngành thời trang ăn liền, thời trang nhanh. Trước nguy cơ để không bị chết chìm giữa “biển quần áo” giá rẻ - sản xuất nhanh - kém chất lượng - gây tác hại lớn cho môi trường, câu hỏi đặt ra là: Liệu con người có thể làm gì để viết lại ngành công nghiệp thời trang theo hướng bền vững, nhân văn? 

Đó cũng là một trong những lý do tổ chức Fashion Revolution được thành lập. Bắt đầu từ sự kiện được coi là thảm khốc nhất trong lịch sử ngành thời trang vào tháng 4/2013, khi khu phức hợp công xưởng may mặc 8 tầng Rana Plaza, Bangladesh – nơi sản xuất ra rất nhiều sản phẩm của các hãng thời trang nhanh – bị sập, làm chết và bị thương hơn 2.000 người, kể từ đó, vào 18-24/4 hằng năm, các quốc gia trên thế giới đồng loạt kỷ niệm Tuần lễ Cách mạng Thời trang (Fashion Revolution Week) với mục đích nâng cao ý thức cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng ngành thời trang, giúp mọi người có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về thời trang bền vững, đặc biệt thúc đẩy người tiêu dùng từ sử dụng thời trang nhanh sang ứng dụng các sản phẩm thời trang bền vững.

Năm 2022, hưởng ứng sự kiện Fashion Revolution Week, ngày 24/4/2022 tại nhà hàng A Bản, Ba Đình, Hà Nội, Fashion Revolution Vietnam và dự án Empower Women Asia kết hợp tổ chức chương trình workshop “Thời trang bền vững với nhà thiết kế, nghệ nhân và nhà cung ứng”.

các cô gái sự kiện tại a bản
NTK Ngọc Anh (thứ hai từ trái qua)và các khách mời khác.

Chương trình workshop với sự góp mặt của 3 diễn giả đại diện cho nhà sản xuất thời trang từ những góc nhìn khác nhau: chị Vũ Thị Liễu – Công ty Ecosoi, nhà cung cấp nguyên liệu sợi thô từ lá dứa và thân cây chuối; chị Sầm Thị Tình – HTX Hoa Tiến Brocade, nghệ nhân lưu giữ nghề dệt vải từ tay truyền thống; chị Ngọc Anh – La Pham, nhà thiết kế thời trang, thổi hồn cho các thiết kế sáng tạo. Ba diễn giả đã chia sẻ về hành trình của một sản phẩm vải bền vững, từ giai đoạn sợi thô cho tới dệt, nhuộm vải và đến khi làm ra thành quả cuối cùng.

Ngoài ra, khách mời được trực tiếp tham gia vào quá trình nhuộm và tự tạo ra sản phẩm của chính mình để hiểu hơn về quá trình làm ra tấm vải bền vững. Cũng trong khuôn khổ chương trình, người tham gia còn được chiêm ngưỡng sự nổi bật và tinh tế của các thiết kế làm từ chất liệu vải bền vững từ BST mini “Invitation of Nature” của La Pham – đại diện duy nhất của Châu Á tham dự chương trình thời trang bền vững UN- DRESS tại Thuỵ Sỹ. Một số cái tên nổi bật trong vai trò khách mời có mặt trong chương trình như: MC Quỳnh Chi, Ca Sĩ Khánh Linh, Á hậu Phạm Hằng, Designer Huyền Gin, Stylist Hữu Anh Zoner và sự góp mặt của nhiều phóng viên nhà báo chí, truyền thông.

chị vũ liễu nói về thời trang từ sợi lá dứa
Chị Vũ Thị Liễu chia sẻ về quy trình làm ra vải từ sợi lá dứa.
khách cầm sợi lá dứa chương trình a bản tổ chức
Khách mời tận mắt trải nghiệm sợi lá dứa.
chị sầm chia sẻ thời trang
Chị Sầm Thị Tình chia sẻ về quy trình nhuộm vải.
nhiều người nhuộm vải thời trang
Khách mời tham gia tự tay nhuộm vải.
cô gái đi catwalk thời trang
BST Invitation of Nature của NTK Ngọc Anh.
nhà thiết kế ngọc anh và bộ sưu tập thời trang
NTK Ngọc Anh và BST.

Hiện nay, xu hướng thời trang nhanh càng ngày càng phát triển và được nhiều người ưa chuộng bởi đặc tính thay đổi mẫu mã nhanh, giá rẻ. Tuy nhiên, ngành thời trang nhanh đã và đang tạo ra vô số tác động tiêu cực đến môi trường sống của con người bởi sự thay đổi nhanh chóng của các xu hướng thời trang cũng tỉ lệ thuận với tốc độ sản xuất và đào thải các sản phẩm. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất hạ thấp đến mức tối đa, sử dụng các nguồn nhân công rẻ mạt, vắt kiệt sức người lao động, môi trường lao động tồi tàn… và quan trọng nhất là gây những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường như tiêu thụ hàng tỷ lít nước sạch để sản xuất hay sự tập trung năng lượng điện để vận hành các nhà máy.

cô gái áo đen cầm slogan thời trang

cô gái bên vải nhuộm thời trang

cô gái cầm slogan tôi làm được
Khách mời bên những tấm vải tự tay nhuộm và khẩu hiệu “ Tôi đã làm được”

Vì những tác động tiêu cực đó của ngành thời trang nhanh, Tổ chức Fashion Revolution trên thế giới nói chung cũng như Fashion Revolution Vietnam và dự án Empower Women Asia nói riêng đang nỗ lực từng ngày để chuyển đổi nhận thức người từ tiêu dùng thời trang nhanh sang tiêu thụ các sản phẩm thời trang bền vững, phấn đấu cho một thế giới tốt đẹp, thân thiện, vì môi trường, vì cộng đồng.

Đặc biệt hơn, không chỉ tôn vinh ngành thời trang bền vững, nhân dịp sự kiện Fashion Revolution Week 2022, Empower Women Asia và Fashion Revolution Vietnam cũng muốn tôn vinh người phụ nữ Việt Nam tại các làng nghề dệt – những người phụ nữ thầm lặng phía sau khung cửi, đại diện cho tầng lớp người lao động, vẫn luôn cần cù, tỉ mỉ, khéo léo, dệt lên những tấm vải màu sắc, mang theo giấc mơ về một cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc.

Sự kiện cũng nhấn mạnh vào các thông điệp “I Made It” – “ Tôi đã làm được” chính là một lời khẳng định cho những người tham gia chương trình về sự chuyển đổi trong nhận thức, không chỉ tự mình làm ra một sản phẩm vải bền vững để thấu hiểu hơn về quá trình làm ra chúng mà còn chính là sự tự hào vì đã làm được những điều có ý nghĩa cho môi trường và cộng đồng.

“Ngày hôm nay, thứ nhất là tôi đã biết được cách làm ra một sản phẩm vải từ sợi dứa, cũng như được tự tay nhuộm thành sản phẩm. Buổi workshop không chỉ có ích cho những người tham gia như tôi mà tôi còn thực sự thấy rằng đây là cơ hội tuyệt vời để cùng giúp đỡ cho những người phụ nữ tại Việt Nam có thể tôn vinh sản phẩm tuyệt vời từ chính đôi bàn tay của mình làm ra”, chia sẻ cảm nhận sau buổi Workshop, chị Kiều Duyên – chủ nhà hàng A Bản nơi diễn ra sự kiện workshop.

phụ nữ mặc áo thời trang
Khách tham gia tại chương trình.
nhiều người sự kiện a bản
Khách mời và BTC chương trình workshop.

Hướng đến thời trang bền vững và người phụ nữ dân tộc, sau buổi workshop khách tham gia đã có được cái nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về thời trang bền vững cũng như về người phụ nữ làng nghề dệt Việt Nam. Từ đó được tiếp thêm đam mê, hứng thú để tìm hiểu thêm về nghề dệt truyền thống và thời trang bền vững.

Sau chương trình workshop, Designer Lê Khánh Linh đã có những chia sẻ: “Mình cảm thấy rất tự hào vì được tham gia chương trình workshop ngày hôm nay. Mình nghĩ rất cần và rất nên tổ chức những chương trình như thế này để mọi người có thể hiểu thêm về thời trang bền vững cũng như về người phụ nữ Việt”.

ntk ngọc anh chương trình thời trang a bản
NTK Ngọc Anh chia sẻ tại chương trình.

Nhà thiết kế Ngọc Anh, founder hãng thời trang La Phạm cũng gửi gắm: Nhân dịp Fashion Revolution Week 2022, mình mong rằng mỗi người đều sẽ ý thức hơn với từng hành động của bản thân, là nhà thiết kế, người gia công quần áo hay khách hàng tiêu thụ sản phẩm, chúng ta đều ảnh hưởng và liên quan đến nhau bởi thời trang, đồng thời chúng ta cũng đang cùng nhau ảnh hưởng đến môi trường và xã hội trong mỗi hành vi của bản thân. Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn khi chúng ta đối xử tử tế với thời trang và chính bản thân những người xung quanh”. 

Vậy, đáp án để trả lời cho câu hỏi: “Liệu con người có thể làm gì để viết lại ngành công nghiệp thời trang theo hướng bền vững, nhân văn?” là “Có thể”. Quá trình đưa thời trang bền vững lật đổ ngành công nghiệp thời trang nhanh không phải là không thể mà là việc làm lâu dài cần nhiều thời gian và sự chung tay của nhiều người. Những nỗ lực của Fashion Revolution cũng như Empower Women Asia đều đóng góp vào công cuộc làm thay đổi, viết lại ngành thời trang thế giới, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)