Triển lãm “Hội họa và điêu khắc quốc tế” trong rừng

Lễ khai mạc Triển lãm Art In The Forest 2019 (AIF 2019) chính thức diễn ra vào sáng 26/10 tại Flamingo Đại Lải Resort. Với chủ đề “Hội hoạ sơn mài và điêu khắc quốc tế”, chương trình có sự góp mặt của 10 họa sĩ, 7 nhà điêu khắc trong nước và thế giới.

triển lãm art in the forest

Không chỉ trưng bày nhiều tác phẩm ấn tượng, triển lãm lần này còn đánh dấu hành trình nửa thập kỷ kiến tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo, cũng là nửa chặng đường khó khăn nhưng tâm huyết và đầy ắp tự hào.

Với chủ đề “Hội họa sơn mài và điêu khắc quốc tế”, chương trình “Không gian nghệ thuật Flamingo – Art In The Forest 2019” có sự góp mặt của 10 họa sĩ, 7 nhà điêu khắc trong nước và thế giới như nhà điêu khắc Ariel Moscovici, nhà điêu khắc Floyd Elzinga, nghệ sĩ Sha Sha Higby, nghệ sĩ Nobuyuki Takana… cùng những gương mặt quen thuộc của các mùa triển lãm trước như nghệ sĩ Nhật Bản Mukhai Katsumi, nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương… Nằm giữa không gian xanh tự nhiên của núi rừng Đại Lải, sự hội ngộ của 68 tác phẩm chấm phá lên bức tranh mùa thu những sắc màu độc đáo. Mỗi tác phẩm là một ý tưởng, một phong cách khác nhau nhưng đều là thành quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và ẩn chứa trong đó những câu chuyện rất riêng.

Mang theo trăn trở về vẻ đẹp và sự không hoàn hảo, nhà điêu khắc (NĐK) Tây Ban Nha Daniel Pérez trải lòng bằng tác phẩm 3D “Mảnh vỡ Thế kỷ XXI”, trong khi đó NĐK Yongsan Jang đến từ Hàn Quốc lại khắc họa hành trình kiên định tìm kiếm bản chất của sự sống, ánh sáng, sinh và tử thông qua lăng kính tác phẩm “Phân tử 190916”. Với “Không gian ở giữa II”, Ariel Moscovici – NĐK người Pháp đặt ra câu hỏi về nguồn cội, gửi gắm năng lượng và niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn.

 “Phân tử 190916” – Thép không gỉ - 300 x 400 x 800cm, NĐK Yongsun Jang
 “Phân tử 190916” – Thép không gỉ – 300 x 400 x 800cm, NĐK Yongsun Jang

Gai góc và dữ dội, uyển chuyển và cảm xúc, NĐK Lê Lạng Lương mang tới câu chuyện “Thuộc về Biển” bằng tất cả những cảm nhận đa chiều của mình. Cũng là chủ đề về tự nhiên như thế, “Màu của gió” lại được NĐK Đàm Đăng Lại khắc họa với tâm thế tỏa ra suối nguồn hạnh phúc. Đưa công chúng trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc khác nhau, “Tiềm tàng” của NĐK Floyd Elzinga đến từ Canada hiện thực hóa linh hồn núi rừng bằng hình ảnh quả thông – một biểu tượng cho sự hồi sinh và bất tử. Nếu một ai đó muốn lắng nghe “Thanh âm của đất”, hãy đến với NĐK Nhật Bản Mukai Katsumi để cảm nhận cơn gió xanh thổi qua cánh đồng cỏ hay tiếng thì thầm của côn trùng và hoa trên Trái đất.

Nhà điêu khắc người Tây Ban Nha Daniel Pérez lần đầu tham gia Art In The Forest miệt mài bên tác phẩm sắp hoàn thành
Nhà điêu khắc người Tây Ban Nha Daniel Pérez lần đầu tham gia Art In The Forest miệt mài bên tác phẩm sắp hoàn thành

Không chỉ điêu khắc, hội họa sơn mài cũng có những câu chuyện của mình. Họa sĩ Jang Jin-su thể hiện triết lý xã hội bằng hình ảnh các cành cây nhỏ đan xen với nhau, trong khi đó, họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, Nguyễn Trần Cường chinh phục sơn mài để chiêm nghiệm suy nghĩ miên man, khó dứt về những kết nối của vạn vật. Công chúng sẽ bất ngờ với “Specimen” (Vật mẫu) của Saeko Ando, để rồi cùng Đinh Quân lạc vào những miền “Trầm tích”. Đối với nghệ sĩ Lê Thừa Tiến, “Song” là một khoảng lặng để tự ngẫm về chính bản thân mình. Công Kim Hoa kể câu chuyện về chuyển động, Sha Sha Higby tạo ra một vở kịch mà ở đó xúc cảm và suy nghĩ là những chủ thể đang tạo ra hàng nghìn cuộc phiêu lưu. Vẫn là về sự sống, Nobuyuki Tanaka và Lý Trực Sơn khơi gợi những kí ức bằng cách thể hiện đậm đà bản sắc cá nhân.

“Chuyển động 4” của  họa sĩ Công Kim Hoa
“Chuyển động 4” của  họa sĩ Công Kim Hoa
Họa sĩ Jang Jin-su trăn trở với thuyết “quy hồi vĩnh cửu” của nhà triết học Nietzsche trong tác phẩm của mình
Họa sĩ Jang Jin-su trăn trở với thuyết “quy hồi vĩnh cửu” của nhà triết học Nietzsche trong tác phẩm của mình

Giữa không gian ngập tràn nắng và gió của mùa Thu Đại Lải, 68 tác phẩm năm nay hòa tấu vào bản giao hưởng chung mang tên Art In The Forest. Thông qua ngôn ngữ của hội họa và điêu khắc, mỗi năm công chúng lại có thêm những xúc cảm mới, những chiêm nghiệm mới, để khi đến với Flamingo Đại Lải nói chung và không gian nghệ thuật trong rừng nói riêng, họ được làm giàu hơn về tâm hồn, trọn vẹn hơn những cảm quan về cuộc sống. 6 mùa triển lãm đã qua, bộ sưu tập tác phẩm cũng ngày một dày hơn, AIF đã kết nối những tâm hồn đồng điệu vị nghệ thuật và gửi gắm đến công chúng nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. Flamingo Đại Lải Resort trở thành sân chơi nằm ngoài vòng xoáy gánh nặng kinh tế – nơi chỉ còn lý tưởng, ước mơ, tình yêu thương và những trái tim đồng điệu. Có thể xem AIF là dự án nghệ thuật dài hơi nhất tại Việt Nam, và mốc cuối cùng của chặng đường ấy không chỉ dừng lại ở việc gây dựng nên một không gian nghệ thuật độc đáo của giới mộ điệu, mà còn là kiến tạo nên một bảo tàng nghệ thuật đương đại dành cho hội hoạ, một công viên điêu khắc ngoài trời, đại diện cho một giai đoạn phát triển của xã hội.

“Những tác phẩm nghệ thuật hôm nay sẽ là sự gom góp cho một không gian nghệ thuật rộng lớn của tương lai, để tinh thần nghệ thuật, trách nhiệm với nghệ thuật sẽ không ngừng lan tỏa. Mong muốn của chúng tôi là xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến về văn hoá, một địa chỉ mang tính giáo dục về thẩm mỹ dành cho bây giờ và cho mai sau”- Họa sỹ Vũ Hồng Nguyên, đồng sáng lập dự án trân trọng khẳng định. Tham vọng ấy đã và đang trở thành hiện thực.

AIF 2019 mở cửa tự do từ 26/10/2019 và tiếp tục duy trì đến 15/10/2020.

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)