Triển lãm hồi cố “Họa Duyên Tương Ngộ” chính thức mở cửa cho công chúng thưởng lãm các tác phẩm của cố nghệ sĩ Trần Phúc Duyên
Ngày 22/7/2023, triển lãm hồi cố Họa Duyên Tương Ngộ chính thức mở cửa đón chào công chúng đến thưởng lãm di sản nghệ thuật của họa sỹ Trần Phúc Duyên nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923-1993, tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San – 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2, TP. Thủ Đức, TP. HCM. Chương trình kéo dài đến hết ngày 6/8/2023.
Lần đầu tiên, sau 71 năm kể từ lần triển lãm tại Sài Gòn vào tháng 1/1952, Trần Phúc Duyên đã chính thức trở về Việt Nam trong một sự kiện văn hóa giàu màu sắc di sản.
Tại 2 tầng triển lãm rộng 600m², gần 150 tác phẩm và tư liệu tiêu biểu cho sự nghiệp của Trần Phúc Duyên sẽ lần lượt dẫn người xem đi qua 9 không gian trưng bày, kể câu chuyện cuộc sống và sáng tác của người họa sĩ từ khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948 – 1954), đến khi di cư sang Pháp (1954 – 1968), Thụy Sỹ (1968 – 1993), và mất tại đó.
Từ khi rời quê hương năm 1954 cho đến khi mất, Trần Phúc Duyên chưa quay lại Việt Nam. Sau khi ông qua đời năm 1993, toàn bộ tranh, phác thảo, tài liệu, giấy tờ, sổ sách ghi chép của ông được đóng thùng và lưu tại nhà kho ngoại ô thủ đô Thụy Sĩ nơi ông sống và làm việc từ năm 1968. Năm 2017, các tác phẩm của ông được giới thiệu tại Bern, trong triển lãm Kho Báu Bị Bỏ Quên, nơi bộ đôi nhà sưu tập Phạm Lê (Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh) lần đầu tiếp xúc và vô cùng xúc động trước những bức tranh đậm tình quê hương của người họa sĩ quá cố. Từ đây, khởi đầu hành trình hồi hương di sản nghệ thuật bị “ngủ quên” trong yên bình, tĩnh lặng suốt 24 năm, để rồi 5 năm sau, mở ra triển lãm hồi cố Họa Duyên Tương Ngộ.
Mời bạn khám phá những nghiên cứu, sáng tạo của sơn-mài-Trần-Phúc-Duyên từ phức hình đến tối giản qua 9 cụm chủ đề lớn trong 9 không gian trưng bày được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê: Thời kỳ tại trường Mỹ thuật Đông Dương trước 1945, Xưởng sơn mài Quán Thánh (1945 – 1954), Cuộc sống và sáng tác tại Châu Âu sau năm 1954, Đời sống Đông Dương, Phong cảnh, Sinh vật cảnh, Thủy mặc, Trừu tượng, Phúc niệm.
Thời kỳ Trường Mỹ thuật Đông Dương (1923-1948)
Trần Phúc Duyên sinh ngày 16/2/1923 tại Hà Nội. Bố ông là Trần Diễn Giệm, một thành viên sáng lập của Hội An Nam Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ. Xưởng gỗ Phúc Mỹ của cụ Giệm giành giải nhất tại đấu xảo mỹ nghệ Khai Trí Tiến Đức (1923), tiếp đó tham gia Triển lãm Nghệ thuật Trang trí Quốc tế (1925) và Triển lãm Thuộc địa Quốc tế (1931).
Lớn lên trong một gia đình nghệ nhân, Trần Phúc Duyên yêu thích hội hoạ từ nhỏ. Năm 1942, ông thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương, chuyên khoa sơn mài. Các bạn đồng khóa với ông có Quang Phòng, Đinh Minh, Cao Xuân Hùng, Lê Phả, Nguyễn Văn Thanh, Phan Thông và Võ Lăng. Khoá học của ông không có cơ hội hoàn thành hết chương trình học 5 năm vì trường phải đóng cửa năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp.
Xưởng Sơn mài Quán Thánh (1948-1954)
Trong những năm 1948 – 1954, Trần Phúc Duyên sống và sáng tác tại Hà Nội. Xưởng vẽ của ông đặt tại số 146 Avenue de Grand Buddha, nay là đường Quán Thánh. Tại đây, chúng ta sẽ gặp phong cách sáng tác sơn mài mang dấu ấn của mỹ thuật Đông Dương với những gam màu đặc trưng: đỏ, vàng, đen, cánh gián. Trong khoảng thời gian này, ông đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các gia đình tư sản, các quan chức Pháp và các công ty tư nhân. Năm 1950, 3 tác phẩm sơn mài của ông được chọn để gửi làm quà mừng Giáo Hoàng Pius và được trưng bày tại bảo tàng Vatican.
Năm 1952, Trần Phúc Duyên tổ chức triển lãm cá nhân tại Nhà hát Lớn Sài Gòn với 30 tác phẩm sơn mài. Cùng năm, ông cũng tham dự triển lãm tranh về Thiên Chúa giáo tại Paris theo lời mời của Bộ Giáo dục và Thanh niên. Năm 1953, ông tổ chức triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Một năm sau đó, ông cùng anh trai Trần Phúc Chí và em trai Trần Phúc Trường di cư sang Pháp.
Cuộc sống và sáng tác tại châu Âu (1954-1993)
Trần Phúc Duyên tự nhận mình là một “artiste laqueur” (họa sĩ sơn mài) từ những năm đầu 1950, khi còn ở Hà Nội. Ông ghi danh hiệu đó đằng sau các bức tranh sơn mài của mình. Và trên thực tế cũng như về căn bản, ông đã tiếp tục và kết thúc sự nghiệp nghệ thuật của mình ở chính vai trò đó.
Tại Pháp và Thụy Sĩ, Trần Phúc Duyên vẫn quyết tâm vẽ tranh sơn mài mặc dù rất khó khăn để tìm nguyên liệu và điều kiện bảo quản hợp lý. Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm nhiều kỹ thuật chất liệu khác nhau từ loại gỗ làm vóc, tới chất kết dính, chất pha, các chất màu. Qua những thử nghiệm táo bạo này, người họa sĩ đã có những cách tân có tính chất quyết định để tạo nên một bảng màu rất phong phú và một ngôn ngữ sơn mài độc đáo của chính mình.
Ông có thêm 8 triển lãm cá nhân tại Pháp, Tây Ban Nha và Thuỵ Sỹ trước khi quyết định chuyển sang Thuỵ Sỹ sinh sống vào năm 1968. Từ 1968 đến 1993, ông có 13 triển lãm cá nhân tại Pháp, Canada và Thuỵ Sỹ. Ông mất vào ngày 9/9/1993, tròn 70 tuổi.
Tranh đời sống Đông Dương
Mặc dù sống tại châu Âu, chủ đề về quê hương Việt Nam vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Trần Phúc Duyên. Khi sang xứ lạ, họa sỹ mang theo hành lý của mình nhiều phác thảo và nghiên cứu tái hiện hình ảnh cuộc sống và con người Việt Nam, làm tiền đề cho nhiều tác phẩm quan trọng, khắc họa cuộc sống yên bình ở nông thôn Bắc Bộ như trong bức đại cảnh Về chợ (1964) vẽ một chùa Mía cổ kính mà trù phú; hay các thiếu nữ thành thị Bắc-Trung-Nam duyên dáng, mơ mộng trong tà áo dài tân thời Le Mur, mà tiêu biểu nhất là loạt tác phẩm Hòa Ân (1961-1980) – được thực hiện trong 2 năm với nghệ thuật khảm trứng đặc sắc của Việt Nam trong sơn-mài-Trần-Phúc-Duyên.
Tranh phong cảnh
Trong nửa đầu sự nghiệp, Trần Phúc Duyên yêu thích nhất là tranh phong cảnh, lấy cảm hứng từ làng xóm ven sông Hồng, vùng trung du phía Bắc, vịnh Hạ Long mơ mộng hay chùa Thầy cổ kính. Trong giai đoạn Quán Thánh và những năm đầu tại châu Âu, các tác phẩm thường mang phong cách đặc trưng của sơn mài Đông Dương với họa hình rõ nét, mảng màu mạnh và tính tương phản cao (đỏ và đen). Những năm sau đó, tranh phong cảnh của Trần Phúc Duyên được vẽ từ những hồi tưởng, ký ức sâu đậm về một quê hương xa cách ngàn trùng. Vì vậy, nên càng về sau, màu sắc càng sáng dần lên, nền đỏ hoặc đen được thay bằng các chủ sắc vàng hay xám nhạt; sự tương phản nhường chỗ cho một hòa sắc thống nhất, đồng điệu và gần như đơn sắc. Cảnh vật trong tranh ông như chìm trong một làn sương mờ ảo của hồi tưởng và nhớ nhung.
Tranh sinh vật cảnh
Trần Phúc Duyên cũng sáng tác với nhiều motif sinh vật cảnh đặc trưng cho nền văn hóa phương Đông, như cá vàng – biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy; hay hoa sen – biểu tượng của sự thanh khiết, cao thượng gắn bó chặt chẽ với triết lý nhà Phật. Những có lẽ motif được ưa thích nhất của họa sỹ có lẽ là tre và trúc, biểu tượng của người quân tử, cũng là loài cây đặc trưng ở làng quê Bắc Bộ, thường xuất hiện trong tranh và bình phong sơn mài mỹ thuật Đông Dương. Với Trần Phúc Duyên, tre không chỉ đóng vai trò là nền tiền cảnh hoặc hậu cảnh mà còn là chủ thể của bức tranh, được ông vẽ đi vẽ lại nhiều lần, từ mô tả tổng thể cả rừng tre đang xào xạc trong gió đến mô tả chi tiết một đoạn thân tre với vài chiếc lá rung rinh.
Tranh thỦY mặc
Kể từ giữa những năm 1970, Trần Phúc Duyên quay hẳn về với ngôn ngữ nghệ thuật Á Đông và hội họa thủy mặc đậm chất thiền. Tạo hình dần dần giản lược các chi tiết và màu sắc, nhường chỗ cho những hình mảng, đường nét, và đặc biệt là những khoảng trống. Với ngã rẽ này, hội họa Trần Phúc Duyên đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở. Có thể nói, Trần Phúc Duyên là họa sỹ đầu tiên của Việt Nam kết hợp thành công, nhuần nhuyễn sự huyền diệu của lối vẽ mực nho trong thủy mặc với chiều sâu về chất liệu và thời gian trong sơn mài, và theo đó, đưa hội họa sơn mài lên một tầm cao mới.
Tranh trừu tượng
Nếu như năm 1964, Trần Phúc Duyên còn cảm thấy bối rối với các khuynh hướng hội họa trừu tượng phương Tây thì chúng lại có những tác động rõ ràng lên các sáng tác của ông vào giai đoạn cuối. Bên cạnh sơn mài thủy mặc, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm phi hình và trừu tượng, mà thực ra là dung hợp thủy mặc vào một hình thái mới với những ảnh hưởng rõ rệt từ hội họa phương Tây đương thời, với những thử nghiệm hết sức đương đại như tạo những đường rạch hoặc đốt, dán vàng lá lên tranh, tạo nên những hiệu ứng thị giác và tương tác mới mẻ cho người xem.
Phúc niệm
Trong nhiều tác phẩm của Trần Phúc Duyên khi ở trời Âu, trăng và ngỗng trời là hai motif thường xuyên được họa sĩ sử dụng kết hợp, có lẽ bởi tính tự sự cao của chúng. Dưới bóng trăng bàng bạc, dù là Hạ hay Đông, ngỗng trời luôn mải miết bay về nơi chúng được sinh ra – một điều mà Trần Phúc Duyên chưa làm được khi ông còn sống. Đó là tự sự của một người con nơi đất khách luôn vọng tưởng về cố hương, dường như chỉ có thể trở về trong tâm niệm và trong tác phẩm. Đó cũng là một chuyến trở về với bản ngã của chính mình của một nghệ sĩ – triết gia đã dành một đời miệt mài kiếm tìm những chân trời sáng tạo mới.
Di sản của họa sĩ, cuối cùng cũng được hồi hương. Như một lời phúc niệm, gian trưng bày cuối cùng này xin mặc tưởng và tri ân tới Trần Phúc Duyên và di sản ông để lại cho quê hương và nền mỹ thuật Việt Nam.
Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng Họa Duyên Tương Ngộ là triển lãm có quy mô phổ quát nhất trưng bày hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo, bao gồm các tư liệu riêng tư, cá nhân của cố họa sĩ và gia đình.
Nói đến tranh sơn mài không thể không nói đến ánh sáng trong tranh. Vượt ra ngoài ranh giới của sự thể hiện, để miêu tả sự thống nhất sâu sắc của các sự vật với xúc cảm của người họa sĩ, chính là… ánh sáng. Nếu điều này là đúng thì ánh sáng là một phần quan trọng trong các tác phẩm giàu triết lý, suy tư, trăn trở của người họa sỹ tha hương Trần Phúc Duyên. Đem đến cho người thưởng ngoạn cảm nhận trọn vẹn ánh sáng trong ngôn ngữ sơn mài độc đáo Trần Phúc Duyên chính là điểm đặc biệt của Họa Duyên Tương Ngộ, khi sự kiện có được sự đồng hành từ ASA Studios và Unios về tư vấn và chiếu sáng tranh sơn mài.
Đi kèm với triển lãm, cuốn sách giới thiệu cuộc đời và tác phẩm Trần Phúc Duyên cũng sẽ được ra mắt trong năm 2023, dưới sự bảo trợ của Phạm Lê Collection và các bài viết đóng góp từ các nhà nghiên cứu nghệ thuật trong và ngoài nước. Phạm Lê Collection cũng đang xây dựng nền tảng lưu trữ Trần Phúc Duyên với mong muốn thiết lập được danh mục đầy đủ các tác phẩm của ông. Kết quả của những nghiên cứu này sẽ được đưa lên trang web dành cho ông tại: https://www.tranphucduyen.com/ và https://www.facebook.com/tranphucduyen.
ELLE Feature Team