Là một người theo đuổi các kỹ thuật nhiếp ảnh thủ công, Ngọc luôn thử nghiệm với những kỹ thuật phức tạp và còn có ít người thực hiện trên thế giới, góp phần vào quá trình giữ gìn các giá trị của phương thức tạo hình ảnh kinh điển đồng thời thách thức giới hạn cũng như thúc đẩy sự phát triển của nhiếp ảnh. Cốt lõi trong thực hành của anh là sự kết hợp bền chặt giữa tay nghề thủ công tinh xảo, hiểu biết thấu đáo về chất liệu, và ý niệm nghệ thuật khi sáng tác. Bộ tác phẩm Chloris ra đời cũng là một minh chứng rõ ràng cho tôn chỉ làm việc của anh.
Chloris là nữ thần của các loài hoa trong thần thoại Hy Lạp từ ba thiên niên kỷ trước. Các bức ảnh được thực hiện hoàn toàn không dùng máy ảnh mà với hoa thật tương tác trực tiếp trên giấy ảnh phủ Bạc Chloride. Bộ tác phẩm chia làm hai phần Bất tử và Tái sinh.
Trong tuyên ngôn tác phẩm của Chloris Bất tử, Ngọc đã viết “Bằng hành vi của sự chết, linh hồn rời bỏ những cánh hoa mong manh chóng tàn để hiện thân trong giấy ảnh và trở nên bất tử.” Những bông hoa được sắp đặt trên giấy ảnh đen trắng và phơi dưới nắng mặt trời. Ngọc xem nhựa hoa là linh hồn, là sự sống của hoa. Quá trình in nắng trên giấy ảnh đen trắng dùng hình hài của bông hoa và hút sạch nhựa hoa để đón lấy linh hồn của hoa, thể hiện vào trong giấy ảnh.
Khí hậu thời tiết của đất trời phương Nam có phần khắc nghiệt hơn so với châu Âu – nơi khởi nguồn của kỹ thuật nhiếp ảnh được sử dụng trong Chloris. Vì vậy, đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để thể hiện kỹ thuật này một cách triệt để hơn so với nơi khai sinh ra nó. Ở châu Âu, các nghệ sĩ hầu như chỉ tận dụng yếu tố ánh sáng mặt trời. Còn với Ngọc, anh không chỉ sử dụng ánh nắng cường độ cao mà còn tận dụng cả nhiệt độ, độ ẩm, những đám mây làm thay đổi điều kiện ánh sáng, gió… kết hợp với những đặc trưng riêng của từng loài hoa như độ dày của cánh hoa hay các chất lỏng tiết ra từ hoa để tạo ra những hiệu ứng thị giác mạnh mẽ, hấp dẫn nhất.
BÀI LIÊN QUAN
Kết quả của quá trình này là những tác phẩm độc bản thực sự diệu kỳ và độc đáo. Tuy được thực hiện trên giấy ảnh đen trắng, những tác phẩm của kỹ thuật in nắng lại có rất nhiều màu sắc. Hiệu ứng thị giác do kỹ thuật này tạo ra cũng vô cùng đa dạng và khó đạt được bởi một kỹ thuật hội họa hay in ấn bất kỳ nào khác. Đường nét hình ảnh vừa kỳ ảo mềm mại lại vừa có thể rất rõ nét, có những tấm hình giống chụp X-quang, có tấm giống như những bông hoa đang chìm dần vào một màn sương mù, có tấm lại giống như thể bông hoa đang rực cháy… đưa người xem từ bất ngờ này tới thú vị khác. Ngọc chia sẻ: “Cái hay của nhiếp ảnh trừu tượng là vật thể cụ thể tự nó tham gia vào quá trình tạo ra hình ảnh trừu tượng của chính nó, đây là điều hội hoạ không bao giờ có được”.
———
“Cái hay của nhiếp ảnh trừu tượng là vật thể cụ thể tự nó tham gia vào quá trình tạo ra hình ảnh trừu tượng của chính nó, đây là điều hội hoạ không bao giờ có được” – NGHỆ SĨ phạm tuấn ngọc.
Lấy cảm hứng từ những bức tranh khổ lớn thể hiện cận cảnh những đoá hoa qua con mắt trừu tượng của Georgia O’Keeffe, bộ tác phẩm Chloris Tái sinh nỗ lực đi sâu vào từng chi tiết nhỏ nhất để ghi nhận cái to lớn và vĩ đại. Các tác phẩm gây ấn tượng với hiệu ứng thị giác độc đáo – sự ẩn hiện chồng lớp như sơn mài của từng tác phẩm là kết quả của kỹ thuật tinh vi phức tạp và tiềm năng đáng kinh ngạc của chất liệu giấy ảnh đen trắng.
Nếu như Chloris Bất tử là một cố gắng lưu giữ linh hồn và vẻ đẹp vốn sớm nở chóng tàn của các loài hoa bằng cách khiến chúng tự “hoá thạch” trong thời gian, trên giấy ảnh, và do đó bất tử, Chloris Tái sinh làm tái sinh hoa trong một hoá thân hoàn toàn khác. Tại đây, người nghệ sĩ không chỉ chủ động trong việc tạo hình mà kết liễu sự tồn tại vốn có của hoa một cách không khoan nhượng bằng một quy trình khốc liệt.
Trong ánh sáng và sức nóng mãnh liệt, mọi tinh chất của hoa từ từ bị rút kiệt, hình hài bị biến đổi, thân xác cũ bị giày vò trong một “hoả ngục” đến tan nát để linh hồn tái sinh trong một hiện thể mới. Như triết lý luân hồi, vạn vật đều có thể hồi sinh chuyển kiếp trong mọi hình hài và hùng vĩ như cách loài phượng hoàng lửa huyền bí bốc cháy rồi tái sinh từ đống tro tàn, người nghệ sĩ tái sinh những bông hoa trong một hình hài kỳ ảo chưa từng tồn tại trước đấy, mang vẻ đẹp của một tinh vân hay cả một dải ngân hà.
———
“Sự sống của hoa về bản chất là hữu hạn, lại ngắn ngủi. Nhưng khi hoa trở thành tác phẩm nghệ thuật như cách nó hoá thân trong Chloris, nó trở nên bất tử. Không những thế, mà là nó được sinh ra lần nữa, tái sinh trong một hiện thân mới, huy hoàng và vĩnh cửu. Trong bông hoa kiều diễm nhưng bé nhỏ và mong manh chứa đựng một vũ trụ kỳ diệu và vô hạn” – Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc.
Nghệ sĩ Tuấn Ngọc đặc biệt quan tâm đến những vấn đề cơ bản trong cuộc sống của con người. Đó là sự sống và cái chết, là sự sinh sản, các vấn đề hiện sinh, mục đích cuộc sống… Đối với Ngọc, tái sinh hay hóa thân đều là điều kỳ diệu. Anh cho rằng, quá trình biến đổi là một quá trình đau đớn, đòi hỏi nhiều năng lượng tinh thần và cả thể chất. Quan điểm này có lẽ cũng chính là nguồn cảm hứng để anh tạo ra những tác phẩm mang màu sắc vừa cuốn hút, vừa có chiều sâu: “Cách mà tôi đưa những bông hoa của mình qua quá trình kỹ thuật in nắng trên giấy ảnh đen trắng của Chloris là như thế – đưa hoa qua “luyện ngục” để làm tái sinh hoa rực rỡ như cách phượng hoàng tái sinh từ tro tàn của chính nó”.
“Cách mà tôi đưa những bông hoa của mình qua quá trình kỹ thuật in nắng trên giấy ảnh đen trắng của Chloris là như thế – đưa hoa qua “luyện ngục” để làm tái sinh hoa rực rỡ như cách phượng hoàng tái sinh từ tro tàn của chính nó” – Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc.
Chloris Tái sinh là sự đối lập trong hòa hợp của vi mô và vĩ mô, của âm và dương, của ánh sáng và bóng tối, của hình ảnh và vật thể, của cái chết và tái sinh.
Vào tháng 03/2019, Ngọc đã có triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên 9 – Paris in Black and White với những bức ảnh rọi từ những thước phim đen trắng được chụp tại Paris từ 9 năm trước đó. Trong triển lãm, khán giả không những được chiêm ngưỡng những hình ảnh buồn, đẹp, chất chứa tự sự cá nhân về thành phố Paris vốn hoa lệ của một chàng trai trẻ rong ruổi với những mộng mơ, mà còn là những bức ảnh được rọi tay với độ tinh xảo cao và kích thước lớn chưa từng có lúc bấy giờ tại Việt Nam. Đến tháng 12/2019, Ngọc tự phá kỷ lục này và rọi những bức ảnh lớn còn hơn nữa cho nghệ sĩ nhiếp ảnh gia Caleb Stein trưng bày tại triển lãm Tỏa III của VCCA. Trong triển lãm cá nhân thứ hai, sau ba năm, Phạm Tuấn Ngọc tiếp tục mang lại một bất ngờ lớn cho khán giả, đồng thời thể hiện bước tiến sâu sắc với thực hành độc đáo của mình, góp phần làm đa dạng hoá bức tranh nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Xem thêm
• 7 điều chúng ta học được từ nghệ thuật Kintsugi của người Nhật
• Nghệ thuật đưa ta khám phá mình, để rồi ta hồi sinh…
• Tại sao cần có nghệ thuật trong cuộc sống?
VỀ NGHỆ SĨ
Phạm Tuấn Ngọc (1982) là nhiếp ảnh gia – nghệ sĩ, chuyên gia in ấn ảnh thủ công, và cố vấn nhiếp ảnh. Anh cũng là người sáng lập ra Noirfoto Darkroom-Gallery-Studio dành riêng cho nhiếp ảnh nghệ thuật. Ngọc đã bắt đầu làm việc như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và biên tập ảnh từ năm 2011 trong lĩnh vực nhiếp ảnh biên tập và thương mại cho tạp chí, báo chí, và các nhãn hàng. Từ năm 2017, Ngọc xây dựng Noirfoto với phòng tối chuyên nghiệp mở đầu tiên tại Việt Nam, nơi anh mở rộng thí nghiệm và sáng tác với tất cả mọi quy trình tạo ảnh thủ công khác, trau dồi những kỹ thuật nhiếp ảnh có từ ngày đầu của lịch sử nhiếp ảnh. Bên cạnh đó, Ngọc tổ chức và là người giảng dạy hay diễn giả cho các trò chuyện, buổi giảng, buổi workshop, portfolio review… về nhiếp ảnh.
Các triển lãm:
- Triển lãm nhóm Salon Ánh sáng (Hà Nội – 03/2021)
- Triển lãm nhóm Cabcon (Hội An – 11/ 2020)
- Triển lãm nhóm Noirfoto Group Show (tp. Hồ Chí Minh – 07/2020)
- Triển lãm cá nhân 9 – Paris in Black & White (tp. Hồ Chí Minh – 04/2019, Hà Nội – 07/2019)
- Triển lãm nhóm Chuyện châu Âu (tp. Hồ Chí Minh – 2011)
- Triển lãm nhóm Up and Down (Hà Nội – 2010)
- Triển lãm nhóm Je suis étudiant Vietnamien (Paris – 2009)
- Triển lãm nhóm Mon tendre Hanoi (Paris – 2008)
BÀI LIÊN QUAN
VỀ GIÁM TUYỂN
Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sĩ thị giác, một nhiếp ảnh gia, giám tuyển độc lập và là giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Việt nam. Anh tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Hà nội, tốt nghiệp trường đại học ngoại ngữ Hà nội và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ thuật thực nghiệm tại Học viện Mỹ thuật Trung Ương Trung Quốc, Bắc Kinh (CAFA).
Các tác phẩm của anh thường mang đậm tính chất nghiên cứu xã hội học, chất vấn và suy tư về ký ức và những giá trị nhân văn bị đổ vỡ và mất mát trong quá trình xung đột giá trị của xã hội Việt nam thời kỳ chuyển đổi. Sơn đã thực hiện hơn 20 triển lãm cá nhân và rất nhiều các triển lãm nhóm được trưng bày triển lãm ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc… Tác phẩm của Sơn đã được sưu tập tại một số bảo tàng như Worcester Art Museum, Đại học RMIT, bảo tàng nghệ thuật CAFA, bảo tàng mỹ thuật tư nhân Trần Hậu Tuấn, Bộ sưu tập trong nghệ thuật đương đại trong không gian Nhà Quốc Hội Việt Nam, Wink Hotel, Canvas International Art, Amsterdam, Đại sứ quán Pháp tại Hà nội …
Ngoài những dự án cá nhân, trong vai trò là giảng viên, anh đã giúp đỡ các sinh viên trẻ tài năng ham học hỏi tổ chức các workshop và dự án triển lãm. Ngoài ra anh cũng mở hướng kết nối nghệ thuật đương đại với các không gian công cộng thông qua các dự án như Nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, Không gian nghệ thuật trong hầm nhà Quốc Hội, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, Dự án ECO-SUS tại trung tâm ICISE, Qui Nhơn, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm…
Xem thêm
• “Chơi” với nghệ thuật vị lai theo cách của nhiếp ảnh gia tĩnh vật Monkey Minh
• Gen Z gợi ý cách đăng ảnh “dump” lên Instagram nhưng đầy tính nghệ thuật
• “Ký gửi” nghệ thuật cho hơi thở
VỀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC
Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, ra đời đầu năm 2017, là không gian sáng tác, chia sẻ, nuôi dưỡng các giá trị của nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh và in ảnh thủ công, cả về chuyên môn và phát triển cộng đồng.
Noirfoto xây dựng và vận hành một không gian xưởng nghệ sĩ bao gồm một studio nhiếp ảnh và một phòng tối được trang bị chuyên nghiệp đầu tiên và tốt nhất tại Việt Nam dành cho các kỹ thuật in ảnh thủ công. Tại không gian này và ở nhiều nơi khác hợp tác cùng các tổ chức trong nước và quốc tế, Noirfoto tổ chức các buổi workshop và lớp học cung cấp kiến thức và kỹ năng nhiếp ảnh, các cuộc thi ảnh, cũng như các buổi trò chuyện của các chuyên gia. Noirfoto cũng là đơn vị tổ chức triển lãm dày dặn kinh nghiệm dành riêng cho các nghệ sĩ thị giác thực hành nhiếp ảnh từ mới đến thành danh, từ triển lãm cá nhân đến triển lãm nhóm.
VỀ ĐỊA ĐIỂM TRIỂN LÃM
Vy Gallery, nằm tại Q.1, TP HCM, được biết đến là nơi lưu trữ những câu chuyện, giá trị về văn hóa, truyền thống Việt Nam, một phòng tranh thương mại uy tín, và cũng là một trong những địa điểm tin cậy của các buổi triển lãm nghệ thuật từ các nghệ sĩ tài năng. Thành lập từ năm 2018, Vy Gallery đã tổ chức triển lãm sách Nguyễn Trung (12/2020), triển lãm Sức Sống Mộc Nhiên – Lim Khim Katy (12/2020), triển lãm Dư Âm Tiếng Vọng – Dương Sen (04/2021), triển lãm Sáng & Tối – Lê Hồng Linh (04/2022) triển lãm Khiêu vũ tới trập trùng – Đoàn Quỳnh Như (08/2022).
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE