Bồng bềnh chốn hư không là triển lãm gồm hơn 30 tác phẩm của Tia-Thuỷ Nguyễn trong hành trình khám phá 3 trạng thái của Mây: sự biến dạng, vị trí trung gian và tính trong suốt. Cảm hứng sáng tác qua loạt tác phẩm về mây của cô đến từ cha mình, là phi công MIG-21 những năm giải phóng đất nước, và từ cuốn sách “Con đường tôi đi – Con đường của mây trắng”.
Nói về cha mình, người đóng vai trò là nguồn cảm hứng lớn cho triển lãm lần này của Tia-Thủy Nguyễn, cô chia sẻ rằng từ khi còn còn nhỏ, cha thường kể cho cô nghe về thời tiết, về những đám mây, về những thông điệp mà mây muốn gửi gắm. Trong suốt thời chiến tranh oanh liệt, những ký ức còn sót lại về khoảng trời lặng, về âm thanh của đạn bom, của giông tố, những ký ức về những người đồng đội đã “bay xa” được cô thấu hiểu, cảm nhận thông qua đôi mắt từng trải của cha mình.
Có lẽ, những câu chuyện ngày thơ ấu, và cả những câu chuyện dữ dội về một thời đạn bom đã nuôi dưỡng trong tâm hồn Tia-Thủy Nguyễn những xúc cảm chân thành, dung dị nhưng cũng thật nên thơ dành cho những đám mây.
Để thực hiện những tác phẩm trong triển lãm lần này, Tia-Thuỷ Nguyễn bắt đầu quan sát sự tương tác giữa nắng, gió và mây, tạo nên những hình thù vật lý và màu sắc khác nhau trên bầu trời. Những bức tranh về mây tựa như nhật ký hành trình của cô, mỗi bức được vẽ từ một điểm “ngắm” khác lạ từ cửa sổ máy bay khi nhìn xuống tầng đối lưu.
Qua loạt tác phẩm thuộc triển lãm, ta cũng sẽ thấy được một khía cạnh khác về Tia. Cô xem bản thân mình như một đám mây, phóng chiếu những tâm tư, tình cảm lên dáng hình, màu sắc của chúng, biến đổi đổi theo cơn gió. Không điểm đầu, không điểm cuối. Không tụ vào, không tan ra. Góc nhìn này thể hiện phần nào cuộc sống của cô trong suốt 2 năm qua, với phần lớn thời gian ngược xuôi một mình, băng qua rất nhiều đường biên và lãnh địa rộng lớn, nằm giữa Việt Nam và Châu Âu, những vùng đất nơi Đông và Tây “va chạm”, hòa lẫn và định hình lẫn nhau.
Xem thêm
• Những tài khoản Instagram bạn nên theo dõi nếu yêu thích nghệ thuật cắm hoa
• 7 tài khoản digital painting khiến gen Z mê mệt trên Instagram
• 13 tài khoản Instagram cho những ai yêu thích nghệ thuật đan len
Để lột tả những quang cảnh gần như siêu thực này, thú vị thay, đây là lần đầu tiên Tia-Thủy Nguyễn kết hợp cả kỹ thuật vẽ sơn dầu sở trường và kỹ thuật thêu, đính cườm thủ công, nơi mà cô đã thực hành nghệ thuật như một fashion designer 10 năm qua với thương hiệu Thủy Design House. Chỉ riêng công đoạn thêu và đính cườm đã mất đến 14 tháng với 16 người thợ đính kết lành nghề. Số lượng cườm không thể đong đếm bằng hạt nhưng khối lượng của toàn bộ tác phẩm lên đến gần 80 kg.
Tia-Thủy Nguyễn chia sẻ: “Mỗi kỹ thuật đều là một quá trình học hỏi, trau dồi và trải nghiệm, và các kỹ thuật là “họa cụ” để tôi làm nên chuỗi tác phẩm “Bồng bềnh chốn Hư không”. Việc thể hiện được đủ, được “đã” cái “tôi” của mình vào trong tác phẩm đã là thử thách và trong mỗi giai đoạn thực hành nghệ thuật, cách mình tìm tòi, hứng thú với một chất liệu, kỹ thuật nào đó hoàn toàn khác nhau”. Và chính hành trình và những trải nghiệm ấy đã khẳng định được “tay nghề” của người nghệ sĩ như Tia. Cô cho rằng, kỹ thuật hay chất liệu cũng chỉ là công cụ. Cách thể hiện hoàn toàn khác thì sẽ mang đến cho người nghệ sĩ những cảm xúc và cách dẫn dắt hoàn toàn khác.
———
“Mỗi kỹ thuật đều là một quá trình học hỏi, trau dồi và trải nghiệm, và các kỹ thuật là “họa cụ” để tôi làm nên chuỗi tác phẩm “Bồng bềnh chốn Hư không”. Việc thể hiện được đủ, được “đã” cái “tôi” của mình vào trong tác phẩm đã là thử thách và trong mỗi giai đoạn thực hành nghệ thuật, cách mình tìm tòi, hứng thú với một chất liệu, kỹ thuật nào đó hoàn toàn khác nhau”.
Phép ẩn dụ được sử dụng để liên đới với cảm xúc là nền tảng trong câu chuyện xuyên suốt triển lãm lần này. Tia-Thuỷ Nguyễn chơi với bảng màu hẹp hơn, chỉ với hai sắc đỏ và đen, cô đã lột tả được đầy đủ sự tương phản sáng-tối, hay trạng thái “bồng bềnh”, kỳ ảo vốn sẵn của Mây. Màu đỏ là một trong 3 màu sắc cơ bản để tạo ra những sắc màu khác nên đây là màu sắc mang năng lượng rất mạnh. Để làm chủ được màu sắc này rất khó, nhưng Tia-Thủy Nguyễn đã tự đặt ra một thử thách cho mình: chuyển hóa nguồn năng lượng mạnh mẽ ấy trở nên bồng bềnh và tĩnh lặng hơn thông qua tác phẩm của mình. Với cô, “Mây tồn tại như một bí ẩn” – trích “Con đường tôi đi – Con đường của mây trắng”, Osho.
BÀI LIÊN QUAN
Khi trải nghiệm những chất liệu mới, những màu sắc mới cho tác phẩm lần này, Tia-Thủy Nguyễn chia sẻ: “Khi trong vai một nhà thiết kế, tôi hay “tham lam” một chút với tác phẩm của mình. Nhưng khi là một hoạ sĩ, tôi phải rất tiết chế. Thay vì thêm màu này, thêm chi tiết nọ, tôi tập trung nâng cao cảm xúc và bỏ qua những thứ quá kỹ thuật, quá hình tượng; chọn lọc để đưa vào tranh một thứ lãng du, lãng đãng. Mục tiêu cuối cùng là để thể hiện cảm xúc, không phải thể hiện chính xác chi tiết vật chất của bất kỳ câu chuyện nào”.
Ngày 25/9/2022, triển lãm nghệ thuật Bồng bềnh chốn hư không sẽ được khai mạc tại Château La Coste, nơi Tia-Thuỷ Nguyễn đã lưu dấu ấn của mình với tác phẩm Silver Room. Đây cũng là nơi trưng bày nhiều tác phẩm hội họa của nhiều nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Tia-Thủy Nguyễn chia sẻ rằng, lần thứ hai đến với Château La Coste giúp cô hiểu, tự tin hơn vào khả năng của bản thân và vượt ra khỏi vùng an toàn của riêng mình. Chính nhờ sự quan tâm của những người bạn, nhà sưu tập, giới chuyên môn đã giúp cô vượt qua những chướng ngại trong tư tưởng, những rào cản mà Tia đã dựng lên cho bản thân.
Khi những tác phẩm mang đậm sắc màu Á Đông trong triển lãm Bồng bềnh chốn hư không của mình được đặt trong không gian đương đại như Château La Coste, Tia-Thủy Nguyễn bộc bạch: “Đứng trước thử thách và áp lực giữa nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, tôi cũng có rất nhiều suy nghĩ và trăn trở, cũng như tạo áp lực cho bản thân. Nhưng rồi tôi quay về đúng như ý tưởng của triển lãm – không thể chinh phục, không thể đánh bại. Tôi đã buông bỏ những cố gắng, mong muốn vượt qua hay mong muốn thể hiện. Tôi chỉ là chính mình nhất có thể. Và tôi cũng mong tinh thần ‘chính là tôi, không phải cố gắng để là tôi’ ấy sẽ là ấn tượng về sự khác biệt”.
Château La Coste là khu vườn có các tác phẩm điêu khắc và tác phẩm kiến trúc của một số nghệ sĩ và kiến trúc sư “gạo cội” của thế giới: nghệ sĩ người Mỹ gốc Pháp Louise Bourgeois, bà được biết đến nhiều nhất loạt với tác phẩm điêu khắc, sắp đặt nhện Maman; nghệ sĩ phát minh ra loại hình điêu khắc chuyển động Mỹ Alexander Carder với tác phẩm Small Crinkly; nghệ sĩ sắp đặt đương đại Trung Quốc Ai Wei Wei với tác phẩm sắp đặt đồ sộ có tên Ruyi Path… và còn rất nhiều nghệ sĩ và tác phẩm khác như: Damien Hirst, Tracy Emin, Sophie Calle, Franz West, Tom Shannon, Tunga, Tracey Emin, Frank O. Gehry, Liam Gillick, Andy Goldsworthy, Jenny Holzer, Guggi… và kiến trúc của Tadao Ando, Renzo Piano, Richard Rogers. Nơi đây là sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật đương đại, kiến trúc và văn hóa rượu vang, tại địa chỉ 2750 Route De La Cride, 13610 Le Puy-Sainte-Réparade, Aix-en-Provence, Pháp.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ qua email: tia@tia-thuynguyen.com
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE