Triển lãm Polar Voids: Hố Phân Cực
Asian Art Bridge hân hạnh giới thiệu Triển lãm “Polar Voids – Hố Phân Cực”, triển lãm mở đầu cho chuỗi “Nghệ thuật Châu Á đang lên”. “Polar Voids” là triển lãm đôi của họa sĩ Việt Nam, Hoài Phương cùng nghệ sĩ Macau, Ioi Choi diễn ra từ ngày 1/4 đến 10/4/2024 tại Cung Điện Hoàng Gia Palais Royal, quận 1, Paris.
Trong triển lãm này, một nghệ sĩ chuyển động cọ để vẽ nên mọi thứ bằng những thủ pháp hoạ phương Đông chi tiết nhất có thể và thu thập năng lượng của cô vào một/hoặc một số lỗ đen trên bề mặt giấy. Tác phẩm của nghệ sĩ còn lại hoàn toàn ngược lại – tỏa ra rất nhiều năng lượng từ cơ thể với một “sự rỗng” – sự trống rỗng trong suy nghĩ hay sự giải phóng tâm trí của nghệ sĩ trên một bề mặt toan lớn. Đó là lý do chúng tôi kết hợp cả hai trong một “Hố Phân Cực”. Hai cực hoàn toàn đối lập nhưng vô hình chung lại có điểm giao “Hố đen” tại đâu đó.
Nếu “sự rỗng” trong seri tranh MIRRORS (GƯƠNG) của ioi là sự giải phóng nội tại – khi thân thể, sắc màu và tâm trí giao thoa, hòa quyện để rồi thăng hoa; nói cách khác đó là sự “thêm vào” để đạt đến trạng thái “rỗng”, như khi tất cả màu sắc hòa quyện thành sắc trắng – thì “cái không” trong những tác phẩm của Hoài Phương là đối nghịch với nó, một khoảng không im lặng của nỗi buồn. Giống như “memento mori” là một motif tranh nhắc ta nhớ về sự vô thường của kiếp người, bốn bức tranh trong Chạm vào hư không của Phương là những lời gợi nhắc về vực sâu trong tâm cảnh.
Mặc dù ioi Choi đối lập với Phương, vẽ hoàn toàn ngẫu hứng tùy theo lớp màu cô cảm nhận khi chạm vào tâm toan, theo vũ đạo của cơ thể mình. Nhưng cuối cùng, tuy cả hai đều có định nghĩa riêng về VOID – “Sự không” của chính mình, tranh của Ioi và Phương lại có sự bổ sung cho nhau về màu sắc và tần số.
Tác phẩm của Hoài Phương
Tên series: Toccata Vuoto (Chạm vào hư vô). Toccata từ nguyên Toccare của tiếng Ý nghĩa là “Chạm” và cũng là tên một thể loại nhạc thính phòng thể hiện bản sắc cá nhân của những nhạc công. Và Vuoto (Tiếng Ý) nghĩa là “Trống rỗng”. Series này là bản hòa âm của Hoài Phương về những sắc thái khác nhau của “Sự rỗng” trong cuộc đời con người.
Hãy nhớ về tội lỗi dựa trên Bảy Nguyên Tội theo Thánh Kinh, được khắc họa thành bảy hồ nước đen chảy từ đỉnh núi vào những chiếc vũng nhỏ, cho đến khi chạm đáy và hóa thành một bể nước đen ngòm khổng lồ. Hoài Phương từng đọc trong một tiểu luận bàn về cái ác của Calre Carlise, đại ý xin tóm lại như sau: “Nếu những hành vi tốt đẹp lấp đầy ta với những cảm xúc tốt đẹp, thì những hành vi ác ý nó thêm vào trong ta cái gì? Không, nó rút đi một chút gì đó từ ta”. Con người sinh ra không ai ác độc, không ai tội lỗi, tinh khiết như băng giá trên đỉnh núi cao, nhưng quá trình trưởng thành cũng như băng tan, hóa lỏng thành dòng nước, chầm chậm tuôn tràn, càng xuống thấp thì lại càng đầy lên, cho đến ngày ta lún sâu và bị nhấn chìm trong cái hố đen ngòm của tham lam, dục vọng, thù hằn… “Hôm nay, tôi đã va phải tội lỗi nào, tôi có đang trầm mình trong chiếc hồ nào không?”, là một suy nghĩ thường trực trong tâm thức của tác giả, và khi đứng đối diện ngọn núi này, bạn cũng hãy hỏi lại chính mình câu hỏi đó.
Hố sâu nhân tạo mượn cảm hứng từ những bức tranh thủy mặc xưa theo bố cục cao viễn, vốn là một motif tranh cổ điển ca ngợi cái đẹp của tự nhiên cũng như chỉ ra sự nhỏ bé của con người. Nhưng đập vào mắt ta trong bức tranh này là những cái hố sâu đen ngòm – dựa trên tư liệu về những mỏ khoáng sảng lộ thiên – những dấu vết đục khoét con người để lại trên bề mặt thiên nhiên mà khi ta nhìn xuống từ vệ tinh nó vẫn còn hiện rõ, như những dấu vân tay vằn vện lõm vào giữa núi đồi. Hoài-Phương đã dùng dấu vân tay của chính mình để vẽ nên những chiếc hố này, như một lời nhắc nhở rằng tham vọng của con người là không có đáy, và trên hành trình khai hoang lập địa, chúng ta đang đào nên những cái hố sâu hủy diệt không chỉ cho đồng loại mà cả bầu sinh quyển tuyệt vời nơi bao nhiêu loài sinh vật khác gọi là nhà.
Vực xoáy ở trong lòng họa lại một trải nghiệm của riêng họa sĩ nhưng có lẽ bao người khác đã từng đi qua. Đây là sự hình tượng hóa tâm trạng của cô trong thời gian vật lộn với chứng mất ngủ và kéo theo đó là bệnh trầm cảm. Như thể trong lòng có một vực xoáy điên cuồng đang lôi mình xuống đáy sâu thăm thẳm, nỗi buồn dần nuốt trọn chính bản thân mình. Đây là sự nhắc nhở rằng ai trong chúng ta cũng có bóng tối trong lòng, và ta chẳng thể biết được khi nào chính mình, hay người mình yêu thương sẽ bị nó nuốt chửng. Hãy luôn nhớ đến, hãy hiểu thêm về nó, để ta có thể tự kéo mình khỏi vực xoáy này, và giúp đỡ những người bên cạnh khi họ vô tình rơi vào trong đó.
Bức tranh cuối cùng Chạm vào hư vô, đơn thuần là một hố đen giữa vũ trụ lộng lẫy mênh mông, và cũng là một lời nhắc nhở vô cùng mật thiết với họa sĩ về sự vô thường. Mỗi chấm nhỏ trong bức tranh là một vì sao, một thiên hà rực rỡ, mà ánh sáng chúng phát ra có thể chỉ đến được mắt ta hàng trăm triệu, hàng tỷ năm sau khi chúng đã tàn lụi. Và ở giữa những thiên hà đẹp đẽ đầy sức sống đó là một hố đen hủy diệt – một thứ ta không thể nhìn thấy nhưng biết rằng thực sự tồn tại, sức mạnh của nó kết nối những vì sao, tạo ra quy luật cho chúng xoay vòng. Mỗi chúng ta chứa đựng trong mình vật chất của vũ trụ, ta có trong chính mình cả sinh lẫn diệt, hòa quyện thành nhất thể. Như hạt cát giữa càn khôn, chúng ta vừa vô cùng đặc biệt, vừa bé nhỏ khôn cùng. Như Marcus Aurelius (Hoàng đế La Mã) từng nói: “Châu Âu và Châu Á chỉ là những cái hốc nhỏ trong vũ trụ; tất cả đại dương chỉ là hạt nước giữa mênh mông thời-không; Núi Athos: một cái gò nhỏ, và hiện tại chỉ là một khoảnh khắc nứt ra từ mênh mông vĩnh hằng” (Đoạn 36, cuốn 6, Suy tưởng). Vậy thì điều gì thực sự có ý nghĩa trong kiếp sống ngắn ngủi này? Đó là câu trả lời tự mỗi người phải đi tìm lấy.
Tác phẩm của ioi Choi
Quá trình thể hiện cơ thể như một kho lưu trữ chuyển động bao gồm việc trộn các màu tự nhiên từ khoáng, đất với dầu thực vật để tạo ra màu vẽ. Hỗn hợp này sau đó được bôi lên mọi bề mặt trên cơ thể ioi. Vì ioi chủ yếu làm việc trên những tấm toan khổ lớn trải trên sàn nên có đủ không gian để cô có thể “bơi” trong đó, thực hiện một loạt động tác trên sàn tập trung vào cơ thể – co, uốn, cuộn và duỗi. Với ý định sắp xếp cơ thể giống như một tác phẩm điêu khắc, chạm khắc không gian xung quanh mình, ioi cố gắng tạo ra một bố cục phi tuyến tính xếp chồng lên nhau.
Do đó, quá trình trình diễn – vẽ sẽ loại bỏ ranh giới giữa cơ thể và mặt đất mà chúng ta đang đứng bằng cách bắt đầu một nghi lễ thân mật với các chất màu tự nhiên không pha thêm một tạp chất hay chất hoá học nào; nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là một cái cây đơn lẻ trong một khu rừng mà là cả khu rừng trong một cái cây. Chúng ta là một phần của vũ trụ, và chưa bao giờ tách rời khỏi nó.
Trong loạt tranh mang tên MIRRORS – (GƯƠNG), ioi thể hiện qua 22 bức tranh về hành trình của cơ thể con người như điểm khởi đầu trong mối quan hệ với vật chất. Câu chuyện được chia thành 9 chương, một chu kỳ số học của các diễn biến. Tiêu đề của mỗi chương cung cấp một hướng dẫn để khám phá khía cạnh tâm linh của sự tồn tại. Loạt tranh “SILHOUETTES” (HÌNH BÓNG) là chuỗi tác phẩm vẫn đang tiếp tục hoàn thiện trong năm 2024. Trong chuỗi tác phẩm này, ioi nhìn cơ thể mình như một tấm bản đồ cảm xúc, từ đó nhìn nhận về các mối quan hệ xung quanh trong cuộc đời của mình.
Mỗi hình ảnh là một lời mời chấp nhận những hình thức hiện lên trong tâm trí người xem. Tấm gương soi dòng sông tiềm thức của mỗi cá nhân. Giống như bài kiểm tra Rorschach, mỗi tác phẩm vẫn vô nghĩa nếu người xem không nhận thức được hình thức có vẻ trừu tượng của nó.
SELF là lời ca ngợi một mối quan hệ sẽ tồn tại lâu hơn tất cả những mối quan hệ còn lại. Một bài thơ ca ngợi sự cô độc, tự nhận thức, yêu bản thân và thừa nhận bản thân.
Bộ tác phẩm trong seri MIRRORS. Tinh thần duende đề cập đến trạng thái xác thực cao độ, khái niệm này thường được kết nối với điệu nhảy flamenco. Màu sắc mang tông màu đất, trong khi đó nghệ sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nền tảng khiêu vũ trên mặt toan. Ioi Choi thể hiện cảm giác cắm rễ xuống đất bằng bàn chân sau đó duỗi người lên; quay, nhảy.
Bộ tác phẩm từ seri MIRRORS (GƯƠNG). Cơ thể qua thời gian là một quá trình biến đổi không bao giờ kết thúc. METAMORPHOSIS làm nổi bật cơ thể đã được giải cấu trúc và tái cấu trúc, phản ánh thông tin chảy vào và ra khỏi sự nhất trí của cơ thể. Chúng ta là những cuộc trò chuyện, những phong cảnh, những cảm giác được tiêu hóa và tưởng tượng lại. Hiện thực bị bóp méo, biến dạng, tái tạo thành một cái gì đó mới.
Về nghệ sĩ
ioi Choi bẩm sinh là một vũ công, một biên đạo múa được đào tạo, một họa sĩ sử dụng cơ thể khiêu vũ làm phương tiện. Cô học múa cổ điển Trung Quốc từ khi còn nhỏ cho đến năm 18 tuổi. Sau đó cô tốt nghiệp Trung tâm Múa Broadway, New York và Đại học Nghệ thuật Paris (Paris College of Art). ioi Choi chỉ sử dụng chất màu tự nhiên, dầu ô liu hoặc dầu dừa làm chất xúc tác màu cho bức vẽ của mình. Cô là người Macau, hiện đang sống ở Paris.
Hoài Phương đến từ Sài Gòn, Việt Nam và hiện sinh sống tại Bologna, Ý. Cô tốt nghiệp bằng Cử nhân Thiết kế Đồ họa tại Đại học Bang Tây Nam Oklahoma (Southwestern Oklahoma State University), Hoa Kỳ.
Sử dụng các kỹ thuật truyền thống của châu Á như vẽ tranh bằng bột màu và mực tự nhiên, Phương hy vọng có thể hiểu được bản chất của quá khứ đồng thời mang đến một góc nhìn mới mẻ cho tác phẩm của mình. Nghệ thuật của cô là sự kết hợp giữa kỹ thuật châu Á và chủ nghĩa hiện thực phương Tây, phản ánh quan điểm của cô là một người Việt hải ngoại không ngừng đặt câu hỏi về vị trí và mối liên hệ của mình với môi trường xung quanh.