50 sắc thái Kota Kinabalu – Du lịch Malaysia
Nếu bạn vẫn mơ về Maldives, Fiji hoặc bất cứ vùng nghỉ dưỡng đắt đỏ nào khác, có lẽ bạn sẽ thay đổi quan điểm về sự tận hưởng khi bạn tìm tới Kota Kinabalu, Malaysia.
Đã từ lâu, tôi đã nghĩ về Malaysia chỉ như một đất nước nhàm chán. Tôi từng không thích đi du lịch Malaysia. Thế nên, nơi đây luôn chỉ là trạm trung chuyển mỗi khi tôi đi đâu đó bằng máy bay giá rẻ. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bỏ ra cả tuần để lang thang ở đất nước này với rất nhiều lý do: Thức ăn không ngon, quang cảnh không có gì nổi bật và quá gần… Việt Nam. Dẫu vậy, có lẽ ông trời đã không đồng tình với tôi, thế nên vì một sự cố ngoài ý muốn, tôi đã phải ở lại Malaysia trong vòng một tuần. Và sự cố ấy đã mở ra cho tôi một Malaysia khác, một đất nước không chỉ có tòa tháp đôi và những công trình xây dựng dang dở, mà là một đất nước xanh và ý thức cao độ về việc bảo tồn tự nhiên, một đất nước mở rộng cho những tiềm năng du lịch. Điểm đến tiêu biểu nhất cho những nơi đó là Kota Kinabalu.
Trải nghiệm văn hóa khó quên
Tới sân bay, chúng tôi quyết định không ghé vào Kuala Lumpur mà bay thẳng tới Kota Kinabalu, thành phố được coi là tâm điểm của các resort tại Malaysia, chỉ có điều là chúng… vẫn chưa được xây dựng. Kota Kinabalu, hay còn được người địa phương trìu mến gọi ngắn gọn là KK, là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất tại Malaysia hiện nay.
KK có một quá trình lịch sử phức tạp. Nơi này từng tồn tại dưới sự cai trị của đế quốc Brunei, sau đó trở thành thuộc địa của các nước phương Tây, trở thành món hàng mua đi bán lại trước khi Alfred Dent, người thành lập công ty Bắc Borneo thuộc Anh, tập trung xây dựng thành một khu định cư nhỏ. Dẫu vậy, những chính sách hà khắc của công ty thuộc địa đã khiến người dân nơi đây nổi giận, và cuối cùng khu định cư cũng bị thiêu rụi vào năm 1897. Sau nhiều lần đổi trung tâm hành chính, nơi này được đặt tên Jesselton, trở thành một cảng biển sầm uất. Sau đó, trong chiến tranh thế giới thứ hai, nơi đây lại một lần nữa bị tàn phá bởi bom đạn. Chỉ có ba công trình duy nhất tồn tại và được người dân bảo tồn cho đến ngày nay. Cái tên Kota Kinabalu chỉ mới chính thức được đặt từ năm 1967, đánh dấu cho một tiến trình lịch sử mới của không chỉ nơi đây, mà của cả Malaysia.
Chính vì đặc điểm lịch sử phức tạp như vậy, Kota Kinabalu hội tụ rất nhiều yếu tố và dấu tích văn hóa như mọi nơi khác tại Malaysia, nhưng đồng thời lại là một thành phố rất mở. Ở đây, sự phân chia giữa người Hoa, người Hồi giáo, Ấn Độ và người Malaysia bản địa không rõ ràng như tại Kuala Lumpur, tạo cho du khách cảm giác dễ hòa nhập. Tuy nhiên, cùng lúc đó họ vẫn có thể tìm và ngắm nhìn những công trình văn hóa, tôn giáo đặc sắc.
Một trong những địa điểm được yêu thích và thu hút những người chụp ảnh nhất chính là City Mosque (Nhà thờ Hồi giáo của thành phố). Để đến được đây, bạn có thể chọn xe bus với giá 1 ringit hoặc thuê taxi. Là một công trình tôn giáo, nhưng City Mosque có dáng dấp của một thiết kế đương đại, đơn giản, tiết chế với màu xanh “Hồi giáo” điển hình, tạo thành một tổng thể ấn tượng mà không chút nặng nề. Điều thú vị là công trình này nằm ngay đối diện một cảng biển xinh đẹp, lộng gió với con đường rợp bóng cây dành cho người đi xe đạp và chạy bộ. Chúng tôi chỉ dành một giờ để thăm thú công trình, sau đó thảnh thơi dạo bước dọc bờ biển, tận hưởng bầu không khí mát rượi và ánh mặt trời rực rỡ.
Muốn tham quan một công trình đậm chất tôn giáo hơn, ngay chiều hôm ấy, chúng tôi ghé qua Sabah State Mosque. Công trình được xây dựng năm 1976 này khiến chúng tôi phải ồ lên ngay từ lần đầu nhìn thấy. Được xây dựng không lâu sau khi thành phố chính thức thành lập và đổi tên, Sabah State Mosque mang vẻ đẹp lộng lẫy, tự hào và đồ sộ. Dưới ánh nắng nhiệt đới, những chóp nhà dát vàng càng trở nên lấp lánh, rực rỡ, thể hiện cho tinh thần của những người theo đạo Hồi của mảnh đất này.
Thật thuận tiện, Sabah State Museum và Heritage Village chỉ cách nơi này vài trăm mét, cho phép chúng tôi có thể đi bộ, ghé thăm và tìm hiểu về lịch sử mảnh đất này. Điều thú vị nhất trong quần thể này chính là những mô hình nhà ở tại Sabah cho phép du khách có thể nhìn thấy rõ tư duy kiến trúc, thói quen sống và những sinh hoạt văn hóa mỗi ngày của người dân nơi đây.
Thế giới ẩm thực tuyệt vời
Sau một ngày dài thăm thú, sự hấp dẫn tột đỉnh của một thành phố biển, không gì khác, chính là hải sản. Và Kota Kinabalu chính là nơi tuyệt vời nhất để bạn có thể tận hưởng điều bạn muốn. Chợ hải sản kiêm quán ăn đêm chạy dọc theo bờ biển, trở thành một festival ẩm thực hàng đêm cho tất cả mọi người. Malaysia không phải là một đất nước nổi tiếng về ẩm thực, nhưng riêng nơi đây cho bạn một trải nghiệm khác biệt, vì dù bạn đến từ đất nước nào, bạn cũng sẽ hài lòng với rất nhiều lựa chọn. Nằm ngay cạnh bãi biển trung tâm thành phố, gần với các khách sạn lớn nhất tại Kota Kinabalu cũng như những khu chợ đêm đông đúc, khu chợ hải sản Filipino tấp nập có thể được coi là điểm tập trung đông du khách nhất hàng đêm. Những người đến đây phần lớn đều hết sức bận rộn, vì nếu họ không phải là người phục vụ, không phải là thực khách thì cũng đang mải mê chụp ảnh, bình luận về các loại cá tôm tươi ngon với nhiều kích cỡ.
Bạn có thể chọn bất cứ một quầy ăn nào, tự tay chọn những con cá mình muốn ăn, hay có thể thử những món mới do người bán hàng gợi ý. Chỉ vài phút sau, món ăn bạn muốn đã được bày ra trước mắt với mức giá hợp lý. Đặc sản nơi đây không chỉ là tôm cá, mà còn là món rong biển tươi sống, hơi khó ăn với những người mới nếm lần đầu, nhưng lại gây nghiện với bất cứ ai đã quen thuộc với việc ăn các món hải sản tươi sống.
Vào ban ngày, các du khách tại Kota Kinabalu cũng được trải nghiệm những món ăn thú vị, sản phẩm của sự giao thoa văn hóa của con người nơi đây. So với các địa điểm khác tại Malaysia, chúng tôi đánh giá các món ăn địa phương tại đây “cởi mở” hơn hẳn. Có lẽ là vì phần lớn chủ các hàng tại đây đều là người gốc Hoa, và họ cũng đã mau chóng cải biến các món ăn “ngọt, béo” của mình thành những món dễ ăn, hợp khẩu vị của một thành phố cảng hơn.
Cửa ngõ của rừng và biển
Vị trí địa lý của Kota Kinabalu biến nơi này thành một điểm dừng chân đặc biệt. Phần lớn du khách tới đây là để chuẩn bị cho những hành trình thám hiểm rừng và núi. Kinabalu là ngọn núi cao nhất Đông Nam Á, hàng năm thu hút hàng nghìn tình nguyện viên và những người thám hiểm đến đây. Tuy nhiên, lần ghé thăm này chúng tôi quyết định dành thời gian tham quan các hòn đảo lân cận thành phố Kota Kinabalu.
Năm hòn đảo gồm Gaya, Sapi, Manukan, Sulug và Mamutik cùng các rạn san hô và hải vực lân cận đều nằm trong Vườn quốc gia Tunku Abdul Rahman, mang đến cho chúng tôi một ấn tượng khó quên. Thuê một con tàu nhỏ với giá 120 ringit, chúng tôi được chở tới đảo Manukan, hòn đảo lớn nhất với các dịch vụ tương đối đầy đủ cho du khách. Tuy nhiên, vì Kota Kinabalu chưa trở nên quá phổ biến trong bản đồ du lịch nên không khí trên các bãi biển của đảo vẫn còn khá yên ả. Rừng cây giữa đảo như cố tình làm lơ sự có mặt của du khách, vẫn thản nhiên đón chào những loài chim sặc sỡ đến làm tổ và cất tiếng hót ngọt ngào.
“Chối từ” sự văn minh, chúng tôi lại tiếp tục đến với hòn đảo Sapi, nơi vắng lặng không một bóng người. Bãi biển này có mực nước nông đến nỗi bạn có thể đi mãi, đi mãi ra phía xa bờ mà nước vẫn chỉ ngập ngang thân. Và dưới chân bạn, những cây rong biển mơn man như một lời chào đón.
Nằm trong vịnh lặng gió, dưới ánh mặt trời mùa Hè, mặt biển quanh Manukan tĩnh lặng và xanh biếc đến đáng kinh ngạc. Những sắc xanh của vùng biển Sabah liên tục biến đổi, khiến riêng việc ngắm biển thôi đã là một lạc thú. Thả mình trên mặt nước, người ta có thể tưởng mình đã lạc đến chốn bồng lai tiên cảnh, không cần phải bận lòng suy nghĩ về bất cứ điều gì.
Khi thuê một bộ đồ lặn để ngắm san hô, tôi đã hiểu tại sao người dân nơi đây không quá mặn mà với việc phát triển du lịch. Trước mắt tôi khi ấy hiện lên một thế giới tuyệt sắc của biển. Những rạn san hô trải dài, những chú cá hề sọc da cam nô giỡn, những đàn cá xanh biếc thư thả kiếm ăn quanh khóm hải quỳ, những con hải sâm màu tím chậm chạp bò trên mặt cát. Đó là những điều người dân nơi đây tha thiết bảo tồn. Một người bạn đã sống nhiều năm tại vùng Sabah nói với tôi rằng người dân Malaysia không bao giờ muốn tàn phá thiên nhiên của họ, vì họ đã coi đó là niềm tự hào, và cũng vì họ đã thấy đầy đủ sẵn. Tôi tin vào lời chị khi nhìn ra mặt biển xanh vô tận từ đảo Sapi, vì đã có biển, ta chẳng cần gì khác nữa.
—
Xem thêm:
Du lịch Malaysia khám phá đảo Penang
Ảnh: 123RF