Alaska – Biên giới sau cùng
Cho đến khi đặt chân xuống sân bay Anchorage – Alaska, tôi như nghẹn lời, chỉ còn ý nghĩ: cuối cùng mình cũng đến được nơi đây.
Sự ưu đãi của thiên nhiên
Càng vào sâu Alaska càng thấy tạo hóa ưu đãi cho Bắc Mỹ và cụ thể là cho Mỹ như thế nào. Có thể khi thương lượng mua Alaska với giá 2 xu/mẫu Anh và tổng số tiền phải trả cho nước Nga là 7,2 triệu đô la thời thế kỷ XIX, chính ngoại trưởng William Seward (dưới thời tổng thống Lincoln) cũng không thể tưởng tượng nổi ông đã mang về cho Mỹ quốc một vùng đất rộng lớn (bang Alaska là tiểu bang lớn nhất nước Mỹ) gồm nhiều khoáng sản, nguyên vật liệu, nguồn động vật và thủy hải sản dồi dào đến như vậy.
Rừng thông chiếm đa số diện tích, thông mọc khắp mọi nơi. Toàn bộ chuyến đi của chúng tôi hầu hết là đi trên những xa lộ dài thăm thẳm giữa rừng hoặc những con đường đèo một bên rừng núi và một bên biển. Tôi còn thấy nhiều loài động vật mà trước đây chỉ biết qua sách hoặc phim tài liệu như đại bàng đầu bạc (biểu tượng của nước Mỹ), gấu, tuần lộc, đàn cá heo, cá voi, rái cá, sư tử biển…
Chúng tôi sững sờ khi chứng kiến đàn cá hồi hàng trăm con, có con to bằng cả bắp tay, chen chúc bơi ngược dòng suối để đẻ trứng. Chính quyền bang Alaska cũng kiểm soát việc săn bắn thú và câu cá trong thiên nhiên bằng những cách sau: bán vé săn bắn và câu cá tạo thêm thu nhập cho chi phí bảo tồn tự nhiên, hạn chế bắt cá sắp đẻ. Ở đầu đường ra của con suối mà chúng tôi vào xem cá hồi bơi ngược dòng có một chiếc xe thuộc đội bảo vệ tự nhiên (Park Ranger). Lúc ấy trời mưa tầm tã nhưng người bảo vệ tự nhiên ấy vẫn kiên trì “đứng gác” trông chừng có kẻ vào bắt cá trộm.
Bên cạnh đó là phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp gồm nhiều núi đồi, sông suối chằng chịt có thể khai thác nhiều dịch vụ du lịch. Chạy dọc xa lộ Seward xuôi về hướng Nam (hướng ra biển), chúng tôi gặp rất nhiều du khách cũng như người dân bản xứ tham gia các môn thể thao dã ngoại như câu cá lội nước, chèo thuyền vượt ghềnh, hay đơn giản hơn là nhiều con đường mòn nhỏ cho dân đi bộ.
Hay khi đến thành phố Homer, thủ đô của dân đánh cá Halibut (một loại cá thờn bơn sống dưới đáy biển có thịt rất mềm, thân dẹp hơi giống cá lưỡi trâu), chúng tôi còn thấy đoàn du khách mua tour đánh cá. Họ đi tàu ra khơi đánh cá Halibut và trở về với chiến lợi phẩm là những con cá béo tốt. Những con cá này sẽ được làm sạch sẽ và đóng gói cẩn thận để du khách mang về nhà. Câu cá và đánh cá ở Alaska phổ biến đến nỗi ở bưu điện nơi đây luôn có dịch vụ đóng gói, ướp chân không và gửi thẳng về địa chỉ yêu cầu.
Tuy thiên nhiên ưu đãi là thế nhưng sinh sống ở Alaska luôn luôn là một cuộc đấu tranh sinh tồn đúng nghĩa. Xa khỏi các bang khác, thời tiết khắc nghiệt đầy băng tuyết đẩy giá cả ở đây lên cao. Bạn không nên mơ mộng rằng đây là chốn thiên đường nghỉ dưỡng, bởi băng tuyết luôn phủ đầy khắp nơi và ở phía Bắc, có những nơi mặt trời không mọc trong suốt một tháng. Bạn sẽ gặp rất nhiều người có khuôn mặt khắc khổ vì vật lộn sinh tồn giữa hoang dã, nhưng dù vậy, tin tôi đi, rồi bạn cũng sẽ sớm thấy yêu họ, và yêu Alaska.
Bài: Thông Đỗ
Ảnh: Thông Đỗ, Alaska Stock/corbis