Bản tình ca mùa Hè nơi lưng chừng Pù Luông
Pù Luông – trong tiếng Thái nghĩa là “đỉnh núi” – được bao quanh bởi màu xanh thăm thẳm của đại ngàn, là nơi mà ai đến rồi cứ vương vấn mãi chẳng muốn rời đi.
Tôi làm sao quên được những buổi sớm mai, mở mắt ra đã thấy mây khói bảng lảng ngoài cửa sổ, gió tràn vào mang theo hương lúa mới. Rồi những hôm một mình rong ruổi khắp bản làng, men theo triền đồi lấm tấm màu hoa dại. Đêm nằm nghe tiếng thác rì rầm, có đom đóm lập lòe sáng như sao. Pù Luông trong tôi yên ả và dịu dàng như một bản tình ca mùa Hè trong trẻo nhưng dễ khiến lòng đắm say.
Hùng vĩ thác Hiêu
Ghé thăm Pù Luông vào một buổi trưa đầu Hè, tôi đến thẳng bản Hiêu trên con đường quanh co lưng chừng núi. Trời trong vắt và màu xanh ngút ngàn tràn vào tầm mắt. Xanh từ núi non trùng điệp đến những thửa ruộng bậc thang hình bán nguyệt tầng tầng lớp lớp. Pù Luông nằm giáp biên giới Việt- Lào phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, gần với rừng quốc gia Cúc Phương nên thiên nhiên Pù Luông vẫn còn vẻ nguyên sơ kỳ vĩ với cánh rừng nguyên sinh cùng hệ thực vật vô cùng trù phú.
Từ ngoài đường lớn, tôi phải chạy xe lên một đoạn dốc tương đối cao và gập ghềnh để vào bên trong bản Hiêu. Nằm tại địa phận xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, bản Hiêu là một bản nhỏ với hơn trăm nếp nhà sàn rải rác bên bờ suối Hiêu. “Hiêu” theo tiếng của dân tộc Thái nghĩa là mỏm đá chênh vênh, đúng với địa hình mà tôi đang đứng. Tôi chọn homestay ở lưng chừng bản, nơi mở cửa sổ có thể thấy dãy núi phía xa và hàng ruộng bậc thang trải dài trước mắt, sau lưng là tiếng thác nước ì ầm vọng lại. Hơi nước từ dòng suối Hiêu sát đó tỏa lên mát lạnh, xua tan cái nắng chói chang giữa trưa Hè.
Chiều hôm đó, do homestay vắng khách vì không phải mùa cao điểm, tôi được các cô gái người Thái là nhân viên của homestay dẫn đi chơi thác Hiêu. Đi bộ gần 100m, hiện lên trước mắt tôi là dòng thác cuồn cuộn chảy đập vào các mỏm đá vôi tung bọt trắng xóa. Quả không ngoa khi nói thác Hiêu là “đệ nhất” thác xứ Thanh với cảnh vật hoang dã và không khí trong lành. Bắt nguồn từ một hang đá thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương với chiều dài hơn 800m, dòng thác chảy đến lưng chừng rồi tách ra làm hai nhánh đổ về hai hướng và hợp lại ở cuối dòng. Dòng nước cuồng nhiệt đến mê hồn này quanh năm tuôn trào đem theo chất đá vôi màu trắng đi qua mọi nơi. Vì thế, cây cối, đồ vật, nền đất ở hai bên thác bị đông kết lại như “hóa đá”, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ.
Nơi chúng tôi đứng chính là hợp lưu cuối cùng của hai dòng chảy, tạo thành một hồ bơi vòng cung tự nhiên trong veo tuyệt đẹp. Nghe nói, nước ở đây mùa Hè mát lạnh, mùa Đông lại trở nên ấm áp kỳ lạ. Bởi vậy mà quanh năm đều có khách du lịch đến thăm quan. Thanh, một cô gái trong nhóm, mới vừa bước qua tuổi 19, rủ tôi leo lên đỉnh thác. Tôi đồng ý ngay vì nghĩ rằng chúng tôi sẽ chỉ men theo con đường ven thác đi lên. Nhưng không, tôi tròn xoe mắt nhìn Thanh và các bạn xắn ống quần, đưa tôi một đôi dép chống trơn trượt, và cứ thế, chúng tôi xăm xăm bước lên những bậc đá đi ra chính giữa thác và bắt đầu tiến lên. Bụng tôi cuộn lên như dòng thác kia, chỉ muốn chùn bước, nhưng làm sao có thể dập tắt sự háo hức của những cô gái muốn tôi được trải nghiệm và chiêm ngưỡng điều đẹp nhất của nơi họ sinh ra.
Tôi theo chân các cô gái, cẩn thận bước lên các tảng đá nhám để leo lên tầng cao hơn. Làn nước có những nơi mềm mượt mơn trớn qua kẽ chân, có nơi ào ào quyết liệt, ngẩng đầu lên là dòng thác cuồn cuộn chảy như chực chờ cuốn phăng chúng tôi về lại nơi bắt đầu. Càng đi, những bước chân của tôi càng lúc càng vững vàng và tự tin hơn, tôi thậm chí có thể đứng nơi nước chảy xiết mà không run sợ. Ở đoạn nước nhẹ nhàng, tiếng gió hòa với chim hót líu lo len lỏi trong thảm thực vật xanh rì mướt mát hai bên thác làm cho cảnh quan trở nên muôn phần thi vị.
Vì mấy ngày trước mưa lớn nên lượng nước đổ về thác nhiều, càng lên cao, nước càng chảy xiết hung dữ. Không muốn quá mạo hiểm, chúng tôi dừng lại ở lưng chừng thác, nơi tách ra làm hai nhánh. Tôi đã đứng ở đây một lúc, thinh lặng và xúc động trước dòng nước cuồng điên gầm gào mà sao trong lòng lại nhẹ nhàng, bình yên quá đỗi.
Tối hôm đó như được tắm trong dòng thác mát lành, dù hơn một giờ đồng hồ vượt qua các tầng thác, tôi vẫn không cảm thấy mệt mỏi mà ngược lại khoan khoái lạ thường. Bữa tối tôi được thưởng thức món vịt Cổ Lũng, đặc sản bản Hiêu. Vịt Cổ Lũng là giống vịt thuần chủng, cổ rụt, dáng lùn, chân nhỏ, cổ và đầu có lông khoang được thả tự do trên khắp cánh đồng, thung lũng nên chắc thịt và thơm ngon. Vịt sau khi sơ chế sạch sẽ được ướp với gia vị như muối, hạt dổi, mắc khén, lá mắc mật, sau đó quay trên than hoa. Khi vịt chín chuyển sang màu gạch đỏ và mùi thơm béo ngậy kích thích vị giác. Gạo nếp nương mới gặt trắng ngần được cho vào ống nứa nướng trên than hoa kết hợp với từng miếng thịt mềm ngọt khiến tôi như đang được thưởng thức cao lương mỹ vị, một trong những món ẩm thực tinh túy nhất của vùng cao.
Từ hôm đó, tôi như phải lòng thác Hiêu. Mỗi sáng thức dậy, tôi sẽ pha một tách cà phê mang ra ngồi trên cây cầu tre bắc qua suối, lặng lẽ ngắm dòng thác như cô gái xuân thì, khi dịu dàng bay bổng, khi sôi nổi reo vui. Trong tâm không suy nghĩ, trong lòng không gợn sóng. Dường như khoảnh khắc này với tôi có thể là mãi mãi.
Chợ phiên Phố Đoàn
Hôm sau là thứ Năm, đúng vào ngày chợ phiên Phố Đoàn, tôi dậy thật sớm, háo hức đi cho kịp buổi họp chợ. Khởi điểm là một khu chợ từ thời Pháp thuộc, chợ phiên Phố Đoàn đã có tuổi đời cả trăm năm. Phiên chợ độc đáo vùng cao này chỉ họp vào sáng thứ Năm và Chủ Nhật hằng tuần, từ tờ mờ sáng đến tầm 11 giờ trưa là vãn khách. Mới hơn 7 giờ, hai bên đường chính ngoài chợ đã đông đúc, gồm cả dân địa phương và du khách đến thăm quan. Nơi đây từ xưa đã là địa điểm gặp gỡ giao thương của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái… đến từ các xã quanh vùng của huyện Bá Thước như Lũng Cao, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Thành Sơn, Thành Lâm… và huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, con đường bê tông nối các bản làng giúp người dân không còn vất vả băng rừng vượt suối cho kịp phiên chợ như xưa, nhưng nếp văn hóa họp chợ vẫn còn được lưu giữ. Vào ngày chợ phiên, khi con gà còn chưa gáy, nhiều phụ nữ đã phải gùi trên lưng cả yến bí đỏ, ngô, khoai, sắn, gạo nếp nương… xa nhất phải kể đến người dân 3 bản Son – Bá – Mười, Kịt, Toong Hoong phải vượt hơn 10km đường rừng núi hiểm trở xuống họp chợ.
Vào bên trong chợ càng thấy cảnh người mua kẻ bán rôm rả tấp nập. Nét độc đáo ở phiên chợ này là người dân không chỉ mua bán bằng tiền mặt mà còn có thể trao đổi hàng hóa có giá trị tương đương, một kiểu giao thương truyền thống hiếm thấy ở thời đại ngày nay. Hàng hóa trong chợ phong phú đa dạng gồm đủ loại nông sản địa phương, cây nhà lá vườn như thổ cẩm, rượu cần, rau rừng, cây thuốc, ốc núi, thậm chí cả chuột rừng. Tôi ngồi xuống băng ghế gỗ của một hàng bán quà sáng gần cổng chợ, bụng cồn cào khi nhìn thấy chảo dầu vàng óng sôi sùng sục với những chiếc bánh rán nhân đậu xanh vỏ giòn béo ngậy. Ngoài ra còn có bánh nếp, bánh cuốn bùi bùi thơm thơm.
Món được người Kinh ưa chuộng mua làm quà nhiều nhất là hạt mắc khén, hạt dổi, loại gia vị “vàng đen” để tẩm ướp không thể thiếu trong ẩm thực đặc trưng vùng Tây Bắc. Hạt mắc khén có mùi dịu nhẹ, không cay nồng như tiêu, còn hạt dổi khi nướng trên than hồng sẽ căng ra, bốc lên mùi thơm ngào ngạt quyến rũ. Mắc khén xay ra và trộn với hạt dổi thường được sử dụng để làm gia vị nước chấm, tẩm ướp thịt nướng, cá nướng, thịt lợn rang, thịt gác bếp… Nhờ có loại gia vị này mà món ăn trở nên ngon và hấp dẫn hơn.
Tôi hòa vào dòng người, ngắm nghía từng hàng và không khỏi giật mình khi thấy chiếc chậu chứa đầy những con tằm sống vàng ươm bò nhung nhúc. Khác với tằm lá dâu thân hình bé nhỏ nhẵn nhụi, con tằm lá sắn có kích cỡ lớn hơn, khoảng bằng ngón tay của người lớn, có gai góc tua tủa chạy thành hàng từ đầu xuống chân. Mọi thành phẩm từ con tằm đều có thể tận dụng được, tằm lười là những con tằm ít tơ hoặc không cuốn kén được nhặt riêng làm thực phẩm, còn lại được cho cuốn kén lấy tơ bán, khi thành nhộng tiếp tục được sử dụng làm thực phẩm, con ngài đã đẻ trứng lại dùng làm thức ăn cho gà, cá và các vật nuôi khác. Con tằm béo nhiều dinh dưỡng nên được dân bản địa chế biến thành nhiều món ăn như tằm rang lá chanh, tằm luộc, chiên giòn hoặc ngâm rượu xoa bóp. Kể ra có vẻ hấp dẫn nhưng tôi không muốn thử món ăn kỳ lạ này. Thay vào đó, tôi mua một túi ốc núi và rất nhiều trái cây mọng từ vườn. Định bụng sẽ dành cả ngày hôm nay chỉ để nhấm nháp, đọc sách, vẽ vời và tận hưởng trọn vẹn không gian yên bình của bản Hiêu.
Mộc mạc Son – Bá – Mười
Mới đầu Hè nhưng nắng đã vàng như mật ong, rót tràn từ đỉnh núi đến những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Do địa hình không đồng đều nên có nơi lúa còn xanh, nơi đã chín vàng và đang vào mùa gặt. Tôi thích sáng sớm đi bộ dọc con suối xuống dốc, mùi cỏ ngai ngái thơm dịu nhẹ, mây trôi lững thững thật gần trước mắt tưởng như có thể chạm tay với tới được. Sáng nay, vài người trong bản đã dàn hàng trên thửa ruộng trước nơi tôi ở để bắt tay vào gặt. Họ í ới gọi nhau, cười vang rộn ràng cả một góc trời.
Tần là quản lý của homestay xung phong chở tôi đi tham quan Son – Bá – Mười. Tần người Mường, ở Hòa Bình nhưng làm ở Pù Luông đã được nhiều năm. Cậu gần 30 tuổi nhưng người nhỏ nhắn, gương mặt trẻ như mới 20 tuổi. Ấy vậy mà tài lái xe của Tần điệu nghệ, chở tôi băng băng vượt qua con đèo Eo Mào với những khúc cua tay áo đầy hiểm trở.
Son – Bá – Mười là tên gọi của 3 bản làng Son, Bá và Mười nằm ở nơi cao nhất của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa nên còn được gọi là Cao Sơn. Bao quanh bởi cánh rừng nguyên sinh và núi non trùng điệp, Son – Bá – Mười với những nếp nhà sàn bình dị nằm lọt thỏm giữa màu xanh bạt ngàn, dường như cách biệt với thế giới bên ngoài. Con đường bê tông uốn lượn từ đầu bản Son đến cuối bản Bá như một nét vẽ chì, len lỏi giữa những cánh đồng ngô vàng cháy, những thửa ruộng hoa màu xanh ngăn ngắt. Mây bảng lảng quanh các nếp nhà sàn đơn sơ bạc màu thời gian quyện với khói lam vương vít vào thinh không. Tim tôi như ngừng một nhịp, hít thở sâu để ghi nhớ khung cảnh này, một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp. Chẳng thế mà nơi đây được ví như “nàng công chúa ngủ quên”. Tần bảo, ngày trước, khi con đèo Eo Mào chưa được xây dựng, cuộc sống của người dân Son – Bá – Mười vô cùng vất vả và hầu như biệt lập. Mỗi khi đến ngày chợ phiên, họ phải xuất phát từ 3-4 giờ sáng, vượt suối băng rừng với hàng chục ký nông sản trên lưng.
Ở Lũng Cao tương đối nắng nóng, nhưng lên đến Son – Bá – Mười tiết trời đã se lạnh. Vào mùa Đông, tuyết có thể bao phủ khắp thung lũng. Vùng Cao Sơn này có nhiều nét tương đồng với cao nguyên đá Hà Giang vì nơi đây được bao bọc bởi hệ sinh thái núi đá vôi thấp nhất miền Bắc Việt Nam. Suốt dọc đường, chúng tôi đi qua những dãy đá vôi lởm chởm với nhiều hình thù kỳ dị, tạo nên cảnh tượng kỳ thú trên thung lũng hoang sơ này. Vốn là ba bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Bá Thước, nhưng Son – Bá – Mười được thiên nhiên ưu ái cho một địa hình bằng phẳng trên đỉnh dãy Pù Luông và khí hậu ổn định quanh năm. Nhờ vậy, những nông sản hết sức bình dị của đồng bào như cà chua, rau cải, nếp nương, măng đắng, lợn cỏ… đều mang một hương vị đặc trưng riêng, không thể lẫn với bất cứ vùng đất nào khác.
Ngày cuối cùng, tôi cùng một cô bé từ Sài Gòn ra, theo chân Tần và một cậu hướng dẫn người Thái trekking lên đỉnh Pù Luông. Vượt qua những đoạn dốc cheo leo, xuyên qua cánh rừng nhiệt đới âm u với những tán cây khổng lồ đan nhau dày đặc, có những đoạn đường phủ đầy lá rừng ẩm ướt trơn trượt. Cuối cùng, sau bao thử thách và những lúc tự động viên chính mình đừng bỏ cuộc, chúng tôi lên được đỉnh Pù Luông cao 1.700m so với mực nước biển. Từ trên đỉnh, đó là cảm giác sung sướng dâng trào khi thu trọn quang cảnh ngoạn mục vào trong tầm mắt. Dưới kia là sông Mã hào hùng uốn lượn giữa màu xanh bao la phóng khoáng của đại ngàn. Tôi thấy mình may mắn vì đã được ở đây, vào giây phút này, được một lần đắm chìm trong lõi rừng nguyên sinh, được tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên thuở ban sơ. Chỉ mong rằng, cho dù trăm năm sau, nếu thế giới có đổi thay thế nào, thì Pù Luông vẫn xanh như bây giờ, vẫn là bản tình ca mùa Hè vĩnh cửu trong lòng tôi.
Bài: Hương Tôn
Ảnh: Hương Tôn, tư liệu