Từ trung tâm di sản quốc gia…
Sau ba tiếng đồng hồ trên cao tốc từ thủ đô Amsterdam, chúng tôi dừng chân tại Maastricht, thành phố cận Nam của Hà Lan, nơi nằm lọt thỏm giữa ba quốc gia Hà Lan, Đức và Bỉ. Có nhiều người đã nói rằng, họ không nghĩ đang ở trên đất Hà Lan khi đứng giữa Maastricht. Thậm chí cô nàng phục vụ quán mà chúng tôi ghé ăn bữa tối đầu tiên cũng tròn mắt ngạc nhiên khi biết rằng chúng tôi vừa từ Amsterdam xuống. “Wow… really… you travelled that far?” (Ồ… thật ư… các bạn đã đi cả quãng đường xa như thế?)
Maastricht trải đều hai bên bờ dòng sông Maas thơ mộng và có vô số cây cầu bắc ngang. Tuy nhiên, sẽ không thể bỏ qua Sint Servaasbrug – cây cầu đá hùng vĩ được xây dựng từ thế kỷ 13, cùng với hơn 950 di sản quốc gia khác nằm rải rác trong thành phố nhỏ. Cũng chính bởi vậy, Masstricht được biết tới là điểm đến lịch sử và văn hóa của đất nước Hà Lan xinh đẹp. Một điều nữa về thành phố này, đó là Hiệp ước Maastricht được ký vào đầu năm 1992 bởi các quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, chính thức đánh dấu sự ra đời của Liên minh châu Âu và đồng tiền chung Euro.
Chúng tôi nắm tay nhau đi trong những con phố nhỏ xinh của thành phố tồn tại từ thời Trung cổ vẫn còn đang ngủ yên trong một buổi sáng đầu tuần. Người ta nói, cuối tuần thường là thời điểm bận rộn và vui nhất ở đây, với vô số nhà hàng nằm trong danh sách Michelin (rất nhiều để có thể nhớ hết tên) và số lượng quán bar tính theo đầu người còn nhiều hơn cả thủ đô Amsterdam đã quá đỗi nổi tiếng. Từ quảng trường Markt với tòa thị chính được xây dựng từ thế kỷ 17, chúng tôi đi đến quảng trường Vrijthof, nơi mỗi mùa Giáng sinh đều đặn tổ chức hội chợ đẹp và đông vui nhất vùng. Đây cũng là nơi tổ chức những buổi hòa nhạc ngoài trời mùa Hè hằng năm của nghệ sĩ vĩ cầm, nhạc trưởng Hà Lan nổi tiếng thế giới André Rieu, người con sinh ra trên mảnh đất này và hiện đang sinh sống tại đây.
Khi tìm hiểu thông tin du lịch Hà Lan, tôi bị mê hoặc bởi nhà sách Dominicanen, nằm kế bên quảng trường Vrijthof. Nhà sách được hồi sinh từ một ngôi nhà thờ cũ nát xây dựng từ thế kỷ 13, qua bao dập vùi (dưới thời Napoleon bị biến thành kho lương thực, sau đó là kho chứa hàng, trường học tạm, nơi tổ chức sự kiện, rồi thành bãi gửi xe đạp), chỉ từ 15 năm trước mới được cải tạo lại toàn bộ bên trong và vẫn giữ nguyên phía bên ngoài. Tất cả những khung cửa kính màu, vòm trần cao, những uy nghiêm và bề thế của một nhà thờ cổ đều được giữ lại toàn vẹn với vẻ trang nghiêm nhưng vẫn rất khiêm nhường của một không gian dành cho những người đam mê sách. Không ngạc nhiên khi Dominicanen là một trong 10 nhà sách đẹp nhất thế giới hiện đại. Dù hầu hết sách bán ở đây là tiếng Hà Lan, chúng tôi vẫn ngồi lại gần hết buổi chiều, với những cuốn sách đã mang theo, gọi thêm ly latte thơm phức của tiệm cà phê bên trong nhà sách, chẳng màng tới thời gian và những cơn gió lạnh bên ngoài cánh cổng cao vút.
Mặc dù sở hữu cơ man là di sản lịch sử và một bề dày văn hóa lâu đời, Maastricht lại mang nhịp sống trẻ trung, sôi nổi do thành phố nhỏ này có tới 5 trường đại học và cao đẳng cùng với 2 trung tâm nghiên cứu khoa học. Chỉ tính riêng sinh viên tại trường Đại học Maastricht đã lên tới 18 nghìn (trong đó tổng số dân của thành phố chỉ hơn 122 nghìn người). Tuy nhiên, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết số lượng sinh viên quốc tế tại Đại học Maastricht còn nhiều hơn cả số lượng sinh viên bản địa, trong đó chủ yếu là các sinh viên đến từ Anh, Bỉ, Đức, Trung Quốc, Indonesia và Ba Lan. Chính bởi vậy, lại càng khó cảm nhận rằng bạn đang ở trên đất nước Hà Lan, khi xung quanh là những người trẻ đa sắc tộc và như một người bạn tôi đã nói: “Yên tâm đi, tiếng Anh của người Hà Lan nói chung còn tốt hơn tiếng Anh của chúng ta”.
Buổi sáng trước khi ra ga, ánh nắng ấm áp xuất hiện sau cơn mưa rào lan tỏa và nhảy nhót khắp mặt sông. Người ta nói, điều tuyệt vời nhất có thể làm với người mình yêu thương là cùng ngắm hoàng hôn trên cây cầu Sint Servaasbrug huyền thoại. Tôi hoàn toàn tin điều đó.
… tới thủ phủ kim cương thế giới
Tiếp tục ba giờ đồng hồ trên tàu tốc hành chạy ngang miền Bắc Vương quốc Bỉ, chúng tôi đến ga trung tâm Antwerp. Ngay lập tức, tôi bị mê hoặc bởi kiến trúc quá ư lộng lẫy và kiêu sa của ga tàu này. Ai có thể nghĩ rằng chỉ một ga tàu hỏa cũng có thể tráng lệ như một tòa lâu đài! Nhưng điều đó là có thật, ở ngay chính nơi đây, một trong những ga tàu lãng mạn nhất châu Âu, bởi từ “đẹp” chưa đủ để diễn tả hết.
Ngẩn ngơ ra khỏi sân ga là bước vào Diamantkwatier (Diamond quarter) với hàng ngàn cửa hiệu kim cương san sát. Ở quận Kim cương không hề to lớn này, doanh thu mỗi năm từ việc thương mại kim cương thô là khoảng 54 tỷ đô la Mỹ và thêm khoảng 16 tỷ đô la Mỹ từ kim cương đã chế tác. Ngành công nghiệp kim cương cũng là một trong những ngành quan trọng đóng góp cho hạn ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia này.
Rất may, tôi đã không bị kim cương mê hoặc, thay vào đó là con phố Nationalestraat sầm uất với các cửa hiệu flagship hoành tráng của các nhà tạo mẫu xuất phát từ Antwerp và đã thành danh trên toàn cầu. Hãy tưởng tượng nếu ở Sài Gòn có đường Đồng Khởi, Singapore có đường Orchard, Paris có đại lộ Champs-Élysées thì Antwerp có Nationalestraat. Có lẽ một trong những lý do khiến con đường này trở nên không thể bỏ qua với giới sành điệu vì nơi đây tọa lạc Bảo tàng Thời trang (ModeMuseum – MoMu) và Viện Thời trang (Fashion Academy) thuộc Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Bỉ (Royal Academy of Fine Art Antwerp). Giới mộ điệu thời trang thế giới chắc chắn không thể không biết tới nhóm Antwerp Six quyền lực đã tốt nghiệp tại Học viện danh giá này (nhà tạo mẫu Dries van Noten và Martin Margiela là hai người trong số họ). Bên cạnh đó, Bỉ không thiếu những tên tuổi lớn trong ngành thời trang đương đại như Liz Claiborne, Christian Wijnants, A.F. Vandevorst… đến những họa sĩ nổi tiếng từ Trung cổ tới hiện đại như Rubens, Jan van Eyck, René Magritte… và cả những diễn viên đã làm mê đắm bao trái tim yêu điện ảnh: Audrey Hepburn, Jean-Claude Van Damme, Matthias Schoenaerts…
Để có được vị trí là một trong những trung tâm thời trang của thế giới, tất nhiên, Antwerp không chỉ có những thương hiệu tinh túy và xa hoa. Mặc dù hiện tại đang đóng cửa để nâng cấp, Bảo tàng Thời trang vẫn tổ chức MoMu Fashion Walk đều đặn mỗi thứ Bảy đầu tiên của tháng, tạo ra sân chơi cho các tài năng tạo mẫu và cả ngành công nghiệp đi kèm. Cách không xa Nationalestraat là đường Kammenstraat, nơi san sát các cửa hàng boutique của các nhà tạo mẫu trẻ địa phương với gu thời trang tinh tế, độc đáo và phá cách. Đây là nơi lui tới của giới trẻ Bỉ để được tìm thấy hơi thở thanh xuân, không chỉ trong những cửa hiệu quần áo mà cả những quán bar, quán cà phê, tiệm sách, tiệm đĩa nhạc, tiệm xăm hình đan xen nhau. Và tất nhiên, nếu để thỏa thích một buổi mua sắm cho những ai cần tới, hoặc chỉ đơn giản là hòa vào dòng người nhộn nhịp nhất, khu phố Meir là món quà tuyệt diệu dành cho tất cả. Bất cứ chuỗi cửa hàng thời trang nào, bất cứ thương hiệu nào bạn có thể nghĩ đến cũng có thể tìm thấy nơi đây, bên trong những trung tâm thương mại lớn mà mỗi tòa nhà là một công trình kiến trúc từ thế kỷ 18 – 19 vẫn còn được bảo tồn vẹn nguyên.
Những ngày lưu lại Antwerp, chúng tôi luôn được chào đón bằng những tia nắng rực rỡ của mùa Đông, mặc cho gió từ sông Scheldt thổi vào từng ngóc ngách trên phố lạnh buốt. Antwerp không chỉ có kim cương và thời trang, thành phố còn là nhân chứng lịch sử cho sự phát triển lâu đời của đất nước này, từ các công trình kiến trúc thời Trung cổ còn lưu giữ từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, đến những nhà thờ nguy nga mang đặc trưng của cả kiến trúc Baroque, kiến trúc Gothic và kiến trúc Phục hưng; từ những căn nhà mang hơi thở cổ điển (Classicism) tới những công trình biểu trưng của thời kỳ Tân nghệ thuật (Art Nouveau).
Lịch sử đời sống của đô thị này còn nằm sâu trong từng con hẻm nhỏ nối thông các dãy phố mà Vlaeykensgang có lịch sử từ thế kỷ 16 là một ví dụ; hay hầm St. Anna đi vào hoạt động đã gần 90 năm là hầm ngầm qua sông duy nhất trên thế giới dành riêng cho người đi bộ cho đến ngày hôm nay. Khi đã mỏi chân rồi, Bỉ nổi tiếng với chocolate, khoai tây chiên và những dòng bia ngon nhất thế giới. Tùy vào sở thích và nhu cầu của mỗi cá nhân, Antwerp có từ những nhà ủ bia truyền thống trong khuôn viên nhà thờ đến những nhà hàng Michelin trên tầng thượng của bảo tàng, những quán cà phê nhỏ xinh góc phố, hay chỉ đơn thuần là tiệm chocolate chế biến thủ công với ly chocolate nóng hổi và nồng nàn như vẻ đẹp của thành phố này thết đãi du khách. Để rồi khi rời đi, Antwerp lưu luyến như men bia còn thơm mãi trên môi.
• Từ Việt Nam không có chuyến bay thẳng đến sân bay Schiphol (Amsterdam, Hà Lan) và sân bay Brussels (Brussels, Bỉ), nhưng có thể nối chuyến tại Paris, Dubai, Doha, Istanbul, Moscow… Thời gian bay tổng cộng khoảng 15-19 giờ.
• Mùa cao điểm du lịch của Hà Lan bắt đầu từ cuối tháng 3 (khi vườn hoa tulip Keukenhof chính thức mở cửa) và kéo dài đến hết mùa Hè (tháng 9).
• Hãy triệt để tận dụng các phương tiện công cộng tại cả hai quốc gia này. Nếu chỉ đến Hà Lan vài ngày và chọn Amsterdam là nơi dừng chân chính, thẻ Amsterdam & Region Travel Ticket có giá trị trong 1, 2 hoặc 3 ngày cho phép du khách sử dụng tất cả các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện tram, tàu hỏa để di chuyển trong thành phố và vùng phụ cận. Tương tự, ở Brussels có thẻ STIB MVB cũng có thời hạn 24-48-72 giờ sử dụng cho du khách.
• Để di chuyển bên ngoài Amsterdam và Brussels, tàu hỏa tốc hành và xe buýt đường dài là hai lựa chọn. Tôi sử dụng app Omio (có liên kết với tất cả các hãng xe lửa và hãng xe Flixbus uy tín) để kiểm tra giờ tàu/xe xuất phát cũng như mua vé cho các hành trình dọc ngang hai quốc gia Bỉ – Hà Lan cũng như trên toàn châu Âu.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Lâm Ảnh: Phương Lâm, Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE