Miền Tây hoang dã
Trong một phút bồng bột thời trẻ, tôi đã chọn vùng Grand Circle cho chuyến đi xa đầu tiên. Grand Circle chạy qua năm tiểu bang, Arizona, New Mexico, Colorado, Utah, Nevada và là nơi tập trung nhiều công viên quốc gia nhất nước Mỹ, phần lớn là rừng và sa mạc mênh mông. Thành thực mà nói, cho đến tận bây giờ, đây vẫn là vùng đất hoang vắng nhất tôi từng đến.
Tôi còn nhớ những lần xe lao vút trong đêm, tôi mở cửa sổ, cố giương mắt tìm một ánh đèn mà chỉ thấy bóng tối mù mịt. Trong lòng nôn nao khi biết rằng xung quanh hoang vu, bán kính trăm cây số quanh đó không một bóng người. Trong những đêm đầu khó ngủ do trái múi giờ, tôi bồn chồn dỏng tai nghe đàn sói của Thung lũng Chết tru lên từng hồi, vang vọng qua các vách đá lúc gần, lúc xa. Hay một ngày khác, khu trại tôi ở được cảnh báo có rắn đuôi chuông. Thế là đêm đó, tôi vài lần đứng tim, vừa dõi theo tiếng sột soạt dưới gầm giường vừa lạy trời để không có chú rắn nào chui ra liếm má.
Đổi lại, những kích thích thần kinh ấy là nguồn adrenaline dễ khiến ta bị nghiện. Dần dà, tôi không còn sợ sệt như ngày đầu nữa. Tôi cảm thấy mình mỗi ngày một trưởng thành hơn. Nhưng giữa sa mạc vắng, tôi vẫn bé nhỏ như một hạt cát. Thiên nhiên bủa vây, cuốn lấy tôi. Còn trên sườn núi cao, tôi chết lặng ngắm mặt trời vãi những dải sáng long lanh xuống dòng Colorado. Từ bình minh đến hoàng hôn, trước những phong cảnh hùng vĩ biến đổi không ngừng, tôi thỏa thích vẫy vùng giữa không gian rộng mở, sung sướng tận hưởng những khoảnh khắc huy hoàng thuộc về mình. Miền Tây Colorado rót cho tôi từng ngụm nắng vàng đẫm hương tự do và trước khi kịp nhận ra, tôi đã say tự lúc nào.
Trên những chặng đường dài không biên giới xuyên các tiểu bang Colorado, tôi ghé qua hết vườn quốc gia này đến vườn quốc gia khác, như Bryce Canyon, Arches, Grand Canyon… và tạt ngang cả những miền đất cằn khô nhưng tuyệt đẹp thuộc những bộ tộc người da đỏ Navajo như hẻm núi Antelope, Monuments Valley… Thuở nhỏ, tôi thường tưởng tượng sa mạc là những cồn cát nối nhau đến tận chân trời. Đến đây rồi mới biết, sa mạc là muôn hình dạng và vạn sắc thái khác nhau, không có nơi nào giống nơi nào.
Bryce Canyon – truyền thuyết về những cột đá
Bryce Canyon không phải điểm đầu hay cuối hành trình khi tôi đặt chân đến Colorado, nó lơ lửng đâu đó trong khoảng giữa. Nhưng trong ký ức tôi, nó chiếm một vị trí đặc biệt. Bryce Canyon là những buổi bình minh lộng lẫy đến choáng ngợp, là những rừng cột đá cao ngút, đứng sát nhau như thể được dựng lên từ một sức mạnh vô hình. Những cột đá màu da cam rực rỡ mà người ta thường gọi là các hoodoo là kết quả của hàng triệu năm xói mòn, làm nên vẻ đẹp không thể nhầm lẫn của một trong những vườn quốc gia nổi tiếng nhất nước Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc khi mặt trời vừa ló dạng, những tia sáng đầu tiên chạm vào vách đá. Trong tích tắc, cảnh vật xung quanh đang im lìm trong màn đêm bỗng thức giấc, sống động vô cùng.
Rồi người bạn đồng hành kể cho tôi truyền thuyết về các hoodoo của Bryce Canyon. Trước khi người Mỹ có nguồn gốc từ châu Âu đặt chân đến vùng đất này, thổ dân da đỏ Paiute đã sống ở đây từ hàng trăm năm. Trong truyền thuyết của người Paiute, các hoodoo là những “Legend People” – những người sống từ thời khai thiên lập địa cùng với các vị thần. Họ không biết tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khai thác nhiều hơn những gì họ cần, ăn hết hạt thông, uống hết nước, không để lại gì cho muôn loài. Vì những tội lỗi ấy, họ đã bị thánh thần trừng phạt, biến thành đá và phải vĩnh viễn đứng đó cùng trời đất.
Antelope Canyon – ngôi sao mới vụt sáng
Rời Bryce Canyon và tiến xa hơn về phía Đông Nam là Antelope Canyon, tôi gọi nơi đây là ngôi sao mới vụt sáng của vùng cao nguyên Colorado.
Antelope Canyon, còn gọi là hẻm núi Linh Dương, gồm hai phần riêng biệt, nằm dưới sự quản lý của người da đỏ Navajo và không thuộc hệ thống vườn quốc gia Mỹ. Upper Antelope – Antelope thượng, Tsé bighánílíní trong tiếng Navajo có nghĩa là “nơi nước chảy qua đá”. Còn Lower Antelope – Antelope hạ được gọi là Hasdestwazi trong tiếng bản địa, hay “vòm đá xoắn ốc”. Cả hai hẻm núi đều là những tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa. Gió và nước, sau hàng triệu năm đã bào mòn các vách đá thành những đường cong mềm mại, quyến rũ như dải lụa đào tung bay của nàng vũ nữ. Sẽ thật may mắn nếu bạn được chiêm ngưỡng hẻm đá Antelope vào giữa trưa, lúc mặt trời đứng bóng. Những tia nắng hiếm hoi chạm xuống nền cát trong lòng thung lũng, ánh sáng lan tỏa trong không gian, phản xạ trên mặt đá hồng. Đá, cát và ánh sáng như thể cùng hợp sức lại để tạo ra trước mắt bạn một khung cảnh thần tiên.
Monument Valley – biểu tượng miền Tây
Cách Antelope Canyon không xa, chỉ hơn một trăm dặm là Monument Valley, hay Tsé Bii’ Ndzisgaii (thung lũng của đá) như người Navajo vẫn gọi. Bạn có thể không đam mê du lịch, cũng chưa từng quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên, nhưng chắc chắn bạn đã thấy hình ảnh của Monument Valley ít nhất một lần.
Monument Valley – Thung lũng Tượng đài, hùng vĩ như chính tên gọi của nó, sẽ chẳng bao giờ làm bạn thất vọng. Bạn sẽ được thỏa mãn giấc mơ đã thôi thúc bạn vượt hàng ngàn dặm để tới đây. Cảnh sắc xung quanh đều như bạn từng tưởng tượng, hoặc còn đẹp hơn thế. Con đường dài thẳng tắp, mờ đi trong ảo ảnh bốc lên từ làn khí nóng. Xa xa, những bức tường và cột đá màu da cam cao sừng sững dựng lên phía chân trời.
Đại vực Grand Canyon
Nếu có một nơi tồn tại trên thế giới mà không một bức ảnh hay lời văn nào diễn tả được hết vẻ đẹp của nó, đó chính là Grand Canyon – Đại vực. Tôi đã thật sự nghĩ như thế khi đứng trên bờ Nam Grand Canyon vào một chiều hoàng hôn, đắm đuối nhìn xuống lòng sông Colorado xa hàng nghìn mét bên dưới.
Có thể nói Grand Canyon là kỳ quan của các kỳ quan thế giới. Dòng chảy sông Colorado, qua sáu triệu năm đã bào từng lớp địa tầng của vùng cao nguyên, tạo nên một thung lũng khổng lồ, rộng 16 km, dài gần 450 km và có độ sâu trung bình 1.600 mét. Những dãy núi trùng điệp, tầng tầng lớp lớp chất chồng lên nhau. Dưới lòng thung lũng, sông xanh cuộn chảy qua các ghềnh đá và thác nước. Trên sườn núi, những rừng thông mọc xen với lớp sa thạch đỏ hồng. Tất cả cùng hòa vào nhau trong một tổng thể vĩ đại, hợp thành một bức tranh tuyệt mỹ.
Có người từng nói với tôi rằng sao Grand Canyon không đẹp như họ nghĩ. Đơn giản là vì nơi này rộng lớn quá, mênh mông quá. Nếu bạn đến đây vào một ngày nắng, trời xanh không một gợn mây, Grand Canyon sẽ chỉ hiện lên như các nếp hằn tẻ nhạt, thiếu những màu sắc làm cho ta vui mắt. Những rãnh xẻ và đường vân nối tiếp nhau, ngày càng thu nhỏ về phía chân trời, chẳng có gì ở đó đủ tầm cỡ để ta có thể đem ra so sánh. Vì thế, bạn sẽ khó cảm nhận được hết độ kỳ vĩ của Grand Canyon nếu không bõ công men theo một đường mòn nào đó dẫn xuống bên dưới. Không cần đi xuống tận đáy thung lũng. Bờ sông ở rất xa, thường phải mất hai ngày đường cả đi lẫn về. Bạn chỉ cần đi một đoạn, một hay vài giờ, xuống lưng chừng núi, để khi nhìn xuống hay ngước lên đều thấy mình mong manh như một hạt bụi giữa thiên nhiên.
Đường đến miền Tây Nam Colorado
• Grand Circle có địa hình núi và sa mạc, thời tiết khá khắc nghiệt. Đi roadtrip mùa Xuân (tháng 3 đến tháng 5) và mùa Thu (tháng 9 đến tháng 11) là hai mùa đẹp nhất. Các tháng Hè (6, 7, 8) rất nóng, nhất là khu vực Thung lũng Chết nhiệt độ ban ngày lên tới 40, 50°C. Còn mùa Đông lạnh và có tuyết, nguy hiểm nếu bạn không quen lái xe trên đường đóng băng. Vùng Tây Nam có nhiều thành phố lớn có tuyến bay từ Việt Nam (phải quá cảnh ở một nước thứ 3), ví dụ như Las Vegas, Los Angeles.
• Để tận hưởng được hết cảm giác tự do trên các cung đường nước Mỹ, bạn nên thuê xe ô tô hoặc xe van rồi tự lái. Các công viên, khu bảo tồn, công trình quốc gia đều có mức vé tham quan nhất định, từ 5-10 đô la. Giá vé này có thể tính theo đầu người hoặc tính chung cho tất cả mọi người trên xe. Nếu trong lịch trình của bạn đi qua khoảng 5 đến 7 địa điểm, bạn nên mua thẻ America the Beautiful Pass có giá 80 đô la, hạn dùng 1 năm và dùng được cho 7 người.
Nhóm thực hiện
Bài & Ảnh: Bùi Huyền Chi Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE