Cuba – chiếc chậu tưởng ký – blog Mít Đặc
Tôi ngừng tất cả để sống giấc mơ nho nhỏ của đời mình: đi du lịch một năm, từ Châu Âu sang Châu Mỹ và sẽ kết thúc tại Tây Á. Những điều tôi thấy, nghe, nếm thử và trải qua trong năm này – rất có thể cũng sẽ hấp dẫn với bạn.
(*)Chú thích của tác giả: “chậu tưởng ký” là một món đồ phép thuật trong truyện Harry Potter của nhà văn J. K. Rowling, cho phép những con người ở hiện tại quay về quá khứ và có cảm giác như chính mình được tham gia trong đó.
Hồi nhỏ, tôi rất thích những chiếc máy quay ngược thời gian trong truyện hay trong phim. Đơn giản lắm, bạn khởi động cái máy và vèo… trong tíc tắc, bạn thấy mình đang đứng giữa một khung cảnh hệt như truyện cổ tích.
Chiếc máy vặn ngược thời gian ở Cuba không đưa ta đi xa đến vậy. Nhưng nó đủ lạ lùng để đưa ta quay về chừng nửa thế kỷ trước. Từ ngựa xe, áo quần, hàng quán trên phố cho đến chiếc ấm trà, bức ảnh lộng khung treo trong nhà. Chỉ cần một sợi dây ký ức mỏng manh còn vương trong trí nhớ của bạn, Cuba có thể tái tạo lại cả khung cảnh cũ xưa ấy. Như chiếc chậu tưởng ký trong truyện Harry Potter. Có lúc tôi tưởng như mình lạc vào một bộ phim cũ. Có lúc tôi nhận ra mình đã lạc vào trong ký ức của chính mình.
Thời gian ở Cuba dường như đã ngừng trôi, từ mấy chục năm trước.
Xe cổ
Xe hơi Mĩ cũ là một món “đặc sản” của Cuba, những chiếc xe mà hễ muốn hạ cửa kính xuống, bạn phải dùng đến đồ vặn ốc vít. Trên thế giới, có lẽ ít quốc gia nào còn nhiều xe cũ đến như vậy. Xe cũ nhưng được giữ gìn, tân trang bóng mượt vì đó là cả món tài sản lớn. Thủ đô Havana là “đại bản doanh” của xe cũ. Nhìn xe qua lại trên phố, tôi có cảm giác như mình đang ở những năm 50-60. Ai mê xe cổ chắc chắn sẽ đắm đuối với Havana, vì xe cổ ở đây không phải thú chơi, đó là đời sống sinh động thực sự.
Ghế bập bênh
Chiếc ghế bập bênh thì chẳng có gì lạ, cũng không phải đồ cổ gì cả. Nhưng điều thú vị là nó có mặt khắp mọi nơi ở Cuba. Hầu như nhà nào cũng có một hay vài chiếc ghế bập bênh, đặt ngoài hiên hay trong phòng. Chiều chiều, người ta quây quần trên những chiếc ghế bập bênh để tán gẫu. Hoặc ngồi đó một mình đọc báo, ngắm phố xá, hoặc đơn giản là không làm gì cả.
Những chiếc ghế bập bênh – ta thể thấy nó ở bất kỳ nơi đâu, nhưng đặc biệt ở Cuba, nó như một biểu tượng của lối sống cũ xưa gần như đã mất. Không có gì vội vã, cũng không có công nghệ hay internet khiến con người cắm cúi nhìn màn hình. Đôi khi tôi có cảm giác như thể đời người ở đây trôi đi trên những chiếc ghế này. Bập bênh, đu đưa.
Những món đồ ký ức
Tôi ở Cuba một tháng, hầu hết thời gian là trọ tại các casa particular – là những nhà dân có phòng cho du khách thuê. Hầu như căn nhà nào cũng còn lưu giữ những món đồ xưa cũ. Có khi là cái ấm trà giống hệt như cái ấm ở nhà hồi tôi còn nhỏ, có khi là chiếc ti vi có cửa lùa xem xong kéo cửa đóng lại, có khi là chiếc tủ lạnh năm một ngàn chín trăm hồi đó, và có khi là tất cả những thứ đó cộng lại.
Thật ra không khó để tìm ra những cửa tiệm bán hàng hoá hiện đại, có đủ quạt điện, máy lạnh, thậm chí cả lò vi sóng. Nhưng so với thu nhập trung bình của người dân Cuba (từ 20 đến 50usd mỗi tháng), thì những món hàng này là cả gia tài. Các gia đình có phòng cho thuê vốn đã khá giả hơn nhiều so với mặt bằng chung, nhưng đa số đồ đạc từ mấy mươi năm qua vẫn được giữ lại. Có những thứ nhìn “quen quen” đến mức tôi như thấy cả ký ức của mình trong đó.
Những ai từng trải qua thời kỳ tem phiếu ở Việt Nam chắc sẽ càng thấy quen hơn với những cuốn sổ mua nhu yếu phẩm của người dân Cuba hiện giờ. Gạo đường mắm muối… tất cả đều có tiêu chuẩn.
Tôi vẫn nhớ buổi chiều ngồi lựa gạo ở Santa Clara. Gạo được đổ đầy vun trên một cái mâm vuông to bằng nhôm, chúng tôi ngồi quây quanh mâm gạo, vừa lựa thóc sạn ra riêng, vừa nói chuyện trên trời dưới đất. Bảy giờ tối nhưng nắng vẫn trải những vạt dài trong phòng khách. Tôi thấy như mình nhỏ lại, mình chỉ cỡ 6-7 tuổi, và đang ngồi lựa gạo với má.
Ở Cuba, có lẽ mỗi chúng ta đều có thể nhìn thấy được một chút ký ức của mình.
*Hình ảnh của blog đều do Mít Đặc ghi lại trong suốt chuyến đi
Blog & ảnh: Mít Đặc