Đà Bắc – Đá Bia: Hương của núi rừng
Một con xe thật nhỏ với một niềm đam mê thật lớn đã dẫn dắt tôi đi lại gần chục năm nay, hôm nay nó lại đưa tôi khám phá Hoà Bình, con đường có tên Đà Bắc.
Đà Bắc nằm ở phía Tây thành phố Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 93km. Nơi đây chỉ có 1 thị trấn và 19 xã nhỏ chạy xuyên suốt men theo sông Đà và khá nhiều bản của người Tày, Mường, Thái.
Qua con đường gập gềnh hoang vu là đến một thị xã nhỏ. Con đường thị xã trải xi măng mềm mại, đông đúc dân cư, khác hoàn toàn với quang cảnh đi vào, y hệt như một chiếc chai, đi qua cổ chai bỗng đến một thị xã sầm uất và văn minh. Tôi ghé vào một cây xăng hỏi đường vào xã Hiền Lương. Con đường ven núi vắng hoe, chỉ có tre, cây cối, chim chóc và một biển chỉ dẫn đi thẳng vào xóm Doi, xóm thuộc xã Hiền Lương, cái tên nghe rất lạ.
Đi sâu hơn là những mái nhà lác đác, một hồ nước xanh biếc và rất rộng, trên đỉnh đầu là ánh nắng hoàng hôn, vài con thuyền độc mộc đang lững thững trôi trên mặt hồ dưới chân dãy núi trùng trùng điệp điệp, cây cối ngút ngàn.
Tôi hỏi được đường đến homestay Hữu Thảo, xã Hiền Lương, thị trấn Đà Bắc. Đến nơi tôi thấy xe và đồ đạc họ trải ra sân, vài cái bơm của Sup (Sup là một môn thể thao di chuyển trên nước bằng một ván lướt có mái chèo, tương tự như một chiếc thuyền độc mộc hay bè, chiều dài như một chiếc kayak, chỉ khác di chuyển bằng cách đứng hoặc ngồi bằng một mài chèo, đôi khi có thể nằm ra để nghỉ ngơi mỗi khi mệt, di chuyển nhỏ trên nhiều loại mặt nước khác nhau như hồ, vịnh, sông, thác đến biển).
Gia đình anh Kiên, anh Chiến, một chị bạn cùng con nhỏ, tất cả có mười người đã đến và đều chèo Sup ra ngoài hồ. Người mỏi sau một quãng đường, tôi để gọn đồ trên nhà sàn, nhà nhìn thẳng ra mặt hồ Hòa Bình.
Trong lúc đợi mọi người về, tôi mượn một chiếc xe đạp của gia đình rồi đi quanh xóm. Người dân ở đây hiền lành chất phác, ai thấy tôi – một người xa lạ – cũng cười và vẫy tay rất nhiệt tình. Hồ Hòa Bình là một nhánh nhỏ của sông Đà, nó như một hồ điều hòa khổng lồ khiến cho không khí trong lành, cây cối xanh mướt và mang đến nguồn tài nguyên cá trù phú cho người dân. Tôi đạp xe men theo con đường ven hồ, bỗng thấy những đốm nhỏ di chuyển từ phía hồ ven núi ra, chắc chắn đấy là những người bạn của tôi đang chèo Sup. Từ xa, khoảng năm sáu chiếc Sup lững thững trôi như những chiếc lá rớt trên mặt nước.
Ở đây yên bình đến nỗi chim đậu trên một cành cây sát chỗ tôi ngồi và hót líu lo, con thuyền độc mộc lướt nhẹ trên mặt hồ không một tiếng động, để lại đằng sau một vệt con sóng nhỏ, không bụi bặm, không ồn ào, rất thích hợp cho những người mong muốn sự yên tĩnh và những gia đình muốn nghỉ ngơi mà chi phí lại rẻ hơn rất nhiều so với resort sang trọng.
Khoảng ba mươi phút sau, tôi quay lại nhà sàn đón mọi người ở ngoài bãi đáp. Anh Kiên, người hẹn tôi trong chuyến đi này nhận ra tôi từ đằng xa và gọi lớn. Tôi bước đến gần mặt hồ giúp mọi người dọn đồ, ai ai cũng hồ hởi kể về chuyến đi một cách hào hứng, có cả những đứa nhỏ con của ba gia đình cùng nhau lên chiếc Sup để chèo, để chơi, tất nhiên ai cũng mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Sau đó chúng tôi tắm rửa và ăn tối. Chủ nhà sàn đã chuẩn bị sẵn những món ăn dân dã. Những ngày nghỉ như thế này, tiếng cười cất lên giòn giã, giấc ngủ cũng đến sớm hơn nơi thành thị.
Bình minh lên, ánh sáng xiên qua khe cửa nhà sàn, chúng tôi nhanh chóng thức dậy chèo Sup ra giữa lòng hồ đón bình minh. Sương mù và mây bay lững thững trên dãy núi trước mặt, xen vào đám cây xanh rậm rạp, bên dưới nước xanh và mát, trong veo. Lúc sau, tôi ngồi xuống rồi nằm hẳn ra, nhắm mắt lại, chìm vào không gian giữa hồ Hòa Bình, mặc kệ mọi thứ xung quanh.
Mọi người cũng đã chèo Sup ra tới. Anh Kiên còn mang theo một con Rồng Úc, thú nuôi của anh. Rồng Úc là một loại đặc hữu của châu Úc, nó có da màu vàng và những cái gai trên cơ thể, nhìn rất đáng sợ nhưng thực ra chúng ăn rau và rất hiền.
Mọi người cùng nhau nhảy xuống hồ tắm, mấy cậu nhóc mặc áo phao cũng dũng cảm nhảy xuống bơi dưới sự quan sát của ba chúng, mọi người cùng nhau hòa vào thiên nhiên và bình minh giữa lòng hồ Hòa Bình này.
Mặt trời vượt qua dãy núi, qua những đám mây chiếu xuống chỗ mọi người. Lúc này là khoảng 8h, mọi người về lại nhà sàn ăn sáng sau hai tiếng vùng vẫy dưới nước. Mọi người cùng nhau bàn bạc chuyện đi về, chỉ còn tôi ở lại. Tôi muốn ở lại thêm một ngày để tránh xa phố phường thủ đô ồn ào, một ngày cho riêng tôi để đọc cuốn tiểu thuyết đang bỏ dở.
Tạm biệt những gia đình, tôi lên nhà sàn nằm xuống chiếc phản gỗ cũ kỹ rồi bắt đầu đọc cuốn Dòng Máu của nhà văn Sidney Sheldon, đây là cuốn tiểu thuyết trinh thám rất hồi hộp mà tôi được một người bạn tặng. Ở Hà Nội công việc bận rộn cùng nhiều thứ giải trí khác nên việc tập trung đọc một cuốn sách trong thời gian ngắn là rất khó.
Lim dim ngủ đến khoảng 15h chiều, nắng đã bớt gắt, tôi thu xếp đồ đi vào trong khu Đá Bia cách khoảng 30km đường vào sâu trong núi. Nghe nói trong đó còn hoang sơ hơn nhiều dù vẫn có nhà homestay mới mở như nhà tôi đang ở. Con đường ngoằn nghèo chui sâu vào trong rừng, bên trái thi thoảng hiện lên bóng hồ rộng, nước xanh, mây trắng và vài người dân chăn trâu đi qua.
Đi một lúc, tôi tưởng mình đã lạc, bởi đường đất khá xấu và gập gềnh, đi qua một chiếc cầu bằng tre và gỗ, bên phải là vách núi, phía xa là hồ nước có vài con thuyền trên đó. Rất may tôi đã đến đúng nơi và được người dân chào đón nhiệt tình vì khu này còn hoang vu hơn nơi tôi đã ở hôm qua, rất ít khách du lịch đến đây. Tôi tìm được homestay Đinh Thu, xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, đây là một nhà sàn còn mới của người Mường, nhìn ra phía mặt hồ và rất nhiều cây trái xung quanh. Nghe nói ở đây có những con đường đi bộ xuyên núi rất đẹp và đi xuống phía hồ nước còn có một con suối chảy từ trong rừng ra, ngoài ra còn có thể đi thuyền xuyên qua bên Thung Nai để về Hòa Bình dễ dàng hơn.
Tôi dọn dẹp đồ và đi bộ quanh làng, ở đây đẹp một cách dân dã, nắng chiều xiên qua cây và trải trên mái cọ của những căn nhà sàn, cả làng nhìn thẳng ra mặt hồ xanh, bao quanh là núi đồi, một con làng nằm khuất trong lòng núi…
—
Xem thêm
Du lịch bụi – Thực tại nằm ở trên đường
Du lịch Mộc Châu ngắm hoa mận nở
Du lịch Phan Rang – Thăm khu mộ người Chăm & đàn cừu duy nhất Việt Nam
Bài và ảnh: Doan Manh