Lifestyle / Du lịch

Dạo chơi ở Wales – xứ sở của rồng

Mệnh danh là vùng đất có nhiều lâu đài nhất vương quốc Anh, xứ Wales còn nổi tiếng với những ngôi làng đẹp như cổ tích, bờ biển dài quyến rũ, văn hóa Celtic giàu có và cả kho tàng những câu chuyện huyền bí về một xứ rồng hùng mạnh và nên thơ.

Trong một dịp cuối tuần, chúng tôi lái xe đi từ miền Bắc nước Anh đến thăm gia đình một người họ hàng tại miền Nam xứ Wales. Suốt hơn nửa ngày trên đường, tôi luôn bị thu hút bởi những đồng cỏ xanh bát ngát cùng đàn cừu thong dong gặm cỏ; những trang trại tĩnh tại giữa mây trời; những dãy núi xa xôi trập trùng, thấp thoáng ẩn hiện trong màn mưa bất chợt. Ở xứ Wales mưa nhiều hơn nắng, nhưng dù có ướt át thế nào cũng không thể làm giảm đi nét duyên dáng vốn có. Trong những mẩu chuyện trò nhằm rút ngắn thời gian trên đường, tôi thích thú khám phá ra đây cũng là quê hương của nhà toán học Robert Recorde, người đã phát minh ra dấu bằng “=” hay Goerge Everest, người đã lập bản đồ đỉnh núi cao nhất thế giới và đặt tên chính mình cho ngọn núi đó.

 

HAY-ON-WYE – THỊ TRẤN TRI THỨC

Tôi biết mình đã đặt chân lên địa phận xứ Wales khi thấy những bảng hiệu trên đường đều được in bằng 2 ngôn ngữ, một tiếng Anh và một tiếng Wales. Dù cố gắng nhưng không ai trong chúng tôi có thể phát âm đúng. Đây quả là một hệ thống chữ viết kỳ lạ không theo một quy tắc thông thường nào. Trong quá khứ, tiếng Welsh cùng tiếng Anh là một trong hai ngôn ngữ chính trong giao tiếp nhưng giảm dần theo thời gian. Để bảo tồn văn hóa và giữ gìn ngôn ngữ địa phương, Đạo luật ngôn ngữ xứ Wales được thông qua năm 1993. Từ đó, tiếng Welsh là ngôn ngữ bắt buộc sử dụng trong trường học và các cơ quan công lập khác. Thậm chí, học sinh chỉ được phép trao đổi với nhau bằng tiếng Welsh còn tiếng Anh bị cấm tuyệt đối trong khuôn viên trường học.

thị trấn tri thức ở wales hey on wye
Thị trấn tri thức Hey-on-Wye.

Đầu giờ chiều, chúng tôi dừng chân ở Hay-on-Wye (thị trấn Hay bên dòng sông Wye), được mệnh danh là thị trấn sách có một không hai trên thế giới. Cũng như hàng trăm thị trấn nhỏ khác nằm rải rác khắp nước Anh, Hay-on-Wye xinh xắn và đáng yêu với những ngôi nhà cổ kính tường sơn trắng được điểm xuyết bởi những giỏ hoa treo rực rỡ màu sắc. Nhưng điều làm Hay-on-Wye trở nên đặc biệt và hấp dẫn là sách. Các dãy phố với các cửa hiệu sách nối tiếp nhau như không có điểm dừng. Những quyển sách cũ bìa da sờn xếp ngay ngắn trên kệ dọc theo các hẻm hóc đến tràn cả ra đường. Từ những tiệm nhỏ xíu đến cái cửa ra vào cũng chẳng có đến những cửa hiệu hoành tráng được trang hoàng hết mực sang trọng, đâu đâu cũng là sách. Đến cả trạm xe buýt bên đường cũng được đặt mấy hàng kệ sách ngay ngắn cho người đứng chờ. Đối với những người yêu sách, đây quả như thiên đường mà đã bước vào là không có lối thoát.

sách ở hey on wye

Trước đây, Hay-on-Wye chỉ là một thị trấn bình thường nằm ở biên giới xứ Wales và Anh. Năm 1961, một người đàn ông tên Richard Booth tìm đến Hay và mở tiệm sách đầu tiên trong một trạm cứu hỏa cũ. Ông đã thuê một vài người và đưa họ đến Mỹ, nơi những cửa hiệu sách đang dần đóng cửa, mua hết sách của họ, đóng container và vận chuyển về thị trấn. Theo thời gian, các hiệu sách cũ mọc lên, xuất hiện khắp mọi ngõ ngách. Hằng năm, Hay-on-Wye tổ chức Lễ hội Văn học và Nghệ thuật thu hút hơn 80.000 tác giả, NXB, nhà tư tưởng, nghệ sĩ và người hâm mộ văn học khắp nơi trên thế giới. Đây là sự kết hợp độc đáo giữa những cuộc thảo luận trí tuệ, những buổi nói chuyện truyền cảm hứng, những cuộc tranh luận sôi nổi và những màn trình diễn lôi cuốn mà thậm chí nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới như cựu tổng thống Bill Clinton, Sir Tom Jones… cũng không thể bỏ qua.

hiệu sách ở wales

wales cô mèo già lily
Cô mèo già Lily bên những quả táo mới hái.
wales trái cây
Quả mâm xôi trong vườn.

 

trái cây tươi ở wales

Tôi cứ mãi nhẩn nha hết cửa hiệu này đến cửa khác mà không chán, ánh mắt cứ bị hút vào những hình vẽ ngộ nghĩnh đầy màu sắc trang trí theo từng cá tính riêng của mỗi tiệm sách. Ở đây có rất nhiều góc sách nhỏ không người bán được đặt tên “Tiệm sách chân thật” (Honesty bookshop), nơi chỉ những hàng kệ sách ghi sẵn giá và một chiếc hộp nhỏ để người mua có thể tự bỏ tiền vào. Những tiệm sách này càng khiến cho thị trấn thêm độc đáo và đặc biệt hơn.

Cuối cùng, tôi bước vào một tiệm sách cũ, thoạt nhìn bên ngoài có vẻ nhỏ và cổ kính nhưng càng vào trong, không gian tiệm sách như càng rộng hơn với nhiều tầng gác, nhiều ngóc ngách khiến tôi tưởng như mình là Alice đang lạc vào một thế giới kỳ lạ. Cơ man là sách, từ cổ chí kim, từ những bìa sách đóng da dày cộm viền vàng quý hiếm cho đến những quyển mới toanh phiên bản giới hạn. Bạn có thể phải trả vài triệu hoặc chỉ vài chục nghìn cho một quyển sách yêu thích. Sách tràn cả ra sàn nhà khiến bạn choáng váng và có khi phải mất hàng giờ để tìm cho mình một “món hời” ở đây.

Hay-on-Wye thật không hổ danh là một nơi “sống chậm” tuyệt vời nhất xứ Wales bởi thị trấn không chỉ có sách mà còn có lâu đài, những cửa hiệu bán đồ thủ công đầy sáng tạo và những tiệm cà phê xinh xắn thơm nức mùi bánh nướng để bạn thơ thẩn cả ngày quên luôn cả lối về.

 

BRECON – THỊ TRẤN “STAYCATION”

Sau khi rời Hay-on-Wye, chúng tôi lái xe khoảng chưa đầy một giờ là đến Brecon, nơi gia đình cô Carolyn và chú Ted đang chờ. Nhà của cô chú nằm trên một con dốc yên tĩnh gần trung tâm thị trấn. Chú Ted là thầy giáo người Wales đã về hưu còn cô Carolyn là tiến sĩ người Anh chuyên nghiên cứu về lịch sử. Bởi thế, nhà cô chú rất rộng, có 6 phòng nhưng đã có đến hai phòng dành làm thư viện với rất nhiều đầu sách. Chúng tôi ngồi quây quần trong phòng khách rộng rãi với trần cao nhưng ấm cúng bởi các mảng tường được sơn màu trầm. Chiếc ghế tựa kiểu Victorian đặt bên cạnh lò sưởi điêu khắc đẹp đẽ. Khắp phòng trưng bày nhiều tranh ảnh và những món quà kỷ niệm mang dấu ấn thời gian. Cô chú ân cần mời chúng tôi uống trà pha chút sữa tươi và bánh nướng truyền thống thơm mùi trái cây. Nắng chiều xiên nghiêng qua khung cửa kính khiến cho không gian trông tựa một bức tranh tĩnh vật trang nghiêm và lộng lẫy.

kênh đào brecon bên bờ
Kênh đào Brecon Basin với dòng nước trong xanh in bóng đôi bờ.

Sau buổi trà chiều, cô Carolyn đưa chúng tôi đi bộ quanh thị trấn. Brecon là thị trấn chợ cổ (market town) nằm dưới bóng dãy núi Beacons, tại nơi hợp lưu của sông Usk và Honddu, có tên địa phương là Aberhonddu. Vùng Breconshire mang giá trị lịch sử lâu đời nhất xứ Wales bởi sự tồn tại của các pháo đài thời kỳ đồ sắt được để lại bởi những người nhập cư Celt, xa hơn về phía Tây là tàn tích của một pháo đài La Mã rộng 8 mẫu Anh. Brecon thực sự cuốn hút bởi những ngôi nhà theo phong cách Georgia tuyệt đẹp ở High Street, Glamorgan Street, Lion Street, Bulwark… rải rác đây đó là những cụm tòa nhà nguyện cổ kính và vững chãi in dấu ấn thời gian. Đặc biệt là Nhà thờ chánh tòa Thánh John có kiến trúc độc đáo với các mái vòm kiểu Norman, mái gỗ ấn tượng do Sir George Gilbert Scott thực hiện, bồn rửa mặt kiểu Norman được chạm khắc tinh xảo và tảng đá cresset stone quý hiếm từ thời Trung cổ.

Sau khi dạo qua phòng trưng bày nghệ thuật, các cửa hiệu địa phương và mua thêm một ít bánh nướng, chúng tôi thả bộ dọc theo kênh đào Brecon Basin. Đây là nơi bắt đầu của hệ thống kênh đào Momouthshire & Brecon chảy qua thị trấn Brecon, xuyên suốt công viên quốc gia Brecon Beacons và dọc theo thung lũng Usk tươi đẹp. Đây còn được xem là kênh đào đẹp nhất nước Anh với dòng nước trong xanh in bóng hai hàng cây và dãy nhà đôi bờ xen lẫn những khu vườn nhiều hoa cỏ đầy sức sống. Những con thuyền gỗ chậm rãi qua lại cùng đàn vịt trời thong thả bơi lội tô điểm cho thị trấn muôn phần duyên dáng và thi vị. Chẳng thế mà người ta “rỉ tai” nhau, rằng Brecon là thị trấn của “staycation”, nơi mà bạn có thể nghỉ dưỡng tại gia mà không cần đi đâu xa, tận hưởng khung cảnh nên thơ và thanh bình trong từng khoảnh khắc.

baskerville castle ở wales
Lâu đài Baskerville.

wales lâu đài baskerville

Hôm sau, chúng tôi ra vườn hái táo và quả mâm xôi nhâm nhi cho bữa sáng. Khu vườn rộng có hai cây táo to trái chín đỏ sai lúc lỉu. Giống táo tròn, to bằng nắm tay, thịt vàng ươm lẫn với chút hồng nhạt, vị giòn ngọt thanh và mọng nước. Lần đầu tiên tôi được hái táo từ trên cây rồi ăn luôn tại chỗ. Vị chua chua ngọt ngọt lan tỏa khắp khoang miệng. Quả thật, chưa bao giờ tôi được ăn quả táo nào tươi mát và ngọt thơm đến thế. Cô mèo Lily già ngồi chễm chệ trên chiếc bàn gỗ trong vườn ra vẻ chủ nhà, liếc nhìn tôi hờ hững rồi chìm vào giấc ngủ tỏa đầy hương táo chín.

Hôm đó, chúng tôi lái xe đến một khu làng nhỏ rồi đi bộ qua một đầm lầy và bình nguyên rộng lớn lộng gió, nơi chăn thả cừu và ngựa. Những chú cừu mặt nhỏ hiền từ vác theo bộ lông xoắn dày cộm nặng nề, nhấm nháp cỏ tươi một cách thảnh thơi và lười biếng. Ở xứ Wales, dân số khoảng 3 triệu người nhưng số lượng cừu thì gấp 4. Thịt và len từ lông cừu từ đây luôn là hàng cực phẩm được ưa chuộng nhất xứ sở sương mù.

wales bình nguyên bất tận
Bình nguyên trải dài bất tận.

Băng qua bình nguyên dài tưởng như bất tận, chúng tôi dừng lại ở một trang viên để uống trà chiều. Sẽ là một bất ngờ thú vị cho những người hâm mộ thám tử Sherlock Holmes bởi đây chính là lâu đài Baskerville trong truyền thuyết, nơi nhà văn Conan Doyle sáng tác một trong những câu chuyện ăn khách nhất trong bộ tiểu thuyết này. Tòa trang viên đồ sộ này được xây dựng năm 1839 theo lối kiến trúc Victorian bởi Thomas Mynors Baskerville dành cho người vợ thứ hai, Elizabeth. Sir Conan Doyle là một trong những người bạn của gia đình và thường xuyên ghé thăm. Trong những chuyến đi nghỉ ở đây, ông được nghe kể về truyền thuyết con chó săn của dòng họ Baskerville, và đó cũng là nguồn cảm hứng để ông viết nên tác phẩm The Hound of the Baskerville. Tuy nhiên sau đó, bối cảnh của truyện được tác giả đưa về vùng Devon phía Bắc nước Anh theo yêu cầu của chủ nhân điền trang vì muốn “tránh xa khách du lịch”. Lâu đài Baskerville, dưới sự tiếp quản của người chủ mới nhất, hiện được cải tạo thành khách sạn và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như biểu diễn âm nhạc, cắm trại, huấn luyện cưỡi ngựa…

Bầu trời u ám trước khi cơn mưa tới bao trùm lên tòa lâu đài một không khí vừa bí ẩn vừa bi tráng. Với chúng tôi, được thưởng thức trà chiều trong tòa lâu đài nhuốm màu huyễn hoặc này là một trong những điểm nhấn khó quên của chuyến đi. Trong vài khoảng khắc, trí tưởng tượng của tôi cho phép mình được dấn thân vào một trong những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes.

TENBY – BỨC TRANH LÀNG CHÀI

Xứ Wales được ôm ấp trong lòng bởi đường bờ biển dài hơn 2.700km và bởi thế, đặc sản của nơi này là những làng chài và thị trấn ven biển đẹp tựa tranh vẽ. Ngày cuối cùng, chúng tôi ghé thăm Tenby, cách Brecon tầm 2 giờ lái xe.

Vừa đến bến cảng Tenby, tôi đã thấy yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dãy nhàkiến trúc Georgian nằm dọc theo con đường chính nhìn ra Tenby Habour như một bảng màu pastel nền nã và tươi sáng. Chiếc phông nền tuyệt đẹp này tương phản với màu của trời và biển, tạo nên một bức họa sống động và nên thơ. Tôi tin rằng, cho dù mùa Đông lạnh lẽo hay mùa Hè rực nắng, chỉ cần đặt mình vào bất kỳ vị trí nào trong bức tranh này, bạn cũng cảm thấy bản thân như mới được chữa lành, yêu đời và yêu người hơn bao giờ hết. Tenby tấp nập khách du lịch, những quán ăn địa phương, fish n chips hay tiệm cà phê luôn được lấp đầy người ra kẻ vào. Thế nhưng, hòa trong dòng người ấy, bạn vẫn cảm thấy một sự nhịp nhàng, hòa nhã và thân thiện chứ không hề nhốn nháo, xô bồ. Thị trấn nhỏ nhưng có nhà thờ, nhà nguyện, bảo tàng, phòng triển lãm nghệ thuật cùng rất nhiều hoạt động giải trí sáng tạo cho dân bản địa và khách thập phương. Nơi đây cũng nổi tiếng với Vườn quốc gia Pembrokeshire, lý tưởng cho dân ưa thích môn đi bộ đường dài với con đường về phía Bắc đến Saundersfoot có tầm nhìn choáng ngợp ra vịnh Saundersfoot từ mũi đất Monkstone Point.

wales bến cảng tenby
Bến cảng Tenby đẹp như tranh vẽ.
đảo caldey
Làn nước trong xanh của đảo Caldey.
caldy island ở wales
caldy island đẹp đẽ

Chúng tôi lững thững xuống cầu thang nối với bờ biển, đi bộ từ Catsle Beach, ngược trở lên rồi đi xuống North Beach. Nếu như Castle Beach nhỏ nhưng tạo hình hoàn hảo và bãi cát mềm mịn thì North Beach có bãi biển rộng khoáng đạt với vách đá GoscarRock hùng vĩ. Các gia đình trải khăn trên cát picnic thư giãn, uống bia hoặc ăn kem, ngắm nhìn những đứa trẻ mê mải xây lâu đài cát hoặc rượt đuổi nô đùa với những con mòng biển háu đói. Mòng biển ở đây dạn dĩ và không sợ người, chúng luôn rình rập và sẵn sàng xông vào cướp những miếng cá rán thơm phức khi ai đó sơ hở. Quả là hài hước khi vừa thưởng thức bữa trưa, vừa phải canh chừng những kẻ cướp có cánh này.

wales hải đăng trên đảo caldey
Hải đăng trên đảo Caldey.

Từ Tenby, bạn có thể mua vé đi tàu cao tốc ra đảo Caldey, nơi những vị tu sĩ ẩn mình từ thời Trung cổ, thăm những tòa tu viện có kiến trúc tuyệt mỹ và nếm thử chocolate ngọt ngào được làm thủ công trên đảo. Nếu may mắn, bạn có thể bắt gặp những chú chim puffin, loài vẹt biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng khi ra đảo Skomer cũng từ Tenby.

Và đây chính là điều ưu tiên tôi nhất định phải thực hiện khi quay lại xứ Wales vào một ngày không xa!

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn 

Ảnh: Hương Tôn, Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)