Sau khi ghé thăm chùa Vĩnh Tràng và trại rắn Đồng Tâm thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, sang ngày thứ hai, chúng tôi tiếp tục tham quan các địa điểm du lịch của thành phố Cần Thơ: chợ nổi Cái Răng và khu du lịch Mỹ Khánh.
7g sáng chúng tôi có mặt tại bến Ninh Kiều để lên tàu như đã hẹn. Nhờ sự sắp xếp của anh bạn dân địa phương, chúng tôi thuê được một chiếc tàu du lịch loại nhỏ 10 chỗ ngồi với giá 500 ngàn cho hành trình cả đi lẫn về từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng. Tàu đã cũ và có dấu hiệu xuống cấp, nhưng để thuê một chiếc cùng loại cho cùng một hành trình, khách du lịch thông thường phải trả từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng, hoặc mua vé ghép đoàn với giá 50 ngàn/người và tàu sẽ chạy khi đủ khách. Trong khi đợi lên tàu, chúng tôi đã gặp một cảnh cự cãi giữa hai vị khách và người phụ nữ điều phối ghe tàu về việc chờ đợi quá lâu, và cuối cùng thì hai vị khách đồng ý nhận lại tiền và bỏ lên bờ.
Tàu lướt đi dập dềnh trên sóng nước. Buổi sáng mùa xuân tiết trời se lạnh, một lớp sương mờ còn là đà trên mặt sông. Chúng tôi kéo áo che những hạt nước li ti bắn vào người, lặng ngắm phong cảnh hai bên bờ. Một bên sông cặp theo đường lộ nên nhà cửa có nhiều nét thành thị. Một bên thưa thớt hơn với những mái nhà đơn sơ nép dưới bóng cây.
Nhà ở đây thường có cây cầu nhỏ bằng xi măng dẫn xuống mé sông chỗ ghe thuyền cập bến. Từ trên thuyền có thể nhìn thẳng vào vườn sau nhà và ngược lại. Cảnh vật làng quê càng thanh bình hơn khi tàu chạy ngang những đứa trẻ đang hồn nhiên tắm sông, hay một ông già đội nón tai bèo trầm ngâm câu cá.
Khoảng 30 phút thì tàu đến chợ nổi Cái Răng, là một khúc sông tấp nập ghe thuyền xuôi ngược. Mỗi chiếc tàu là một gian hàng, cũng là một ngôi nhà, một gia đình, một đời sống phiêu bạt mà phóng khoáng. Nông sản được bày bán có khi chỉ là nải chuối, vài trái bầu bí, dăm trái chanh, ớt hái trong vườn nhà. Nhiều thì treo trên sào để người ta biết mà đến mua, còn ít quá thì cứ bày cả ra rổ để trên mũi thuyền. Chợ trên sông cũng không khác chợ trên đất liền, cũng có ghe thuyền “dịch vụ” buôn bán không thiếu một thứ gì, từ đồ ăn thức uống cho đến đồ tạp hóa, sim điện thoại, kể cả xăng dầu.
Khu du lịch Mỹ Khánh nằm không xa chợ nổi Cái Răng là bao, khoảng 10 phút đi tàu và cách trung tâm thành phố Cần Thơ 10km. Là một mô hình dịch vụ khép kín, khu du lịch này có các nhà hàng, hội trường, nhà nghỉ, vườn cây ăn trái, các chương trình văn hóa giải trí như xiếc khỉ, đua heo, một ngày làm điền chủ, một ngày làm nông dân… Giá vé vào cổng là 30 ngàn/người.
Chúng tôi đi dạo quanh khu du lịch và cảm thấy nơi này còn khá tiêu điều vắng vẻ. Một số chỗ đang được nâng cấp xây dựng thêm nên còn vương vãi gạch cát. Đi được một lúc, chúng tôi quyết định dừng lại xem đua heo và xiếc khỉ. Mọi người, nhất là trẻ em, đều vô cùng háo hức.
Rời Mỹ Khánh, chúng tôi lên tàu quay về và dành thời gian còn lại quây quần bên gia đình anh bạn. Cần Thơ bây giờ đã là một trong bốn thành phố lớn nhất cả nước, nhà cửa san sát, phố xá khang trang và các trung tâm mua sắm chật kín người vào dịp cuối tuần. Nhưng giữa không gian đã nhuốm màu đô thị đó, vẫn có một dòng chảy âm thầm len lỏi như những dòng sông nhỏ. Đó là tình người nồng hậu, là tấm lòng hào sảng, là hồn quê dân dã mà chỉ cần nhìn xuyên qua sự xa hoa, sẽ lại thấy chúng trôi mát rượi vào lòng.
Nhóm thực hiện
Bài & ảnh: Phương Bùi