Đến Nhật tìm cây trốn nắng
Sự đa dạng và cởi mở của nước Nhật thể hiện qua những công trình, khiến người ta thấy được bình yên cả trong những khu vườn truyền thống và cả trong những dự án kiến trúc hiện đại, phá cách với bê tông, gạch đá.
“Nếu bạn có thì giờ để tán gẫu – Hãy ngồi đọc sách Nếu bạn có thì giờ đọc sách – Hãy tản bộ vào núi sâu, sa mạc và biển lớn Nếu bạn có thì giờ để tản bộ – Hãy múa ca Mà nếu như bạn có thì giờ để múa ca – Hãy ngồi yên đi“. Trên hành trình thăm thú Nhật Bản, tôi “đọc sách” và vô tình đọc được những dòng thơ này của Nanao Sakaki khi ngồi nghỉ mệt sau hơn một tiếng tản bộ. Ý nghĩ thoáng qua khi đó thật đơn giản: “Ồ mình đã có một mùa Hè đẹp như mong ước”. Từ Việt Nam hiện đã có nhiều đường bay thẳng đến Nhật Bản, trong đó tuyến bay đến Osaka rất phổ biến vì được nhiều hãng khai thác. Thế nhưng tôi rất ngại những nơi đông khách du lịch nên quyết định không đi những nơi quen thuộc. Tôi chọn cho mình những nơi ít người lui tới, để tách khỏi cơn nóng mùa Hè trên đất nước mặt trời mọc, tách khỏi những dòng khách du lịch tấp nập, để đọc sách, đi dạo, nhảy múa và ngồi im.
Đi tìm đom đóm
Vì chỉ chọn Osaka là điểm đến dừng chân sau chặng bay nên tôi chọn vườn Taiko chỉ cách ga Osakajokitazume 5 phút đi bộ cho tiện việc đi lại. Chưa kể một ưu điểm ở đây là vào cửa miễn phí, quá tiện lợi và tiết kiệm cho những bạn ham khám phá đó đây. Tạm quên đi mùa Hè nóng nực của Nhật Bản, tôi được bù đắp và cân bằng nhiệt độ bởi buổi đêm đi ngắm đom đóm.
Khu vườn Taiko rộng 4.000m², ai bước vào cũng rón rén nhẹ nhàng, trông khá buồn cười và thú vị khi rất đông người lớn đi cùng trẻ nhỏ nhưng điệu bộ đều như trẻ thơ. Mọi người nối nhau thành từng nhóm nhỏ ngắt đoạn để đi tìm đom đóm. Khi đến đúng “hang ổ” của hàng trăm ngàn đom đóm, không ai bảo ai chợt im phắc, chỉ thỉnh thoảng xuýt xoa rất khẽ “Sugoi! Sugoi!” (tuyệt vời).
Khoảnh khắc được quay lại tuổi thơ, dõi theo hàng ngàn ánh sáng lấp lánh lúc ẩn lúc hiện, bé xíu mà xinh đẹp huyền ảo trong vườn đêm là một cảm giác cực kỳ khó tả. Và rồi khi bước ra khỏi khu vườn, trở lại với các loại ánh sáng công nghiệp lại là một cảm giác trái ngược khó tả khác nữa. Nghe kể sau những ngày nắng chát là những cơn mưa tới nhưng đó cũng là lúc đại gia đình đom đóm biến mất hoặc chết đi… Thật buồn và thật đẹp!
Đến đảo thăm những vị thần
Từ Osaka tôi đến Awaji. Awaji là hòn đảo của “những vị thần bước ra từ huyền thoại”, thuộc tỉnh Hyogo, ở giữa Osaka – “nhà bếp của thế giới” và Kobe – nơi đã quá nổi tiếng với ngành công nghệ chăn nuôi bò. Ngay cả người Nhật Bản cũng không nhiều người biết đến Awaji, nhưng đến nơi đây bạn sẽ chẳng muốn về.
Ở Awaji có công viên Awaji Yumebutai, đây là một công trình kiến trúc tưởng nhớ những nạn nhân động đất, cách ga Kobe Sannomiya 30 phút đi xe bus. Tôi dành hai giờ đồng hồ để rảo quanh cụm phức hợp bao gồm khách sạn, sảnh hội nghị, vườn với những không gian xanh trải dài ngút tầm mắt. Cứ bước lên, đi xuống, rồi lại đi xuống bước lên qua các ô vuông vắn trùng điệp như những bàn cờ xếp lớp từ thấp đến cao và hướng nhìn ra biển trước mặt mênh mông. Cách bố trí cứ lặp đi lặp lại nhưng hầu như không ai tỏ ra nhàm chán. Buổi trưa kết thúc với một bữa cơm ngon lành chuẩn Nhật Bản đủ để hài lòng.
Tôi háo hức hơn với điểm đến thứ hai: Honpukuji Temple, hay còn gọi là đền thờ nước. Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết đã đến đúng nơi là một cánh cổng tori màu đỏ rất nhỏ cùng bức tường thành uốn nhẹ như gợn sóng trên đồi cao ngập đá sỏi. Honpukuji có bố cục không gian cực kỳ ấn tượng với phần mái trên cao là một hồ nước trồng sen hình tròn, người tham quan có thể đi men theo các đường viền xi măng như một cuộc đi dạo trên không mà chân vẫn tiếp đất. Ở đây, bạn có thể quan sát và chứng nghiệm cảm thức “wabi sabi” trong không gian yên tĩnh, đậm chất thiền một cách kỳ lạ, tinh thần tối giản và nương tựa thiên nhiên thấm đẫm mọi ngóc ngách trong khuôn viên đền.
Không giống như phần lớn đền đài ở Nhật Bản thường sử dụng gỗ và đá làm vật liệu chủ đạo, Honpukuji là sự pha trộn của hiện đại và truyền thống. Ấn tượng bao trùm ở đây là những khối bê tông lạnh. Chỉ khi bước vào bên trong và ở tầng sâu phía dưới, cảm xúc mới chợt vỡ òa khi được chiêm ngưỡng và tận hưởng ánh sáng xuyên qua lối đi được tạo thành từ hàng trăm ô vuông gỗ theo tỷ lệ chuẩn mực của kiến trúc Nhật. Không giống như những nơi khác ở Nhật thờ thần đạo, Honpukuji tôn thờ Phật. Kiến trúc sư của công trình, ông Tadao Ando, đã tính toán và sắp đặt kỹ càng để tận dụng ánh sáng tự nhiên ngoài trời tạo nên hiệu ứng ánh sáng như tỏa hào quang ở tượng Phật vào lúc 4 giờ chiều nếu là mùa Hè và 3 giờ chiều nếu là mùa Đông. Dù rất nổi tiếng trong vùng nhưng Honpukuji không quá đông người, ai đến đây cũng có thể tìm thấy không gian riêng của mình.
Dạo vườn giữa hương xưa
Tiếp tục chọn điểm đến theo tiêu chí “xanh”, hạn chế nắng nóng; tôi chọn thăm vườn Bách thảo Kyoto Botanical Garden, với phí chỉ 200 yên (khoảng 50.000 VNĐ), lại không phải tìm đường xa xôi, bước ra khỏi ga Kitayama là thấy ngay rồi. Đến Kyoto Botanical Garden bạn phải cần có bản đồ để không lạc lối bởi khu vườn rộng đến 240.000m2 với khoảng 120.000 cây. Đây là vườn lâu đời nhất, (mở lần đầu vào năm 1924) nhưng không đồng nghĩa với cũ kỹ vì luôn luôn được cập nhật cây mới.
Rất nhiều khu vực để bạn vừa khám phá vừa hít thở trong bầu không khí sạch sẽ và trong lành ngập buồng phổi: vườn tre, triển lãm bonsai, vườn hoa trà, vườn cây anh đào, vườn phong cách châu Âu, vườn hoa diên vĩ, hồ sen, vườn hồng… Thế nên tôi mất gần như cả ngày ở đây. Điều ấn tượng nhất là trong vườn người ta để lại những quả cam ăn dở, các loại hạt khô và những mẩu bánh vụn… rất tươm tất ở những gốc cây hay trên gờ tường. Để làm gì? Đó là thức ăn cho chim chóc và các sinh vật nhỏ trong vườn. Chi tiết nhỏ xíu này tôi đã từng bất ngờ khi bắt gặp ở một ngôi nhà tư nhân có mảnh vườn nhỏ ở Kyoto. Cách những khu vườn Nhật Bản nhẹ nhàng nhắc ta yêu mến và trân trọng thiên nhiên mới đáng yêu làm sao. Chợt nghĩ tới, năm nay là năm nước Nhật có niên hiệu mới – Lệnh Hòa (Reiwa) và mùa Hè đầu tiên của nước Nhật mới, chẳng phải ngẫu nhiên người ta nói nhiều đến: “thiên nhiên”, “truyền thống”, “tốt đẹp”, “hòa bình”…
Bình yên giữa ồn ào
Tokyo ồn ào là vậy, nhưng nếu muốn tìm một nơi thật yên tĩnh, bạn cũng chẳng phải ngồi tàu quá xa. Một vài lượt tàu, tôi đã đến được hồ Motosu ở chân núi Phú Sĩ. Hồ Motosu đẹp như tranh vào những lúc ngài Phú Sĩ (Fuji-san – núi Phú Sĩ) vén mây ló mặt cho mọi người chiêm ngưỡng. Mùa Hè nắng nóng nhưng trời trong mây trắng của mùa Hè lại tạo nên một vẻ đẹp đặc biệt cho nơi này. Đi bộ trong khoảng 3km bạn có thể ngắm nhìn những cảnh tượng từ hùng vĩ đến thi vị của núi Phú Sĩ in bóng trên mặt nước phẳng lặng của hồ Motosu. Cảnh tượng này được chọn để in trên tờ giấy mệnh giá 1.000 yên Nhật Bản. Người Nhật thường cắm trại ở đây, hiếm hoi mới thấy người nước ngoài. Vì vậy nếu có ý định đến đây, bạn nên chuẩn bị đồ dùng và thức ăn riêng.
Từ Tokyo, tôi tiếp tục đi Shinkansen đến Sendai, vì một bài thơ. Đúng vậy, vì một bài thơ: “Sông Hirose nước rất nông/ Đứng giữa dòng vẫn chưa ướt váy…”. Bài thơ này tôi đã đọc và nhớ từ thời sinh viên. Khi đứng trước sông, lòng không khỏi xúc động. Quả thật, nước rất nông và trong vắt dù sông Hirose dài đến 45km, bắt đầu từ chiếc cầu Sekiyama và kết thúc khi nó gặp lại dòng sông Natori. Sông Hirose cũng từng được chọn vào top 100 dòng sông nổi tiếng nhất thế giới. Sông Hirose được yêu mến như một biểu tượng của “City of trees”. Bạn hãy thật thong thả khám phá những quán cà phê địa phương, hay thơ thẩn dạo bước trên những con dốc nhỏ với lối vào cũng thật nhỏ nhưng đầy cây xanh.
Tuy nhiên, chỉ cần đón xe bus đến ga Sendai cách đó không xa và đi dọc đường Jozenji với rất nhiều hàng quán, cửa tiệm, trung tâm mua sắm. Tôi chọn Jozenji, con đường thời thượng mà lại nhiều cây xanh bóng mát nhất nước Nhật, lại không quá đắt đỏ như Ginza ở Tokyo hay đông đúc xô bồ như Shinsaibashi ở Osaka. Ngay cả đi mua sắm cũng yên bình, nhàn tản, còn gì tốt hơn nữa! Kết thúc chuyến đi, trên chuyến xe bus trở về, tôi lại tự nhủ: “Mình phải sống như mùa Hè năm nay!”
Bài: Hienpooh
Ảnh: Khoa Đỗ, Shutterstock
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE