“Faifo” chưa phôi phai đêm rằm tháng Giêng. “Faifo” là cách gọi Hội An thời thế kỷ 16-17 của các thương nhân châu Âu. Thời đó, “Faifo” là một thương cảng thịnh vượng và sầm uất bậc nhất Đông Nam Á. Chính nhờ sự giao thương mạnh mẽ đó, làng Hoài Phố đã hội nhập những nét giao thoa văn hóa từ phương Tây, Trung Hoa, Nhật Bản cũng như các nước Đông Nam Á láng giềng.
Ngày nay, tuy đã nhường vị thế “thương cảng quốc tế” cho Đà Nẵng nhưng nhiều phong tục đặc trưng của “Faifo” vẫn chưa phôi phai, như tập quán cúng rằm đặc biệt hằng tháng. Từ khoảng 7 đến 9 giờ tối, Hội An sẽ tắt tất cả đèn điện để nhường ánh sáng lung linh cho đèn cầy, đèn dầu và những chiếc lồng đèn đủ màu sắc. Từng lớp sóng người đổ về khắp các ngõ ngách của thị trấn, từ những con đường lớn cho đến các ngõ ngách đầy rêu phong, tiếng cười, tiếng nói không ngừng làm cho bầu không khí trở nên vô cùng náo nhiệt.
Con sông Hoài cũng mang một trọng trách lớn hơn những ngày thường, chở hàng vạn ước mơ mà người dân cũng như du khách đã gửi vào những chiếc đèn hoa đăng rồi thả trôi theo dòng nước. Có một người bạn sống ở Hội An kể với chúng tôi rằng, chính vì thói quen thả hoa đăng ở đây mà sông Hoài còn có một tên gọi khác – “dòng sông của những ước mơ”. Ngẫm ra cũng có lý! Vì ước mơ nào mà không sáng, không đẹp đâu?
Bên bờ kia của sông Hoài, tiếng đàn, tiếng hát của những nghệ nhân bài Chòi cũng góp phần vào sự náo nhiệt của đêm Hội An. Chen chân qua các đám đông, đi theo những âm thanh dân gian và tiếng reo hò của những người chơi, chúng tôi háo hức tham gia vào trò chơi dân gian được UNESCO công nhận là Văn hóa Phi vật thể của nhân loại lần đầu tiên trong đời. Leo lên chòi, cầm hai thẻ tre vừa mua, chúng tôi bắt đầu dò số theo những câu hát của anh hiệu rồi hét to lên khi trúng giải. Đêm “Faifo” đã mang lại cho chúng tôi những cảm xúc khó “phôi phai” như thế đó.
Đi tìm Hội “An”
Không khí náo nhiệt, sôi nổi đó đã theo chúng tôi về qua những bức ảnh, chỉ ngồi xem lại cũng cảm thấy rất vui. Nhưng đi đến một nơi mà chỉ cảm thấy “vui” không thì chưa đủ, ít nhất là với khái niệm du lịch của riêng chúng tôi. Thứ cảm giác lưng chừng, nửa vời đó một lần nữa kéo chúng tôi quay lại Hội An sau hai năm.
Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, chúng tôi may mắn được đi nhờ xe của một chú vừa làm quen trên chuyến bay. Lần này chúng tôi chọn ở một nhà dân cách phố cổ hơn ba cây số gần bến đò Cẩm Thanh. Ba chú cháu phải chạy đi chạy lại mấy vòng mới tìm được con hẻm theo đúng địa chỉ của nhà trọ ghi trên website. Chủ của ngôi nhà này là hai vợ chồng khá trẻ. Anh chồng tên Toàn yêu thích kiến trúc đã dựng lên hai căn phòng ngoài sân để làm nhà nghỉ, còn vợ anh, chị “Tóc Ngắn” ở nhà nội trợ kiêm thêm việc lễ tân đón khách.
Tối hôm đó, anh Toàn mang về chiến lợi phẩm của mình sau chuyến đi câu ngoài sông. Chúng tôi nhờ thế được chiêu đãi một bữa cá nướng chấm muối ớt ngon lành và những câu chuyện về mảnh đất Hội An thân thương của họ. Dĩ nhiên, chúng tôi phải tập làm quen với những khẩu hình tròn vành, và âm sắc hơi nặng của hai anh chị mới có thể hiểu được hết. Mà hình như càng nghe nhiều lại càng thấy dễ thương.
Anh nói rằng anh cũng thấy buồn khi Hội An đang dần mất đi những giá trị bản địa của nó. Nhưng cũng dễ hiểu thôi, ai mà sống nổi trong những ngôi nhà cũ kỹ ấy hoài được. Đa số gia đình địa phương đều lựa chọn bán hoặc cho người nơi khác thuê lại để kinh doanh khách sạn, hàng lưu niệm hoặc quán cà phê mà theo anh đã phá hỏng hết sự yên bình của phố Hội.
BÀI LIÊN QUAN
Anh cắt nghĩa cho chúng tôi về cái tên Hội An. Người ta dùng nó để đặt tên cho một vùng đất “Hội Nhân” – với sự chung sống thuận hòa của người phương Tây, người Trung Hoa, Nhật Bản và người bản địa; “Hội Thủy” – là nơi giao nhau của ba con sông lớn của xứ Quảng: Thu Bồn, Ô Gia và Chiên Đàn; “Hội Văn” – tiếp nhận, kế thừa văn hóa Chăm và các nước khác trên đường giao thương ngày trước, để rồi bà con cùng “An” hưởng những điều tốt đẹp, thuận hòa. Vậy mà sự thương mại hóa của du lịch đã làm mất đi sự “an yên” đó của quê hương anh. Nhưng gia đình anh vẫn yêu tha thiết cái xứ này và muốn mọi người cảm nhận Hội An khác hơn như thế. Phật dạy rằng “Bình yên là đến từ bên trong, đừng tìm nó ở bên ngoài”.
Ngồi cùng bàn với chúng tôi là một anh Việt kiều từ Anh về. Anh kể rằng anh yêu mảnh đất này đến nỗi phải đến đây cả trăm lần chứ chẳng chơi. Anh nhớ có lần đãng trí để quên cả ba lô ngoài bến xe Hội An, mãi cho đến khi về khách sạn ăn no căng bụng rồi mới sực nhớ ra. Quay lại bến xe dù chẳng một chút hy vọng, anh đã tìm thấy nó tại quán cà phê anh ngồi lúc sáng. Và điều đặc biệt là bác xe ôm lớn tuổi đã ngồi đó để trông cho anh từ sáng vì sợ có người khác lấy mất. “Người xứ này sống thật thà và hiền lành như vậy đó!”. Chúng tôi cũng muốn “yêu lây” một Hội An theo lời kể đó.
Năm giờ sáng hôm sau, khi vừa có mặt ở trung tâm, chúng tôi đã chính thức phải lòng phố Hội. Những con phố vắng tanh, những ngôi nhà ngói âm dương chợt tỉnh giấc bởi tiếng chổi quét sân của người dân. Tia nắng lấp ló nhảy múa trên mái nhà để lại những vệt sáng loang lổ trên những bức tường vàng hoài cổ. Rồi mặt trời cũng bắt đầu lên cao nhuộm nắng cả thị trấn. Buổi chợ sớm mai nhộn nhịp, rôm rả tiếng cười nói, tiếng mời chào của chị hàng rau, hàng cá đặc sệt chất giọng xứ Quảng tròn trĩnh, dễ thương. Rượt đuổi với mặt trời chán chê, chúng tôi tấp vào một quán lề đường ngay phía sau chùa Cầu Nhật Bản, ăn bún và uống cà phê. Một buổi sáng như vậy, đâu phải dễ có ở Sài Gòn! Buổi sáng Hội An không chỉ đẹp ở phố cổ không thôi.
Chúng tôi còn yêu cả bình minh trên cầu Cửa Đại. Nếu mặt trời ở phố cổ chỉ lấp ló dưới những mái ngói âm dương thì mặt trời trên sông rực rỡ hơn nhiều. Ló dạng bởi một thứ ánh sáng tím mê hoặc tại giao tuyến giữa mặt sông và bầu trời, mặt trời dần dần hiện ra tròn xoe, dát màu đỏ cam óng ánh cho cả một dòng sông phẳng lặng. Dòng nước im lìm như tờ chốc chốc lại bị rẽ làm đôi bởi chiếc xuồng nhỏ của ngư dân.
Đứng trên cầu, chúng tôi – những kẻ mơ mộng lang thang được thiên nhiên và con người thết đãi bữa tiệc rạng đông với màu sắc và âm thanh chan hòa, rồi tự hỏi: “Tối nay sao nỡ bay về Sài Gòn đây?”. Chúng tôi đã tìm thấy Hội “An”. Tình yêu đã lớn quá nhanh đến nỗi tôi không thể dễ dàng nhào nắn hay vo viên gói gọn ra để viết. Chẳng biết phải diễn đạt thế nào nữa, chỉ biết rằng về nhà rồi chúng tôi vẫn còn nhỡ mãi nụ cười dễ thương của những cô thợ trong cửa hiệu lồng đèn, tiếng rao bánh mì của chị hàng rong trong phố cổ, tiếng đạp máy rồi tiếng mũi kim tành tạch của hàng may đo lấy liền.
Nhớ mãi những bức tường vàng, những ngõ phố rong rêu nhuộm màu thời gian. Nhớ hàng rau no nước xanh mướt mà bà con mình chăm chỉ vun tưới mỗi sáng tại làng rau Trà Quế. Nhớ cô bé hơi tròn trĩnh, dễ thương ở làng gốm Thanh Hà ngồi nặn gốm “Mời hai anh ghé mua” rồi đưa tay quệt mồ hôi để đất dính đầy trên má. Nhớ tô cao lầu vàng ươm, đậm đà rồi giòn tan ổ bánh mì với thứ nước kho thịt “bắt miệng” mà anh Phong nấu bằng cả tâm huyết. À, nhớ nhất phải kể đến một buổi chiều cùng anh Toàn và một người bạn của anh lênh đênh từ xuồng máy tới thuyền thúng xuôi ngược rừng dừa, rồi lại luồn dưới chân cầu Cửa Đại, len lỏi vào làng đi trên chiếc cầu tre nhỏ vắt qua mương, sình lầy vẫn còn y nguyên dưới đế giày. Có ai mà không yêu được một Hội An như thế không?
Nhóm thực hiện
Bài & Ảnh: Wanderful Dreamers
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE