“Nếu bạn đủ may mắn để sống ở Ireland, thì khi đó bạn có đủ may mắn cho bản thân mình rồi..."
Sống ở đất nước phía Tây Bắc châu Âu này một thời gian ngắn, tôi rất thích câu nói: “Nếu bạn đủ may mắn để là người Irish, thì khi ấy bạn có đủ may mắn rồi”. Và với một cô gái may mắn nhận được cơ duyên trải nghiệm quãng đời tuổi trẻ cùng người mình yêu ở đây, có lẽ tôi nên thay đổi câu nói ấy một chút rằng: “Nếu bạn đủ may mắn để sống ở Ireland, thì khi đó bạn có đủ may mắn cho bản thân mình rồi”.
Ngày đầu tiên bước xuống Ireland, chào đón tôi là biểu tượng cỏ ba lá xanh biếc ngay trước nhà ga sân bay Dublin. Bởi vì từ xa xưa, người Ireland đã coi lá shamrock như một bùa hộ mệnh và đem lại may mắn cho họ. Theo truyền thuyết của người Ireland, trước đây Thánh Patrick đã sử dụng hình ảnh cỏ ba lá để thuyết giảng cho những người theo đạo về Chúa ba ngôi: Cha, Con và Thánh thần. Điều này làm hình ảnh của loài cỏ ba lá trở nên vô cùng thiêng liêng trong lòng mỗi người dân theo đạo ở đây. Vì thế, ngày lễ Thánh Patrick 17/3 hàng năm được tổ chức rất trọng đại và đầy màu sắc.
Kỳ nghỉ lễ Thánh Patrick đầu tiên, tôi quyết định cùng bạn đồng hành ghé thăm Galway, một trong những thành phố lớn của đảo quốc Ireland. Nếu Dublin khiến bạn có cảm giác nhộn nhịp và tất bật của một thành phố thực sự thì Galway lại khiến người ta có cảm giác yên bình và muốn ở lại. Tôi tin rằng rất nhiều người trong số các bạn đều có khuynh hướng chọn cho mình một công việc và cuộc sống sung túc ở các thành phố lớn nhưng lại muốn hưởng thụ sự yên bình, nhẹ nhàng sau những giờ làm việc căng thẳng. Và thật may mắn, Galway có thể thoả mãn những mong muốn tham lam ấy của một người trẻ như bạn và tôi.
Galway, cô nàng mơ mộng đáng yêu
Thành phố Galway (tiếng Irish là Gaillimh) nằm ở bờ biển Tây của Ireland, bên bờ sông Corrib, giữa Lough Corrib và vịnh Galway, nơi nước sông chảy rất mạnh đưa nước đổ ra biển. Trái ngược với sự hung dữ của dòng nước là khung cảnh nên thơ dọc hai bên bờ sông. Thong dong dạo bước trên cây cầu bắc ngang song Corrib, bạn sẽ vô tình phát hiện một ngôi nhà nhỏ xinh với những bức tường và khung cửa sổ màu trắng, phía trước nhà là khoảng sân nhỏ với thảm cỏ xanh mịn cùng một vài chậu hoa thuỷ tiên vàng hướng ra sông, sáng rực cả một góc phố. Phía bờ đối diện bên kia là những cô bạn gái tuổi đôi mươi ngồi trò chuyện dưới gốc cây “mùa xuân” đang nảy lộc.
Tôi ngước nhìn và bỗng chốc mơ mộng về thời con gái yêu đương hẹn hò, giá mà cũng được đến những nơi dịu dàng thế này thì thật tuyệt. Bước ra khỏi mớ suy nghĩ lãng mạn trong đầu, tôi chợt nhận ra, niềm khao khát và chờ đợi một mùa Xuân mới đang bắt đầu nhen nhóm quanh đây. Những tia nắng yếu ớt ló rạng ra khỏi từng đám mây dày cộm, chiếu xuống thành phố mang theo hơi ấm nồng nàn và trong lành của tiết trời chớm Xuân. Nếu bạn từng đến đây vào một ngày giữa mùa Đông lạnh giá, phố vắng người và trong lòng rất trống trải, bạn sẽ hiểu được niềm vui và sự hứng khởi khi một ngày có nắng là thế nào.
Galway, chàng nghệ sĩ điển trai và tài năng
Cho đến lúc này, tôi vẫn yêu say đắm những anh chàng danh tiếng một thời của nhóm nhạc Westlife đến từ đất nước Ireland xinh đẹp năm nào. Trong tâm trí tuổi thơ của một cô bé nhỏ, tôi chẳng bao giờ dám mơ ước một ngày đến được đất nước của các anh. Nhưng giờ đây những gì mà cuộc sống ban tặng lại quá đỗi ngỡ ngàng, khiến tôi càng nhớ về một thời niên thiếu được sống trong âm nhạc.
Ở Ireland, người ta luôn xem âm nhạc là một phần quan trọng của văn hoá và cuộc sống. Bước đến bất cứ khu phố đông người nào nơi đây, bạn sẽ đều bị cuốn hút vào những hoạt động của các nghệ sĩ đường phố sáng tạo, họ luôn phục vụ bạn một cách chân thành và vui vẻ. Trên những con đường lót đá cổ xưa của Galway vang lên không ngớt giai điệu truyền thống nhộn nhịp.
Đầu con phố chính, người nghệ sĩ đang thổi chiếc kèn tuba, khán giả của anh là một cô bé nhỏ xíu chừng năm tuổi mặc chiếc áo khoác màu đỏ níu tay mẹ đứng lại xem rất chăm chú. Rồi đến giữa phố là một nhóm nhạc vui tính, anh trai chơi đàn đứng trên trụ sắt, chàng thanh niên đánh trống vào chiếc loa thùng đang ngồi, và một cô gái hát theo điệu nhạc du dương. Mọi người vây quanh tán dương ủng hộ một cách thích thú. Cách đó không xa, người đàn ông trung niên đứng đơn độc cất vang một bài hát giai điệu Irish miền quê. Trong một ngõ nhỏ nào đó, văng vẳng tiếng các cô bé gái đồng thanh bài “Let It Go” quen thuộc. Và bắt đầu như thế, giữa con phố High Street đông đúc, âm thanh từ khắp các cửa hiệu, quán bar ngoài trời, hay quán café xinh xắn ẩn mình lại được dịp cùng nhau thể hiện.
Nơi đây, không phân biệt gái trai, người già và trẻ nhỏ họ thi nhau nhảy nhót, cụng ly chúc mừng một ngày vui. Bất chợt tôi tưởng tượng Galway sống động như một anh chàng điển trai thu hút các cô gái bằng giọng hát và những màn trình diễn độc đáo của mình. Biết đâu anh ấy nhìn thấy bạn, sẽ kéo bạn vào cuộc vui, rồi bạn sẽ trở thành một người nghệ sĩ nghiệp dư, cất cao tiếng hát, bước chân nhún nhảy hoà vào niềm vui xung quanh lúc nào không hay biết.
Galway, thành phố may mắn và giàu cảm xúc
Đây là lần đầu tiên tôi tham dự ngày Thánh Patrick, một ngày lễ đạo, ăn mừng trên toàn thế giới vào ngày 17/3. Người ta kể rằng, Thánh Patrick là một vị Thánh bảo hộ được biết tới nhiều nhất ở Ireland vào thế kỷ 387 – 461 sau công nguyên. Ngày lễ Thánh Patrick chính thức là ngày lễ quốc gia vào khoảng thế kỷ 17, tượng trưng cho nền văn hoá của người Irish. Vào ngày này, từ người lớn tuổi đến các em nhỏ sẽ ùa ra đường trong trang phục và đồ hoá trang màu xanh của lá shamrock, cùng nhau chiêm ngưỡng cuộc diễu hành đầy màu sắc, tái hiện xã hội và văn hoá lâu đời của thành phố.
Đây cũng là dịp để các câu lạc bộ, hội nhóm thi nhau quảng bá hình ảnh của mình sao cho thật sáng tạo và độc đáo. Rồi sau đó, người ta sẽ dắt nhau đi uống bia, nhảy nhót, kể chuyện, pha trò, tiếng nói cười hoà cùng tiếng nhạc đường phố. Mọi người có cơ hội tụ họp, gặp gỡ nhau sau những tháng ngày xa nhà vì công việc.
May mắn thay, ngày hôm ấy trời không mưa nhưng khá nhiều gió, thời tiết điển hình cuối đông đầu xuân của miền đất này. Sau buổi diễu hành đường phố, tôi đi một vòng ra phía bãi biển Salthill để nhìn xem cuộc sống thường nhật xứ này. Dọc bờ biển người ta xây những bức tường ngang thắt lưng bằng các khối đá rắn chắc với lối đi bộ hướng tầm nhìn ra biển, là nơi người ta có thể chạy bộ mà không ra mồ hôi, nơi người ta có thể dắt thú cưng bách bộ, nơi có những cơn gió rất lạnh và cũng là nơi có ngọn hải đăng từng chứng kiến nạn đói khủng khiếp và cuộc di cư lịch sử của người Ireland.
Ngay gần đó, người ta dựng đài tưởng niệm phía trên dải đất cao hướng ra mặt biển bao la, nhìn về phía ngọn hải đăng để tưởng nhớ quá khứ nạn đói với hơn một triệu người chết vào thế kỷ 19. Lịch sử vẫn tồn tại như một minh chứng cho vết thương tinh thần sâu sắc của các thế hệ người dân Ireland.
Sau buổi trưa, mặt trời xuất hiện xua tan bớt cái lạnh đầu xuân. Tôi đi bộ về phía nhà thờ Galway, một nhà thờ Công Giáo La Mã, với lối kiến trúc mái vòm và các cột trụ phản ánh phong cách thời Phục Hưng, cửa sổ hoa hồng khảm theo nghệ thuật Kito giáo. Trên độ cao 44.2 mét, mái vòm hiện lên một cách nổi bật trên đường chân trời, khiến bạn có thể nhìn thấy nó khi đứng ở bất kỳ vị trí nào của thành phố. Tôi nhỏ bé lọt thỏm giữa không gian rộng lớn của nhà thờ, nhìn vẻ bình yên và sự tĩnh lặng nơi đây, khiến con người ta cảm thấy như trút bớt gánh nặng cuộc sống bên ngoài cánh cửa gỗ kia.
Tại vài góc gian phòng nhà nguyện, đâu đó một, hai người đang ngồi cầu nguyện với gương mặt nhọc nhằn và u buồn, có lẽ họ đang gặp nhiều gian nan, trắc trở. Hình ảnh ấy khiến tôi không thể thôi suy nghĩ, những chênh vênh tuổi trẻ ở hiện tại có là gì so với những biến cố của cuộc đời lúc tuổi trung niên. Khi đó, con người ta lại tìm đến tín ngưỡng của riêng mình, tin vào nó mà có thêm sức mạnh đứng dậy chống lại cơn bão.
Rời Galway, tôi mang theo những tấm bưu thiếp xinh xắn và một viên đá nhỏ từ bãi biển ban chiều đã đi. Tôi thường có thói quen gói một chút không khí xứ lạ vào món đồ nào đó, để một ngày nhìn vào, nó nhắc nhớ tôi những ký ức đẹp. Và tôi vẫn tin rằng muốn yêu một nơi chốn nào đó, tôi cần phải quay lại để tạo ra những kỷ niệm thú vị mới mẻ hơn.
– Đi lại:
+ Xe bus: giá vé từ sân bay Dublin – Galway €26 – €30/ khứ hồi, từ trung tâm thủ đô Dublin – Galway khoảng €20/ khứ hồi. Bạn có thể đặt vé trên mạng tại citylink.ie hoặc đến thẳng trạm bus mua vé. Thời gian đi: 2 giờ 45 phút.
– Điểm dừng chân:
Ngoài các khách sạn 3 – 4 sao với giá từ €70 – €100/ đêm, bạn còn có thể ở tại các B&B với giá từ €50 – €80/ đêm tuỳ loại. Đặc điểm riêng của các B&B ở Ireland, đó là những ngôi nhà dạng biệt thự mini, bao quanh khuôn viên là khu vườn xinh xắn được chăm sóc chu đáo. Tại đây bạn sẽ có cảm giác thân thuộc như ở nhà mình vậy.
– Ăn uống:
Nếu muốn thử món ăn truyền thống Ireland, đừng quên thưởng thức “Irish Breakfast” một lần vì đây là bữa sáng truyền thống đặc trưng của người dân Ireland. Bữa sáng giàu chất dinh dưỡng bao gồm trứng ốp la, thịt heo xông khói, xúc xích, cà chua, bánh pudding, nấm, đậu cùng vài lát bánh mì và bơ. Bạn có thể dùng bữa sáng tại khách sạn hoặc các điểm dừng chân mà bạn sẽ ở.
Đồ uống cũng là một trong những sở trường của Ireland. Tại các quán bar và quán rượu trên khu phố chính của thành phố, bạn có thể thưởng thức những ly rượu whiskey hay một cốc bia Guiness, là loại bia đen nổi tiếng của Ireland. Hầu hết các quán bar đều xuất hiện trên con đường High Street tại Galway và cũng phục vụ đủ các loại rượu, cocktail nổi tiếng trên thế giới.
– Địa điểm dừng chân:
Ngoài những bảo tàng và phòng tranh nghệ thuật, đến Galway bạn không thể bỏ qua thắng cảnh thiên nhiên The Cliffs of Moher, vách đá nổi tiếng của Ireland trải dài 8km trên bờ biển phía Tây Ireland. Vì lý do thời tiết và thời gian có hạn, lần này tôi vẫn chưa kịp ghé thăm. Hẹn một ngày cuối tháng 4, khi bầu trời và mặt đất ờ thời điểm giữa xuân, tôi sẽ trải nghiệm và kể cho các bạn nghe về vẻ đẹp tuyệt mỹ của nơi này.
– Thông tin thú vị khác:
Galway City, tên tiếng Ireland là Gaillimh, có nghĩa là “đá” trong “dòng sông đá”. Trong lịch sử, cái tên này đã được Anh hoá thành Galliv, gần hơn với cách phát âm tiếng Irish, giống như tên của thành phố trong tiếng Latin, Galvia.
Nạn đói khoai tây Ireland: vào giữa thế kỷ XIX, một căn bệnh bí ẩn, dạng nấm đã biến tất cả khoai tây thành bột đen, dẫn tới nạn đói khủng khiếp cho hơn một triệu người dân Ireland hoặc họ phải tìm đường di cư đi nơi khác.
Bạn có thể xem thêm những hoạt động lý thú của thành phố Galway trong ngày lễ Thánh Patrick tại đây:
Viết từ Athlone, Ireland.
Ngoài chì kẻ, gel định hình sẽ giúp các sợi lông mày vào nếp hoàn…
Đi chơi và rong ruổi, chạy đuổi theo ký ức. Tinh thần trong bộ sưu…
Giảm cân không còn là thách thức khi bạn biết cách bổ sung những thức…
Vũ trụ muốn gửi đến bạn thông điệp gì vào tuần này? Chọn 1 tụ…
Cùng ELLE Việt Nam tìm hiểu xem 12 cung hoàng đạo sẽ đón chờ những…
Chỉ với vài chấm màu đỏ rực, má hồng cà chua sẽ khiến gương mặt…