Du lịch Ấn Độ – Lang bạt nơi xứ Ấn
Rong ruổi miền thiên trúc (Ấn Độ) là những đêm vất vưởng nơi nhà ga New Delhi quanh đám ma cô dụ mua bồ đà giải sầu, là món bánh Naan chấm cà ri vỉa hè cay xè ăn đến ngày thứ ba môi sưng vù vì nhiệt, là ngụm sữa tươi ruồi bu nơi chợ sữa uống trong hồi hộp sợ Tào Tháo gọi tên… những cung bậc đời thường ấy luôn khiến những ngày lang bạt xứ Ấn thêm gian nan và kỳ thú hơn các hành trình khác từng trải nghiệm.
Không có được tâm trạng thư thái như những khách hành hương về nơi xứ Ấn khi hành trình du lịch Ấn Độ qua tứ động tâm – bốn vùng Phật tích ghi dấu nơi Phật đản sanh (Lâm Tì Ni), nơi Phật giác ngộ (Bồ Đề Đạo Tràng), Phật chuyển pháp luân (vườn Lộc Uyển) và Phật nhập niết bàn (Câu Thi Na), bởi ngoài những vùng thánh tích ấy, những sắc màu cuộc sống của đất nước đông dân thứ 2 thế giới này còn là một nét hấp dẫn khác cuốn hút tôi vào hành trình khám phá xứ Ấn ở góc độ đời thường nhất, bắt đầu từ Bodh Gaya, qua New Delhi, đến Arga, Varanasi, Kushinagar…
Du lịch Ấn Độ, rong ruổi nơi xứ Ấn, cái cảm giác khó chịu, bực bội hẳn không dễ tránh khỏi ngay từ lần chạm mặt đầu tiên, là chật chội, là người qua lại đua chen, là những bỡ ngỡ khi trong vai khách lạ, nhưng khi đã quen dần qua nhịp đời cuộc sống, những bức bí ấy như dần được giải nén, lộ ra các nét đẹp về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, ẩm thực, đời sống… tổng hòa thành một bức tranh đa sắc mà càng sống và chiêm nghiệm với nó, sẽ thấy ở đó cả một khoảng trời thú vị.
Và trong số những điểm đến ấy, cổ thành Varanasi luôn là một nét đậm và ấn tượng hơn cả, bởi rằng vương thành ấy được ví von cổ xưa hơn cả lịch sử, nơi ngọn lửa táng ven sông Hằng linh thiêng từ hơn 3.500 năm qua chưa hề tắt, nơi những nghi thức cúng tế của các tín đồ Hindu giáo diễn ra đều đặn mỗi ngày từ hàng ngàn năm chưa hề thay đổi. Ngày mới nơi cổ thành bắt đầu bằng nghi lễ đón chào thần mặt trời (Surya) lên ở bờ Đông sông Hằng, và kết thúc một ngày bằng với lễ cúng thần lửa (Aarti) ở Dashashwamedh Ghat.
Ở Varanasi, những bề thế của các bến nước thiêng (người bản địa gọi là Ghat) ven sông Hằng phô diễn sự uy thế bao nhiêu, thì cuộc sống con người trong những con hẻm nhỏ hẹp ngay sau các bến nước chính là sự tương phản rõ rệt giữa đạo và đời, giữa tín ngưỡng và cuộc sống trần tục, giữa những huyền bí của niềm tin tôn giáo và thực tại bon chen nơi thành cổ.
Nếu như New Delhi dễ gây khó chịu bởi sự ồn ào, bon chen, trộn lẫn trong đó là bụi bặm, là những bất trắc của cuộc sống lọc lừa nơi những tay cò mồi, từ cò xe ba bánh, cò taxi, cò vé tàu, cò khách sạn… luôn khiến cảm giác dễ thấy bất an nơi xứ lạ; Arga làm người ta choáng ngợp với biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn Taj Mahal, thì khi đến Varanasi, nét “đời” của một vương thành hưng vượng trong quá khứ, nay vẫn đủ để tìm trong đó muôn vàn nét lạ, từ ẩm thực hè phố với món bánh mì Naan trứ danh – món ăn thường nhật của người Ấn, đến món bánh gối Samosa giòn giòn với hương vị cà ri thơm nức, chén sữa dê lên men (Lassi)… ngon và rẻ đến bất ngờ.
Cả nhịp đời đường phố, từ anh nhạc công hài hước đến đám rước đưa cô dâu mới về nhà chồng, những tất bật của phiên chợ chỉ toàn đàn ông từ làng quê đem sữa ra chợ bán, những vất vả mưu sinh chỉ bằng con dao cạo dọn sạch râu tóc cho các tín đồ Hindu trước giờ thanh tẩy tâm hồn và thân xác nơi sông Hằng… Cuộc sống nhộn nhịp ấy cứ đan xen, đua chen, tạo nên những kỳ thú từ nét dân dã đời thường ấy. Để rồi khi nghiệm lại suốt chặng hành trình nơi xứ Ấn, ta sẽ thấy cảm giác đổi thay từ ghét sang yêu chẳng biết tự lúc nào.
BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH ẤN ĐỘ
– Thời điểm mùa nắng lên cao điểm (tháng 4 – tháng 7), cái nóng kinh khủng có khi lên đến hơn 50 độ C, hẳn không phải là điều kiện lý tưởng để bắt đầu chuyến phiêu du xứ Ấn.
– Từ Việt Nam, có các đường bay phổ biến với chặng quá cảnh qua Singapore hoặc Thái Lan từ các hãng bay quen thuộc như Jet Airways, Singapore Airlines, Silk Air, Thai Airways… để đến Ấn Độ.
—
Thực hiện: Nguyễn Đình