BÀI LIÊN QUAN
Du lịch Bhutan – chuyến đi đầy ắp nỗi nhớ
Mới đầu, tôi định đặt tên bài viết là “An Lạc Bhutan”, vì tôi cảm thấy gọi Bhutan là xứ sở hạnh phúc, nghe có gì đó kiểu cổ tích công chúa hoàng tử, chưa chuẩn xác. Hạnh phúc, tiếng Anh là Happy, có vẻ dễ hiểu, nhất là đối với nền văn minh thực tế châu Âu. Bhutan, The Happiest Country, dịch vậy, dân Tây họ hiểu ngay. Tuy nhiên, nếu được phép, tôi xin được gỡ bỏ tính từ thông dụng và quen thuộc này, và thay vào đó tính từ “An Lạc”.
Sau cùng, trong đầu tôi bỗng nảy ra ý tưởng đặt tên bài viết là “Ăn – Cầu nguyện – Yêu ở Bhutan”. Ai chăm đọc đều biết đến cuốn tự truyện đầy lôi cuốn, tinh tế, và tươi sáng của tác giả Elizabeth Gilbert. Trong cuốn sách, bà mô tả bản thân như một người thành thị điển hình, vật vã, lạc lõng, quay cuồng, chán chường trong mớ bòng bong cuộc sống (tưởng chừng như) êm ấm, thành công, hạnh phúc của chính bản thân mình. Bà quyết định tự tìm lại bản thân qua những chuyến đi.
Ảnh: Pixabay
Ở nhà, người ta đang thúc đẩy chiến lược quảng cáo – marketing du lịch Bhutan như một xứ sở thiên đường lấp lánh. Nhiều người hồ hởi tìm đến Bhutan để… hưởng thụ khái niệm Hạnh Phúc theo cảm quan của bản thân, rồi thẫn thờ với khái niệm Hạnh Phúc kiểu Bhutan không giống như người ta kì vọng. Như vậy, vô hình chung, bạn tự biến mình thành lạc lõng, thơ thẩn như Gil người châu Âu mất rồi. Bạn tìm về Bhutan khi bạn thực sự biết mình là ai, mình đón nhận điều gì, mình ở đâu, và mình bình thản với mọi buồn – vui do chính mình tạo ra và mình xứng đáng được nhận.
Giờ, chúng ta cùng để lại mọi ý niệm, trở về trạng thái tinh thần thật rỗng, tâm hồn rộng lòng hết mức, và nếu có thể, một cái bụng đói nữa, để đón nhận những điều bất ngờ về Bhutan mà tôi sắp kể với bạn nhé!
BÀI LIÊN QUAN
Ăn
Để đến được Bhutan, chúng ta phải bay sang Bangkok hoặc Nepal. Rồi từ hai nơi đó bay tiếp. Vì Hà Nội gần Bangkok hơn nên tôi bay sang Bangkok, rồi sẽ bay tiếp sang Bhutan vào sớm ngày hôm sau. Trước khi đáp ở Bhutan, chúng ta lại quá cảnh thêm lần nữa ở Ấn Độ.
Từ Bangkok bay sang Ấn, trên chuyến bay của hãng hàng không Bhutan DrukAir – một trong hai hãng hàng không được hoạt động ở Bhutan, tiếp viên hàng không sẽ hỏi bạn ăn thịt hay… ăn chay. Hành khách trên chuyến bay hồ hởi cố níu kéo nốt bữa thịt cho ra thịt cuối cùng trước khi sang xứ sở An Lạc. Đến lượt tôi, ngồi giữa khoang máy bay, là không còn lựa chọn. Tuy nhiên, tôi vui vẻ, vì tôi ở nhà thì cảnh vẻ vậy, chứ đi du lịch thì tôi thích nghi nhanh lắm. Vả lại, tôi không ăn chay trường, nhưng cũng thường ăn chay, nên tôi rất hưởng thụ món chay theo phong cách Ấn này. Tức là chay kiểu cà ri rau củ quả kèm ớt, thêm nhiều bơ sữa, phô mai. Khá “thi vị” nếu bạn không quen phong cách vận dụng đa dạng đến hoành tráng các loại gia vị – thảo dược. Tuy nhiên, Bhutan chứ không phải Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thay vì giữ khư khư quan điểm ngon chúng ta đang nằm lòng, thì bạn nên thở phào một cái, nếu còn lựa chọn Thịt, thì cũng thử “điên rồ” một chút, ăn chay cùng tôi. Chúng ta cùng nhàn nhã nhai chậm rãi món gạo kiểu Ấn khô khốc, nếm thử sốt cà ri củ quả đượm vị nồng cay quyện cùng hương thơm the the của lá thảo dược, cảm nhận các lớp gia vị xoay vần luân chuyển kết hợp nhuần nhuyễn khiến vị giác đang có cảm giác sợ hãi dè chừng, dần quen với điều mới mẻ, cảm thụ điều mới mẻ, yêu lấy điều mới mẻ. Đừng bị ác cảm món Ấn nồng mùi mà hãy thoải mái cảm nhận món ăn như một sự kết hợp cầu kì và mãnh liệt của nhiều nguyên liệu, đặc biệt là các loại lá, loại hoa – gia vị. Nhiều loại gia vị bạn đang nếm lúc này, cũng được dùng trong việc… tạo mùi thơm trong nước hoa đấy.
Tôi quá cảnh tại Ấn Độ. Ngồi yên ắng trong máy bay, lắng nghe dạ dày tập làm quen với tầng tầng lớp gia vị, phô mai, bơ sữa. Chút nữa thôi, chúng ta sẽ từ Ấn Độ bay sang xứ sở An Lạc. Chút nữa thôi, chúng ta sẽ được ăn bữa ăn đầu tiên mang đúng phong cách Bhutan.
Bữa ăn kế tiếp. Tiếp viên không cần hỏi bạn dùng gì nữa. Vì chỉ một lựa chọn thôi. Chay cho nhẹ nhàng!
Chưa đến Bhutan mà đã chỉ toàn thấy… chay với cay thế này. Bạn đã hoảng hồn, đã vỡ mộng về quốc gia Hạnh Phúc chưa?
Ảnh: Youtube
Thực tế, Những ngày ở Bhutan, bạn có quyền ăn thịt. Không ai cấm bạn cả. Bản thân người dân Bhutan vẫn ăn thịt, chứ xứ An Lạc không ăn mỗi lạc như mọi người lầm tưởng (đùa đấy). Các loại thịt gà, thịt lợn, thịt bò… được nhập từ các nước láng giềng. Chủ trương của đất nước An Lạc là không giết mổ. Cách người Bhutan ăn uống khá đồng điệu với người Ấn Độ ở điểm dùng nhiều bơ sữa, phô mai trong món ăn lẫn món uống, các món ăn thường cay, các loại rau thường được xào cùng phô mai và ớt. Nếu hỏi quả gì là quốc quả của Bhutan, khỏi suy nghĩ, tôi cho bạn câu trả lời luôn, đó là quả ớt. Cay cũng là loại gia vị được ưa chuộng nhất ở xứ An Lạc. Đâu đâu bạn cũng thấy ớt. Ớt đầy ngoài chợ, ớt đỏ phơi khô hàng bao tải trong nhà người dân, mở mâm cơm ra, sừng sững đĩa ớt xanh cay xè xào pho mai ngậy nức nở. Tóm lại, ẩm thực Bhutan thế nào, tôi xin được tóm gọn thành 3CH: Chay, Chili (Ớt), Cheese (phô mai). Người Bhutan chuộng ăn rau củ quả, ăn nhiều trứng gà, không ham hố ăn thịt. Các món ăn chế biến không cần cầu kì. Món nào cần nấu chín thì nấu chín là đủ, nếu thêm cay nữa thì hoàn hảo. Những ngày ở Bhutan, tôi tập làm quen với khái niệm Ngon theo phong thái giản đơn, lành vị, và… cay mãnh liệt. Có mà ăn là Ngon, là may mắn, hạnh phúc rồi.
Ảnh: Youtube
Đi du lịch Bhutan, thế nào bạn cũng được dặn dò là nên mang theo nào ruốc, nào mì ăn liền, nào thịt bò khô hoặc là bê nguyên cả cái tủ lạnh theo cho nó… an toàn. Tôi thì cầm theo ít đồ chay, chủ yếu làm quà cho những người bạn đồng hành Bhutan, ít bánh kẹo khi ngồi chơi cùng người dân Bhutan, và các loại hạt để ăn vặt. Tại sao đến một nơi mới mẻ rồi lại ăn những thứ hàng ngày bạn vẫn ăn nhỉ? Tôi thấy có gì đó sai sai, nặng nề, và không… an lạc ở lời dặn dò quá cẩn trọng này.
Tóm lại, nếu khoái cảm của bạn là làm bếp, không theo những quy chuẩn, không ngại tiếp nhận những điều mới mẻ, thì Bhutan là một nhà bếp thú vị và bất ngờ. Bơ địa phương siêu ngậy, phô mai địa phương siêu cứng, các loại gia vị ẩn dật nghe qua đã muốn thử như hạt tiêu Sichuan (tiêu Tứ Xuyên có mùi – vị “bốc lửa” dữ dội, cực mãnh liệt; ngoài việc làm gia vị món ăn, mùi thơm đặc biệt của loại tiêu này còn được dùng trong nước hoa), hay Saffron (nghệ tây, cụ thể hơn là nhụy hoa nghệ tây, loại gia vị quý hiếm, rất đắt đỏ, vừa được dùng trong ẩm thực, lại rất được trọng dụng trong nước hoa) đều là những món quà tinh túy không thông dụng Bhutan dành tặng bạn.
Cầu Nguyện
Bhutan gây sững sờ với phần còn lại của thế giới khi chấp nhận chọn đường lối phát triển An Lạc, chứ không chạy theo thành tích – số liệu. Bhutan không màng cáp treo, nhà cao tầng hay GDP. Bhutan chọn GNH, chỉ số Hạnh Phúc, thay cho GDP, chỉ số thành tích ô nhiễm khốn khổ mà người dân các nước phát triển – đang phát triển phải hứng chịu. Hạnh Phúc ở đây là gì? Là an lạc nội tâm, trong lành tâm hồn, vững chãi niềm tin. Điều này giải thích ra nghe sẽ vừa tâm linh lại vừa dài dòng. Chưa cần ở Bhutan, chỉ cần có dịp tiếp xúc với một người Bhutan nào đó, bạn sẽ cảm nhận được rất rõ.
Chuyến bay từ Bangkok sang Bhutan, tôi có dịp trực tiếp ngắm nhìn và tiếp xúc với những người Bhutan đầu tiên, đó chính là tiếp viên hàng không. Nói không ngoa, tiếp viên hàng không (TVHK) là công việc “được” mọi người “xăm soi” kĩ lưỡng. Đây cũng là công việc nhìn qua thì tưởng nhẹ nhàng, xong thực tế, lại đòi hỏi kỉ luật sắt, tác phong quân đội. Họ không có khái niệm giờ cao su, quen tề chỉnh, nhất là khi khoác lên người bộ đồng phục bay.
Đồng phục TVHK trên chuyến bay của tôi chính là Kira và Gho, quốc phục Bhutan, nhìn rõ lạ và đẹp mắt, rất cuốn hút. Tôi phát hiện ra, dường như TVHK xứ Bhutan tự do, thoải mái hơn hẳn so với TVHK các hãng khác mà tôi từng có dịp quan sát. Những người Bhutan đầu tiên tôi gặp, có vẻ như họ yêu gia đình lắm thì phải, trên áo đồng phục của họ gắn đầy huy hiệu vợ, chồng, con cái.
Ảnh: CHQCQ
Tính tôi cởi mở, đợi TVHK xong công việc, tôi tìm đến họ và trò chuyện. Tôi chỉ trỏ những chiếc huy hiệu, thắc mắc về chúng, và khen ảnh “đứa bé” và “bạn gái” được in lên chiếc huy hiệu kia trông thật bụ bẫm, đáng yêu. Những người bạn Bhutan cười phá lên, nói là ừ, chúng tôi có gia đình hết cả rồi, nhưng đây không phải vợ con tôi, “đứa bé” bụ bẫm chính là Đức Vua hồi nhỏ, và cô gái xinh đẹp chính là vợ Vua. Tôi ngượng quá! Trong thế giới chúng ta sống, những chiếc huy hiệu thường chỉ được in hình các Ộp-pa cho các bạn nhỏ “nghiện” văn hóa giải trí xứ Hàn, chứ nào có ai “hâm dở” mà đeo huy hiệu Lãnh tụ vĩ đại. Ở Bhutan, mọi người đều nhiệt thành thể hiện sự yêu thương và kính trọng Hoàng tộc. Cách bộc lộ sự ngưỡng mộ vô cùng đơn giản: họ đẹo huy hiệu và cầu nguyện cho nhà vua mọi lúc mọi nơi. Và tất nhiên, không chỉ TVHK mới chuộng món trang sức đáng yêu này. Vài ngày sau, tôi lại “lỡ miệng”khen “chú bé” in trên huy hiệu cậu bạn Bhutan lái xe đưa tôi rong ruổi khắp đất nước này là xinh, và rồi tôi lại… tẽn tò! Nếu ở Thái Lan, có khi tôi bị bỏ tù vì tội (không cố ý) bất kính nhà Vua cũng nên.
Ảnh: CHQCQ
Sống trong một quốc gia không cần lo lắng về y tế – giáo dục (công dân Bhutan không phải đóng tiền học hay nộp tiền khám chữa bệnh), người dân Bhutan thế hệ này sang thế hệ khác nối tiếp nhau tiếp nhận sức khỏe thể chất, tinh thần và tri thức qua niềm tin trong trẻo với những giá trị trường tồn bất biến. Giá trị đầu tiên là Thiên Nhiên. Chỉ số Hạnh Phúc thể hiện qua bầu không khí trong lành thanh thoát người dân Bhutan được hít thở. Hoàn toàn xanh. Không khói bụi. Không khu công nghiệp. Người Bhutan tôn trọng thiên nhiên, sống hòa thuận với đất trời. Tôi vẫn ấn tượng về một lần đi sở thú ở đất nước An Lạc. Đó là một sở thú nhỏ, bên trong sở thú nhỏ là một “cái lồng” rất to. Đi hết cái lồng này dễ chừng mất tầm 30 phút là ít. Bên trong lồng, đường hoàng mấy con bò Takin, linh vật Bhutan, phởn phơ gặm cỏ. Tôi đi quanh cái lồng, bên trong lồng đủ cả núi non sông suối, ngắm lũ bò từ phía xa rất xa, tay tôi vặt dâu rừng ven lồng nhẩn nha nhấm nháp, cảm giác vừa ngỡ ngàng lại vừa hả hê. Chưa bao giờ tôi đi sở thú nào tềnh toàng nhưng giàu có đến vậy.
Ảnh: CHQCQ
Nơi chúng ta sống, nhiều người đặt niềm tin vào địa vị, vật chất, danh vọng. Người Bhutan hờ hững với những điều ấy, bởi họ có giá trị khác, lành lặn hơn nhiều. Niềm tin lớn nhất của dân xứ An Lạc hẳn là những lời cầu nguyện. Cờ phướn khắp nơi, từ miền đồng bằng rộn rã người cho đến những đỉnh núi cao mây mơn man bao phủ. Người ta in lên cờ những kinh những chú những lời răn dạy giản dị tốt đẹp. Gió thổi. Cờ bay. Muôn vàn những lời nguyện cầu tốt lành từ bi lan tỏa trong không khí, bao bọc ôm trọn xứ sở. Đi du lịch Bhutan, bên cạnh nhiều tu viện – chùa chiền, bạn còn gặp nhiều kinh luân. Có kinh luân to như một căn phòng nhỏ. Có kinh luân đặt bên bờ suối, nhờ dòng nước chảy mà chuyển động xoay vòng. Còn lại là những kinh luân nhỏ quay liên hồi trên tay người cầu nguyện. Kinh luân xoay, những lời dạy – lẽ sống đúc kết từ ngày xưa lan tỏa, nuôi dưỡng phần hồn Bhutan luôn được lành lặn, trong trẻo.
Ảnh: Pixabay
Với nhiều người, Phật là tôn giáo. Người Bhutan thì không nghĩ vậy. Với họ, Phật là lẽ sống. Đó là một người thầy để lại nhiều bài học tinh tế và thấm thía. Người Bhutan trân trọng tiếp nhận và thực hành. Họ thể hiện lòng thành kính đức Phật bằng những lễ hội. Mọi người cứ ca thán sao Việt Nam ta la liệt lễ hội thế. Tôi thì thấy Bhutan nhiều lễ hội hơn Việt Nam đến bội phần. Các lễ hội phủ kín khắp Bhutan mỗi tuần. Tôi xem lịch trình lễ lạt ở xứ An Lạc mà thấy choáng ngợp. Cứ lễ hội là người dân, thay vì tranh thủ bán hàng kiếm chác, thì họ lại đóng cửa hàng, nghỉ buôn bán kinh doanh, và… đi chơi như khách du lịch. Gia đình, vợ chồng, con cái cùng nhau đi thăm tu viện gần nhà hay vồn vã chèo đèo vượt suối leo lên tu viện trên đỉnh núi xa xa. Tôi ngắm người Bhutan đi hội mà thấy mình như đang được họ lan tỏa, chia sẻ niềm hân hoan hạnh phúc. Người Bhutan hạnh phúc. Niềm hạnh phúc không đến từ đồ hiệu hay trang sức hay phẫu thuật thẩm mỹ hay tài khoản ngân hàng.
Họ hạnh phúc bởi lối sống giản đơn lành mạnh thấu đáo, sống có niềm tin, biết trân trọng tự nhiên, và phát tâm an lành.
Ảnh: CHQCQ
Yêu
Sống ở một đất nước được mệnh danh là hạnh phúc, chuyện Yêu ở Bhutan có khác nơi chúng ta tồn tại?
Những ngày lê la rong ruổi xứ An Lạc, tôi nhìn chằm chằm vào… tay của người bạn đường người Bhutan. Đi chùa, đi uống bia địa phương (bạn đừng nghĩ xứ sở Phật giáo là không được phép bia rượu nhé), hay lái xe thảnh thơi trên những con đường Hạnh Phúc (tôi gọi là con đường Hạnh Phúc bởi hai bên đường xanh um cần sa mọc tươi tốt. Cần sa ở đây mọc như cỏ dại, thường được dùng làm thức ăn cho gia súc), tôi không thấy ai đeo nhẫn cưới cả. Tôi lấy làm ngạc nhiên. Sống trong một đất nước lễ hội nhộn nhịp ngày này qua tháng khác, tôi chứng kiến cảnh nhiều bạn trẻ Bhutan hạnh phúc sánh đôi, nắm tay nhau. Song, tuyệt nhiên không ai đeo nhẫn.
Tin tức – thời trang – phim ảnh xứ tư bản rộn rã tấn công chúng ta, dẫn dắt tư tưởng chúng ta một cách ngọt ngào uyển chuyển xen lẫn thực dụng đầy toan tính. Tình yêu là phải kèm nhẫn kim cương! Trong khi tình yêu ở Bhutan thì giản đơn và thậm chí là tự do hơn nhiều. Nếu yêu ai đó, bạn hãy đối xử tốt với người ấy. Nếu muốn cưới người ta, bạn hãy xin phép gia đình người ta cùng cán bộ vùng người ta sinh sống. Một buổi gặp mặt hai bên thông gia nhẹ nhàng. Không nhiều thủ tục rườm rà tốn kém. Không nhẫn. Không kim cương. Sau một vài năm sống chung thấy không hợp nhau, bạn có thể trao đổi việc này với nhau, không ràng buộc gì, lại đường ai nấy đi. Ngược lại, sau vài năm bên nhau viên mãn, bạn ăn nên làm ra, muốn lấy thêm người này người kia, hãy hỏi người bạn đời của bạn. Nếu người ta cho phép, bạn có thể kết nạp thêm thành viên mới cho vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, hiện tại, người dân Bhutan có cách nhìn thực tế và tiến bộ hơn về vấn đề đa vợ – đa chồng. Nhất là khi họ có tấm gương lớn, đức vua Bhutan thề trọn đời chỉ yêu và lấy duy nhất một người vợ. Người dân Bhutan tin vào lời thề nguyện tình yêu linh thiêng đó.
Ảnh: CHQCQ
Hiểu về Yêu, tưởng giản đơn mà không đơn giản chút nào. Bản chất của thứ tình cảm được gọi là Yêu này thực ra không có tính chiếm hữu hay vị kỉ, cũng không nhỏ hẹp chỉ tình yêu nam – nữ như chúng ta thường mặc định. Đi du lịch Bhutan, bạn sẽ học được cách Yêu lại từ đầu.
Nói không ngoa, có lẽ nghề phụ của người dân Bhutan là… làm mẫu ảnh miễn phí. Người dân ở đây có gương mặt thanh tú, các nét trên khuôn mặt gọn gàng, tự nhiên, không dao kéo, hài hòa và hướng thiện, khiến tôi ngắm mãi không chán. Bhutan không có khái niệm mốt, bạn sẽ không gặp các xu hướng thời trang đa dạng ở đây. Người dân Bhutan yêu bộ quốc phục của mình. Ngày thường cũng như dịp lễ hội, họ chỉ diện duy nhất Gho và Kira. Cả thế giới đổ về Bhutan, ngắm quốc phục Bhutan đẹp, duyên dáng và độc nhất, máy ảnh của dân du lịch khắp 5 châu 4 bể bắt đầu chớp nháy, hoạt động hết công suất. Còn người dân Bhutan, họ điềm nhiên với điều đó, việc ai nấy làm, họ không lấy làm khó chịu. Tôi đi nhiều nơi, ví dụ như Nhật, họ rất kị việc bị chụp ảnh, vì như vậy là xâm phạm quyền riêng tư. Vậy nên điện thoại di động ở đất nước này luôn được mặc định âm thanh “tách tách” rất to của máy ảnh mỗi khi bạn sử dụng tính năng Camera. Tương tự với Myanmar, nhiều chùa chiền ở đây còn ra quy định cấm khách du lịch chụp ảnh nhà sư. Tôi hỏi người bạn đường Bhutan, cậu có khó chịu không khi người khác cứ giương máy móc lên chụp ảnh cậu? Cậu bạn trả lời, tôi thấy vui thôi, người ta thích thì người ta chụp ảnh, tôi thấy không sao cả, người khác vui thì mình cũng vui.
Ảnh: Pixabay
Chúng tôi đi dạo ngoài bìa rừng. Người bạn Bhutan biết tôi háu ăn, nên lại dắt tôi đi bứt quả dại. Cậu kể hồi bé, có lần mải bứt dâu dại, đi sâu vào rừng, cậu gặp… một con gấu. “Và mọi người bắn nó chứ?” – tôi hỏi. Cậu ngạc nhiên nói không, tại sao lại làm thế, đây là loại quả gấu thích, tôi đã ăn tranh của nó, nó chỉ ra oai tự vệ thôi. Tôi tẽn tò. Ở thế giới tôi sống, tôi đã quen với nếp nghĩ chỉ con người mới là thứ sinh vật yếu đuối bị bức hại, vậy nên con người mới tạo ra nhiều vũ khí để bắn hạ hết mọi thứ bức hại con người.
Chúng tôi leo lên một tu viện trên đỉnh núi cao. Trên đường đi, một người Bhutan đi qua nói bằng tiếng Việt một cách phấn khích với tôi là “Anh yêu em!”, làm tôi phì cười. Tất nhiên, tôi hiểu, người Bhutan thấy một người bạn lạ lẫm dò dẫm leo trèo nhiệt tình nên thấy quý, thấy có cảm tình, đó là điều hiển nhiên. Chúng tôi là những người xa lạ đồng hành cùng nhau, chia sẻ ngụm nước, miếng bánh ngon lành. Ở đất nước này, những con người xa lạ đi qua nhau thường nhìn sâu vào mắt nhau, và mỉm cười. Ở thế giới tôi sống, giả dụ tôi không biết bạn, tự nhiên tôi nhìn vào mắt bạn và cười tít mắt, hẳn là bạn sẽ nghĩ tôi đang gạ tình bạn rồi chuẩn bị tâm lý… đồng ý vụ gạ gẫm này mất. Bạn thử nghĩ xem, đã bao lâu rồi, bạn không thực sự vô tư, vô lo ,vô quản ngại, không dè chừng nhìn sâu vào mắt một ai đó?
Ảnh: Pixabay
Lên đến đỉnh núi. Tu viện đẹp lung linh tĩnh lặng. Tôi nhìn lên cao hơn, phía đỉnh núi nhỏ của đỉnh núi to tôi đang đứng. Nơi đó, lại có một cái nhà con con xinh xinh nữa.
Căn nhà im lìm dành cho những ai bị vụn vỡ. Vụn vỡ bởi các mối quan hệ đời sống. Vụn vỡ bởi các ảo vọng không thành. Vụn vỡ bởi quá nhiều mục đích sống lớn lao. Căn nhà chữa bệnh nằm giữa trời và những tầng mây. Bạn ở đó một-vài năm, đối diện với sự thật, với bản ngã, không người thân, không Facebook. Bạn soi mình vào bản thân. Tự bạn nhìn ra vấn đề, tự bạn đối diện với nó, và tự bạn vượt qua khúc mắc bạn tạo ra. Căn nhà đó khiến tôi nhớ đến bộ phim của tiền bối Kim Ki Duk, Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân. Tôi tự hỏi, nơi chữa bệnh lý tưởng này chỉ được dùng cho công dân Bhutan thì có vẻ như hơi phí và thừa thãi thì phải.
Ảnh: CHQCQ
Và tương lai của Bhutan…
Kết thúc những ngày ở xứ An Lạc, trên đường bay về lại Việt Nam, tôi có duyên rong ruổi cùng một vị sư Bhutan. Tôi hỏi ông, tương lai của Bhutan sẽ thế nào? Ông nói, Bhutan nhỏ, nhưng sẽ mở lòng chứa đựng thêm mọi vụn vỡ của cả thế giới.
Những căn nhà Meditation trên núi cao sẽ không chỉ dành riêng cho người Bhutan, mà sẽ mở cửa cho bất kì ai ngoài kia gục ngã trước cuộc sống vội vã bon chen không chịu ngừng nghỉ này.
Nhóm thực hiện
Bài: CHQCQ (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)