Tôi nghĩ mình đã trả lời rất thật lòng cho câu hỏi của người nhân viên cửa khẩu trong lần đi du lịch Georgia này. Khoảng vài năm trước, có một lần tôi lang thang qua một diễn đàn nọ và thấy ai đó đăng toàn những bức ảnh về một nơi núi non trùng điệp, đẹp đến mức phải thở chậm lại để nhìn cho kỹ. Từ lúc ấy, tôi cho Georgia vào danh sách những nơi mình muốn đến, chỉ với một lý do: Những ngọn núi đẹp! Nhưng bạn biết rồi, nhiều nơi chốn mãi mãi chỉ là một cái tên được người ta ghi vào sổ tay kiểu “100 nơi cần đến trước khi chết”, “50 địa điểm nên đi trước khi 30 tuổi”… Tôi chỉ quyết tâm biến dòng ghi chép trong sổ thành chiếc vé máy bay sau một tối trò chuyện cùng mẹ và phát hiện ra những ngọn núi ở Georgia biết kể chuyện. Hóa ra Georgia không phải là một cái chấm nhỏ vô danh trên bản đồ thế giới. Cái dải đất nhỏ trập trùng núi non đó có mặt trong những câu chuyện thần thoại Hy lạp về Prometheus lấy cắp lửa cho loài người rồi bị xiềng trên dãy Caucasus, về nàng Medea ở xứ Colchis giúp chồng đoạt bộ lông cừu vàng của cha để trao cho đoàn thủy thủ tàu Argonauts.
.
Andersen có lần viết truyện về một đôi giày của vận may, hễ ai xỏ chân vào đó, chỉ cần bước một bước thôi là sẽ đi đến một quãng thời gian khác trong lịch sử. Georgia làm cho tôi đôi lúc phải nhìn lại xuống chân mình xem liệu có phải mình đã vô tình xỏ chân vào đôi giày ấy hay không. Những cảnh sắc của đời sống biến chuyển đan xen giữa những chiều kích của thời gian. Có những đại lộ như Rustaveli với quảng cáo, cửa hàng đèn điện sáng trưng của thế kỷ XIX, thế mà rẽ chân vào một ngõ phố nhỏ hay bên cạnh, tôi tưởng mình lạc về vài thế kỷ trước với nhà gỗ, ban công diềm gỗ, người già ngồi trước ngõ từ tốn nhìn bọn trẻ con chạy nhảy trong sân nhà. Hay phiên chợ trời ở Cây Cầu Cạn ngay giữa lòng thủ đô Tbilisi có ly tách, bát đĩa như thể mới được ai đó gỡ từ trên tường nhà, lấy trên bàn ăn, tủ chén từ thập niên 50- 60 của thế kỷ trước. Rời khỏi Tbilisi, tôi lại càng thấy băn khoăn về đôi giày của mình hơn, vì càng lúc càng không thể rõ được mình đang đứng ở mốc thời gian nào nữa, nhất là với Mtskheta và Ushguli.
Mtskheta – Cố đô
Nước Georgia bây giờ được hợp thành từ hai vương quốc cổ là Iberia và Colchis. Thủ đô Tbilisi hiện tại thuộc về vương quốc Iberia. Cách đó chỉ 20 cây số là Mtskheta, thành phố từng là kinh đô của vương quốc Iberia từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Thành phố nho nhỏ này dân cư thưa thớt. Ấy thế mà nó lại là một trong những thành phố lâu đời nhất của Georgia. Không giống như khu phố cổ ở Tbilisi chịu sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, Mtskheta chỉ như đang chìm vào một giấc ngủ với mưa bụi tháng Mười nhè nhẹ phủ lên những con đường lát đá vắng vẻ vào buổi sáng sớm. Những ngôi nhà ban công với diềm gỗ diêm dúa, vấn vít bởi giàn nho với từng chùm quả tím thẫm nho nhỏ đong đưa. Và rồi tiếng chuông của nhà thờ Svetitskhoveli vang lên giống như một dấu hiệu lay tỉnh cả thành phố nhỏ. Cùng với Jvari nằm trên đỉnh một ngọn đồi gần đó, Svetitskhoveli được xem là một trong những trung tâm tôn giáo của nước Iberia cổ và cả Georgia bây giờ.
.
Tương truyền, khi xây dựng, người ta chặt một cây tuyết tùng để dựng cây cột chống thứ bảy trong nhà thờ. Cột chống này có phép màu và được đặt tên là Cột của Sự Sống, đó cũng là ý nghĩa của chữ Svetitskhoveli. Tôi không rõ cây cột chống ấy có mầu nhiệm thật không, nhưng đúng là sự sống của Mtskheta vào ngày tôi đến đều xoay quanh nhà thờ Svetitskhoveli. Du khách đến đó, trẻ con đến đó, người mộ đạo đến đó, những hôn lễ cũng diễn ra ở đó. Tôi dự đủ ba phiên lễ về vòng tuần hoàn của cuộc sống: một lễ rửa tội cho em bé, một lễ cưới, một lễ tưởng niệm người đã khuất. Những vị tu sĩ mặc áo choàng đen y hệt thời xưa, những phụ nữ choàng khăn lên tóc, hát thánh ca bằng tiếng Georgia.
Ushguli – Làng cao nhất châu Âu
Tôi chọn cách bay thẳng từ Tbilisi đi Mestia trên một chiếc máy bay nhỏ xíu, chỉ có 15 chỗ ngồi, chiếc vé boarding cũng chỉ nhỏ bằng ba ngón tay, sân bay Mestia hẳn cũng là sân bay nhỏ nhất mà tôi từng thấy. Và đó, tôi đã đến Svaneti.
Svaneti là nơi sinh sống của người Svan, những cư dân ở đây từ hơn 10 thế kỷ. Vùng đất này ngày trước là một phần của vương quốc Colchis. Mestia, thủ phủ hiện tại của vùng, là nơi hiện đại nhất. Nhưng chỉ cần bước chân ra khỏi trục đường chính của Mestia, đi lang thang, rẽ vào một vài ngõ nhỏ, ta dễ có cảm giác mình bước thẳng từ thế kỷ XX sang thời trung cổ với những tháp canh bằng đá của người Svan từ thế kỷ IX – XII ngạo nghễ dựng đứng giữa trời.
.
Tôi ra quảng trường ngay giữa Mestia tìm người đồng hành chia tiền xe và một tài xế để thương lượng về chuyến đi đến Ushguli, ngôi làng cao nhất của châu Âu. Những người lái xe tập trung chủ yếu ở ngay quảng trường giữa Mestia. Mỗi chuyến đi như vậy hẳn cũng chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc mưu sinh nhọc nhằn nơi này. Ushguli cách Mestia khoảng 3-4 tiếng đi xe dằn xóc. Ushguli nằm ở độ cao 2.400 mét, dưới chân núi Shkhara, một trong những đỉnh cao nhất của dãy Caucasus. Cả làng chỉ có 70 hộ gia đình, nhân khẩu chưa đến 200 người.
.
Ushguli giữ nguyên kiểu kiến trúc đặc trưng của người Svan với những ngôi nhà tháp rất cổ. Thậm chí trên một đỉnh đồi, người ta còn thấy cả một nhà nguyện xây từ thế kỷ thứ XII. Những ngọn núi xung quanh đẹp hơn cả bao nhiêu bức ảnh tôi từng thấy. Thông thường, khi đứng trước núi cao, cảnh thiên nhiên hùng vĩ, người ta thấy bé nhỏ, nhưng núi non ở nơi này không tạo cảm giác rợn ngợp đến vậy. Tôi chỉ bé như một dấu chấm đen trên nền cỏ đang úa của mùa Thu.
Chén rượu của người Georgia
Georgia nằm ngay cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sự hiếu khách của người Georgia rất khác với sự hồ hởi, nồng nhiệt của những người Thổ. Giống như núi non im lặng của mình, sự hiếu khách của người Georgia len lỏi âm thầm hơn qua những điều nho nhỏ. Nó nằm trong chùm nho của người phụ nữ xa lạ đi cùng chuyến xe khách với tôi. Cô không biết tiếng Anh cũng chẳng hiểu tôi nói gì ríu ran, cô nhìn tôi mỉm cười, mở túi tặng tôi một chùm nho ngọt lịm. Thấy tôi ăn hết, cô lại bẽn lẽn mở túi, tặng thêm chùm nữa trước khi xuống xe.
.
Vị ngọt trong chén rượu của người Georgia hẳn cũng đã chảy đẫm trong tâm hồn của người lái xe đưa tôi đi Vardzia hôm đó. Giữa đường, ông bỗng quay hướng chiếc Volvo cà tàng của mình, chạy thêm một quãng rất dài chỉ để đưa chúng tôi đến xem một suối nước khoáng vì ông nghĩ nó cũng là một điều thú vị mà ít ai biết.
Tôi còn được nếm cả vị ngọt ấy trong một buổi sớm mai thức dậy trong một ngôi nhà trọ vùng Rioni. Nắng sớm chiếu xiên qua những tán cây, hắt xuống dây quần áo vừa giặt giũ xong, mùi rượu táo mới nấu thoảng lên trong gió nhẹ, ngoài vườn hoa vừa nở và những con gà lục tục kiếm ăn nơi bãi cỏ. Cảm giác thanh bình ở một góc nhỏ bé trên cõi đời này hẳn là chén rượu đẹp nhất mà Georgia dành tặng cho tôi.
.
Fun facts
Những tháp canh bằng đá của người Svan vừa là nơi ở, vừa là hệ thống phòng thủ của người thời xưa, có từ 3-5 tầng, bên trong chủ yếu chứa nông cụ lương thực dự trữ cho mùa Đông hoặc lúc chiến tranh.
.
Georgia là một xứ sở cổ xưa và cô đơn. Thứ ngôn ngữ của người Georgia không thuộc về bất kỳ nhóm ngôn ngữ nào trên thế giới. Họ là một dân tộc mang trong lòng mình hai thứ gánh nặng và cũng có lẽ đồng thời là sự tự hào: lịch sử cùng cô độc.
Đường tới làng Ushguli bị tuyết phủ kín làng suốt 6 tháng một năm nên nếu muốn đến thăm nơi đây, bạn nên lên kế hoạch đi trong khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Mười.
—
Xem thêm:
Du lịch Sri Lanka – Đừng chết ở World’s End
Du lịch Ý – Đi qua miền di sản phương Bắc
Khám phá 10 địa điểm du lịch tại Singapore trong 3 ngày
Nhóm thực hiện
Bài & Ảnh: Quỳnh Lê