Du lịch Mexico: Hành trình qua các nền văn minh
Tôi không có bucket list, những điểm phải đến trong đời, bởi tôi tin rằng nếu tôi và những điếm đến có duyên, những con đường sẽ đưa tôi đến. Nói cách khác, tôi tin số phận đã có những điểm đến cho mình. Chính cách chúng ta sống và đi đoạn đường ở giữa những điểm đến là cách chúng ta viết nên cuộc đời mình.
Mexico với tôi là một ví dụ điển hình. Bảy năm trước, tôi cùng Lukas, anh bạn đồng nghiệp, đến một bữa tiệc công ty. Tại đó, chúng tôi gặp Paola, cô gái Mexico xinh đẹp, người đem lòng yêu Lukas ngay từ cái nhìn đầu tiên. Giờ đây, sau bảy năm, tôi thấy mình ngồi trên chuyến bay 11 tiếng từ châu Âu sang Mexico để dự đám cưới Paola – Lukas, hai người giờ đã trở thành bạn thân thiết của tôi. Năm 2019, số phận đã chỉ định tôi đến du lịch Mexico như thế.
Teotihuacan – Nền văn minh biến mất
Teotihuacan nằm cách thủ đô Mexico City 40 km về phía Đông Bắc. Cả quần thể di tích đô thị cổ rộng hơn 80 nghìn mét vuông vẫn mãi là bí ẩn với nhân loại về nguồn gốc, mục đích, ý nghĩa, thậm chí cả tên gọi. Những người Aztec khi tìm thấy quần thể đổ nát này đã đặt tên cho nó là Teotihuacan, theo tiếng Nahuatl có nghĩa là “nơi Chúa trời sinh ra” hay còn có ý kiến khác cho rằng nó có nghĩa là “nơi người ta tìm đến Chúa”. Con đường chính đi qua các công trình của Teotihuacan cũng được những người Aztec đặt là Đại lộ Tử thần (The Avenue of the Death).
Người ta tin rằng Teotihuacan bắt đầu hình thành từ những năm 300 Trước Công nguyên, khi những người di dân tìm đến khu vực này để định cư. Những di tích lớn trong khu quần thể được cho rằng xây dựng khoảng năm 200 Trước Công nguyên và kim tự tháp mặt trời, công trình trung tâm lớn nhất Teotihuacan, được xây khoảng năm 100 Trước Công nguyên.
Cũng giống như thời khắc và cách Teotihuacan được hình thành, cách đô thị hùng mạnh này biến mất vẫn mãi là ẩn số. Các nhà khảo cổ học dự đoán vào khoảng thế kỷ thứ 7 hay 8 Sau Công nguyên, Teotihuacan bị tàn phá. Những người Aztec đến chỉ tìm thấy những phế tích bỏ hoang có dấu tích cháy, những điêu khắc bị phá nát, những bức tranh tường đang phai màu… Có thể là một cuộc nổi dậy chống lại tầng lớp bóc lột? Có thể là một trận hỏa hoạn không thể cứu? Có thể là một trận hạn hán (liên quan đến đợt biến đổi khí hậu được biết đến khoảng giữa những năm 500), cũng có thể là một trận đói khủng khiếp do mất mùa?… Rất nhiều giả thuyết đưa ra nhưng chưa một giả thuyết nào được chứng minh rõ ràng. Số phận của Teotihuacan trước khi người Aztec đến và đặt tên cho nó vẫn mãi là ẩn số.
Chỉ có một số điều mà các nhà khảo cổ đã có thể chứng minh: Trong những năm cực thịnh, dân số Teotihuacan lên tới 250.000 người và nơi đây trở thành trung tâm nông nghiệp, thủ công trong vùng. Teotihuacan có những người thợ gốm, người chế tác trang sức và những thợ thủ công có tay nghề bậc cao so với các khu vực khác cùng thời kỳ.
Teotihuacan còn nổi tiếng trong việc tạo ra những món đồ nghệ thuật làm từ đá núi lửa. Những hiện vật, nét trang trí lẫn tập tục làm thủ công tìm được đã có thể chứng minh nhận định trên. Chính những đôi bàn tay điêu luyện đã để lại những dấu tích giúp các nhà khoa học nghiên cứu, phán đoán về sự tồn tại, tầm ảnh hưởng của Teotihuacan. Hay nói như cách tôi mở đầu bài viết này, chính họ và sản phẩm họ làm ra đã hé lộ và minh chứng đoạn đường ở giữa hai thời khắc hoàn toàn bí ẩn: thời khắc hình thành và biến mất của Teotihuacan.
Cenote – cổng thiên đường và đặc quyền được chết
Những chuyến du lịch Mexico có quá nhiều điều để kể. Nhịp sống hối hả của Mexico City bắt đầu từ ban mai. Những bãi biển và cuộc sống về đêm còn sôi nổi hơn Vegas của Cancun. Đường bờ biển phía Đông bị tảo biển xâm lấn đã phá tan những kỳ nghỉ trong mơ của người Mỹ và châu Âu ở Mexico… Đất nước vắt ngang mình từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương có đủ chương hồi với hàng trăm câu chuyện để tôi – người lần đầu bước chân sang lục địa châu Mỹ – bị ấn tượng và muốn kể lại.
Thế nhưng, giữa tất cả, tôi nhớ, bị ám ảnh và muốn kể lại câu chuyện của những hố thiên đường, cách tôi gọi những cenote ở đây. Cenote là nơi những mảng địa chất đá vôi sụt xuống và tạo nên những giếng trời khổng lồ có làn nước trong vắt. Cenote trong tiếng của người Maya có nghĩa là “giếng trời linh thiêng” cũng là vì thế.
Lần đầu tiên nhìn thấy Cenote Ik Kil, tôi đã không tin vào mắt mình. Đứng trong lòng giếng, tôi thấy ánh sáng dội xuống, dát bạc những dải cây dây leo dại, rắc ánh lấp lánh lên làn nước trong xanh như ngọc của giếng và chiếu sáng từng khuôn mặt người thỏa thuê tắm mát. “Nếu có thiên đường, cổng thiên đường chắc cũng chỉ huyền diệu đến thế này mà thôi”, tôi đã thầm nghĩ thế khi choáng ngợp chiêm ngưỡng sự hòa hợp linh thiêng của trời – đất – nước – thực vật và con người chỉ có ở nơi này. Và có vẻ tôi cũng không phải là người duy nhất nghĩ như vậy.
Người Maya đã thực sự tin vào điều đó. Chính vì thế, Cenote Ik Kil ở vùng Yucatán, nơi có đô thị cổ của người Maya, Chichen Itza, còn được biết đến là nơi những người Maya thực hành nghi thức hiến tế người cho thần mưa Chaac. Những người sống – bất kể nam giới, phụ nữ hay trẻ em – được chọn để hiến mình cho thần linh thông qua cái chết. Họ trầm mình xuống lòng cenote sâu thẳm để ước nguyện đi được vào lòng đất, đến thế giới bên kia để phụng sự thần linh. Đổi lại, dân làng sẽ có mưa, không bị mất mùa và không chết đói.
Không phải cenote nào ở Yucatán cũng được dùng để hiến tế người. Chỉ số ít được tin là linh thiêng, có thể dẫn con người đến thế giới bên kia mới được chọn là nơi hiến tế. Các cenote còn lại chỉ có chức năng là những giếng trời, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và trồng cây cho cư dân của vùng đất không có sông hồ này. Nhiều dấu tích cổ còn hé lộ rằng việc được hiến tế như vậy là một vinh dự bởi người bị hiến tế được chọn do vị thế, chiến công họ có khi còn sống. Ví dụ như các tù nhân cấp cao mới được chọn hiến tế còn các tù nhân cấp thấp được giữ lại làm nô lệ; những chiến binh chiến thắng trong các trận chiến cũng được mang đi hiến tế hay những người chơi thắng cuộc trong trò bóng ném Mesoamerican mới được chọn mang đi hiến tế. Có lẽ họ tin rằng việc được hiến tế là một cách để vinh danh, là cách họ xả thân để bảo vệ đồng bào mình trước các vị thần linh.
Tập tục hiến tế người của người Maya còn tiếp tục cho tới tận cuối thế kỷ 17, khi những người Tây Ban Nha tìm đến để xâm chiếm nơi này. Tập tục này còn được kể trên các tác phẩm nghệ thuật cổ hay khảo chứng tìm được như các vật hiến tế và hài cốt dưới đáy các cenote – nơi hóa ra không hề xuyên tới thế giới bên kia như người Maya nghĩ. Những người bị hiến tế, có chăng, đã trở thành huyền thoại nhờ những phần còn lại của họ giúp hé lộ một tập tục cổ xưa man rợ và đức tin của người Maya. Đi du lịch Mexico, gặp lại những người bạn chúng tôi đã từng gặp gỡ và chia ly; ngồi trên kim tự tháp mặt trời và nhìn sang kim tự tháp mặt trăng giữa Teotihuacan huyền thoại, nơi đã từng là đô thị của một đế chế hùng mạnh rồi đột nhiên biến mất như một làn khói; rồi rùng mình nghĩ nơi cenote đẹp như thiên đường này đã từng là điểm chết của những người hiến mình cho thần linh, tôi lại càng tin tưởng vào số phận: Số phận của một con người, số phận của những mối quan hệ, số phận của một quốc gia và có thể là số phận của cả một nền văn minh.
• Ngoài những địa danh lịch sử được kể ra trong bài viết, bạn vẫn có thể tận hưởng kỳ nghỉ biển xanh nắng vàng và chơi các môn thể thao biển ở gần Cancun như Isla Holbox, Playa Delfines, Tulum, Cozumel, Playa del Carmen…
• Lịch trình 7 ngày của tôi trong chuyến du lịch Mexico: Mexico City – Teotihuacan – Playa del Carmen – Chichen Itza – Mexico City
• Các hãng hàng không phổ biến trong nội địa Mexico: Aeromexico (thuộc liên minh hàng không Skyteam), VivaAerobus, InterJet…
• Các khách sạn tôi đã trải nghiệm: Le Meridien Mexico City Hotel (Mexico City); The Fives Downtown hotel & residences Curio Collection by Hilton (Playa del Carmen).
Nếu bạn chỉ có 24 giờ ở Mexico City
• Dùng bữa brunch cuối tuần chậm rãi tại Lardo và dạo chơi quanh khu dân cư trẻ trung, rợp bóng cây.
• Gửi một bức bưu ảnh từ Palacio Postal, bưu điện trung tâm hay xem một buổi biểu diễn nghệ thuật trong Palacio de Bellas Artes, những công trình kiến trúc tuyệt đẹp của kiến trúc sư người Ý Adamo Boari ở Mexico City.
• Thăm nhà nữ nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất khu vực Mỹ Latinh: Frida Kahlo.
• Dùng bữa tối trong Gran Hotel ở Mexico City và ngắm nhìn thiết kế bên trong tòa khách sạn lộng lẫy này.
Bài: Travelling Kat
Ảnh: NVCC, Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE