ĐẤT NƯỚC CỦA TRUYỆN LỒNG TRONG TRUYỆN
“Cái chỗ này hình như vừa đi qua rồi thì phải”, mẹ tôi – một cựu nhà báo 65 tuổi, người thời trẻ cũng từng “lăn lê bò toài” công tác khắp nơi – thắc mắc khi hai mẹ con đi trong một khu medina, cách gọi khu chợ trung tâm, lõi của những thành phố ở đất nước Morocco. Nhưng trong những ngóc ngách của medina thì nơi nào dường như ta cũng đã đi qua, và nơi nào dường như ta cũng chưa đi qua bao giờ.
Những cửa hiệu san sát lấp lánh với đủ các món đồ tràn ra lối đi nhỏ hẹp và những con ngõ ngoằn ngoèo bí hiểm, nào là những gương bóng bẩy, những thùng hương liệu bảy sắc cầu vồng, những chiếc túi còn hôi mùi da mới thuộc, những súc lụa xinh đẹp, những chiếc đèn như trong Aladdin, rồi vô vàn món đồ mà ta không biết gọi tên thế nào cho đúng, và cả những chú mèo hoang tung tăng khắp chốn… tất cả như nhân lên gấp bội khiến ta không còn định vị được chính mình. Bản đồ Google lắm lúc cũng bất lực. Và để tìm đường về nhà, chúng tôi phải trả một ít tiền lẻ cho những thanh niên địa phương, tin tưởng để họ dẫn ra phố lớn.
Người bản địa châu Phi hình như sống trong một thế giới được xếp đặt và quy hoạch theo một nguyên lý khác. Không ô vuông, không bàn cờ, những con đường cắt nhau và đâm bổ vào những vùng sáng tối hun hút, bạn không thể dùng trí nhớ, trực giác hay suy luận để đi. Chúng khác hẳn với khu vực thành phố hiện đại của Morocco được thực dân châu Âu xây dựng về sau này, những khu phố ngay hàng thẳng lối, được quy hoạch một cách logic và lý trí.
Nhưng chính những con phố quanh co dẫn dụ người ta như mê hương hẳn mới là châu Phi đích thực. Nhà văn Ryszard Kapuscinski từng viết về châu Phi rằng: “Đó là một đại dương thực thụ, một hành tinh riêng, một vũ trụ giàu có và phong phú khôn cùng”. Và khi vòng vèo nửa ngày trời trong những medina luôn luôn đông đúc, luôn luôn nhộn nhịp, luôn luôn sống động ở Casablanca, ở Marrakesh, ở Fez, tôi nghĩ, phải chăng mình đã hiểu phần nào ý ông?
Một đêm nọ, ở Fez – cố đô một thuở của Morocco, thành phố màu hoàng thổ, nơi nhiều thế kỷ trước được xem như kinh đô trí tuệ, một Athens của châu Phi, tôi và mẹ ngủ tại một khách sạn nằm trong con ngõ lắt léo của medina. Cánh cửa khách sạn hình oval nhỏ tí xíu, không có chuông, chỉ có một chiếc tay nắm gõ cửa chạm trổ tinh vi, vừa gõ cửa đã có người ra mở, và khi bước vào bên trong, hiện ra một tiểu sảnh khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ. Từ những viên gạch trên tường, những bức tranh trên trần, những tấm rèm, những chiếc đèn trần, những lớp vải sofa hay những ô kính màu, tất cả đều được làm bằng tay bởi những người thợ xuất chúng vô danh của Morocco, đất nước từng một thời là đế chế, thống trị cả một vùng phía Tây Địa Trung Hải và một phần bán đảo Iberia của châu Âu dưới vương triều Sanhaja Almoravid và Masmuda Almohad. Đất nước này giống như truyện lồng trong truyện, ta càng bước sâu vào vùng không gian bên trong thì nó lại càng mở ra vẻ đẹp vô biên không thể đong đếm.
Người ta cũng có thể đi mãi đi mãi trong ngôi làng Aït Benhaddou nằm trên con đường từ Marrakesh vào vùng nội địa, leo lên những bậc thang bất tận, và hiểu rằng vì sao chỉ một địa điểm thôi mà hết thế hệ làm phim này tới thế hệ làm phim khác của Hollywood, từ Steven Spielberg đến Alejandro González Iñárritu, đều không ngừng mê say, lấy làm bối cảnh cho hàng chục kiệt tác điện ảnh. Người ta có thể ngồi cả ngày trong sân một madrasa (trường học Hồi giáo) mà không bao giờ thấy chán. Sự dịch chuyển liên tục của ánh nắng, của con người trên nền kiến trúc lộng lẫy đến ngợp mắt khiến cho phong cảnh liên tục đổi thay và không thể nào nắm bắt. Có lẽ đó là lý do mà trên gác cao của các madrasa này, thuở xa xưa, những người học trò có thể nhốt mình trong những căn phòng bé tí, trần thấp tới mức không thể đứng thẳng lưng, chỉ có một ô cửa sổ nhìn ra khoảng sân bên ngoài, mà không bao giờ thấy mình hiểu hết về nơi này.
CHÀO SAHARA, CHÀO HOÀNG TỬ BÉ!
Ở sa mạc, dường như không có thời gian. Tôi nhận ra điều đó vào buổi chiều tiến vào sa mạc Sahara, có lẽ là một trong những khoảng thời gian cơ thể tôi phản kháng mạnh mẽ nhất. Chỉ đúng một ngày trước khi lên đường từ “thành phố hồng” Marrakesh du hành vào sâu trong nội địa, tôi dính một cơn cảm cúm không hề nhẹ vì hít quá nhiều bụi từ những chiếc xe hơi chạy bằng dầu trên đường phố Morocco. Tôi sốt, đau họng, nước mũi chảy ròng ròng, chỉ có thể uống paracetamol để cầm cự.
Sự khắc nghiệt của khí hậu sa mạc còn khủng khiếp hơn những gì tôi tưởng tượng. Mặt trời không chút khoan nhượng hầm hập nã xuống đầu trong khi gió cát bay phần phật. Nhưng dù đã thấm mệt và kiệt sức vì chuyến xe khách dài, tôi cũng mong chờ đến lúc được cưỡi lạc đà vào lòng Sahara để cắm trại một đêm.
Mọi chuyện không giống như tôi tưởng tượng. Chuyến cưỡi lạc đà không hề là… một cuộc cưỡi ngựa xem hoa, đi một đoạn ngăn ngắn cho biết như trong các tour du lịch thông thường. Đoàn lạc đà đi mãi, đi mãi dưới cái nắng bốn giờ chiều. Đi qua không biết bao nhiêu lùm cây bụi, cứ khi nào ta nghĩ hẳn đã tới nơi rồi, thì ta lại nhận ra vẫn chưa tới nơi. Chuyến cưỡi lạc đà kéo dài như vô tận ấy thậm chí khiến người ta nghĩ rằng, có lẽ lạc đà sẽ đi mãi, sẽ đi không dừng, sẽ chẳng có điểm đến nào cả.
Phải chăng, những người du mục Berber dẫn lạc đà muốn cho du khách thực sự hiểu được cảm giác của những thương lái từ Tây Phi năm xưa băng qua sa mạc, để khi tới nơi mới cảm nhận được niềm hạnh phúc khôn cùng của người lữ khách tìm ra ốc đảo? Phải chăng đó cũng là lý do những nhà tiên tri trong truyền thống Do Thái giáo hay Hồi giáo thường đến sa mạc để tìm mặc khải từ Thượng Đế, vì phải chấp nhận mất khái niệm về thời gian mới lĩnh ngộ được những thứ tri kiến nằm ngoài lẽ thông thường?
BÀI LIÊN QUAN
NGƯỜI CHÂU PHI NGHĨ VỀ THỜI GIAN RẤT KHÁC VỚI NGƯỜI PHƯƠNG TÂY
Lại là Ryszard Kapuscinski, người đã sống 30 năm ở châu Phi, viết: “Trong thế giới quan của người châu Âu, thời gian tồn tại bên ngoài con người, tồn tại một cách khách quan, và có những đặc điểm tuyến tính, có thể đo đạc được”. Theo Kapuscinski, người châu Âu cảm thấy mình phải phục tùng thời gian, chịu phụ thuộc vào thời gian, và để tồn tại, để hoạt động, anh ta phải tuân theo những luật lệ bất khả xâm phạm của nó. Trong khi đó, thời gian với người Phi châu là một ý niệm lỏng lẻo hơn, cởi mở hơn, co giãn hơn, cá nhân hơn. Con người ảnh hưởng lên thời gian, hình dạng của nó, đường đi của nó, nhịp điệu của nó. “Thời gian xuất hiện do hành động của chúng ta và biến mất khi chúng ta làm lơ hoặc phớt lờ nó”. Trước đó, tôi đã cảm nhận được thời gian vô tận của người Morocco khi theo chân họ đi dạo quanh một ngôi làng ngắm hoa hạnh nhân nở rợp trời khi tiết Xuân sang – họ dẫn bạn đi những con đường xa nhất thay vì đường tắt, bắt bạn đi qua từng con rạch nhỏ, rẽ qua từng mỏm núi, vào trong từng ngõ sâu rậm rạp; hay khi khám phá những hệ thống kiến trúc mở ra liên tục không điểm dừng. Thế mà, phải đi vào sa mạc, tôi mới thật thấm thía điều Kapuscinski nói.
Dẫu vậy, toàn bộ sự kiệt quệ này đều đáng giá khi chúng tôi lên được tới một cồn cát để ngắm hoàng hôn phủ bóng trên Sahara, và rồi khi đêm buông xuống, lửa trại được đốt lên, những bài ca châu Phi vui nhộn được cất lên hào sảng, và ngẩng đầu là thấy ngàn vạn vì sao lấp lánh, nhắc cho ta nhớ rằng đâu đây, đã từng có một Hoàng tử Bé lạc bước xuống địa cầu.
Nếu bước vào những hiệu sách ở Morocco, rất có thể bạn sẽ tìm thấy một bản Hoàng Tử Bé được trưng bày ở nơi dễ thấy nhất, trang trọng. Nhà văn kiêm phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry từng đóng quân ở Casablanca và Rabat (thủ đô của Morocco), và thường xuyên, ông có những chuyến bay băng qua Sahara, khu vực biên giới giữa Morocco và Algerie. Hoàng Tử Bé, cuốn sách vượt thời gian dành cho “những người lớn từng là trẻ con”, ra đời từ nguồn cảm hứng ấy. Và ở đoạn kết buồn nhất thế gian, Antoine de Saint-Exupéry bảo rằng, nếu có dịp du hành qua sa mạc châu Phi, hãy chăm chú nhìn vào cảnh Hoàng tử Bé hiện ra và biến mất, cho đến khi bạn nhận ra khung cảnh ấy, hãy tự hỏi không biết cậu bé có đang chăm sóc bông hoa hồng của mình không, và con cừu có ăn bông hoa của cậu?
Tôi quả đã quên mất mối liên hệ giữa Antoine de Saint- Exupéry và Morocco khi chuẩn bị hành trang đến vùng Bắc Phi này, và chỉ nhận ra khi đã tới nơi. Và giờ đây, khi viết những dòng này, tôi mong rằng nếu có một dịp nào đó bay 11.000 cây số tới Morocco, rồi làm một chuyến “hành xác” vào sa mạc, thì bạn sẽ nhớ mang theo cuốn sách mỏng của Exupéry để đọc dưới ánh lửa trại trong đêm Sahara diệu kỳ. Hãy đừng lơ đễnh như tôi. Ta không cần có chuyện tình nào khiến mình phải chạy trốn hay có nhầm lẫn gì khiến ta tình cờ đáp xuống nơi này, nếu ta từng là một đứa trẻ, thì ta luôn có lý do để đến Morocco.
Nhóm thực hiện
Bài: Hiền Trang
Hình ảnh: Tư liệu