Lifestyle / Du lịch

Chậm bước tại Na Uy để sống nhân ái hơn

Chào mừng đến Na Uy, một trong ba quốc gia hạnh phúc nhất địa cầu.

Phong cảnh Na Uy hữu tình, lịch sử Na Uy giàu có, con người Na Uy phong nhã. Một đất nước mà sự tử tế và bác ái của mảnh đất và con người đủ sức thức tỉnh tinh thần, lay động lối sống của mọi du khách ghé thăm, nếu bạn đủ sẵn lòng. Từ trở thành một “chuyên gia” tái chế đến thực hành cách tôn trọng và chấp nhận khác biệt, người ta mở lòng đón nhận tinh thần sống của vương quốc Tây Bắc châu Âu ấy để thấy mình cũng trở nên lạc quan và nhân ái hơn.

Tái chế như một chuyên gia

Người Na Uy tái chế rất khoa học, ngay cả trong cuộc sống thường ngày. Mỗi công dân được dạy cách phân loại rác từ khi còn nhỏ: một thùng rác riêng cho giấy, một thùng khác cho nhựa, một thùng cho thức ăn thừa (dùng để ủ phân hữu cơ), một thùng cho thủy tinh và kim loại, thùng cuối cùng cho tất cả những thứ còn lại. Chẳng cần phải ngạc nhiên khi Na Uy có hệ thống tái chế hiệu quả nhất thế giới: không nhà nào không tái chế, không khu phố nào thiếu thùng tái chế dành riêng cho từng loại rác.

Bạn có thể trả lại chai và lon rỗng tại siêu thị, hoặc cho vào máy thu gom để kiếm vài đồng krone. Bạn cũng có thể hành xử theo thói quen của người dân Na Uy: để lại các chai lọ rỗng này cho người vô gia cư để họ kiếm được chút tiền.

thùng rác phân loại trên đường phố na uy
Thùng phân loại rác luôn hiện diện trên các con đường. Ảnh: The Culture Trip.
máy trả tiền chai nhựa ở na uy
Bạn được hoàn tiền khi bỏ chai nhựa rỗng đã sử dụng vào máy. Ảnh: MARIANNE GJRV.

Theo đưa tin của The Guardian năm 2018, lối sống xanh tại Na Uy hiệu quả đến mức 97% số chai nhựa tại Na Uy được đưa vào tái chế. 92% số chai thu về có “chất lượng cao” nên tiếp tục được tái sử dụng làm chai đựng nước. Một số vật liệu thậm chí đã được tái chế hơn 50 lần. Số chai nhựa bị thải ra môi trường tự nhiên chiếm không đến 1%.

Sống hòa hợp với thiên nhiên

Ở Na Uy, khám phá thiên nhiên được xem là quyền lợi của mỗi công dân. Trong ngôn ngữ Na Uy có từ “Allemannsretten”, nghĩa là “quyền được đi lang thang”, đến một số khu vực hoang dã thuộc sở hữu công cộng hoặc tư nhân để giải trí, tập thể thao. Bạn có thể tự do dạo chơi, đi bộ đường dài, trượt tuyết, cắm trại, hái hoa, nấm và quả mọng, thậm chí chặt gỗ để đốt lửa. Điều bạn không được làm là xả rác bừa bãi hoặc khiến tình trạng khu vực đó trở nên tồi tệ hơn trước lúc bạn đến.

Sau vài chuyến thám hiểm các khu rừng, bạn sẽ học được loại quả và nấm nào có thể ăn hay từng điều kiện thời tiết phù hợp cho hoạt động ngoài trời. Dần dà, bạn nhận ra mình cũng là một phần cơ thể của hệ sinh thái bao la đó, và ý thức ấy sẽ “đồng bộ hóa” vào cốt lõi con người bạn như một lẽ tất nhiên.

cảnh thiên nhiên na uy
Thiên nhiên Na Uy rộng mở cho những tâm hồn thích khám phá. Ảnh: Kazim Ghafoor.

Yêu thương cả động vật lang thang

Người ta nói khái niệm “động vật lang thang” không thực sự tồn tại ở Na Uy. Nếu bạn bắt gặp chó hay mèo loanh quanh bên ngoài các cửa hàng, có khả năng đó là nơi chúng sống, được người dân cho ăn đàng hoàng, nhưng chúng có quyền đến hay đi tùy thích, đặc biệt là giống mèo rừng địa phương xinh đẹp, tròn quay và lông bông xù vì ăn chẳng thiếu bữa nào. Mèo rừng thường tụ tập trong các trang trại, quanh các khu dân cư và bất cứ nơi nào chúng vừa bắt được chuột, vừa được thưởng đồ ăn ngon lành từ người qua kẻ lại.

mèo rừng na uy
Mèo rừng Na Uy. Ảnh: The Culture Trip.

Thể hiện sự quan tâm đến bạn bè…

… bằng cách cởi giày để ngoài cửa trước khi bước vào nhà họ. Cởi giày trước khi vào nhà là phép lịch sự tối thiểu ở Na Uy và được người dân tuân thủ nghiêm ngặt. Quy cách ứng xử này cũng trở thành quy định ở các trường tiểu học để trẻ em ghi nhớ từ nhỏ.

“Văn hóa cởi giày” xuất phát từ một thực tế ở Na Uy: giày dép luôn trong tình trạng ẩm ướt, lấm lem bùn đất do thời tiết khi mưa, khi tuyết. Vì thế, cởi giày là việc tất yếu nếu không muốn biến thảm và sàn nhà thành bãi chiến trường. Đa số các ngôi nhà ở Na Uy đều có hệ thống sưởi sàn, nên bạn thực sự có thể đi chân đất trong nhà quanh năm nếu muốn.

cởi giày trước khi vào nhà
Cởi giày trước khi vào và vui vẻ đón nhận những đôi tất hài hước của nhau. Ảnh: WSJ.

Hiểu rằng ai cũng có quyền sống là chính mình

Năm 2016, Na Uy trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua đạo luật cho phép trẻ em từ 6 tuổi có quyền chuyển đổi giới tính trước pháp luật mà không cần phẫu thuật chuyển giới. Trẻ dưới 16 tuổi vẫn cần cha mẹ bảo trợ khi đăng ký nhưng nhà nước sẽ quyết định “căn cứ theo quyền lợi tốt nhất của trẻ” nếu một trong hai phụ huynh phản đối. Bộ trưởng Bộ Y tế Na Uy gọi đây là đạo luật “mang tính lịch sử”, chứng tỏ cá nhân là người quyết định giới tính của họ chứ không phải một cơ quan y tế nào.

Đất nước mà tất cả mọi người, kể cả trẻ em, được quyền sống trung thực với bản dạng giới của mình đã mang đến những thay đổi tích cực đáng kể, đặc biệt trong nỗ lực loại bỏ nạn bắt nạt và kỳ thị. Chỉ sau một thời gian ngắn sống tại Na Uy, bạn sẽ thấy con người nơi đây không áp đặt, cũng không phán xét lựa chọn cá nhân của người khác. Đó là bài học tuyệt vời của lòng bao dung và tôn trọng sự đa dạng.

bé gái tham gia diễn hành pride tại oslo

diễu hành mặc đồ thuỷ thủ hồng tại pride oslo
Cuộc diễu hành Oslo Pride tôn vinh sự đa dạng của cộng đồng LGBTQ+ tại thủ đô Oslo, Na Uy. Ảnh: Visitnorway.com.

Trân trọng những “Kos” của đời bạn

Phạm trù của “Kos” bao hàm hàng trăm, hàng ngàn việc khác nhau. Thư giãn một mình bên cuốn sách và tách trà thơm ấm nóng trong tay; ôm ấp, vuốt ve thú cưng và trẻ nhỏ; hẹn hò lãng mạn với “kjæreste” – người yêu trong tiếng Na Uy, hiểu theo nghĩa đen là “người yêu dấu nhất”; nghiêng đầu nghe thông reo; cúi đầu xem nước chảy… Những hoạt động vô cùng đơn giản, nhỏ bé, nhưng hạnh phúc.

Nhiều người gọi “Kos” là phiên bản Na Uy của nghệ thuật sống Hygge của người Đan Mạch – lối sống trân quý, tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ bé, bởi lẽ đó mới là những gì quan trọng nhất trong cuộc sống. Hãy mạnh dạn thực hiện bất kỳ phiên bản “Kos” nào bạn thích ngay hôm nay. Dành ra chút thời gian trong ngày dài bận rộn để tập trung vào chính mình và những người yêu thương, để chăm sóc và nuôi dưỡng tâm hồn.

cặp đôi nắm tay ngắm hồ nước núi non
Dành khoảng thời gian tĩnh lặng, ấm áp bên người thân yêu tại xứ sở Bắc Âu bình yên. Ảnh: Johannes Hulsch.

Thấm nhuần phong cách “Det går bra”

Nếu phải chọn ra một “câu nói quốc dân” tiêu biểu của người Na Uy, chắc chắn đó sẽ là “Det går bra”. “Det går bra” nghĩa là “không sao đâu”, “mọi chuyện vẫn ổn”, hay “không thành vấn đề”. Câu nói ngụ ý về thái độ của một người mạnh mẽ đứng lên sau những lần vấp ngã, gạt đi những ê chề, tổn thương để tiếp tục bước về phía trước.

Một số người phản đối lập luận rằng sống tích cực, lạc quan là chuyện quá dễ dàng với công dân Na Uy vì chính phủ nước họ chăm lo tất cả mọi thứ, từ sự giàu có nhờ dầu mỏ đến đảm bảo phúc lợi xã hội cho dân chúng. Nhưng một khi đã sống quanh những người Na Uy, chứng kiến cách đối đãi tử tế và tôn trọng của họ với người khác và với thiên nhiên, thái độ “Det går bra” cũng sẽ tự nhiên ngấm vào con người bạn. Phong cách sống lạc quan, nhân ái ấy chính là món quà vô giá mà vương quốc Na Uy dành tặng cho những du khách dừng chân dám mở lòng đón nhận.

Quán cà phê đông đúc ở Bergen
Nhịp sống từ tốn, êm ả ở thành phố Bergen, Na Uy. Ảnh: Kimkim.
trẻ em na uy cười rạng rỡ
Nụ cười rạng rỡ của trẻ em tại một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ảnh: Site Selection.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Culture Trip
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)