Sa Pa cách thủ đô Hà Nội hơn 350km với khí hậu mát mẻ quanh năm. Du lịch Sa Pa là lựa chọn tuyệt vời dành cho những ai yêu thiên nhiên núi rừng và muốn trải nghiệm nét hoang sơ kỳ thú vùng Tây Bắc, cho các cặp tình nhân sắp cưới tạo album ảnh độc đáo, các cặp vợ chồng mới cưới nghỉ trăng mật, các cơ quan đoàn thể xây dựng tinh thần đồng đội hay thậm chí cả các phượt thủ ưa phiêu lưu mạo hiểm…
Sa Pa không chỉ đẹp và độc đáo vì văn hóa bản địa hoang sơ mà còn rất rất nhiều di sản cũng như dấu tích của văn mình châu Âu thời thuộc địa để lại tạo nên một phố núi vô cùng độc đáo, da dạng, hoang sơ và văn minh. Vì lẽ đó, Sa Pa đã đang và sẽ càng trở nên hấp dẫn bạn yêu du lịch trong nước và quốc tế.
1. Các địa danh du lịch:
Nhà thờ Đá Sa Pa: được xây dựng từ năm 1895 là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại tại Sa Pa, Lào Cai. Với tổng diện tích của khuôn viên nhà thờ hơn 6.000m2, nhà thờ Sa Pa có đủ chỗ cho việc bố trí các khu bao gồm: khu nhà thờ, dãy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, nhà chăn nuôi, nhà thiên thần, phần sân phía trước, hàng rào, khu Vườn Thánh. Tháng 5/2006, giáo xứ Sa Pa chính thức có linh mục quản nhiệm và thường trú sau gần 60 năm không có cha xứ. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.
BÀI LIÊN QUAN
50 thành phố phải đến một lần trong đời
Khu Du lịch sinh thái núi Hàm Rồng: tại đây có nhiều địa điểm có thể ngắm toàn cảnh phố núi thơ mộng nên được các nghệ sỹ nhiếp ảnh và nhiều du khách chọn là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp khi tới thăm “Thành phố trong sương”.
Bãi đá cổ Sa Pa: được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925. Bãi đá trải rộng 8 km² với gần 200 khối đá là một di chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở đây. Ở đây xuất hiện những hoa văn kỳ lạ trên đá với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, chữ viết, con đường… Người ta cho rằng mỗi phiến đá đều lưu giữ một câu chuyện về đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người cổ xưa.
Cầu Mây: cách thị trấn khoảng 17km, Cầu Mây nổi tiếng, được kết bằng các sợi dây mây, vắt ngang qua dòng suối Mường Hoa thơ mộng, giữa khung cảnh bản làng vùng cao yên bình, điểm xuyết những bụi tre, bụi trúc đậm chất thân thương. Vào những ngày có sương mù giăng lối, đi trên Cầu Mây, bạn sẽ có cảm giác bồng bềnh như đang đi trên mây. Cầu Mây cũng là điểm chụp ảnh rất được yêu thích. Nhiều cô gái còn chọn thuê váy áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu của người Dao, người Mông, tay cầm ô tạo dáng xinh xắn. Hay các cặp đôi thì hướng đến chủ đề ảnh lãng mạn, ảnh cưới… và lưu giữ như một kỷ niệm đẹp khi đến du lịch Sa Pa.
Thác Bạc: (cách thị trấn khoảng 12km) ở độ cao 1.900m so với mực nước biển là một trong nhiều điểm du lịch hấp dẫn ở Sa Pa. Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng giữa khung cảnh thiên nhiên một dòng thác tráng lệ, trắng như ánh bạc, hưởng không khí sạch, trong lành mà còn được nghe câu chuyện về thác Tình yêu, nơi nàng tiên nữ thứ 7 về gặp chàng tiều phu.
Fansipan: Cách thị trấn khoảng 9km, đỉnh núi Fansipan là đỉnh cao nhất trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (3143m so với mực nước biển), thường được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” bởi độ cao nhất trên toàn bộ bán đảo Đông Dương. Fansipan quanh năm được bao phủ bởi những tầng mây trắng và tuyết phủ trắng xóa vào mùa đông. Fansipan là địa điểm lý tưởng cho những vận động viên leo núi, những nhà thám hiểm thích chinh phục những đỉnh cao bởi độ gian khó đòi hỏi tinh thần quyết tâm, lòng kiên nhẫn và cảm giác lâng lâng, vui sướng, tự hào khi chạm chân tới đỉnh.
2. Văn hóa con người Sa Pa
Người dân tộc thiểu số: Sa Pa là địa bàn sinh sống của rất nhiều dân tộc thiểu số của nước ta như Mông, Dao… Đến đây du khách không chỉ vui thích khi được ngắm nhìn phong cảnh đẹp như thiên đường, tận hưởng không khí mát mẻ trong lành mà còn thỏa thích chiêm ngưỡng đời sống sinh hoạt hàng ngày của những người dân tộc thiểu số, những em bé chăn châu, những cánh đồng lúa, ruộng bậc thang…
Chợ phiên và chợ tình Sa Pa: Ở Sa Pa do dân số ít, khoảng cách xa nên mỗi tuần tổ chức một phiên chợ vào sáng Chủ nhật. Chỉ có một phiên chợ mỗi Chủ nhật hàng tuần để người dân có thể mua sắm những đồ dùng cần thiết trong nhà nên chợ này rất đông. Những bản làng của Sa Pa cách rất xa nhau nên để đến được phiên chợ vào sáng sớm chủ nhật thì phải đi một quãng đường rất xa, thậm chí là mang theo hàng hóa đi từ hôm thứ Bảy. Nhiều người đi chợ cùng thức và chung vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái bản làng người H’mông, người Dao bằng những âm thanh của đàn môi, sáo, khèn…
Và từ đó phát sinh chợ tình Sa Pa khi các nam thanh, nữ tú ở các bản làng xa xôi đến đây gặp gỡ, giao lưu tình cảm theo phong tục của dân tộc mình. Sau đêm đi chơi chợ phiên, nhiều đôi trai gái đã lên duyên vợ chồng.
5. Ẩm thực
Rau xanh Sa Pa: đặc sản nổi bật nhất của Sa Pa là các loại rau đặc trưng vùng ôn đới như súp lơ trắng, hoa lơ xanh, củ cải đỏ, su su, ngồng tỏi, ngồng cải, ngồng su hào, ngồng su su… xào với tỏi hoặc các loại thịt khác nhau là ngon nhất.
Thịt lợn cắp nách:
Sa Pa nổi tiếng với món thịt “lợn cắp nách”. Thịt “lợn cắp nách” nhâm nhi với rượu táo mèo, nhậu xuyên đêm chưa chán. Ngoài ra ở mỗi một chợ lại có một món ăn đặc trưng riêng.
.
Thắng cố:
Là một món ăn đặc biệt của người Mông được chế biến chủ yếu từ thịt ngựa. Một nồi thắng cố ngon phải được chế biến từ thịt, tim, gan, lòng và tiết ngựa đặc biệt là phải có thêm 12 loại gia vị đó là: thảo quả, lẩu hải sản ngon quế chi, sả, gừng và một số loại gia vị gia truyền khác của người dân nơi đây và đặc biệt là cây thắng cố. Khi thưởng thức món này, người ta múc nước ra một nồi như cái nồi lẩu mà mình hay ăn, và thái thịt ngựa thả vào. Thắng cố được ăn kèm với các loại rau nhúng như là cải mèo, ngồng của su hào, cải lẩu,… Khi ăn món này mà uống thêm rượu ngô, một thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết từ tinh hoa núi rừng, khi đó đồ ăn và thức uống hòa quyện vào nhau sẽ tạo ra cảm giác say mê khó tả.
Cơm lam:
Là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nước ta, trong đó có Sa Pa. Nguyên liệu chính là gạo nếp được nướng trong ống tre. Khi nướng chín, chỉ cần chẻ bỏ phần vỏ tre cháy bên ngoài, chừa lại một lớp lạt tre mỏng vừa tay người bóc khi ăn cơm. Cơm lam phổ biến và được yêu thích bởi vị ngon ấn tượng của gạo nếp, nước suối và hương thơm nhẹ nhàng của tre.
Xôi bảy màu:
Là món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Mường Khương, Lào Cai. Bảy màu của xôi gồm hồng, đỏ tươi, đỏ thắm, xanh cửu long, xanh vàng, xanh lá chuối và vàng đều được làm từ nhiều loại lá rừng tự nhiên nên xôi mang mùi vị đặc trưng của núi rừng nơi đây. Đồng bào ở đây quan niệm rằng, ăn xôi vào những dịp lễ Tết sẽ mang lại nhiều may mắn.
Cá hồi tươi:
Dưới chân Thác Bạc, ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, những chú cá hồi vân có xuất xứ từ châu Âu, châu Mỹ được chăm sóc rất “chu đáo” trong những cái ao nhân tạo. Với vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi ở Sa Pa được thành nhiều món khác nhau như: gỏi, lẩu, cháo, cá hồi nướng, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột…
BÀI LIÊN QUAN
2. Phượt Sa Pa vào thời điểm nào?
Sa Pa thực sự là điểm đến của mọi người và mọi thời điểm trong năm bạn có thể dễ dàng tận hưởng vẻ đẹp khác nhau của thời tiết và khí hậu. Tùy vào đặc điểm khí hậu của nơi bạn sinh sống và làm việc và mong muốn của cá nhân, bạn có thể chọn các mùa khác nhau của Sa Pa để trải nghiệm:
Mùa xuân: Ở Sa Pa bạt ngàn rừng hoa đào, hoa mận, muôn hoa khoe sắc. Du khách nên đi trong khoảng tháng 2 cho đến tháng 4 hoặc tuần đầu tháng 5 là đẹp nhất.
Mùa Hè: là thời điểm lý tưởng để du khách đến Sa Pa tránh cái nóng thiêu đốt và không khí ồn ã náo nhiệt bận rộn của thành phố. Những dòng sông, con suối, những ruộng lúa, áng mây, hay đỉnh núi phủ sương và không khí mát mẻ là cách lý tưởng nhất để phục hồi sức khỏe và tâm sinh lý cho du khách.
Mùa Thu: chính là mùa lúa chín ở Sa Pa bởi Sa Pa chỉ có một vụ 6 tháng, gieo mạ vào khoảng đầu tháng 5. Lúa xanh cao và chín từ tháng 8 đến tháng 10.
Mùa Đông: mùa Đông ở Sa Pa rất lạnh, những năm thời tiết khắc nghiệt nên có thể có băng tuyết. Tuyết rơi trắng xóa mọi sinh vật, nhà cửa, thậm chí có thể dày tới nửa mét. Không xác định được chính xác ngày tuyết rơi nên bạn nên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để có thể đến đúng dịp tuyết rơi.
Dù bạn đến Sa Pa vào mùa nào thì thời tiết và khí hậu Sa Pa cũng thay đổi theo từng ngày, từng mùa nên bạn mang theo quần áo gọn và nhẹ nhưng phải ấm. Chúc bạn có một kỷ nghỉ đẹp và thơ mộng với nàng tiên phố núi Sa Pa.
______
Xem thêm
Du lịch Ý – Đi qua miền di sản phương Bắc
5 địa điểm du lịch mua sắm đẳng cấp & nổi tiếng nhất thế giới
Phong cách thời trang du lịch Santorini, Paris, Bhutan và Bali
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái Đẹp ELLE Ảnh và trải nghiệm: Bloggers: Hoàng Tuấn Anh, Hoàng Thanh và nhiều blogs khác Nguồn tham khảo: Dulichvietnam.com, dulichsapa.com, dantri.com, vnexpress.net ...