Lifestyle / Du lịch

Giữa lòng nước Đức cảm nhận cái ấm lòng của sự đoàn viên

Bạn nghĩ gì khi nghĩ về nước Đức? Nếu bạn muốn cảm nhận về một nước Đức khác xa những gì đã từng đọc qua, bài viết này là dành cho bạn.

Bạn nghĩ gì khi nghĩ về nước Đức? Sự phát triển vượt trội của nền công nghiệp sản xuất ô tô? Lễ hội bia Oktoberfest nổi tiếng? Văn hoá ẩm thực “ngập thịt”? Bức tường Berlin biểu trưng cho cả một thời kỳ lịch sử?… Để nói về nước Đức, chắc không thể chỉ qua loa trong vài dòng ngắn ngủi.

Bên cạnh những nét đặc trưng tiêu biểu, khi nói về nước Đức, chắc chẳn nhiều người Việt sẽ nghĩ đến một đất nước của sự đoàn viên, nhất là người Việt trẻ đang sinh sống và học tập tại châu Âu. Nếu bạn muốn cảm nhận về một nước Đức khác xa những gì đã từng đọc qua, bài viết này là dành cho bạn.

Khác với những gì được giới thiệu hằng ngày trên cuốn cẩm nang du lịch hay trên website của các hãng lữ hành, tôi muốn viết về nước Đức với tư cách là một người con xa xứ có cơ hội được ghé thăm cộng đồng người Việt tại đây và tận hưởng hạnh phúc sum vầy của tình đoàn viên.

Trước khi đặt chân lên lãnh thổ Đức, tôi được nghe nhiều thông tin về một nước Đức lạnh lùng và bảo thủ. Người Đức quy củ, thẳng thắn và ít mến khách nhất trong số những dân tộc phương Tây khác. Chính vì lẽ đó mà mặc dù danh lam thắng cảnh ở Đức không thiếu và chắc chắn chẳng kém cạnh gì so với phần còn lại của châu Âu, nhưng dịch vụ du lịch ở đây không phát triển mạnh mẽ với sự nhiệt tình và hiếu khách như các nước khác.

Tuy về cơ bản, chính sách của chính phủ Đức bảo thủ đến cố hữu nhưng Đức lại là đất nước có số dân nhập cư đứng thứ hai thế giới. Điều này càng khiến người dân Đức “cau có” hơn khi gặp người nước ngoài trên phố. Đừng quá nhạy cảm khi đáp lại nụ cười thân thiện của bạn lại là những bước chân vội vã và cái nhìn thẳng lạnh lùng.

May thay, cộng đồng người Việt ở Đức là một trong những cộng đồng người Việt đông đảo và phát triển lớn mạnh nhất châu Âu. Ít nhiều bạn sẽ bớt đi phần nào lạc lõng. Người Việt ở Đức lấn át hơn hẳn cộng đồng người Hoa, việc chưa bao giờ có tiền lệ ở các quốc gia khác trong kỷ nguyên mà “người Hoa đang đô hộ thế giới” như hiện nay.

Đáp xuống sân bay, món ăn đầu tiên bạn được trải nghiệm nếu có gia đình người thân tại Đức không phải là những khúc xúc xích thơm ngon hay một chiếc đùi heo quay béo ngậy mà là một bát phở chuẩn hương vị Việt tại khu chợ nổi tiếng của người Việt ở Đức, mang cái tên thân thuộc: Chợ Đồng Xuân.

Người Việt thành công và bám trụ được trên đất khách quê người chủ yếu dựa vào công việc kinh doanh. Họ bán những món hàng nhu yếu phẩm cho chính đồng hương của mình và cho cả những người dân bản địa trót “phải lòng” văn hoá Việt.

Ngoài ra, có rất nhiều hàng quán mọc lên rải rác khắp thành phố mà ở đó bạn có thể dễ dàng tìm thấy một đĩa gỏi cuốn tai heo chuẩn vị hay tô bún mắm mang đậm phong vị quê nhà.

Đến nước Đức, chắc chắn bạn không thể bỏ qua những điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô Berlin. Vào mùa Đông, sự lạnh lẽo và “hoang tàn” phủ kín đường phố Berlin tạo nên một nỗi buồn sâu sắc, một miền ký ức đau thương của lịch sử. Có lẽ, chẳng có thủ đô nào trên thế giới lại có một “nghĩa trang khổng lồ” đặt ngay trung tâm thành phố như ở Berlin.

Đài tưởng niệm Diệt chủng đặt giữa thủ đô Berlin là công trình kiến trúc đặc sắc mặc tưởng về một vùng tối lịch sử mà người Đức có lẽ rất muốn quên đi. Những “tấm mộ” của người Do thái là những khối bê tông lạnh lùng nằm lặng lẽ phủ đầy tuyết trắng là hình ảnh có thể chạm đến bất cứ trái tim nhạy cảm nào. Buồn là thế, nhưng nó cho bạn trải nghiệm quý giá mà hiếm nơi nào của châu Âu có được.

Khi tuyết giăng trắng trời, ngập lối đi, màu trắng buồn tẻ ấy càng làm cho thành phố trở nên cứng nhắc đến vô cảm. Nhưng đó mới chính là nước Đức, chính là những gì đặc trưng của sự quy củ và lạnh lùng cố hữu.

Khác với kiến trúc Pháp với những ngóc ngách đường phố được quy hoạch theo ô bàn cờ, đường phố Đức trải rộng thênh thang với những khu nhà hình hộp diêm cứng nhắc.

Trong chuyến hành trình thăm nơi này, tôi may mắn được cùng người thân dùng bữa tối với một gia đình người Đức điển hình. Bữa ăn ngày cuối năm tập họp tất cả các thành viên trong gia đình. Họ cùng nhau ăn những món ăn truyền thống và chúc tụng nhau với những loại bia hảo hạng.

Người Đức coi bia là di sản cần được bảo tồn. Với họ, đó không chỉ là một thức uống giải khát mà còn là quốc hồn của dân tộc, là máu chảy trong từng huyết quản để dù đi đâu cũng nhớ về. Những người đàn ông Đức cao to lực lưỡng mở bia bằng nhẫn và tu hết nó trong vài ngụm nhấc lên đặt xuống. Người trẻ tụ tập với nhau trò chuyện vui vẻ trên phố rồi cùng nhau ngồi xuống bậc đá bên đường. Họ mở ba lô và lôi ra những… chai bia ướp lạnh. Một cuộc nhậu mới lại bắt đầu. Hóa ra ba lô không chỉ dùng để đựng sách vở hay đồ dùng cá nhân. Nó còn dùng để đựng bia.

Ẩm thực Đức không cầu kỳ, tinh tế đến “mệt mỏi” như ẩm thực Pháp, cũng không phong phú và tiện lợi được như ẩm thực đường phố Ý. Nhưng ở Đức, các món ăn đặc trưng được phục vụ một cách bình dân tạo sự gần gũi và mang màu sắc của văn hóa ẩm thực quây quần bên bàn ăn gia đình. Giò heo quay/hầm, xúc xích và bắp cải ngâm chua là những món ăn không thể thiếu trong bất cứ bữa ăn truyền thống nào.

(Còn tiếp…)

 

Nhóm thực hiện

Bài: Loan Phùng (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE) Nguồn ảnh: Topdeck Travel, kidsfromthehill blog, Loan Phùng
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)