Các chuyên gia cho rằng, phải mất ít nhất vài tháng nữa thế giới mới có thể quay trở lại bình thường. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải tuyệt vọng và từ bỏ những kế hoạch trải nghiệm sắp tới. Nên nhớ rằng, du lịch cũng là một trạng thái của tâm trí, bạn không cần phải đi xa để cảm thấy mình đang ở rất xa. Hãy biến khoảng thời gian này trở nên ý nghĩa bằng nhiều cách sáng tạo khác nhau, để những trái tim yêu xê dịch lấp lánh hy vọng, truyền cảm hứng hơn một chút và nhất là kết nối nhiều hơn với phần còn lại của thế giới.
DU LỊCH THỰC TẾ ẢO
Du lịch thực tế ảo (Virtual Reality) đã phát triển mạnh mẽ và mang lại cho chúng ta không ít những trải nghiệm lạ lẫm. Có thể nói rằng, đây cũng là cơ hội để chúng ta thực hiện giấc mơ khám phá thế giới khi chưa có điều kiện trong thực tế. Bạn có từng khát khao được đứng trên đỉnh núi Everest – nóc nhà thế giới? Công ty Sólfa sẽ đáp ứng được ước mơ đó khi ra mắt Everest VR, với 5 trải nghiệm theo từng cấp bậc: Chuẩn bị cho chuyến thám hiểm tại Basecamp, vượt qua thác băng Khumbu đáng sợ, cắm trại qua đêm và “hưởng” cái lạnh cắt da tại Trại 4, leo lên sườn Hillary Step đầy hiểm nguy và cuối cùng là chinh phục đỉnh Everest. Ngoài ra, bạn có thể chọn để bơi với cá voi xanh và lọt vào trong những xúc tu dài tỏa ra như một bông hoa trong suốt của con sứa khổng lồ trong TheBlu, hay ngoạn mục hơn khi lái Mars Rover khám phá vùng đất kỳ diệu trên sao Hỏa trong chương trình “Mars 2030” của Epic Games. Các ứng dụng tìm kiếm như Google cũng giới thiệu Expeditions, bao gồm các chuyến tham quan VR của Trạm vũ trụ quốc tế và Bảo tàng quốc gia Iraq. BBC muốn đưa người xem đi xa hơn bằng cách tạo ra các video 3D 360 độ bao gồm nhật thực từ vũ trụ và ngụp lặn với những con cá đuối khổng lồ ở Mexico.
Chắc chắn, điều kiện hiện tại dường như đã chín muồi để du lịch ảo phát triển, khi các chuyến bay giá rẻ hiện đang bị đe dọa bởi cả Covid-19 lẫn mối lo ngại ngày càng tăng đối với tác động môi trường. Tuy nhiên, suy cho cùng, những trải nghiệm và cảm xúc trong thế giới thực vẫn luôn chiếm thế thượng phong.
GIẢI TRÍ
Xem phim, đọc sách, nghe nhạc có lẽ là các hoạt động được bạn dành nhiều thời gian hơn trong thời gian này. Những tác phẩm mang chủ đề du lịch sẽ giúp chúng ta lên dây cót tinh thần và được truyền cảm hứng nhiều hơn bởi những chuyến đi thú vị khắp thế giới qua màn hình hay trang sách.
Với điện ảnh, các tác phẩm từ kinh điển đến hiện đại đều mang những phong vị khác nhau. Như The Talented Mr. Ripley (1999) miêu tả một mùa Hè xa hoa và đầy cám dỗ bên bờ biển Amalfi lộng lẫy của nước Ý. Hay với Y Tu Mamá También (2001), hành trình roadtrip cùng câu chuyện cảm động và hài hước về tình bạn, tình yêu với bối cảnh là một mùa Hè ở Mexico. Bộ phim đồng thời là bài học về hệ thống các tầng lớp phức tạp ở Mexico, với một trong những cảnh quay tĩnh đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh. Ngoài ra, Eat, Pray, Love (2010) là chuyến du hành tìm lại bản ngã của Elizabeth Gilbert, đưa người xem đi du lịch đến ba đất nước lãng mạn và góp phần không nhỏ đưa Bali vào danh sách một trong những điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới – Đến Bali để yêu!
Đọc sách cũng là một lựa chọn tuyệt vời, giúp kích thích trí tưởng tượng và dễ khiến bạn đắm chìm trong thế giới đó. Mỗi cuốn sách là một chuyến đi đầy bất ngờ với giọng văn hào sảng, miêu tả chân thực và xúc động còn khuyến khích chúng ta đích thân được đi, khám phá và trải nghiệm những chân trời mới. Đơn cử với tác giả nước ngoài, tự truyện gây tiếng vang Vào trong hoang dã (Into the Wild) dưới ngòi bút sống động của Jon Krakauer đã miêu tả lại những trải nghiệm phi thường của Christopher McCandless đến vùng đất băng giá Alaska. Hoặc với Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, hành trình bốn tháng ngắm nhìn thế giới từ cửa sổ xe lửa qua hàng chục nước phương Đông: Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản… đã được Paul Theroux ghi lại và trở thành một trong 20 cuốn du ký hay nhất mọi thời đại. Bên cạnh đó, các tác giả Việt cũng để lại nhiều ấn tượng với những câu chuyện đầy màu sắc, như Con đường Hồi giáo của tác giả Nguyễn Phương Mai, thuật lại hành trình qua 13 quốc gia Arab Saudi, Oman, Yemen, Lebanon, Syria, Jordan, Palestine, Ai Cập, Libya… thể hiện những bức tranh đối lập nhưng cũng rất hiện thực của cuộc sống ở các quốc gia Hồi giáo. Bạn đọc cũng có thêm góc nhìn đa chiều về quốc gia giàu có Nam Phi qua cuốn du ký Phút 90+ của nhà báo Trương Anh Ngọc.
LÊN KẾ HOẠCH CHO CHUYẾN ĐI
Nếu bạn không phải là fan của các chương trình thực tế ảo, đây chính là khoảng thời gian lý tưởng để tập trung lên kế hoạch kỹ càng cho chuyến đi sắp tới. Chúng ta luôn có xu hướng biện minh cho những cảm hứng bất chợt kéo theo nhiều nuối tiếc sau đó bằng những lý do như quá bận bịu, thiếu thông tin, chi phí ít ỏi… Vậy ngay bây giờ, với lợi thế có thể tiết kiệm được một khoản không nhỏ, hãy dùng một phần trong quỹ thời gian dư dả ở nhà để nghiên cứu và lập kế hoạch chi tiết cho điểm đến mơ ước sắp tới.
Đầu tiên, bạn có thể viết ra một danh sách các vùng, thành phố mà bạn muốn đến nhất theo thứ tự, sau đó là các bước thực hiện. Chẳng hạn, nếu nơi bạn đến cần visa, bạn có thể tìm hiểu thông tin tại các trang web chính thức của Đại sứ quán quốc gia đó, tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước, tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, các travel blogger để cập nhật thông tin về con người, văn hóa, ẩm thực địa phương. Tiếp đó, lên danh sách những địa điểm bạn muốn đến thăm ở thành phố đó và những điều bạn muốn làm nhất. Kinh nghiệm cho thấy rằng, đa số chúng ta đều tham lam muốn “check-in” ở tất cả mọi nơi nhưng quỹ thời gian lại không đủ, và những lần ghé thoáng qua không để lại ấn tượng cũng như kỷ niệm đáng nhớ. Vì vậy, nếu liệt kê danh sách một cách đầy đủ và phong phú, chúng ta có thể khám phá thêm nhiều điều thú vị khác, đồng thời chọn ra được những vị trí ưu tiên theo sở thích, chẳng hạn như những tiệm sách cũ trên đường phố Paris, những quán trà chiều thơ mộng ở London… Bạn cũng có thời gian để nạp thêm kiến thức từ internet, như Google Arts & Culture cung cấp khá chi tiết về hình ảnh với thông tin chú thích về văn hóa, nghệ thuật của nhiều địa điểm nổi tiếng trên thế giới.
Bước tiếp theo quan trọng không kém đòi hỏi nhiều công sức tìm kiếm, đó là truy cập Airbnb hoặc những trang đặt phòng trực tuyến để ngắm nghía và chọn những căn phòng hợp gu mà bạn muốn lưu trú. Một nơi ở thoải mái và tràn đầy cảm hứng sẽ ảnh hưởng tích cực đến chuyến đi. Ngoài nội thất đẹp, đừng quên vị trí thuận lợi, nghiên cứu kỹ các phương tiện di chuyển, trạm xe buýt, bến tàu… Bạn thậm chí có thể liên hệ trực tiếp với các host để tìm hiểu trước thông tin.
Dĩ nhiên, trong thời điểm này rất khó để đặt vé máy bay hay tàu hỏa, nhưng sau dịch bệnh, khả năng cao các hãng bay và công ty du lịch sẽ tung ra những gói kích cầu với giá siêu rẻ. Bạn cần thường xuyên theo dõi và tính toán để có chi phí hợp lý nhất.
“NÂNG CẤP” KỸ NĂNG
Ngoài kiến thức, đây còn là thời điểm thích hợp để chúng ta bổ sung và trau dồi những kỹ năng còn thiếu. Chúng không chỉ cần thiết khi đi du lịch, mà cho cả cuộc sống thường ngày. Và đây là những kỹ năng cơ bản nhất:
1. CHỤP ẢNH:
Những tấm ảnh luôn là cách tốt nhất để lưu giữ khoảnh khắc đẹp trên đường đi, và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu đó là những tấm hình đẹp “không góc chết”. Nếu bạn đã từng tiếc nuối bởi không có người bạn đồng hành là photographer, vậy tại sao bản thân lại không trở thành nhiếp ảnh gia nhỉ. Đầu tiên, bạn có thể tìm hiểu những loại camera du lịch chụp ảnh đẹp, chất lượng cao lại nhỏ gọn tiện mang theo mọi lúc mọi nơi. Leica là thương hiệu được nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng giới thiệu với nhiều loại ống kính góc rộng, kiểu dáng thời trang và nhiều chức năng tuyệt vời, tuy nhiên giá cả lại khá đắt đỏ. Với chi phí mềm hơn, bạn có thể tìm hiểu thương hiệu Fujifilm dòng X100, Canon EOS M6 Mark II hay Sony A72. Sau đó tìm hiểu các khóa học chụp ảnh online và đọc thêm các tài liệu, clip hướng dẫn trên mạng. Bạn có thể tự dựng một studio nhỏ và thực hành với những đồ vật trong nhà. Biết đâu, đó cũng là bước mở đầu một trang blog du lịch hay tài khoản Instagram “xịn sò” sau này. Nếu không đủ điều kiện mua máy ảnh chuyên nghiệp, bạn có thể nâng cấp chiếc điện thoại của mình với chức năng chụp ảnh hoàn hảo hơn. Tham khảo các phụ kiện dành cho camera của smartphone như ống kính mini, tripod… và ghi chú lại những bí quyết chụp ảnh đẹp dành cho điện thoại.
2. LÀM SỔ SCRAPBOOK
Đây phải chăng là khoảng thời gian bạn có xu hướng hoài niệm về những chuyến đi trong quá khứ? Xem lại những tấm hình đẹp, trang nhật ký dễ khiến bạn xúc động và biết ơn về những khoảnh khắc đã qua. Để kết nối với những kỷ niệm tuyệt vời ngày xưa, bạn có thể tự tay làm một quyển sổ scrapbook bao gồm những hình ảnh được làm từ máy ảnh polaroid; những tấm vé máy bay, tàu hỏa hay xe buýt tích trữ từ những chuyến đi trước; bản đồ; hoa khô; những nét vẽ ký họa đơn giản nhưng đáng yêu cùng những dòng ghi vội đầy nhung nhớ. Thật là một cuốn du ký độc đáo phải không?
3. HỌC NGOẠI NGỮ
Rào cản lớn nhất khiến bạn gặp không ít trở ngại trong những chuyến đi có lẽ là ngôn ngữ. Vậy sao không tranh thủ thời gian này để học thêm một ngoại ngữ mới, để sau này bạn có thể nói chuyện với dân bản xứ hay mua sắm, hỏi đường mà không gặp khó khăn gì. Dân địa phương thường rất bất ngờ và đối xử một cách đặc biệt hơn nếu khách du lịch biết giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ. Học thêm tiếng Hoa nếu bạn sắp đi Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong; tiếng Tây Ban Nha nếu bạn có kế hoạch du lịch đến Tây Ban Nha hoặc các nước châu Mỹ La tinh… Bạn có thể tham khảo ứng dụng dạy ngoại ngữ online Duolingo hay Babble. Ngoài hai ngôn ngữ trên được xem là thông dụng nhất thế giới bên cạnh tiếng Anh, trong hai app còn rất nhiều ngôn ngữ khác cho bạn lựa chọn như Hàn, Nhật, Pháp, Ý, Thái… Không chỉ sử dụng cho du lịch, học thêm ngoại ngữ có nhiều lợi ích khác như luyện tập trí nhớ cho não bộ, tăng cơ hội nghề nghiệp và dễ dàng kết bạn mới từ bốn phương trời.
4. MANG CẢ THẾ GIỚI VÀO GIAN BẾP
Điều gì khiến bạn nhớ nhung nhất sau mỗi chuyến đi? Theo số liệu thống kê của trang Worldfoodtravel.org, trung bình du khách sẽ bỏ ra ít nhất 25% tổng chi phí chuyến đi chỉ dành riêng cho ẩm thực. Đối với nhiều người, thiên đường là những nhà hàng sao Michelin, những quán ăn vỉa hè mang hương vị địa phương độc đáo… chứ không phải bất cứ một cửa hàng xa xỉ nào khác. Ngay bây giờ, bạn có thể thực hiện các “tour du lịch ẩm thực” ngay trong gian bếp của mình.
Món mì ramen truyền thống của Nhật với sợi mì mềm và dai, nước súp đậm đà đưa bạn lang thang đến những con đường nhỏ lát gạch từ thời Edo, cao cao là dãy lồng đèn đỏ đung đưa theo gió giữa trung tâm Chiyoda. Mì spaghetti của Ý với sốt cà chua thơm ngon khiến bạn bỗng chốc như đang ở trước một ngôi nhà xinh xắn xây bằng gạch nâu, mái ngói đỏ, giàn hoa giấy rực rỡ trong ngôi làng cổ xưa nhất Florence giữa mùa Hè. Tô súp tomyum nóng hổi cay nồng đưa tâm trí bạn du ngoạn đến không gian nhộn nhịp đầy màu sắc của khu chợ cuối tuần Chatuchak ngay Bangkok… Vô vàn video hướng dẫn trên Youtube hoặc của các chuyên gia ẩm thực sẽ hỗ trợ bạn về công thức và nguyên liệu để bạn trổ tài. Bạn sẽ ngạc nhiên với khả năng nấu nướng của mình cho mà xem.
Nhóm thực hiện
Bài: Q. Hương Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE