Dạ thưa đến Huế bây giờ, lên thuyền du ngoạn ngắm bờ sông Hương
Bạn bè ở Huế niềm nở đón khách, bảo tôi: “Nhất định cậu phải lên thuyền thưởng thức trà chiều trên dòng sông Hương để chiêm ngưỡng hai màu nước đẹp nhất của “nàng”: màu xanh ngọc bích lấp lánh dưới ánh chiều tà và màu cam hoàng hôn quyến rũ đến nao lòng”. Ờ, thì đi!
“Ai về là về sông Hương…”
Đúng hẹn 16 giờ, chúng tôi có mặt tại Bến thuyền số 05 – Lê Lợi (sau lưng khách sạn Azerai La Residence). Trong tà áo dài, người hướng dẫn chuyến đi nở nụ cười tươi chào đón khách bước lên thuyền. Mọi người an vị tại những chiếc bàn vuông đặt cách nhau bên cạnh cửa sổ mạn thuyền, để từ ghế ngồi của mình, bất kỳ ai cũng có thể ngắm dòng sông Hương một cách thoải mái, tự do nhất. Đâu đó trong tôi ngân lên một lời ca từ tâm tưởng: “Ai ra xứ Huế thì ra. Ai về là về núi Ngự. Ai về là về sông Hương…”.
Tiếng máy nhè nhẹ đưa thuyền ra giữa dòng Hương thơ mộng rồi rẽ sóng di chuyển theo đường nét uốn lượn mà tạo hóa ban tặng cho con sông “báu vật” của cố đô Huế. Ở bàn tôi ngồi, có hai người gốc Huế làm trong ngành du lịch và một doanh nhân người Nhật. Tất cả đều chăm chú hướng mắt ra cảnh quan bên ngoài. Trong mắt tôi, không gian ngập tràn sắc xanh yên bình: màu xanh ngọc bích của dòng Hương êm đềm đang vỗ nhẹ mạn thuyền, màu xanh tươi của cỏ cây hai bên bờ sông và màu xanh thẫm của nền trời khi chiều về. Dòng Hương như dải lụa xanh biếc uốn lượn giữa thành phố yên ả, chưa bao giờ hổ danh là thắng cảnh nổi bật nhất của mảnh đất vốn có rất nhiều di tích tham quan đặc sắc.
Uống trà, thưởng thức Huế thương
Bạn Huế bảo, muốn sống chậm thì hãy đến Huế, đi thăm những đền đài thánh tích, những lâu đài thành cổ mấy trăm năm trường tồn với thời gian. Muốn sống chậm hơn nữa thì đi dạo hai bên bờ sông Hương. Và muốn tận hưởng cảm giác thư thái, bình yên nhất thì hãy thưởng thức một tách trà chiều trên thuyền đi giữa Hương giang. Chúng tôi cầm tách trà, chia nhau sự thơm ngon, tinh khiết và dư vị ngọt ngào của trà thảo mộc Cung Đình Huế.
Tiếng người hướng dẫn dịu dàng chia sẻ về những công dụng thanh trần của trà thảo mộc Cung Đình, rồi say sưa đến cách thưởng trà của Vua khi đi ngự thuyền năm xưa, cũng như những câu chuyện lý thú, đặc sắc về phong cảnh, con người xứ Huế trầm mặc mà thơ mộng. Tôi uống một ngụm trà, nếm một chút hương vị bánh Huế và ít mứt, trái cây lấy thảo, cảm thấy thân tâm rất đỗi nhẹ nhàng khi nhìn ra cảnh vật hai bên bờ sông.
Dòng sông vỗ về
Người ta nói dòng Hương chảy qua kinh thành Huế đẹp từ mọi góc nhìn. Huế mang nét đẹp cổ kính của những đền chùa, kinh thành, lăng tẩm, nhưng cũng mang nét đẹp thơ mộng, hiền hòa. Có ngồi trên thuyền “trôi dạt” giữa dòng Hương, mới thấy làn nước trong đến độ soi bóng được gương mặt bụi đường của lữ khách phương xa, soi bóng cả thành phố tĩnh lặng, dịu dàng.
Từ bao lâu rồi, bạn chưa cảm nhận được sự lãng mạn? Từ bao lâu rồi, với những nỗi lo toan, tất bật cơm áo gạo tiền thường nhật, tâm hồn bạn đã ít đi niềm xuyến xao? Chiều nay, nơi con sông huyền thoại và vẫn còn nhiều bí ẩn này, tôi tưởng như được đắm mình vào mặt nước đang lững lờ trôi, lấp lánh ánh lên những tia nắng cuối ngày. Dòng Hương đang vỗ về, chữa lành cho tôi, có phải?
Xem thêm
• Những hành trình du lịch nhất định phải thử trong năm 2022
• Những địa điểm trải nghiệm cho mùa thảnh thơi
• 5 địa điểm du lịch châu Á với sắc hồng cho cô nàng mộng mơ
Những “chứng nhân lịch sử”
Tôi đứng dậy, rời bàn của mình để bước ra phía sau thuyền. Những bọt sóng dưới đáy thuyền vụt lên rồi lùi về sau, như muốn ánh mắt tôi chú ý đến những cây cầu bắc ngang dòng Hương. Xuôi dòng sông Hương để ngắm “Huế mộng mơ” cũng là dịp để tìm hiểu thêm về miền đất kinh kỳ một thuở này. Lịch sử Huế từ thời Huyền Trân Công Chúa có biết bao điều thú vị. Và đẹp làm sao, những cây cầu “chứng nhân lịch sử” lần lượt hiện ra khi thuyền đi qua: cầu bán nguyệt trong hệ thống chỉnh trang đô thị làm đẹp dọc bờ sông Hương, cầu Dã Viên, cầu đường sắt Bạch Hổ bắc qua sông Hương ở góc Tây Nam kinh thành Huế có tuổi đời một thế kỷ ở đất cố đô. Cầu Tràng Tiền – một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương – với sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic hình cong vành lược, bắc qua sông Hương ngay khu trung tâm, hẳn nhiên là cây cầu nổi tiếng nhất. Đi dọc dòng Hương, bạn như “cảo thơm lần giở” sử xanh đất Huế vậy. Kia là bia Quốc Học (hướng dẫn viên nói với chúng tôi rằng đây chỉ là cái tên dân gian thường gọi vì nó gắn liền với trường quốc học, chứ trên thực tế, đây là đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong trong Thế chiến thứ I), kế là kỳ đài Huế (nằm trong tổng thể kiến trúc đại nội kinh thành Huế). Học viện âm nhạc Huế tọa lạc bên bờ sông Hương đây rồi, có kiến trúc xây dựng mềm mại, phù hợp với vẻ đẹp nên thơ của dòng sông…
Thuyền rồng cứ thế trôi trên sông Hương để du khách có thể hướng tầm mắt mình khám phá bất cứ cảnh vật, đền đài hay công viên cây xanh thơ mộng nào. Cồn Dã Viên năm xưa do vua Tự Đức (1829 – 1883) đặt tên, kết hợp Cồn Hến lại thành thế phong thủy tự nhiên hết sức ngoạn mục của kinh thành Huế: tả thanh long hữu bạch hổ. Chúng tôi cũng hướng tầm mắt đến núi Ngự Bình, ngày xưa được xem như tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, nay vẫn mang vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa trầm mặc độc đáo bên dòng Hương. “Sông Hương – núi Ngự” là hai quà tặng vô giá của đất trời, cùng tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của cố đô, đều hiện diện trong tầm mắt du khách trên thuyền, quả may mắn biết bao.
Nét đẹp sông Hương từ lâu đã là nguồn cảm hứng vô tận cho bao nhạc sĩ, thi nhân viết nên nhiều tác phẩm hay, nhiều ca khúc và bài thơ say đắm lòng người. Ngắm cảnh đẹp bày ra trước mắt, bất giác tôi nhớ đến hai câu thơ của tác giả Đông Hồ: “Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ/Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ”.
Yêu giây phút này
17 giờ, khi mặt trời tựa như một quả cam treo cao cao trên nền trời, không gian phủ lên gam màu huyền hoặc nhất ở thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, thuyền trà dừng lại ngay trước mặt chùa Thiên Mụ cho mọi người bước ra mạn thuyền ngắm cảnh hoàng hôn. Ai cũng không bỏ qua dịp chụp ảnh, check-in với cảnh tượng chùa Thiên Mụ uy nghi dựa vào vách đồi Hà Khê và soi bóng xuống dòng Hương trong ánh hoàng hôn vô cùng tuyệt đẹp. Mặt trời phía trước mũi thuyền cũng rọi bóng xuống dòng sông một cách rực rỡ nhất, như người nghệ sĩ tấu lên khúc đàn hay nhất rồi mới lui vào cánh gà. Chính ở thời khắc này, cả quá khứ và tương lai hẳn không nằm trong tâm tưởng lữ khách. Tất cả chỉ hiện hữu trong thời khắc hiện tại đầy thư thái và bác ái mà thôi.
Từ giữa dòng Hương, ngắm nhìn 7 tầng tháp Phước Duyên mang vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng là một xúc cảm thật khó quên. Câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương” vẫn luôn in hằn trong trí nhớ từ thuở bé cho đến tận bây giờ, dù lữ khách tôi đây đã đi qua năm châu bốn bể. Để rồi giờ đây, giữa đất kinh kỳ, tiếng chuông chùa ngân vang trên dòng Hương khiến tôi miên man suy tưởng, còn tháp Phước Duyên trước mặt khiến tôi cúi người lặng đi vì xúc động. “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” – người Nhật nói phải rồi. Như chính sông Hương vậy, dáng hình tạo hóa như một nét vẽ mềm mại, một tấm lụa đào, độ dốc của sông không cao nên nước chảy rất chậm rãi, êm đềm. Tất cả làm nên một biểu tượng cho sự dịu dàng, hiền hòa và yên bình bao đời của đất và người “Huế thương”. Sông Hương thanh bình như Huế và Huế cũng thanh bình tựa sông Hương, cho dù đoạn chính dài 33 km của dòng ngọc bích này chảy qua nhiều địa thế, phong cảnh khác nhau của Huế: từ những chân núi, cánh rừng xanh đến làng mạc, các công trình kiến trúc hay đền đài uy nghi, tĩnh tại.
Từ trên thuyền ngắm ra bốn phía mây nước, tôi thầm nghĩ rằng kể từ khi sông Hương ra đời thuở Lạc Việt (với nhiều tên gọi khác nhau theo thăng trầm lịch sử) cho đến ngày nay, có một “hồn thiêng sông núi” nào đó đã gìn giữ cho nét đẹp của dòng sông trường tồn và ít thay đổi một cách đáng ngạc nhiên. Trong số nhiều điển tích, dữ liệu lịch sử về cái tên sông Hương, cá nhân tôi thích nhất một lý giải rằng sông Hương nghĩa là “dòng sông có hương thơm”, với nguồn gốc mùi thơm đến từ một loài lá thuốc mọc hai bên bờ sông. Nhìn cảnh vật hai bên dòng sông Hương, tôi cảm thấy thời gian như dừng lại, hoặc trôi rất chậm nơi dòng sông này. Huế đã trở thành một đô thị phát triển trong nửa thế kỷ qua, nhưng nhiều giá trị văn hiến, vết tích xưa, văn hóa truyền thống cha ông, những bản sắc tự hào con người cố đô vẫn được giữ gìn.
Xem thêm
• Gợi ý 14 quán cà phê mới vừa đẹp vừa ngon cho hội ghiền Đà Lạt
• Những địa điểm không thể bỏ lỡ vào tháng 7/2022
• 10 địa điểm du lịch thế giới có lượt theo dõi cao nhất trên TikTok
Lung linh đêm về
17 giờ 15, thuyền rời điểm dừng bên chùa Thiên Mụ để xuôi chặng về lại bến. Đến đây, tôi biết bạn bè mình ở Huế đã không nói sai lời, bởi lúc này, màu xanh ngọc bích lấp lánh của dòng sông ban chiều đã chuyển thành màu vàng cam soi bóng lung linh trên mặt nước một cách đầy quyến rũ. Nhiều người nói đây chính là lúc dòng sông đẹp nhất và thật khó để phản đối. Vẻ đẹp của sông Hương làm say lòng lữ khách với những buổi chiều hoàng hôn trầm mặc đến nao lòng như thế này.
Đêm xuống nhập nhoạng, dòng Hương như tĩnh mịch hơn dù đây đó những con thuyền vẫn xuôi ngược. Cầu Tràng Tiền giờ đây đã lên đèn sáng rực cả một vùng sông. Chúng tôi lại thưởng ngoạn cảnh đẹp sông Hương theo một sắc màu không gian khác, để rồi quyến luyến rất nhiều khi uống một ngụm trà cuối trước lúc rời thuyền lên lại bến. Lần sau đến Huế, tôi vẫn muốn mình được “thanh tẩy tâm hồn” và cảm nhận vẻ đẹp cố đô một cách thanh bình nhất trên dòng sông Hương, vào những buổi chiều vàng.
Một vài lưu ý
– Nếu muốn tham quan, khám phá sông Hương đẹp nhất, du khách nên đến Huế vào mùa Thu hoặc mùa Xuân.
– Bạn có thể tham dự chương trình trà chiều trên thuyền đi dọc sông Hương trong hai giờ
– từ 16 đến 18 giờ. Thuyền xuất phát đúng giờ nên bạn đừng đến trễ, làm ảnh hưởng đến mọi người.
– Bạn cần cung cấp họ và tên, ngày tháng năm sinh để được đặt bảo hiểm du lịch trước chuyến đi. Trẻ em dưới 3 tuổi được ngồi chung với bố mẹ.
Bài: Trung Nghĩa
Ảnh: Vũ Văn Chương, Trung Nghĩa, Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE