Indonesia trong mắt ai
Đảo quốc Hồi giáo liên lục địa nổi danh với hệ thống trăm nghìn biển đảo lớn nhỏ, cảnh sắc hoang sơ quyến rũ kết hợp với các công trình đền đài huyền bí cổ kính, lại thêm điểm nhấn văn hóa đa dạng mang hình thái Á – Âu kết hợp…tất cả những điều này khiến đất nước Indonesia trở nên khác biệt và độc đáo với thế giới!
KAWAH IJEN – SẮC XANH HUYỀN ẢO
Nhắc đến nơi đây, trước tiên phải kể đến cái tên Kawah Ijen thuộc dãy núi lửa Ijen nằm giữa cao nguyên Bondowonso và Banyuwangi phía Đông đảo Java (East Java). Đây là hồ axít lớn nhất thế giới với đường kính 722m, sâu 200m và chứa khoảng 36 triệu m³ nước. Hồ có màu ngọc bích do nồng độ axít rất cao và kim loại hòa tan tạo ra, lại nằm trên miệng núi lửa ở độ cao hơn 2.300m so với mực nước biển, nên Ijen rất nổi danh trên bản đồ du lịch. Được biết, sâu dưới đáy hồ có lượng magma rất lớn và ngày nay vẫn tiếp tục giải phóng ra dòng khí lưu huỳnh, khiến mặt hồ quanh năm bị bao phủ bởi làn khói trắng đục. Khi gặp nhiệt độ cao kết hợp với xúc tác ôxy trong không khí, khói lưu huỳnh bắt lửa và bốc cháy, tạo ra ánh sáng màu xanh lam và đặc biệt dễ quan sát khi trời tối. Hiện tượng thú vị đó đã khiến du khách khắp nơi đổ về đây và truyền tai nhau kinh nghiệm leo núi chinh phục Ijen vào nửa đêm về sáng, vừa trực tiếp thấy được “ánh sáng xanh huyền ảo”, lại kịp đón bình minh ngày mới.
Sân bay gần nhất là Surabaya, cách hồ hơn 6 tiếng đường bộ nên du khách thường chọn nghỉ đêm tại thành phố Bondowonso gần Ijen để khoảng 1 – 2h sáng hôm sau thức dậy, theo xe đến chân núi khi trời còn mờ tối. Quãng đường leo núi không dễ dàng bởi độ dốc cao và nhiều khúc quanh, có thể mất đến 3 tiếng để lên đến đỉnh núi, nơi có thể thấy được miệng hồ. Trên đường lên núi, bạn có thể gặp rất nhiều người dân địa phương mời sử dụng dịch vụ xe kéo mà họ trào phúng gọi là “Gojek phiên bản Ijen” (lấy theo tên ứng dụng gọi xe công nghệ Gojek đặt bản doanh tại Jakarta, Indonesia).
Càng gần tới đỉnh núi và cạnh miệng hồ, lớp khói lưu huỳnh càng dày đặc và nồng nặc, du khách có thể sử dụng mặt nạ phòng độc để tránh cay mắt và ngạt khí. Khung cảnh khi trời còn chưa sáng tỏ rất ma mị, độc đáo như “ngoài hành tinh” vậy. Khi mặt trời lên, Kawah Ijen lại hắt ra một màu lam ngọc cực kỳ xinh đẹp. Đường đi xuống sát lòng hồ cần thêm 45 phút di chuyển nhưng địa thế rất gồ ghề và mùi lưu huỳnh vô cùng đậm, chỉ thích hợp với người bản xứ vốn đã thông thuộc nơi đây. Ngoài làm du lịch, họ còn khai thác và vận chuyển lưu huỳnh thể rắn ra khỏi khu vực lòng hồ rồi bán cho nhà máy tinh luyện dưới chân núi. Cuộc sống mưu sinh vất vả và không kém phần độc hại ấy cũng là một điểm khó quên cho những ai từng đặt chân đến Kawah Ijen.
BROMO – PHIM TRƯỜNG MẶT TRĂNG
Nằm ở cao độ tương đương nhưng bớt “độc hại” hơn và cũng cực kỳ nổi tiếng trong chuỗi danh thắng Indonesia là núi Bromo – ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động cho đến tận ngày nay. Cũng nằm ở phía Đông đảo Java nên du khách thường kết hợp thăm quan núi lửa Bromo và hồ axít Kawah Ijen trong cùng một lần bay đến Surabaya.
Trong ngày đầu tiên đặt chân đến Bromo, du khách thường thuê xe Jeep địa phương để đến tận chân Bromo và trèo lên miệng núi lửa. Vùng bình nguyên dưới chân Bromo phủ một lớp tàn tro xám xịt, thoạt nhìn, khung cảnh hệt như sao Hỏa với lớp bụi mịn phủ kín tận chân trời, không gian rộng lớn mờ ảo, xa xa là cột khói trắng bốc lên cao cuồn cuộn. Nếu không có những chiếc xe Jeep đầy màu sắc chở khách chạy tới lui khuấy động không gian, hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng đây là phim trường mặt trăng!
Đường đến miệng núi lửa đi qua một lòng sông cạn và một triền đồi thấp, trước khi đến cầu thang đá hơn 250 bước dẫn thẳng lên đỉnh núi. Từ đỉnh, người ta có thể nhìn vào trong miệng núi lửa, thấy làn khói lam nhạt bốc ra mạnh mẽ, ngửi được mùi lưu huỳnh trong gió và nghe tiếng ì ầm nguyên thủy vọng ra từ lòng núi. Đứng từ đây cũng có thể ngắm được toàn cảnh quanh Bromo lúc hoàng hôn nắng nhạt chiều buông, trả lại một chân trời rộng lớn se se lạnh.
Du khách có thể chọn ở lại làng Cemoro Lawang gần đó để chuẩn bị cho một bình minh rạng rỡ vào hôm sau. Tương tự như với Ijen, để săn được khoảnh khắc mặt trời lên trên Bromo, bạn sẽ phải dậy sớm từ khoảng 2 – 3h sáng, nhưng lần này là leo lên đỉnh núi Penanjakan ở gần đó. Đỉnh này cao hơn Bromo khoảng 400m, thời gian đi bộ có thể mất gần 2 tiếng nhưng đứng từ đây nhìn sang, có thể thấy bao quát toàn bộ lòng chảo Bromo và thung lũng xung quanh dần dần hiện lên theo những tia nắng đầu ngày. Đường lên Penanjakan luôn râm ran như trẩy hội khi cả khách du lịch và người dân địa phương hồ hởi cùng nhau leo núi. Thế nhưng, khi mặt trời ló rạng nơi hừng đông, nhất loạt đều lặng yên để chứng kiến thời khắc tuyệt diệu mở màn ngày mới. Mặt trời đem theo hơi ấm như kích thích Bromo nhả vào không trung những bụm khói trắng thay lời chào mừng những ai đã bỏ công đến đón vầng dương đầy sắc màu tỏa rạng cùng núi non.
UBUD – TRỞ VỀ CHỐN THIÊNG
Cuối cùng, sau những miệt mài chinh phục núi cao hồ sâu, người ta lại muốn trở về với không khí ban sơ rất đỗi thường nhật bình phàm nơi vùng Ubud, Bali – cái nôi văn hóa mang hơi thở đảo của toàn Bali, vẫn được gìn giữ vẹn nguyên cho đến hôm nay. Khác với mạn biển Kuta sôi động trẻ trung, Ubud nằm sâu trong lòng đảo, cách sân bay Ngurah Rai hơn 90 phút chạy xe, được bao bọc bởi núi đồi và rừng cây nên vô cùng bình yên, xinh đẹp. Không gian ở đây thanh tịnh khoáng đạt với những triền đồi rợp màu xanh, ruộng bậc thang ẩn hiện trong sương và những đền đài cổ kính mang phong cách Hindu Baliness vô cùng độc đáo.
Nổi tiếng nhất trong những điểm du lịch ở Ubud là ngôi Đền Suối Thiêng Pura Tirta Empul. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi những cánh cổng sắc màu đặc trưng ăn ảnh cùng hồ cá Koi rộng lớn sinh động, lại có nghi lễ tắm tẩy trần (Melukat) mang ý nghĩa tâm linh quan trọng. Khu vực giữa đền là bể tắm lớn với 12 vòi phun tương truyền chưa bao giờ cạn nước, chính là nơi mà du khách có thể trực tiếp tắm gội với ước mong thanh tẩy và mang lại sức khỏe, may mắn. Nếu đến thăm đền vào buổi sáng, du khách cũng có thể dự phần vào buổi cầu nguyện khi dòng người bản địa trong trang phục màu trắng trang nhã xếp hàng đi lễ ở khu đền trong. Sự trầm mặc mang màu cổ tích của Pura Tirta Empul khiến nơi đây nổi danh trong suốt hơn 10 thập kỷ qua, đúng như cái tên đền trong tiếng Bali có nghĩa là “mùa Xuân linh thiêng”.
Cách đền không xa là trung tâm du lịch Ubud (Ubud Center) đầy quyến rũ bởi cụm phức hợp phố đi bộ mua sắm cùng nhà hàng, quán cà phê xinh xắn, đa dạng, nổi tiếng với chất lượng và giá cả hợp lý. Nơi đây cũng có Cung điện Hoàng gia Ubud (Puri Saren Agung) – trung tâm nghệ thuật văn hóa của đảo, không to lớn hoành tráng như những cung điện nơi khác, ngược lại, nhỏ nhắn, thanh bình nhưng được bảo tồn cực kỳ tốt, thể hiện tài hoa của thợ kiến trúc Bali xa xưa thông qua những hoa văn trên cổng đá, mái vòm và tượng trang trí. Những phù điêu này còn được tái hiện sinh động ở rất nhiều đền thờ nhỏ, trên đường phố và cả trong các khu khách sạn, resort hay nhà ở, cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa Baliness, len lỏi đến từng góc nhỏ trong cuộc sống người dân toàn đảo dù trải qua bao biến thiên thời cuộc.
Vẻ đẹp thiên – nhân đồng điệu, vừa tinh khiết hoang sơ lại không kém phần sôi động cuốn hút của Bali, của Bromo và của Kawah Ijen kết hợp với lòng hiếu khách và trải nghiệm ẩm thực phong phú, hấp dẫn đã trở thành chìa khóa thành công của du lịch Indonesia nhiều thập niên qua, xứng danh là điểm đến không thể bỏ qua trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương và của toàn Đông Nam Á.
Bài & Ảnh: Quang Minh