Lifestyle / Du lịch

Những điều giản dị và dễ thương chỉ có ở Đài Loan

Trong trí nhớ của chúng tôi, phong cảnh Đài Loan không hùng vĩ đến choáng ngợp, phố thị Đài Loan cũng không hoành tráng đến ngỡ ngàng. Nhưng ở đất nước này, chúng tôi luôn tìm thấy những điều dễ thương giản dị, để lần nào ghé thăm cũng có cảm giác “dễ chịu” không muốn về.

Những ngày vừa qua, Đài Loan được thế giới đưa tin và khen ngợi về cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi nhủ rằng một ngày nào đó, khi đường bay Việt Nam – Đài Loan được nối lại, chúng tôi vẫn muốn được đến đó, và viết tiếp những câu chuyện còn dang dở…

Đài Loan đường phố tấp nập

Hoàng hôn Đài Bắc

Thế kỷ thứ 16, khi tàu của những người Bồ Đào Nha đi qua vùng đảo này đã thốt lên rằng “Ilha Formosa!” (Hòn đảo xinh đẹp). Chúng tôi cũng phải lòng Đài Loan chớp nhoáng như thế trong lần đến đầu tiên chóng vánh 2 ngày 1 đêm, trên đường quá cảnh đi Nhật Bản, và rồi sau đó đã trở lại thêm hai lần nữa.

Đài Bắc là thành phố chúng tôi thích nhất, có lần còn dành riêng cả tuần lễ để đi loanh quanh thủ đô và khu vực Tân Đài Bắc. Chính phủ Đài Loan ưu ái quy hoạch các phương tiện giao thông cho khu vực thủ đô cực kỳ tiện lợi. Hầu hết các địa điểm tham quan chính yếu đều được nối liền với nhau qua mạng lưới tàu điện ngầm MRT. Ngoài sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thiên nhiên Đài Bắc là sự giao thoa hài hòa giữa núi, rừng và biển. Một vài lần ngồi trên tàu về khách sạn, chúng tôi còn đùa rằng sao thấy ganh tị với con người ở đây vô cùng. Họ có thể đón bình mình trên biển, ngắm hoàng hôn trên núi hoặc tham quan thác nước trong cùng một ngày vô cùng dễ dàng. Cuộc sống như thế không phải đủ đầy thi vị hay sao?

Đài Loan góc toàn cảnh đường phố

Đài Loan tòa nhà Taipei 101

Nghĩ vậy, chúng tôi quyết định leo núi Con Voi để đón chờ giây phút cuối cùng của một ngày và ngắm toàn cảnh thủ đô. Hôm đó, trời Đài Bắc nắng nóng, con tàu line màu đỏ đưa chúng tôi đến trạm “Xiang Shan” (tiếng Việt là “Núi Con Voi”) để bắt đầu hành trình leo núi. Nói leo núi nghe thật hoang dã nhưng thật ra đây cũng là một điểm đến ưa chuộng của cả người dân bản xứ lẫn du khách nên các bậc thang được xây để việc đi lại dễ dàng hơn. Đến trạm vọng cảnh, chúng tôi nhìn đồng hồ và quyết định dừng lại dù mọi người bảo rằng đây chưa phải là điểm cao nhất và đẹp nhất. Nhưng bởi hoàng hôn thường tắt rất nhanh, nếu tiếp tục leo e rằng chúng tôi không còn kịp ngắm nữa.

Đài Loan du khách tham quan
Núi Con Voi là nơi yêu thích của cả người bản địa lẫn khách du lịch để ngắm hoàng hôn và toàn cảnh thành phố từ trên cao.

Ánh nắng đã bớt gắt gỏng, buổi chiều dường như đang dịu lại. Mặt trời chậm rãi buông, khoác lên cả bầu trời Đài Bắc bộ áo mới màu vàng cam. Chúng tôi ngồi đó lặng im ngắm nhìn. Trong giây phút khoảng không chuyển từ sắc hồng sang tím, chúng tôi biết rằng tất cả những gì diễn ra trong ngày hôm nay sẽ trở thành kỷ niệm. Chúng tôi cảm thấy thật may mắn vì đã được ở đây, trên lưng Con Voi nằm ngủ yên giữa lòng thành phố Đài Bắc, chứng kiến những buổi hoàng hôn đẹp và đáng nhớ như vậy đó!

Cảnh từ cáp treo

Đoàn xe lửa

nét đẹp đài trung

Đài Trung cũng có những nét đẹp riêng. Đạp xe một vòng hồ Nhật Nguyệt trong một buổi chiều, rồi nhấm nháp ly hồng trà trứ danh là những điều không thể bỏ lỡ. Sự kết hợp hài hòa giữa non nước, rừng cây, không khí se lạnh khiến CNN bình chọn đây là một trong 10 cung đường đạp xe đẹp nhất thế giới. Hồ Nhật Nguyệt đẹp lãng mạn như đúng tên gọi của nó. Người ta bảo rằng phía Đông của hồ có hình dáng tròn như mặt trời, còn phần phía Tây lại khuyết như mặt trăng. Chính vì vậy, tên gọi hồ Nhật Nguyệt được ra đời, như một nơi hẹn ước của mặt trăng và mặt trời.

Các quán án tấp nập

Đài Trung ngoài hồ nước, những kiến trúc cũ kỹ còn nổi tiếng bởi phong cảnh núi rừng. Gần trung tâm thành phố, Dakeng là một điểm hẹn cuối tuần của người dân địa phương. Núi không quá cao, không khí trong lành, mát mẻ rất phù hợp cho các hoạt động dã ngoại trong ngày. Khi tìm hiểu về lịch trình, chúng tôi vô tình phát hiện ra Dakeng trong một bài viết của một người bạn Đài Loan và ấn tượng với hình ảnh những bậc thang xuyên rừng làm bằng thân gỗ. Nhìn mộc mạc vậy, nhưng phải đến khi leo, chúng tôi mới thấy sự hiểm trở của nó. Đường dốc, gồ ghề, tay vịn chỗ có, chỗ không, sơ hở một chút là ngã xuống vực. Điều thích nhất là ở đây không hề có bóng dáng khách du lịch. Chúng tôi cứ đi chậm rãi, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối róc rách rồi dừng lại ở trạm cao nhất ngắm cảnh và thưởng thức trà nóng, bánh ngọt.

Đồi trà xanh
Loại trà nổi tiếng của Đài Loan được trồng ở núi A Lý, nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước trong lành.
Khung cảnh gần bờ biển
Ngọn hải đăng trắng Bitou Jiao có tuổi đời 100 năm ở Đài Bắc.

Thế nhưng, không đâu ở xứ Đài có được cảnh sắc như núi A Lý (Alishan). Từ khi được Nhật Bản trao trả lại, A Lý trở thành một điểm du lịch nổi bật nhất của Đài Loan, cùng với Hồ Nhật Nguyệt. Chúng tôi may mắn đến đây khi hoa đào còn nở hồng trên những dải màu xanh ngát của núi rừng.

Hồ nhân tạo

Đạp xe dạo phố
Hồ Nhật Nguyệt lãng mạn và cung đường dành cho xe đạp đẹp nhất thế giới.

Tháng Tư năm đó, núi A Lý đón chúng tôi bằng một trận mưa tầm tã. Chúng tôi nhớ buổi sáng lang thang giữa những tán cây cổ thụ lâu năm mà gốc to chắc mấy người ôm không xuể. Giữa đầm Tỷ Muội, mây lãng đãng bay trên đầu, sương mù mờ ảo như trong một cõi mộng mơ. Chúng tôi nhất định sẽ trở lại đây một lần nữa, vì A Lý còn nợ chúng tôi một bình minh huy hoàng với biển mây thiên đường và một ngày nắng đẹp.

Thành phố về đêm

đoàn xe MRT
Đài Trung và con đường tàu nở rộ hoa đào nức tiếng trên núi A Lý.

Nức mũi những buổi chợ đêm

Đi Đài Loan, chúng tôi còn thích loanh quanh các chợ đêm khắp cả nước. Mỗi nơi dù mang màu sắc và hương vị khác nhau đều khiến du khách không thể nào cưỡng lại được.

Chúng tôi thường đến chợ đêm Raohe ở Đài Bắc, dù không to lớn như chợ đêm Shilin nhưng ẩm thực ở đây khá đa dạng, từ món mặn đến món ngọt. Đặc biệt ngay đầu chợ có hàng bánh bao cực ngon mà rất nhiều người phải xếp hàng để thưởng thức. Vào những đêm Đài Bắc trời se lạnh, cầm một cái bánh bao nóng hổi “vừa thổi vừa ăn” mang đến đủ đầy các cung bậc cảm xúc.

phố đi bộ đêm
Những món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến chợ đêm ở Đài Loan là tàu hũ thối, bánh bao nóng…

các quán ăn ven đường

Món ăn dường như có mặt ở xuyên suốt các mặt trận “chợ đêm” cả nước chính là món đậu hũ thối. Món này được chế biến thành hai loại: loại chiên xiên que và loại nước. Món chiên giòn rụm ăn kèm tương và bắp cải chua. Còn món nước lại ăn với huyết và rau thơm. Chúng tôi đã thử cả hai loại và là “fan cứng” của món đậu chiên đặc mùi này. Bất kể bạn ở đâu trong khu chợ, mùi hương của món đậu hũ đều sẽ tìm đến và lôi kéo bạn về với chúng. Nếu có dịp đến Đài Loan, hãy bỏ ngoài tai tất cả những lời “gièm pha” và thử cho được món đậu hũ thối này nhé!

Bên cạnh đó, trà sữa gần như là một món uống truyền thống. Không ngoa một chút nào khi nói rằng ở Đài Loan, cứ ba bước bạn sẽ gặp một tiệm trà sữa. Trà sữa ở đây đủ loại và đủ các thương hiệu. Một lần lang thang ở Đài Loan đến chợ đêm Gongguan, đối diện trường Đại học Đài Loan, chúng tôi phát hiện một tiệm trà sữa nổi tiếng, và phải xếp hàng tận hơn 30 phút mới có thể mua được. Khi tìm hiểu mới biết đây đúng là quán trà sữa đã mở hơn 15 năm và được xếp vào những quán trà sữa ngon nhất Đài Loan.

rộn ràng những ngày lễ hội

Từ đảo Meizhou, tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Bà Ma Tổ (Thiên Hậu) đã theo thuyền của ngư dân và lái thương đi khắp nơi để rồi được UNESCO công nhận là Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tín ngưỡng thờ Bà Ma Tổ phát triển mạnh mẽ vì cơ bản, Đài Loan là một hòn đảo, và họ tin rằng Bà Ma Tổ là vị Hải Thần bảo hộ cho cả nước. Hằng năm, vào ngày 19 tháng 3 âm lịch, cả Đài Loan rộn ràng tổ chức lễ hội Vía Bà. Ở Đài Trung, người ta còn tổ chức một cuộc diễu hành của Kiệu Bà suốt 9 ngày kèm theo những hoạt động văn hóa đặc sắc. Đến Đài Loan vào dịp lễ hội này, chúng tôi chọn Bắc Cảng, một thị trấn cảng nhỏ, nhưng được xem là quê hương đất tổ của các chùa Bà Ma Tổ khắp cả nước.

mùa lễ hội
Lễ hội Vía Bà được tổ chức một cách nhộn nhịp nhưng đầy tôn kính, trở thành một tín ngưỡng quan trọng được UNESCO công nhận.

Chúng tôi có mặt ở thị trấn 5 ngày trước lễ hội, vừa để dành thời gian đi loanh quanh, vừa xem cách người ta chuẩn bị cho lễ hội. Ngồi trên xe đạp điện xem dân địa phương chuẩn bị mọi thứ từ xe hoa đến tiền vàng và phục trang, chúng tôi thật sự thấy xúc động trước tình cảm người dân dành cho Bà và cách họ tôn thờ, bảo vệ tín ngưỡng của mình.

Suốt ba ngày ba đêm, thị trấn lúc nào cũng chìm trong sự náo nhiệt. Trong tiếng nổ vang trời, khói pháo mờ mịt, hai vị thần Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ dẫn đoàn Kiệu Bà khởi hành từ Miếu Triều Thiên đi khắp mọi nẻo đường thị trấn. Có nhà dâng cơm cho đoàn kiệu, có nhà phục vụ nước uống, có nhà mời trái cây. Ai ai cũng kính cẩn, vui mừng đón đoàn kiệu và cầu mong sự tốt lành từ Bà.

lễ hội địa phương

Ở các trục đường lớn, dưới bầu trời đầy pháo hoa rực rỡ, các em bé được hóa trang lộng lẫy ngồi trên những “đoàn tàu cổ tích” phát quà bánh cho người dân. Mỗi đoàn tàu là một câu truyện lịch sử khác nhau, có thể là câu chuyện về Bà, về Tam Quốc, hay đơn giản là một câu chuyện ngụ ngôn để nhắc nhở trẻ nhỏ nhớ và giữ gìn lịch sử, văn hóa nước nhà.

Nhóm thực hiện

Bài: Wanderful Dreamers

Ảnh: Wanderful Dreamers, Tư liệu

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)