10 lễ hội Nhật Bản cho bạn những trải nghiệm văn hóa chân thực nhất của xứ Phù Tang
Hiếm có đất nước nào lại lưu giữ một nền văn hóa truyền thống lâu đời với những lễ hội đặc trưng như Nhật Bản. Một năm có nhiều dịp lễ và hều hết các dịp lễ đều kéo dài trong nhiều ngày. Dưới đây là những lễ hội đặc sắc nhất xứ sở hoa anh đào.
Nhật Bản là một quốc gia giàu văn hóa, sở hữu nhiều lễ hội độc đáo. Các lễ hội tại Nhật Bản diễn ra vào nhiều thời điểm và nhiều nơi khác nhau dọc khắp xứ sở hoa anh đào này. Bên cạnh những ý nghĩa mang tính chất tôn giáo hay truyền thống, nhiều lễ hội tại Nhật Bản còn được tổ chức để kỷ niệm những sự kiện chính trị trọng đại, những ngày lễ và cả để trân trọng vẻ đẹp thiên nhiên như ngày hội hoa anh đào, ngày tuyết rơi. Sau đây là danh sách những lễ hội Nhật Bản độc đáo và thú vị nhất của quốc gia xinh đẹp này.
Lễ hội tuyết Sapporo
Lễ hội Nhật Bản này được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 2 và thu hút hơn 2 triệu khách du lịch nỗi năm. Người ta đến đây để chiêm ngưỡng những bức tượng điêu khắc bằng tuyết đặc sắc, một vài trong số đó có kích thước lớn, có thể cao tới hơn 15 mét. Tại công viên Odori, khu trung tâm của lễ hội, những khối tượng tuyết này được các nghệ sĩ thiết lập trình chiếu ánh sáng lung linh, nhiều màu sắc, tạo ra khung cảnh cổ tích thú vị. Tại những khu khác, khách du lịch có thể tham gia trượt tuyết cùng người thân và gia đình, thậm chí có thể tự tay tạo ra những bức tượng tuyết của riêng họ.
Lễ hội đêm Chichibu
Lễ hội đêm Chichibu, hay Yomatsuri, là lễ hội thường niên của đền Chichibu, Tokyo có lịch sử hơn 300 năm và được xem là một trong ba lễ hội rước kiệu lớn nhất Nhật Bản. Lễ hội Nhật Bản này diễn ra trong 2 đêm với nhiều kiệu rước lớn có người biểu diễn và trống, sáo phụ họa được kéo dần về cổng chính của đền. Du khách đến đây cũng có thể thưởng thức những món ăn đặc sản của Nhật Bản qua những quầy hàng trên đường phố bán thực phẩm và nếm thử amazake (rượu gạo ngọt) làm ấm người và xua đi giá lạnh của mùa Đông.
Lễ hội Gion Matsuri
Lễ hội Nhật Bản Gion Matsuri ra đời để cầu xin các vị thần phụ hộ cho người dân tránh khỏi thiên tai, giữ cho tinh thần được thanh thản, tránh mọi sợ hãi và phiền muộn. Lễ hội này được tổ chức tại đền Yasaka, tỉnh Kyoto trong suốt một tháng, từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/7 với nhiều hoạt động sôi nổi.
Hoạt động chính và được mong chờ nhất tại lễ hội này là lễ diễu hành Yamaboko Yunko. Tại lễ diễu hành này, mọi người sẽ được nhìn ngắm những kiệu rước độc đáo với cách lắp ráp, trang trí bằng nhiều món đồ thủ công tinh xảo cùng nhiều đồ vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Mỗi chiếc kiệu là một tác phẩm văn hóa đặc sắc được người dân bảo vệ và lưu giữ đến ngày nay.
Bên cạnh đó, lễ hội Gion còn có rất nhiều hoạt động chuẩn bị, vui chơi, hội họp rất phong phú như Omukae-Chochin (nghi lễ đám rước được tổ chức để chào đón các Mikoshi – đền thờ di động), Mikoshi-Arai (nghi thức thanh tẩy Mikoshi), Lễ dựng kiệu Hoko và Yama, Gion Bayashi (các buổi lễ thử kéo kiệu Hoko và Yama).
Lễ hội Tenjin Matsuri
Hàng năm, vào 24 và 25/7 tại tỉnh Osaka, lễ hội Tenjin được tổ chức để tạ ơn Sugawara No Michizane – vị thần thông thái. Lễ hội này bao gồm một cuộc diễu hành trên mặt đất và cả trên sông cùng với pháo hoa. Đối với người dân, các nghi lễ sinh động trong lễ hội là một dịp để tận hưởng những ngày Hè nóng bỏng được lấp đầy bởi những bộ trang phục truyền thống và bầu không khí tưng bừng của địa phương.
Lễ hội Nada no Kenda
Từ Kenka trong tiếng Nhật có nghĩa là chiến đấu. Ý nghĩa của lễ hội Kenka Matsuri là cuộc chiến đấu giữa 7 ngôi làng để làm hài lòng các vị thần. Người Nhật tin rằng cuộc chiến đấu càng mãnh liệt, các vị thần càng hài vòng và người chiến thắng sẽ được ban phước để có được một vụ mùa tốt trong năm tới.
Lễ hội Kenka Matsuri diễn ra hàng năm vào 2 ngày 14 và 15/10 tại đền Matsubara Hachiman, Himeji, Hyogo, Nhật Bản, và núi Otabi. Lễ hội này thu hút khoảng 100.000 du khách khắp nơi đến đây tham quan và xem lễ.
Những người tham gia lễ hội sẽ rước chiếc kiệu lớn được trang trí đẹp mắt để đại diện cho quận hay làng của mình để thi đấu.
Lễ hội Awa Odori
Awa Odori là lễ hội múa của tỉnh Tokushima. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 8, khắp nơi trong tỉnh Tokushima lại rộn ràng tổ chức lễ hội này. Những người tham dự lễ hội tụ họp lại thành từng nhóm (gọi là Ren). Mỗi nhóm như vậy gồm vũ công và nhạc công mặc các trang phục múa truyền thống, cùng đàn, hát, nhảy múa và di chuyển qua các tuyến đường diễn ra lễ hội. Lễ hội này bắt nguồn từ năm 1586 nhân dịp khánh thành lâu đài Tokushima. Chúa đất Hachisuka Iamasa lúc đó đã ban rượu cho người dân trong thành. Khi hơi men đã thấm, mọi người bắt đầu đứng dậy nhảy múa theo nhạc và đó cũng là lúc điệu múa Awa ra đời.
Lễ hội Sakura – Lễ hội hoa anh đào
Lễ hội hoa anh đào diễn ra vào từng thời điểm khác nhau của mùa Xuân, tùy thuộc vào thời tiết. Hoa Sakura hay hoa anh đào là quốc hoa của Nhật Bản, vì vậy, người Nhật tổ chức lễ hội ngắm hoa này như một nét văn hóa truyền thống nhằm tôn vinh vẻ đẹp dân tộc. Đây là một lễ hội Nhật Bản lâu đời, được cho rằng bắt nguồn từ hơn 1.000 năm trước. Bên cạnh việc thể hiện sự trân trọng đối với vẻ đẹp của quê hương, lễ hội này còn có ý nghĩa về mặt Phật giáo. Người ta tin rằng vẻ đẹp ngắn ngủi của những cánh hoa anh đào dạy con người về sự vô thường của cuộc sống, vì thế, chúng ta cần phải sống thật ý nghĩa cho hiện tại.
Lễ hội Kanda
Lễ hội Nhật Bản này thường diễn ra vào tháng Năm của những năm lẻ tại thành phố Tokyo. Nhiều hoạt động và sự kiện bao gồm diễu hành, rước kiệu và vật tế sẽ được tổ chức trong suốt một tuần lễ. Vào ngày đầu tiên của lễ hội Kanda, những người tham gia diễu hành sẽ mặc trang phục của thời Heian: những bộ trang phục nhiều màu sắc, nhiều phụ kiện đính kèm, những bộ Kimono nhiều lớp được thiết kế đặc biệt. Theo tập tục của người Shinto, lễ hội này được tổ chức để mời các vị thần và linh hồn trở về đền thờ bằng những đoàn rước nhằm cầu chúc may mắn và thịnh vượng.
Lễ hội Obon
Bắt nguồn từ tập tục của người theo đạo Phật là thờ linh hồn người đã khuất, lễ hội Nhật Bản Obon chính là thời điểm mà nhiều người Nhật trở về với gia đình để thăm mộ người thân.
Tùy thuộc vào từng vùng miền mà các nghi lễ trong lễ hội được tiến hành khác nhau, tuy nhiên, tất cả thường được tổ chức trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm. Lễ hội Obon được tổ chức trong hơn 500 năm. Người dân Nhật Bản tin rằng linh hồn của tổ tiên sẽ trở về thăm gia đình họ. Vào dịp Obon diễn ra, đèn lồng được treo ngoài nhà để dẫn lối cho các linh hồn trở về nhà.
Lễ hội Soma Nomaoi
Sự kiện sóng thần năm 2011 đã khiến cho dân sống xung quanh khu vực nhà máy điện Fukushima phải đi sơ tán và Lễ hội Soma Nomaoi phải hủy bỏ. Tuy nhiên, lễ hội Nhật Bản này đã được tổ chức lại để làm sống dậy tinh thần dân tộc của người dân Nhật Bản. Lễ hội Soma Nomaoi tập hợp các chiến binh từ 5 khu vực trong trang phục giáp trụ của chiến binh samurai với kiếm Nhật giắt ngang hông và cưỡi chiến mã. Nhiều người dân Nhật rất háo hức kéo đến tham gia lễ hội cổ truyền Soma Nomaoi, hay còn gọi là cuộc đua chiến mã, tại thị trấn Minamisoma, quận Fukushima. Sau sự cố sóng thần, lễ hội lần này được người dân Nhật Bản đặc biệt chờ đợi, bởi nó làm sống lại tinh thần bất khuất, kiên cường của các võ sĩ samurai, khơi dậy ý chí kiên cường của người dân Nhật Bản.
—
Xem Thêm:
Du lịch mùa lễ hội: 5 tip du lịch bỏ túi giúp bạn có chuyến đi hoàn hảo nhất
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Bài: Thanh Nhã
Tham khảo: Travel + Leisure
Hình ảnh: Tổng hợp