Macedonia – Quê hương của những thăng trầm
Khi nhắc tới mảnh đất Macedonia, nhiều người bạn của tôi đã không khỏi ngạc nhiên về sự tồn tại của một đất nước nằm lọt thỏm giữa Đông Âu và Nam Âu, một quốc gia với dân số còn ít hơn một quận trung tâm Sài Gòn. Sẽ chẳng thể tin nổi một ngày nào đó chúng tôi lại đặt chân tới đây.
Macedonia, từ tên đất nước vẫn còn đang bị tranh chấp sở hữu, và thậm chí cũng chưa có sự nhìn nhận của nhiều quốc gia. Vậy mà chúng tôi đã tới đó, mảnh đất nhỏ bé trùng điệp núi đồi, thơm nức hương hoa đoạn (linden flower), nhưng không bờ biển, không tên gọi chính thức.
Skopje – Lịch sử đang được tái tạo
Ngược về lịch sử của thế giới và của châu Âu hàng ngàn năm về trước, chính mảnh đất này là nơi đã sinh ra Alexander Đại đế. Để rồi từ đây, người đã đem quân chinh phục và mở rộng bờ cõi vô cùng rộng lớn của cường quốc Macedonia một thời. Nhưng kể cả lịch sử oai hùng đó, cùng tên gọi quốc gia đầy kiêu hãnh, vẫn còn bị người láng giềng Hy Lạp giành giật và không công nhận.
Hơn một trăm quốc gia trên thế giới đã ký hiệp định chung với nước Cộng hòa Macedonia (Republic of Macedonia), nhưng những quốc gia còn lại chỉ gọi đây là FYROM (Former Yugoslav Republic of Macedonia – Cộng hòa Macedonia trực thuộc Nam Tư cũ).
Dẫu sao thì chúng tôi cũng đã có những ngày Hè tươi đẹp trên mảnh đất đó. Khắp nơi tại thủ đô Skopje, người ta đang nỗ lực dựng lên vô số tượng đài của Alexander Đại đế, như một cách khẳng định sự thật của lịch sử. Sau trận động đất lịch sử năm 1963, rồi những tranh chấp, nội chiến của các quốc gia thuộc Nam Tư cũ, những công trình kiến trúc ở Skopje hầu như đã không thể tồn tại. Chính bởi vậy, giờ đây các công trình kiến trúc mới nhưng mang dáng dấp thuở xưa đang được hối hả hoàn tất.
Kế bên tất cả những ngổn ngang đó, cuộc sống của người dân Skopje vẫn diễn ra bình lặng bên thượng nguồn của dòng sông Vardar, một trong những nguồn nước ngọt quan trọng của cả Macedonia và nước láng giềng Hy Lạp. Những quán cà phê, bar, pub mọc lên san sát bên sông bắt đầu từ quảng trường trung tâm.
Nhưng nếu bỏ qua những tiếng nhạc dập dìu mời gọi, bước lên cây cầu đá ngàn tuổi hướng về phía khu chợ cũ (Old Bazaar) sẽ có một Skopje khác chào đón bạn. Khu chợ cũ này hiện là khu chợ mang quy mô lớn và cổ thứ hai ở vùng bán đảo Balkan (sau khu chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Từ chân cây cầu đá, ngang qua nhà thờ Cơ đốc giáo cổ nhất của Macedonia, khu chợ sẽ dần mở ra. Old Bazaar là một quần thể kiến trúc mang đậm dáng dấp thời kỳ bạo chúa Ottoman và còn may mắn tồn tại sau những thiên tai và biến động chính trị, dù rằng quy mô đã thu nhỏ rất nhiều.
Đi qua những nhà thờ Hồi giáo, những dãy nhà hàng san sát đã xưa cũ lắm, bước trên con đường lát đá không biết đã bao nhiêu năm tuổi, khúc cuối của đoạn đường mở ra một khu chợ đông đúc người bán kẻ mua. Bây giờ là đầu mùa Hè, vô số trái cây và rau quả tươi ngon nhất đều tập trung về chợ. Những trái cà chua đỏ hồng, những trái cherry chín mọng, những thùng dâu thơm nức… kế bên những sạp gia vị và những quầy hoa cảnh rực rỡ sắc màu. Sự đa sắc tộc của Macedonia có lẽ được thể hiện rõ nhất ở khu chợ này, những người Thiên chúa giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và cả những người Digan không được cả thế giới này công nhận cùng hội tụ ở đây, mua mua bán bán, rộn rã, ồn ào.
Một Skopje đang dần tìm lại những cột mốc lịch sử của mình có quá nhiều cho chúng tôi khám phá, nhiều hơn sự mong đợi của những con người đến từ một đất nước châu Á rất xa. Và có lẽ, hương hoa đoạn ngập tràn mỗi con phố, ngôi nhà nhỏ bé nơi Mẹ Teresa nhân từ đã chào đời, người đã dành cả đời cho hòa bình thế giới, cùng chiếc đồng hồ trên bức tường ở nhà ga trung tâm, chiếc đồng hồ đã dừng lại mãi mãi vào lúc 5 giờ 17 phút sáng, khi trận động đất 6,1 độ Richter ập tới phá hủy hầu như toàn bộ thành phố này sẽ còn mãi trong tâm trí của những vị khách Á châu chúng tôi.
Ngày đầy gió ở hồ Ohrid
Ba tiếng đồng hồ lái xe ra khỏi Thủ đô Skopje, vòng vèo quanh những cung đường đèo cua hóc hiểm, cũng có nghĩa là đã đi gần hết chiều ngang của đất nước Macedonia bé xinh, chúng tôi tới bên hồ Ohrid. Chui ra khỏi xe, gió từ hồ ôm lấy chúng tôi, lành lạnh, mơn man. Từ khi Cộng hòa Nam Tư tan rã, có lẽ hồ Ohrid là một trong số ít di sản ở lại cùng Macedonia.
Ohrid được hình thành từ hơn 3 triệu năm trước, là một trong những hồ cổ nhất và sâu nhất ở châu Âu, được sở hữu bởi Macedonia và nước Albania láng giềng. Với chiều dài hơn 30km và độ sâu trung bình 300 mét, vào mùa Hè, hồ Ohrid trở thành một bãi biển nước ngọt của người dân Macedonia và những quốc gia xung quanh.
Thị trấn Ohrid cổ nằm trên sườn núi, điều đó có nghĩa từ dưới hồ, chúng tôi phải leo ngược những con dốc dài đi lên trên cao dần, dọc theo những con phố hẹp lát đá tảng đã mòn theo vết xe lăn, ngang qua những khu vườn ngập tràn những bông hồng xứ Balkan đủ sắc màu đã nở bung, căng tràn. Trong thị trấn còn giữ được những nhà thờ tường đá tổ ong từ hàng thế kỷ trước đó. Con số 365 nhà thờ lớn nhỏ nằm gọn trong thị trấn Ohrid bé nhỏ đã không khỏi làm chúng tôi ngạc nhiên. Những khách du hành tới Ohrid trước kia đã ví von mỗi một ngày của năm tương ứng với một nhà thờ ở đây. Gió và nắng đã đưa bước chúng tôi vào nhà thờ nhỏ bé thuộc Cơ đốc giáo được xây dựng từ thế kỷ XII. Dù nhà thờ đã xuống cấp khá nhiều và đang được trùng tu lại, thật ngạc nhiên ở đây chúng tôi đã gặp bà. Một người phụ nữ trung niên dáng đậm đà, mái tóc xoăn tự nhiên buông dài tới đáy lưng. Bà tiếp chúng tôi bằng câu chuyện về Chúa Trời, về sự sinh tồn, sự ra đi, sự tái sinh, về cái tâm của mỗi con người sẽ hướng họ theo những thiện và những ác. Bà sống ở đó, lặng lẽ với bầy mèo hoang cứ loanh quanh trong sân nhà thờ. Câu chuyện của bà cảm xúc tới độ một vài người trong nhóm đã quay đi gạt nước mắt.
Chia tay người phụ nữ lạ kỳ, chúng tôi tiếp tục leo ngược lên đỉnh núi, nơi sừng sững pháo đài Samuil được xây dựng từ thời kỳ Trung cổ và vẫn còn được bảo tồn tới ngày nay. Đứng từ đây nhìn xuống, Di sản thiên nhiên thế giới hồ Ohrid đã được UNESCO công nhận từ 35 năm trước trải dài ngút tầm mắt, lẫn trong bàng bạc sương chiều và lọt thỏm giữa núi non.
Quyết định không đi ngang qua thị trấn cổ một lần nữa, chúng tôi men theo lối mòn, một bên là rừng thông xào xạc, một bên là vách đá dựng đứng tưởng như nếu trượt chân, chắc chắn chỉ có cây dại đỡ lấy. Sau khoảng 30 phút lần mò, qua một khúc quanh, rồi leo lên một gò đất, chúng tôi ngỡ ngàng khi ngay phía bên dưới là nhà thờ Thánh John bên bờ vịnh Kaneo. Vị trí cũng như kiến trúc của nhà thờ Cơ đốc giáo này tuyệt đẹp đến mức có khi nó còn nổi tiếng hơn cả chính đất nước Macedonia.
Như một sự thần kỳ, khi chúng tôi vừa tìm thấy đường quay trở về bờ hồ từ nhà thờ thánh John, gió bắt đầu nổi lên ầm ào. Chính lúc này, chúng tôi mới thực sự cảm nhận vì sao người ta gọi hồ Ohrid là biển. Gió rít lên từng cơn, những cây liễu ven hồ gần như ngả rạp lá cành. Mới hồi sáng trong ánh nắng ấm áp mặt hồ gợn chút sóng lăn tăn theo gió thì giờ đây, sóng hồ dữ dội va đập vào bờ đá tạo nên những âm thanh ghê người, tưởng như bão về trên biển.
Và rồi mưa ập tới, ào ạt, mây đen giăng kín bầu trời. Trong phút giây của cơn bất an thoáng qua đó, tôi lại chợt nghĩ, có khi đất trời đang chiêu đãi những người châu Á nhỏ bé từ phương xa tới, chỉ trong một ngày thôi mà cho chúng tôi nếm trải gần như đủ mọi tâm tính thời tiết của hồ trên núi.
Buổi sáng khi tới nơi chúng tôi quần shorts áo thun là thế, vậy mà trước khi rời đi, tất cả co ro trong áo khoác, khăn choàng, mưa ngừng một chút nhưng gió vẫn tiếp tục thử thách sức chịu đựng của con người, gió khô ron, ngỡ như gió mùa Đông Bắc lùa vào từng manh áo mỏng của Hà Nội năm nào…
Và như thế, khi cả thế giới hồi hộp dõi theo từng đường lăn của trái bóng mùa World Cup, chúng tôi đã may mắn đến với Macedonia, một điểm đến khác cũng lọt vào Top 10 Best countries in Travel của tổ chức du ngoạn nổi tiếng này. Để rồi khó quên…
Xem thêm Du lịch New York – Giấc mơ có thật
Xem thêm Du lịch Venice – Vẻ đẹp điêu tàn
Xem thêm London – Xứ sở diễm lệ
Xem thêm Du lịch thế giới cùng blogger Mít Đặc
Xem thêm 5 điều tuyệt vời nhất ở San Francisco (Mỹ)
Bài và ảnh: Linh Xinh