Milan có thể được gọi là một thiên đường có thật với những hoàng tử sân cỏ đối với fan của bóng đá, với nghệ thuật đỉnh cao trong tâm trí những người đam mê cái đẹp hoặc với những thứ tuyệt vời theo sở nguyện có thể tìm thấy được bởi bất cứ ai dù chẳng thuộc một trường phái nào. Mảnh đất kỳ diệu này có thể biến mọi ước mơ xa vời nhất đều trở thành hiện thực, và đó cũng là lý do để thời trang ở Milan bao giờ cũng có được nét gần gũi và giống với cuộc sống mà chúng ta đang sống cùng nhất.
1. Vóc dáng của Milan
Không chỉ là thành phố có dân số lớn thứ 2 ở Ý, Milan hiện nay còn là một trong những thủ phủ làm nên diện mạo cho đất nước này với những nét giá trị pha trộn suốt từ thời kỳ La Mã ở châu Âu cho đến ngày nay. Kể từ sau khi được khởi sinh bởi những cư dân nói tiếng Celtic từ trước Công nguyên, Milan đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ chỗ bị chiếm đóng lần lượt bởi Pháp, Tây Ban Nha, Áo, cuối cùng thuộc về nước Ý cho đến khi trở thành trung tâm kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước hình đôi boot kiêu kỳ. Hiện nay, Milan chẳng những nổi tiếng ở Ý, đây còn là một thành phố quốc tế hàng đầu về các sự kiện thương mại, tài chính và tất nhiên không thể thiếu văn hóa mà hàng đầu là thời trang.
Milan đã ghi dấu một trang lịch sử rất dài về ngành thời trang, may mặc và thiết kế. Từ thời Trung cổ và Phục hưng, Milan bắt đầu nổi tiếng với vai trò của một trung tâm thời trang. Lúc này tiếng Anh bắt đầu có thêm trong từ điển những từ mới như “milaner” hay “millaner” để chỉ những mặt hàng có giá trị trong mảng quần áo và phụ kiện. Cho đến thế giữa thế kỷ 19, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế và công nghệ, thời trang của Milan cũng đã đánh dấu bước chuyển mới huy hoàng hơn.
Cùng với sự nở rộ của các nhà xưởng và tình hình dịch bệnh trên cây bông, đất đai dành cho trồng trọt dần được thu hẹp, đưa tới kết quả thời trang cũng trở thành một ngành công nghiệp. Năm 1921, cửa hàng thời trang có quy mô lần đầu tiên được thành lập ở Milan bởi anh em nhà Bocconi được xem là một bước tiên phong trong ngành thời trang ở Ý.
Với sự phát triển này, đến thế kỷ 20, Milan đã trở thành một trung tâm lớn về các sản phẩm may mặc, vượt qua cả Florence về mức độ phổ biến. Milan mặc nhiên trở thành điểm mua sắm lý tưởng nhất, bởi lẽ nơi đây hội tụ những nhà thiết kế tài ba, biết kết hợp giữa sự xa hoa, kiều diễm của thời trang Pháp và Florence với nhịp sống hiện thực để cho ra đời những sản phẩm từ cao cấp, sang trọng cho đến bình dân hàng ngày.
Có lẽ đó cũng là lý do cho đến khi bước vào thế kỷ 21, Milan vượt mặt cả 3 kinh đô lớn là Paris, New York và London trong bảng xếp hạng các thành phố thời trang hàng đầu và giữ được vị trí top 10 suốt những năm trở lại đây.
Với tư cách là 1 trong 4 kinh đô thời trang nổi tiếng nhất thế giới, Milan tất nhiên sẽ thu hút đặc biệt với Tuần lễ thời trang được tổ chức hàng năm. Theo thông lệ, mỗi mùa Thu – Đông (tháng 2 – 3) và Xuân – Hè (tháng 9 – 10), sau tuần lễ New York, London thì Milan sẽ trở thành điểm đến thứ 3 đáng khao khát nhất của các tín đồ thời trang với những BST hàng đầu được giới thiệu.
Lật lại lịch sử có thể thấy việc Milan được lựa chọn trở thành một trong 4 kinh đô quan trọng nhất để tổ chức tuần lễ thời trang đã bắt đầu chính thức được ghi nhận vào năm 1958. Ban đầu, Florence mới là nơi được chính phủ Ý chọn là trung tâm của thời trang, nhưng thành phố này mau chóng bị quá tải với lượng khách đổ về. Milan đã có được một thời cơ vàng để nhận tổ chức sự kiện thời trang danh giá quốc tế đó. Và dù được thừa nhận là địa điểm chính của Tuần lễ thời trang từ năm 1958 thì phải đến năm 1975 nơi đây mới có một sự kiện chính thức dưới tên gọi là “Settimana Della Moda”.
Tuần lễ thời trang Milan thường bao gồm khoảng hơn 40 show, lấy địa điểm là các cung điện hoàng gia để làm sàn diễn. Các show này tập trung vào sản phẩm nữ với những show chính là Womenswear/Milan SS Women Ready to Wear và Milano Moda Donna, bên cạnh đó là các sản phẩm nam với show diễn chính là Menswear và Milano Moda Uomo.
Để làm nên diện mạo cho Tuần lễ thời trang Milan, phải kể đến những nhà thiết kế danh tiếng Giorgio Armani, Valentino Garavani, Gianni Versace, Gianfranco Ferrè, Domenico Dolce, Stefano Gabbana, Miuccia Prada, Mariuccia Mandelli alias Krizia, Franco Moschino… và tất nhiên là không thể thiếu các thương hiệu hàng đầu Armani, Dolce & Gabbana, Valentino, Versace, Moschino, Prada, Tod’s, Miu Miu…
Từ năm 1858, khi việc trình diễn thời trang lần đầu trở thành một hoạt động thu hút được sự chú ý và yêu thích của người xem thì đó cũng là lúc khái niệm những người mẫu bằng người thật tập trung trên sàn diễn ra đời.
Để cung cấp một lượng lớn những gương mặt sáng giá cho sàn diễn trong Tuần lễ thời trang phải kể đến vai trò rất đáng kể của các agency. Ở Milan, các agency nổi tiếng trong việc cho ra lò những thế hệ người mẫu vàng có thể kể đến D’management Group với thành công của Kate Moss và Naomi Campbell.
Trong khi đó, Why Not Model lại là agency lớn có vai trò cung cấp những gương mặt được săn lùng trong giới thời trang và làm nên diện mạo cơ bản cho ngành thời trang ở Ý. Các siêu mẫu đại diện bởi agency này có thể kể đến Gemma Ward, Coco Rocha hay Caroline Trentini. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự góp mặt của học viện thời trang và thiết kế Istituto Marangoni, nơi đã cho ra lò khoảng 40.000 sinh viên trong đó có Franco Moschino, Domenico Dolce, Alessandra Facchinetti và Rafael Lopez.
3. Những khu phố thời trang
Là một thành phố của thời trang xa hoa phù phiếm nhưng vẫn mang nét hiện thực đến kinh ngạc, vì thế đến với Milan, người ta không chỉ thỏa sở nguyện chiêm ngưỡng cái đẹp mà còn có thể mua sắm được rất nhiều thứ từ các con phố thời trang theo đúng khả năng và nhu cầu của mình. Hai điểm đến nổi tiếng cho tín đồ yêu thời trang khi tới Milan là quảng trường Piazza del Duomo và tứ giác vàng Quadrilatero della moda.
Trong đó, Piazza del Duomo là quảng trường nằm ở trung tâm thành phố Milan, bao gồm nhà thời lớn nhất ở Ý – Duomo – và một trung tâm thương mại lâu đời nhất thế giới – Galleria Vittorio Emanuele II. Đây là nơi tập trung hơn 80 nhãn hiệu thời trang hàng đầu thế giới với các tên tuổi nổi bật như Prada, Versace, Davis, Luis Vuitton, Gucci, Pollini, Moni…
Quadrilatero della moda được mệnh danh là tứ giác vàng hay tứ giác mốt vì được hình thành bởi 4 con phố thời trang sang trọng bậc nhất: Via Montenapoleone, Via Manzoni, Via della Spiga và Corso Venezia. Trong đó, Via Montenapoleone là con phố quan trọng nhất và nổi tiếng bởi sự xa hoa, mỹ lệ. Những trụ sở cửa hàng của các thương hiệu bạn hằng mơ ước như Gucci, Versace, Luis Vuitton, Prada, Tanino Crisci, Valentino, Salvatore Ferragamo, Tanino Crisci hay Cartier đều sẽ được tìm thấy ở đây.
Thời trang ở Milan bao giờ cũng đi trước xu hướng. Vì thế, nếu quyết định đi Milan, bạn có thể chọn bất cứ thời điểm nào, vào đúng mùa Xuân – Hè và Thu – Đông để được chiêm ngưỡng những mẫu mã mới nhất trên sàn catwalk thì thật lý tưởng, nếu không cũng chẳng sao. Bởi lẽ, ở thành phố này, thời trang là chính là cuộc sống, luôn sinh động, biến đổi và phù hợp với bất cứ ai.
Nhóm thực hiện
Bài: Bình Phạm - Ảnh: Tư liệu