Mông Cổ – Xứ sở của vó ngựa & thảo nguyên
Mông Cổ là quốc gia nằm trong danh sách bảo tồn đồng cỏ lớn nhất ở châu Á với những thảo nguyên mênh mông, từng đàn cừu trắng muốt thơ mộng và những bầy ngựa sải vó tung hoành.
Người ta còn nhắc nhiều đến Mông Cổ bởi lịch sử oai hùng của Thành Cát Tư Hãn đi vào huyền thoại như một biểu tượng sống cho sự dũng mãnh, một nhà lãnh đạo với tài thao lược quân sự lỗi lạc. Đây chính là nơi chúng tôi chọn để thưởng thức hơi thở của ánh nắng và thiên nhiên.
Với diện tích lãnh thổ lớn thứ 19 trên thế giới nhưng lại chỉ có số dân bằng 1/3 dân số Hà Nội, con người giữa bao la thiên nhiên hoang dã luôn đầy kỳ thú hấp dẫn nhiều khách du lịch ưa khám phá đến đây. Thế nhưng, thông tin du lịch về Mông Cổ vẫn rất ít ỏi.
Muốn tự khám phá theo cách riêng của mình, chúng tôi tìm đến ký túc xá trường Đại học Xây dựng, nơi có một số sinh viên Mông Cổ đang học tập tại Việt Nam để tìm hiểu. Nhờ có sự giới thiệu, chúng tôi đã gặp Zolo, một sinh viên nam năng động và nói tiếng Việt khá sõi. Thật may mắn thời điểm diễn ra lễ hội Nadam (lễ hội lớn nhất ở Mông Cổ vào tháng 7 hàng năm) chính là lúc các bạn được nghỉ Hè, thế nên với sự động viên của các bạn trong nhóm, Zolo đã nhận lời trở thành tourguide không chuyên cho chúng tôi.
Thủ đô Ulanbator tiếp đón chúng tôi trong ánh nắng rực rỡ. Việc đầu tiên chúng tôi làm là mua một số đồ ăn, nước uống, vật dụng thiết yếu cho chuyến đi. Khi còn ở thủ đô, chúng tôi cố thưởng thức tất cả những món gì có rau xanh ở đây trước khi đến với thế giới ẩm thực không rau tuyệt đối của hành trình trên thảo nguyên. Toàn bộ số tiền còn lại được đổi tại ngân hàng duy nhất ở thủ đô của Mông Cổ.
Điểm đến đầu tiên và cũng là một trong những biểu tượng tôn giáo có từ lâu đời: tu viện Amarbayasgalant. Tu viện cổ kính từng là một trong ba trung tâm tôn giáo lớn nhất ở Mông Cổ nằm trong số rất ít công trình thoát khỏi sự tàn phá năm 1937, thời kỳ cao trào trong lịch sử Phật giáo đầy sóng gió.
Phần trung tâm của tu viện vẫn còn nguyên tuy nhiên toàn bộ các tanka (tranh tường), tượng và các bản thảo kinh Phật hầu như đã bị mất. Màu sắc chính được sử dụng trong việc trang trí tu viện là xanh lá, đỏ đun và nâu vàng trên các chất liệu gỗ, gốm. Một số biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng dễ dàng nhận ra là 2 con nai chầu bánh xe luân hồi (biểu tượng về bài giảng đầu tiên của Đức Phật). Nằm trên đồi cao phía sau là bức tượng Phật thiếp vàng uy nghi, nơi có thể nhìn toàn cảnh quy mô của tu viện.
Khi gặp các chú tiểu đang học ở sảnh chính, Zolo thì thầm hướng dẫn chúng tôi theo chân cậu trang trọng đi một vòng, dừng trước mỗi chú tiểu chắp tay cúi đầu để được dùng sách kinh chạm vào đầu ban phước. Một cảm giác tôn nghiêm như bao trùm khi tôi nhón chân đi xung quanh nhìn ngắm những dải phướn nhiều màu, những ô cửa đều tăm tắp, những ô vuông chạm trổ trên trần tu viện.
Sau khi thăm chùa, chúng tôi bắt đầu hành trình dọc thảo nguyên. Thảo nguyên ở đây đầy màu sắc, phong phú và hấp dẫn bất cứ lúc nào bạn nhìn ra ngoài cửa kính xe kể cả khi bạn nhìn ngắm liên tục trong nhiều giờ liền.
Chúng tôi liên tục trôi trên biển đất với sóng đất bồng bềnh lô xô phủ đầy hoa cỏ ngan ngát màu sắc. Sắc xanh chủ đạo của cỏ tít tắp tới tận chân trời làm mọi ranh giới trở nên mờ ảo. Đôi khi chúng tôi như trôi ngay trên chính bầu trời bởi cầu vồng mọc lên từ sát bên cạnh, cảm giác có thể vươn tay ra chạm tới. Bóng mây loang loáng như lọt qua kẽ tay làm cho thảo nguyên biến đổi thành một không gian cổ tích và chúng tôi chính là cô bé Alice. Những cánh đồng hoa cải vàng rực rỡ được trồng thành từng vạt dài uốn lượn theo nhấp nhô đất làm chúng tôi chợt ngỡ mình như lạc sang vùng đất của hoa tulip.
Chúng tôi vươn hẳn người ra khỏi cửa xe để hít căng lồng ngực bầu không khí trong vắt lâng lâng, ngắm nhìn cánh đại bàng bay liệng trên trời để cảm giác được thoắt nhẹ tự do. Và khi nhìn bầy sóc chuột bé xíu chạy tung tăng bên các triền bồ công anh như hàng vạn quả tinh cầu lấp lánh, những triền hoa dại tím vàng muôn hình, bạn sẽ không thể kiềm chế nổi việc ào xuống lùa chân vào đám cỏ thơm mà chạy. Với số lượng đường bê tông vô cùng ít ỏi, xe của chúng tôi hầu như chạy trên cỏ. Thật tuyệt vời khi lùa vào giữa đàn cừu trắng muốt hay chạy song song cùng bầy ngựa đang sải vó rầm rập xung quanh.
Có một nơi không thể bỏ qua khi đến Mông Cổ là hồ Khuvsgul, hồ sâu nhất ở Trung Á chứa đến hơn 1% nước ngọt của thế giới. Mông Cổ là quốc gia không có biển với 257 ngày không mây, lượng mưa rất thấp nên nước được coi là mẹ thiên nhiên quý giá. Hồ Khuvsgul chính là món quà tuyệt vời cho người dân nơi đây. Nằm trong danh sách 17 hồ cổ đại nguyên sơ nhất thế giới với khoảng hơn 2 triệu năm tuổi, tới đây khách du lịch được thưởng thức đặc sản là món cá hun khói săn chắc vô cùng tươi ngon.
Chúng tôi chọn khu Khatgal Ger Camp ngay đầu lối vào hồ và thuê lều để tận hưởng cảm giác của người du mục chỉ với giá 30.000 Tugrik (500.000 VNĐ)/lều cho 6 người. Nơi đây còn có những căn nhà gỗ riêng biệt dành cho các gia đình với tiện nghi khá đầy đủ. Nhiệt độ chỉ khoảng 12 – 13 độ nhưng trong buồng tắm ở khu vệ sinh chung có lò đốt củi và nước nóng.
Bạn nên dành thời gian tối thiểu 2 ngày để đi thăm quan bằng tàu gỗ hoặc theo đường bộ vào khu làng của những người chăn tuần lộc. Chúng tôi chọn phương án thuê xuồng riêng với giá 30.000 Tugrik. Ngồi trên xuồng, thả hồn ngắm khung cảnh thơ mộng hai bên hồ với những khu lều du lịch trắng muốt xinh xắn hay nhà gỗ đỏ tươi, cảm nhận nước hồ mát lạnh và trong vắt là niềm lạc thú không gì sánh bằng.
Rất may mắn khi đúng lúc chúng tôi đến khu làng nuôi tuần lộc thì ở đây bắt đầu tổ chức lễ hội Nadam với những cuộc thi sôi động mà thu hút nhất vẫn là đấu vật. Những chàng trai Mông Cổ cơ bắp săn chắc trong trang phục đấu vật truyền thống với chiêu thế nhanh nhẹn dứt khoát có thể lật trắng bụng ngay cú ra đòn đầu tiên với các du khách muốn thử thách.
Terkhiin Tsagaan Lake (Hồ Trắng) và núi lửa Khorgo là một địa điểm tham quan khác rất lý thú. Hồ nằm giữa khu vực dung nham bao phủ, là một nơi tuyệt vời để bơi lội hoặc câu cá. Ngoài việc thuê thuyền chèo vòng quanh hồ để khám phá thì còn có thể cưỡi ngựa lên tham quan miệng núi lửa. Khorgo là ngọn núi lửa nổ ra cách đây 8.000 năm, hiện tại chỉ còn vết tích ở miệng núi rộng 200m, sâu khoảng 70-80m với khoảng 33 núi lửa nhỏ bao quanh và những con sông chảy qua như một bức tranh viễn tưởng.
Khi rời khỏi nơi đây, chúng tôi có cảm giác như vừa bước khỏi thế giới thần tiên, chờ đến ngày được trở lại.
Thông tin du lịch
Đi lại:
Đường bộ:
+ Xe bus từ Hà Nội – Nam Ninh xuất phát từ Trần Nhật Duật: giá vé 500.000 VNĐ
+ Tàu hỏa từ Nam Ninh – Bắc Kinh, mua vé tại Nam Ninh.
+ Xe bus giường nằm từ Bắc Kinh – Erlian (Nhị Liên) mua tại bến xe.
+ Tàu hỏa từ Erlian – Ulanbator (cần đổi sẵn tiền Tugruk để trả phí nhập cảnh được thực hiện ngay trên tàu).
Hàng không:
+ Bay thẳng đến Ulanbator từ Hà Nội transit Hàn Quốc
+ Bay từ Hà Nội – Bắc Kinh (bay thẳng hoặc transit qua Hong Kong) và tiếp tục theo hành trình đường bộ.
Các điểm dừng chân:
Khách sạn Darkhan (mongolianhotels. net/darkhan-uul-hotels).
Nhà nghỉ khá tiện nghi của người bản địa ở sát Hồ Trắng Khatagal Ger Camp ở hồ Khuvsgul – ĐT: 9811 0130 hoặc 9810 0130.
Ăn uống:
Các quán ăn bình dân bất kỳ đều có: cơm thịt cừu, bánh rán nhân thịt cừu, mì thịt cừu (một dạng mì tươi), súp ăn với bánh bao chay. Bạn sẽ không được ăn rau trong suốt cuộc hành trình, thứ duy nhất ngoài thịt là khoai tây nghiền hoặc rán.
Đồ dùng cần thiết:
Thời điểm của lễ hội Nadam là tháng 6 và tháng 7, nhiệt độ cao nhất năm khoảng từ 25-30 độ, nhiệt độ đêm giảm mạnh có thể xuống 0 độ ở vùng núi hoặc hồ. Áo khoác nhẹ và chống gió rất phù hợp. Quần áo mềm, co dãn giúp chúng ta thoải mái hơn vì ngồi trên xe di chuyển liên tục. Bạn nên mang theo các loại kem giữ ẩm cho mặt, môi và một số vitamin tổng hợp bổ sung vitamin C, chất xơ bù lại với đồ ăn nhiều đạm không rau.
Tour:
Bạn nên đặt tour vì người Mông Cổ không nhiều người biết tiếng Anh hay ngoại ngữ khác, đất đai rộng lớn và đường sá không rõ ràng nên nếu không có người dân bản địa đi cùng sẽ rất dễ lạc.
Bài: Hoàng Hạc – Ảnh: Hoàng Hạc, Tư liệu