Có một Venice bất bình thường
Là thành phố được xem là biểu trưng của du lịch Ý, Venice vốn chưa bao giờ thiếu ngôn từ diễm lệ mà khách tham quan đã dành chọn để mô tả. Người ta ước tính đến năm 2025, sẽ có 38 triệu du khách đến thăm nơi đây trong một năm. Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi có dịp tận hưởng một Venice rất khác những trải nghiệm trước đó – thành phố tuyệt đẹp vắng vẻ lạ thường giữa mùa hè cao điểm du lịch – bởi vì đây là tháng 6/2022 – khi cửa biên giới của nhiều quốc gia chỉ vừa hé mở sau Covid-19.
Đầu tiên, phải thú nhận rằng Venice không phải là thành phố ưa thích của tôi ở Ý. Những lần viếng thăm chóng vánh trước đây, tôi hầu như chỉ nhìn thấy người là chính chứ không có đủ khoảng lùi và thời gian để ngắm khối kiến trúc đặc sắc đang ngấp nghé mực nước biển dâng cao dần mỗi năm. Chỉ 50 cm nước biển dâng nữa thôi, cả thành phố tráng lệ vốn từng là trung tâm phát triển nhất vùng Địa Trung Hải sẽ chìm dưới nước.
Đây có lẽ là điều mà những người mở cõi của Venice không ngờ tới. Được xây dựng như một pháo đài giữa biển nước nhờ con đập dẫn nước vào bao quanh 118 hòn đảo mà người dân địa phương từng dùng làm nơi trú ngụ trong những cuộc tấn công từ phương Bắc, cổng chính của những ngôi nhà cổ nơi đây đều được thiết kế hướng ra mặt kênh đào chứ không dùng đường bộ như hiện nay. Khi Venice vắng dòng du khách tấp nập, hoặc khi bạn cho phép mình thả bộ vào những ngõ hẻm, những lối đi ngẫu nhiên, sẽ là lúc bạn có thể nhìn kỹ những cổng vào được thiết kế dạng mái vòm nhỏ nhưng chắc chắn, tỉ mỉ, phía dưới là những bậc đá để bước vào từ thuyền, phía trên là những ban công gọn gàng đỏm dáng hầu như luôn có sẵn hoa tươi rực rỡ. Với 175 kênh đào, người Venice xưa đã chẳng có nhu cầu đi bộ, và chỉ khi nơi đây trở thành thành phố du lịch thì người ta mới phát triển thêm những cây cầu và bờ kè, để du khách tự do đi lạc trong mê trận đường phố.
Thành phố hoàn toàn nổi trên nước được là nhờ hệ thống cọc gỗ được khai thác từ những cánh rừng ở Slovenia, Croatia và chở đến Venice qua đường thủy, được đóng ngập vào nền cát trong nước mặn và nhờ đó tránh được ôxy hóa, dần dà trở nên cứng cáp và vững chãi, chịu được sức nặng của những sàn nhà và kiến trúc phía trên nó.
Những bảo tàng quan trọng của Venice đều từng là dinh thự của các gia đình quý tộc xưa kia, nơi đã diễn ra bao nhiêu tiệc tùng xa hoa lộng lẫy thế kỷ thứ 15, khi mà Venice là một đế chế thương mại thâu tóm những thành phố lân cận và kiểm soát đường vận chuyển hàng hải của những tuyến giao dịch quan trọng nhất thế giới. Là điểm nút cuối cùng của con đường tơ lụa giữa châu Âu và Trung Quốc, không khó để giải thích vì sao giới quý tộc của Venice thời kỳ trung cổ đặc biệt quan tâm đến phục trang và vũ hội, để dần hình thành nên trải nghiệm Carnival độc đáo và rực rỡ, thu hút du khách mỗi năm.
Tham quan Gallerie dell’Accademia di Venezia – bảo tàng nghệ thuật quan trọng nằm ngay giữa trung tâm Venice – vào buổi chiều là thời điểm lý tưởng nhất để nhìn thấy ánh sáng xuyên qua những ô cửa sổ nhỏ trong vắt và phản chiếu lên những phù điêu, mái vòm cầu kỳ đặc sắc. Tòa kiến trúc từng là nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 12 và từ năm 1807 được chỉ định là không gian trường Đại học Mỹ thuật của Venice. Bảo tàng hiện trưng bày những tác phẩm nghệ thuật trước thế kỷ 19 của Ý và kết hợp với một khu vực triển lãm riêng dành cho những nghệ sĩ tạo hình đương đại. Sự tương phản mạnh mẽ giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại trong cách lựa chọn và sắp đặt trải nghiệm cho khách tham quan cũng là một điểm đặc biệt thú vị của bảo tàng này. Triển lãm hiện hữu từ tháng 4 đến hết tháng 10 năm nay giới thiệu những tác phẩm quan trọng trong suốt sự nghiệp của nghệ sĩ Anish Kapoor, đối thoại với BST cổ điển của Accademia, đồng thời ra mắt những tác phẩm mới được làm bằng công nghệ nano carbon của ông.
THÀNH PHỐ CỦA TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT
Nếu đã trải nghiệm đủ những danh mục của khách du lịch thường có như tham quan đảo Murano, ngồi trên những chiếc thuyền gondola tham quan hoặc trả tiền thật đắt cho một cốc cà phê ở giữa quảng trưởng Saint Marco, bạn nên dành thời gian để đến thăm Venice Biennale: triển lãm nghệ thuật hội tụ những tác phẩm đương đại có quy mô lớn và uy tín nhất trên thế giới.
Từ năm 1895, thành phố Venice quyết định tạo nên một triển lãm đặc biệt gọi tên La Biennale – triển lãm hai năm một lần được tổ chức để tôn vinh những nghệ sĩ tạo hình nổi bật nhất của thời kỳ đó. Diễn ra từ tháng 6 đến tháng 11 của mỗi hai năm, Venice Biennale có hai khu vực triển lãm chính là khu pavilion Giardini và khu Arsenale. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm và các triển lãm nhỏ cũng được các giám tuyển chọn lựa và trưng bày ở những tòa nhà, khu vực khác nhau trong toàn thành phố, tạo nên một trải nghiệm nghệ thuật phong phú, như một mạch ngầm mãnh liệt chảy song song với dòng chảy thương mại và du lịch của Venice.
Xem thêm
• Đắm chìm trong top 10 tài khoản Instagram du lịch truyền cảm hứng nhất
• 7 lời khuyên giúp bạn bảo vệ thông tin cá nhân khi đi du lịch
• 6 bộ phim Hàn khiến bạn chỉ muốn đi du lịch ngay và luôn
Chủ đề của Venice Biennale năm nay, do giám tuyển Cecilia Alemani đứng đầu, mang tên The Milk of Dreams. Cecillia là nữ giám tuyển người Ý đầu tiên được chỉ định giữ trọng trách này từ ban tổ chức triển lãm lần thứ 59 của Biennale.
The Milk of Dreams lấy tứ từ quyển sách của Leonora Carrington (1917-2011), khi tác giả mô tả về một thế giới kỳ diệu, nơi mà cuộc sống được liên tục nghiệm chứng qua lăng kính của trí tưởng tượng, một thế giới mà bất kỳ ai cũng có thể biến hóa, thay đổi và sẵn sàng cho những cơ hội mới. Từ cảm hứng đó, giám tuyển cùng những nghệ sĩ đã trao đổi để chọn lựa và sắp đặt những tác phẩm gióng lên câu hỏi về giá trị và định nghĩa về con người, thiên nhiên, văn hóa và cuộc sống, những trách nhiệm của chúng ta với hành tinh và dạng sống khác nhau, thậm chí cuộc sống sẽ ra sao nếu không còn chúng ta nữa?
Tôi đặc biệt chú ý và quyết định đến Venice lần này để được tham quan Biennale và một tác phẩm vô cùng đặc biệt mang tên We Walked The Earth do nghệ sĩ Uffe Isolotto người Đan Mạch thực hiện. Hai tác phẩm sắp đặt siêu thực mang dáng hình hai nhân mã được thể hiện sống động đến rợn người, là một lời ngỏ của nghệ sĩ đến với tương lai bất định của loài người khi chúng ta phải đối diện với những câu hỏi về cách ta tồn tại giữa thiên nhiên và công nghệ.
Venice Biennale cũng là nơi dành diện tích cho bất cứ quốc gia nào tham gia tổ chức triển lãm những tác phẩm nghệ thuật đại diện cho nền mỹ thuật của mình. Những pavilion được lấp đầy bởi sức sáng tạo và sự đầu tư thấu đáo của các quốc gia khác nhau cũng thể hiện khá rõ mối quan tâm và định hướng hỗ trợ, phát triển nghệ thuật của đất nước ấy.
VENICE KHÔNG CHỈ CÓ MÌ MỰC
Khi chia sẻ ý định sẽ thăm Venice lần thứ tư, tôi được bạn bè cho một danh sách những nhà hàng mà họ đã từng thưởng thức trong các chuyến đi trước. Món pasta nấu với mực vốn vừa lạ mắt vừa thú vị đối với người châu Á hóa ra lại không phải là trải nghiệm ẩm thực duy nhất mà Venice có thể cho bạn. Lần này có thời gian tham quan và được đi cùng người bản xứ nên tôi rất hài lòng về trải nghiệm ẩm thực của mình.
Nước Ý nuôi dưỡng khái niệm aperitivo – một dạng happy hour trong các quán bar diễn ra từ 5 giờ đến khoảng 8 giờ tối. Khi đến quán bar trong khung giờ này, bạn nên thưởng thức một hoặc hai ly rượu cùng những món ăn nhỏ đi kèm để có thể thong thả trò chuyện cùng bạn bè, chờ trời tối hẳn để đi ăn tiếp bữa tối chính.
Xem thêm
• Những địa điểm trải nghiệm du lịch đi bộ Awe Walk tại Việt Nam
• 5 địa điểm du lịch châu Á với sắc hồng cho cô nàng mộng mơ
• 10 địa điểm du lịch thế giới có lượt theo dõi cao nhất trên TikTok
Lần này tôi phát hiện được quán Al Squero. Quán thì nhỏ xíu thôi mà lại có nguyên mặt tiền là bờ kè ven kênh đào thơ mộng, ngồi ngắm hoàng hôn ăn uống no nê chỉ hết 20 EURO cho hai người quả là điều hiếm thấy ở Venice. Nhưng bù lại, nếu ra ngồi lan can bờ kè, bạn sẽ phải vô cùng cẩn thận vì 80% khả năng đồ ăn sẽ bị bọn hải âu lảng vảng xung quanh nhào xuống cắp đi mất. Bọn chim rất hung hăng và cũng chẳng bé nhỏ gì, nên tôi chỉ dám để bánh ra chụp ảnh xong phải mang vào chỗ có mái che ngay lập tức vì đã tận mắt chứng kiến con chim bổ nhào xuống cắp đi miếng bánh ngon lành của anh chàng du khách tội nghiệp nọ.
Vì là vùng vịnh biển, những món ăn đặc sản ở Venice xoay quanh cá, mực, tôm được chế biến khá nhẹ nhàng. Ngoài thức uống truyền thống của vùng này là spritz bao gồm Aperol, rượu vang bọt, soda và một lát cam tươi, rượu vang trắng ướp lạnh cũng thật vừa vặn và phù hợp với một bữa tối thanh lịch ở đây.
Được trải nghiệm Venice trong thời khắc chuyển Hè ấm áp và rực rỡ, khi thành phố còn ngái ngủ sau mùa Đông COVID, chắc hẳn là một chuyến đi đáng nhớ với tôi. Nó cho tôi ý thức rằng, cảm nhận đầu tiên dù tốt hay xấu nhưng chưa chắc đã đúng. Nếu có dịp, và có duyên, như lần này chẳng hạn, hãy thử khám phá những thành phố du lịch tấp nập, nhưng theo những hướng và cách thật riêng, thật ngẫu hứng. Tôi đã yêu hơn thành phố của tình yêu qua một chuyến đi như vậy.
Bài & Ảnh: Thùy Dương
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE