Thụy Sĩ là một quốc gia đa ngôn ngữ, trong đó, 2 ngôn ngữ chính là Đức và Pháp chiếm đến hơn 90% dân số. Tại những vùng nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ, mùa lễ hội sẽ được gọi là “fasnacht”. Những lễ hội fasnacht bắt nguồn từ phong tục hiến tế cổ xưa của người Celtic và người Đức nhằm xua đuổi ma quỷ và đánh dấu mùa Đông đã kết thúc. Những ai từng đến Đức chắc hẳn đã được nghe nói đến lễ hội “karneval” (lễ hội hóa trang), điển hình như Rosenmontag, thường diễn ra vào Thứ Hai Shrove (Shrove Monday) – ngày thứ Hai trước Thứ Tư Lễ Tro (Ash Wednesday). Các lễ hội fasnacht tại Thụy Sĩ vẫn giữ nét tương đồng với karneval nhưng cũng mang nhiều điểm khác biệt, nhất là sự “nổi loạn” về thời gian. Khi hầu hết các karneval diễn ra trước Mùa Chay (Lent) thì lễ hội fasnacht ở Thụy Sĩ có thể kéo dài đến tận cuối mùa Xuân, đơn cử như lễ hội Basel Fasnacht diễn ra vào tuần sau Thứ Tư Lễ Tro. Những lễ hội fasnacht có quy mô lớn nhất và được biết đến nhiều nhất diễn ra ở nhiều thành phố bao gồm Basel, Lucerne, Burn, Solothurn và Zurich.
Khi biết rằng mình sẽ đến Thụy Sĩ trong thời gian diễn ra Basel Fasnacht, tôi đã quyết định thay đổi kế hoạch để đến xem lễ hội lớn nhất ở đất nước này mà không có chút tìm hiểu hay kế hoạch nào. Chính điều này đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm bất ngờ.
BASEL FASNACHT – LỄ HỘI FASNACHT LỚN NHẤT THỤY SĨ
Basel Fasnacht, giống như cái tên, là lễ hội của thành phố Basel – thành phố phía Tây Bắc Thụy Sĩ, nằm bên bờ sông Rhine thơ mộng và cũng là điểm giao nhau của ba nước Pháp, Đức và Thụy Sĩ. Chính vì vậy mà 3 đất nước này dùng chung một sân bay mang tên EuroAirport Basel Mulhouse Freiburg. Sân bay này nằm tại Saint-Louis, Pháp và chỉ cách trung tâm thành phố Basel 20 phút bằng phương tiện công cộng và hơn 10 phút lái xe.
Nếu không tiện bay đến EuroAirport Basel Mulhouse Freiburg, bạn có thể bắt tàu từ các thành phố lớn tại Thụy Sĩ. Sau khi trượt tuyết quanh Murren, chúng tôi bắt tàu đến Bern và từ Bern đến Basel.
Là lễ hội fasnacht lớn nhất Thụy Sĩ và cũng là lễ hội đèn lồng lớn nhất châu Âu, Basel Fasnacht đã đón hàng triệu người đổ về đây trong 3 ngày, từ thứ Hai đến sáng thứ Năm sau Thứ Tư Lễ Tro. Hơn 10.000 người từ 400 hội nhóm (hay còn gọi là “clique”) với đủ loại trang phục, mặt nạ kỳ quái rước đèn lồng diễu hành trong các chương trình của lễ hội. Basel Fasnacht chỉ bị gián đoạn 3 lần trong hơn 100 năm trở lại đây: Thế chiến thứ I, thứ II và 3 năm đại dịch (2020 – 2022). Do đó, lượng người đổ về Basel Fasnacht từ 2023 đến nay tăng mạnh và quy mô cũng lớn hơn.
Ba tuần trước lễ hội, lựa chọn duy nhất cho chúng tôi chỉ còn Hotel Les Trois Rois với giá hơn 800 Euro/đêm. Cái khó ló cái khôn, chúng tôi quyết định ở Saint-Louis (Pháp). Ở đây, bạn có thể tìm được rất nhiều Airbnb, khách sạn có giá 60-100 Euro/đêm và chỉ mất 9 phút đi tàu đến Basel. Mua vé tàu ở Thụy Sĩ rất dễ, tuy nhiên, ga tàu Saint-Louis hơi cũ và máy bán vé hoạt động không tốt lắm, bạn nên cài ứng dụng SNCF để mua vé tàu đơn giản và thuận tiện hơn. Vé tàu từ Basel đến Saint-Louis chỉ tốn vài Euro cho một ngày và các chuyến tàu chỉ cách nhau 10-15 phút. Riêng vào sáng thứ Hai, ngày đầu tiên của fasnacht, tàu sẽ chạy gần như xuyên đêm để chở khách tham dự lễ hội.
MORGENSTREICH – MUÔN SẮC ĐÈN LỒNG
Để “khởi động” cho lễ hội lớn nhất Thụy Sĩ, vào khoảng 9 giờ tối Chủ Nhật, một đám rước gọi là Chienbäse sẽ bắt đầu với những bó gỗ thông cháy rực cùng với những chiếc xe chở lửa đi qua trung tâm thị trấn Rathausstrasse, cách Basel 15-20 phút di chuyển bằng tàu hoặc xe buýt. Chúng tôi xuất phát muộn hơn dự định nên khi đến nơi, Rathausstrasse đã chật cứng người trong và ngoài ga tàu, do đó, chúng tôi quyết định bỏ qua Chienbäse để dự lễ khai mạc vào 4 giờ sáng hôm sau.
Morgenstreich có thể xem là buổi “khai mạc” lễ hội, diễn ra vào 4 giờ sáng ngày thứ Hai sau Thứ Tư Lễ Tro. Vì đặt Airbnb tại Saint-Louis, tôi phải khởi hành từ 2 giờ rưỡi sáng. Cái lạnh -2oC của một ngày cuối tháng Hai trong khí trời lất phất tuyết rơi cũng không thể làm hạ nhiệt và sự háo hức của hàng trăm con người cùng tôi chờ tàu ở Saint-Louis. Tàu đến Basel vào hơn 3 giờ sáng, tôi xuôi theo dòng người đi bộ vào trung tâm thành phố, đến Martinskirche, điểm khởi đầu diễu hành, lúc này đã đông nghẹt người. Tìm được một chỗ đứng sát ngã tư ngay đối diện quảng trường, tôi thấp thỏm chờ đến giờ G. Đúng 4 giờ sáng, sau tiếng chuông thứ 4 của nhà thờ St. Martin, toàn bộ ánh đèn trong trung tâm thành phố tắt đi, tiếng hô “Morgestraich: vorwärts, marsch!” vang lên và bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được bầu không khi sôi sục với những tiếng kèn, tiếng trống, những chiếc đèn lồng le lói rồi rực sáng quanh quảng trường, từng đoàn, từng đoàn diễu hành lũ lượt đi qua các con phố cho đến 7 giờ sáng.
Các hội nhóm diễu hành trên nền nhạc từ kèn, sáo và trống truyền thống. Những người tham gia diễu hành sẽ đội một chiếc mặt nạ giấy bồi rất lớn với gương mặt quỷ dị trong màn đêm mà nguồn sáng duy nhất là hàng ngàn chiếc đèn lồng. Những hội nhóm lớn sẽ có những chiếc đèn lồng lớn sơn vẽ các bức tranh trào phúng hoặc theo một đề tài liên quan đến hội nhóm của mình. Mỗi hội nhóm sẽ dành từ 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị đèn lồng, phục trang cũng như lên concept, ý tưởng cho buổi diễu hành, vì vậy mà không có năm nào trùng với năm nào. Nếu bạn không thể đến sớm và tìm được vị trí gần St. Martin, hãy đến những con đường gần đó như Münsterplatz vì đây sẽ là nơi đèn lồng tụ tập, hay qua hẳn phía bên kia sông Rhine, trên đường Greifengasse, để có chỗ đứng tốt và thoáng hơn.
Sau 6 giờ sáng, khi Morgenstreich đã gần kết thúc, tôi lê thân xác mệt nhoài và chiếc dạ dày xẹp lép về lại ga Basel. Hầu hết nhà hàng trong trung tâm Basel sẽ dành riêng hoặc được đặt trước cho những hội nhóm tham gia diễu hành, vì vậy, bạn rất khó có thể chen chân vào. Nhưng chiếc mũi nhạy bén đã dẫn tôi lần theo mùi hương để tìm đến một chiếc cửa tối đen mà khi mở ra, bên trong là cửa hàng McDonald’s vẫn đang hoạt động. Vì nguồn sáng duy nhất trong trung tâm thành phố là đèn lồng, cửa hàng đã phải che phủ toàn bộ đèn hiệu, cửa kính dù vẫn mở xuyên đêm để phục vụ khách. Sau khi lót dạ, tôi quay ngược về Saint-Louis để nghỉ giải lao trước khi quay lại Basel cho lễ diễu hành chính – Cortège.
BÀI LIÊN QUAN
CORTÈGE – CƠN MƯA PHỤC TRANG
Là lễ diễu hành lớn nhất, đông nhất và kéo dài lâu nhất của Basel Fasnacht, Cortège diễn ra từ 1 giờ rưỡi chiều đến 6 giờ tối ngày đầu tiên của lễ hội. 10.000 người sẽ diễu hành với những ban nhạc hoành tráng, xe ngựa, xe diễu hành, thậm chí cả xe buýt và “thuyền” nữa. Dựa vào kinh nghiệm từ 4 giờ sáng, chúng tôi chọn đứng ở Martinskirchplatz.
Cortège không chỉ là một màn diễu hành mãn nhãn, mãn nhĩ mà còn mang đến cơn mưa phục trang. Khi tôi còn đang mải ngắm những bộ quần áo lộng lẫy, những chiếc xe diễu hành xa hoa thì đã nhận vô vàn cam, chuối, thậm chí cả cà rốt, khoai tây và tỉ tỉ giấy confetti ném lên người. Cơn ngỡ ngàng chưa qua đi, tôi đã được một ông lão đứng đó giải thích rằng vì tôi không “đóng góp” cho lễ hội nên đang bị “trừng phạt”. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, có những tụ điểm chính bán ghim cài áo “Basel Fasnachtsplakette” chính thức của lễ hội (mỗi năm lại có thiết kế khác nhau). Sẽ có 4 loại chính là đồng (9 CHF), bạc (18 CHF), vàng (45 CHF) và Bijou (100 CHF) – đây là loại số lượng có hạn và hết hàng đầu tiên. Những chiếc ghim cài này có lịch sử hơn 110 năm và được Ủy ban Fasnacht (thành lập tại Basel để điều phối các hoạt động của lễ hội) thiết kế và bán ra để gây quỹ cho lễ hội. Khi bạn mua những chiếc ghim này và cài lên áo, bạn sẽ được “thưởng”. Khoai tây, cà rốt sẽ chuyển thành bánh, kẹo, đồ uống, tôi còn được tặng cả khăn quàng, đồ văn phòng phẩm, đồ dùng làm bếp và hoa, rất nhiều hoa. Một điều tuyệt vời của Basel Fasnacht chính là hoa mimosa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của việc tặng hoa mimosa trong Basel Fasnacht, nhưng ôm những bó hoa mimosa vàng trên tay khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm áp. Khi quay lại quầy để mua thêm ghim cài tặng bạn, tôi vô tình gặp một vài người trong một hội nhóm ở trung tâm thành phố Basel. Họ kể cho tôi nghe về lịch sử cũng như sự chuẩn bị cho lễ hội. Họ cũng hỏi tôi rất nhiều về Việt Nam và trước khi chào tạm biệt đã tặng tôi một chiếc ghim cài áo riêng của họ.
Khác với những lễ diễu hành thường có rào chắn và người xem không được xuống đường, Basel Fasnacht lại để cho mọi người thoải mái tham gia cùng các đoàn xe diễu hành, chỉ cần bạn không cản trở họ. Chúng tôi đi theo một đoàn xe qua cầu Mittlere Brücke sang phía bên kia sông Rhine. Ở đây thoáng hơn hẳn so với phía trung tâm thành phố. Đến lúc này, đường phố Basel đã phủ dầy lớp giấy confetti rực rỡ muôn màu. Cortège chắc chắn là một trong những buổi diễu hành thú vị và màu sắc nhất trên thế giới.
Sau khi buổi diễu hành Cortège kết thúc, bạn sẽ thấy quân đội đi qua và hốt sạch sẽ hàng tấn giấy confetti được tung ra. Tất cả những chiếc đèn lồng khổ lớn sẽ tập trung tại Münsterplatz để bạn có thể chiêm ngưỡng. Thành phố Basel lúc này cực kỳ thơ mộng, bạn có thể đến các nhà hàng nơi những hội nhóm đang biểu diễn (nếu bạn hiểu tiếng Đức), có thể đi dạo xung quanh thành phố để ngắm những tác phẩm nhỏ hơn được trưng bày rải rác quanh trung tâm, và cảm nhận bầu không khí có phần lãng mạn hơn sau một ngày sôi động.
KINDERFASNACHT – NGÀY CỦA TRẺ EM
Ngày thứ 2 của lễ hội là ngày dành cho trẻ em. Buổi chiều thứ Ba, thành phố Basel lại tưng bừng trong buổi diễu hành của các “Binggis” dưới sự dẫn dắt của bố mẹ và ông bà. Họ không chỉ tặng bạn bánh kẹo mà còn tặng những bài thơ, câu đố. Tôi thực sự rất cảm động khi một em bé đeo mặt nạ vẫy tôi lại và dúi một nhúm kẹo hoa quả đủ màu sắc vào tay rồi lại chạy về với đoàn. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là cả 10.000 người tham gia diễu hành, ai cũng có thể chơi nhạc cụ, hoặc sáo, hoặc kèn, hoặc trống, từ người lớn đến trẻ em. Và dành riêng một ngày để tôn vinh trẻ em trong một lễ hội lớn như Basel Fasnacht là điều vô cùng tuyệt vời và đáng quý.
Cuối cùng, Ändstraich đánh dấu thời điểm kết thúc của lễ hội Basel. Khác với sự bùng nổ của Morgenstreich, thành viên các hội nhóm trở về tụ điểm của họ ở trung tâm thành phố, và vào những phút cuối cùng trước 4 giờ sáng ngày thứ Năm, các ban nhạc thổi sáo và đánh trống trong một cuộc diễu hành để kết thúc và chào tạm biệt. Rất tiếc, lần này chúng tôi đã không kịp ở lại để dự Ändstraich, nhưng tôi sẽ luôn sẵn lòng quay lại Basel một ngày không xa để tận hưởng lễ hội một lần nữa với nhiều kinh nghiệm hơn và cũng trọn vẹn hơn.
• Hầu hết cửa hàng ở Basel sẽ đóng cửa 3 ngày xuyên suốt lễ hội, vì vậy, nếu bạn muốn mua đồ lưu niệm nổi tiếng của Basel, hãy đến vào Chủ Nhật hoặc ở lại đến thứ Năm để có thể thưởng thức một Basel của ngày thường.
• Rất nhiều đồ ăn, đồ uống, đồ lưu niệm được bán trên đường phố mùa lễ hội, hãy chuẩn bị sẵn tiền mặt.
• Vào mùa fasnacht, Coop sẽ có vé tàu ngày (train pass) nửa giá, chỉ khoảng 50 Euro/ngày.
• Nếu bạn không di chuyển quá nhiều giữa các thành phố lớn, hãy lên trang web sbb.ch để tra và mua vé.
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Clarke
Ảnh: Minh Clarke, Tư liệu