Rời Turpan nắng cháy sa mạc, tôi hướng về phía biên giới, điểm dừng cuối cùng của hành trình Con đường tơ lụa trên đất Trung Hoa. Cuộc sống, cảnh sắc nơi đây như một bức tranh huyền ảo và sống động. Và hơn thế, tôi may mắn trở thành nhân chứng trước sự chuyển giao kỳ diệu của tự nhiên.
Phiên chợ Ba Tư và Urumqi không ngủ
Đặt chân đến Urumqi khi trời tờ mờ sáng, sương rơi nặng hạt và mây mù giăng kín, nhưng người đã đầy ngoài đường, xe đã chật kín lối đi, âm thanh đã rộn rã, trái ngược hẳn với không gian đầy gió cát chỉ cách đó vài giờ xe chạy. Nhìn từ máy bay, Urumqi giống một ốc đảo trù phú giữa hoang mạc khổng lồ, với những thánh đường Hồi giáo mái vòm cong uy nghi như cung điện nằm kiêu hãnh giữa các tòa nhà hiện đại.
Tôi quyết định dành hẳn 1 ngày ở Urumqi để thăm thú chợ Grand Bazaar, tưởng tượng mình tham dự “phiên chợ Ba Tư” hơn nghìn năm trước. Từ một phiên chợ tự phát của các thương nhân trên con đường tơ lụa, ngày nay, nó trở thành khu chợ đông đúc, rộng lớn có diện tích 100.000m2, tập trung hầu hết các sản vật nổi tiếng của Tân Cương cũng như hội tụ các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc Trung Á.
Grand Bazaar là một quần thể kiến trúc đặc trưng Hồi giáo, được chia ra nhiều khu vực như khu mua sắm, khu ẩm thực, khu biểu diễn văn hóa, quảng trường, tháp vọng cảnh, tháp chuông… Cuốn hút nhất là khu bán đồ lưu niệm và sản vật địa phương. Những tấm thảm Ba Tư đủ kích cỡ, phong cách, với muôn vàn họa tiết, hoa văn sặc sỡ, đường nét sống động.
Nơi khiến tôi mê mẩn quên cả đường ra là khu bán đồ trang sức, mỹ nghệ bằng bạc giả cổ từ Kazakhstan. Tựa như hang động của 40 tên cướp, nơi đây chất đầy vàng bạc đá quý nhìn đến hoa cả mắt. Những chiếc bình cao, thấp chạm trổ tinh vi, những chiếc khay có đường cong mềm mại, hay các kiểu đèn Aladdin độc đáo…
Du khách đến đây thường để vẻ đẹp Trung Á với đôi mắt to, giọng nói ngọt ngào và nụ cười tươi tắn trên môi của các cô gái Uzbekistan hút hồn mà tự nguyện trả số tiền đắt gấp 10 lần giá trị thực. Lớn và đông đúc nhất là khu bán thực phẩm đặc trưng vùng Tân Cương: dưa gang Hami, táo Y Ninh, nho xanh không hạt Turpan, lê Khố Nhĩ Lạc… Mỗi loại trái cây đều mang vị ngọt lịm, thanh tao và hương thơm riêng biệt, ăn một lần là nhớ mãi.
Quảng trường phía bên ngoài cũng náo nhiệt không kém. Những chú lạc đà to lớn thủng thẳng nhai cỏ, một chiếc xe đẩy đặt bếp than hồng nướng những xiên thịt cừu thơm nức mũi, vài thanh niên người Duy Ngô Nhĩ quấn khắp người các tấm da lông thú rừng thuyết phục khách mua… Giữa quảng trường, một ban nhạc dạo những khúc réo rắt, vui nhộn bằng các loại nhạc cụ truyền thống.
Phải đến 9 giờ tối, màn đêm mới bao phủ cả thành phố, nhưng sự náo nhiệt, sôi động vẫn không giảm đi. Gần Nhị Đạo Kiều, ngôi chợ đêm tấp nập người mua kẻ bán. Con đường ẩm thực tạp mùi và nhộn nhạo những tiếng rao. Một con cừu quay chín đỏ được xẻo bán ngay tại chỗ. Bên cạnh là quầy bán nước lựu, những quả lựu Tân Cương to, da bóng, hạt đỏ ối và mọng nước. Tôi chọn một quán nhỏ bán những xiên thịt cừu nướng đậm nồng đủ loại gia vị, hớp một ngụm trà nóng, xuýt xoa lạnh. Tôi đoán Urumqi chưa kịp ngủ say, trời đã bình minh rồi.
Đường lên Kanas
Tháng 9 là khoảng thời gian chín muồi nhất của mùa Thu, cũng là lúc hồ Kanas đẹp nhất trong năm. Kanas, trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “đẹp, giàu có và thần bí”, nằm sâu trong rặng núi Altay quanh năm tuyết phủ, giáp đường biên giới của 4 nước Trung Quốc, Mông Cổ, Kazakhstan và Nga. Sống rải rác quanh hồ là nhóm dân tộc thiểu số Kazakhs và bộ lạc Tuwa – bộ lạc được cho là lâu đời nhất, vẫn còn giữ thói quen sinh sống săn bắt và hái lượm. Kanas hấp dẫn còn bởi những truyền thuyết bao phủ quanh nó như lớp sương mờ huyền ảo.
Tôi đón xe tốc hành từ Urumqi đến thị trấn Buerqin, nghỉ lại một đêm rồi hôm sau bắt xe đến hồ Kanas. Suốt chặng đường hơn 10 giờ đến Buerqin, xe đi qua những cánh đồng cối xay gió hoành tráng, thảo nguyên cỏ xanh mênh mông và sa mạc với những đụn cát nối tiếp nhau trải dài như bất tận. Ban ngày, vẻ đẹp của chúng làm say mê lòng người nhưng ban đêm, sa mạc trở thành nơi hoang lạnh, nguy hiểm rình rập bởi các đàn sói sa mạc hung dữ.
Sau bữa tối ngon miệng với món cá nướng được đánh bắt từ sông Buerqin, tôi lang thang chợ đêm và sắm một chiếc áo bông lông cừu chỉ hơn 100 tệ. Kanas vào thời điểm này có thể xuống âm chục độ C với những trận tuyết lở nguy hiểm nên thường đóng cửa du lịch vào cuối tháng 10 cho đến mùa Xuân.
Sáu giờ, trời đã sáng tỏ, cả thị trấn như được nạp một nguồn năng lượng sống dồi dào. Nghe nói đêm qua, trận tuyết đầu mùa đã rơi ngay trên đèo gần hồ. Nhiệt độ thay đổi chỉ qua một đêm. Tôi bắt chuyến xe khách sớm nhất hướng đến Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kanas.
Trong làn gió lùa qua khe cửa kính, tôi ngửi thấy mùi ngai ngái của đất, hăng hắc của những quả thông khô rơi rụng bên đường… Bên ngoài, rừng thông như một bảng màu ngẫu hứng loang dần từ xanh qua vàng, rồi chuyển dần từ cam qua đỏ trên nền tuyết trắng xóa. Những bông tuyết lấp lánh dưới ánh mặt trời, phản chiếu lên bầu trời xanh thăm thẳm treo lơ lửng những đám mây xám bồng bềnh. Tôi mơ màng nhận ra hình ảnh quen thuộc trong những bộ phim Liên Xô cũ từng xem hồi nhỏ cho đến khi bất ngờ có người thốt lên: “Phải chăng ta đã sang biên giới nước Nga?”.
Bảng màu của thượng đế Đi qua thảo nguyên với những đàn gia súc thong dong gặm cỏ, xe đưa chúng tôi đến núi Hữu Nghị. Hàng trăm bậc thang bằng gỗ đưa đến Quan Ngư Đình, nơi quan sát phần đẹp nhất của hồ Kanas và rặng núi tuyết thuộc dãy Côn Lôn, lằn ranh biên giới giữa 4 nước. Gió lồng lộng trên đỉnh cao 2.030m so với mực nước biển khiến ai nấy cũng run lập cập.
Nhìn từ trên cao, hồ Kanas trông như một trái đậu dài, thi thoảng phình ra ở một vài chỗ tạo thành những vịnh nhỏ tuyệt đẹp. Tôi nhớ mình đã đứng trước vịnh Mặt Trăng thật lâu, ngắm hàng thông lá vàng soi mình bên mặt hồ phẳng lặng, nước hồ trong vắt nhìn rõ cả rong rêu.
Kanas còn được ví như bảng màu của Thượng đế, màu sắc hồ thay đổi liên tục suốt bốn mùa. Nếu ở đây vào khoảnh khắc mặt trời mọc, bạn sẽ thấy mình như ở thiên đường với làn sương mờ ảo lãng đãng trên mặt hồ, đám mây trắng sà xuống thấp như trong tầm tay với, mặt hồ phản chiếu ánh bình minh, núi tuyết và rừng thông sắc vàng thấp thoáng ẩn hiện.
Rải rác bên hồ là vài chục mái nhà bằng gỗ thông của người dân tộc thiểu số Kazakhs. Các bức vách tường đều được đắp thêm những tấm thảm và chăn bông để ngăn gió luồn vào. Tôi nghỉ đêm tại nhà một gia đình có hai người con – một trai một gái – trạc tuổi tôi. Buổi tối, chúng tôi quây quần bên bếp lửa ăn tối và trò chuyện rôm rả. Món cơm trộn mỡ cừu kèm sốt thịt gà khoai tây ăn bằng tay cùng chén rượu gạo khiến lòng tôi ấm lại. Tôi kể về những chuyến đi của mình, còn họ nói cả đời chắc chẳng bao giờ bước ra khỏi vùng Kanas này – nơi họ thuộc về, nơi của tự do và những điều giản dị nhất.
Đêm cuối, anh con trai gảy đàn guitar và hát tặng tôi bản “Chiều Matxcova” bằng tiếng Kazakhs. Giai điệu quen thuộc và giọng hát nồng nàn chất chứa tình cảm khiến tôi bỗng thấy thấm thía nỗi nhớ nhà. Tôi mở cửa lều bước ra ngoài, không khí lạnh có thể làm nguội ngay lập tức ly trà nóng vừa rót. Bầu trời đêm được thắp sáng bởi hằng hà sa số tinh tú gần như trong tầm tay với, thậm chí tôi có thể thấy dải ngân hà với hàng nghìn ngôi sao lấp lánh mà không cần đến kính thiên văn.
Tôi hứa sẽ quay lại, vào một mùa Thu, đi xuyên qua những cánh rừng thông, dọc theo dòng sông Kanas bắt nguồn từ hồ lớn, để lại được mải miết ngắm nhìn bảng màu rực rỡ, đắm chìm trong vẻ đẹp mê hoặc lòng người của bức tranh hoàn hảo vùng biên cương này.
Nhóm thực hiện
Bài Quỳnh Hương Ảnh: Quỳnh Hương, tư liệu