Lifestyle / Du lịch

Ninh Thuận – Miền di sản nắng gió

Chuyến tàu SE8 rời ga Sài Gòn đưa chúng tôi đến “Tháp Chàm - Phan Rang” (Ninh Thuận) vào một ngày trưa nắng dữ dội, dù suốt những ngày sau, ai nghe chúng tôi than thở cũng cười: “Mùa này mát rồi đó tụi con!”.

“Có thực mới vực được đạo”

Cơm gà Phan Rang là lựa chọn số một tại Ninh Thuận khi trước đó, bữa sáng trên tàu của chúng tôi chỉ vỏn vẹn vài cái bánh và ít trái cây. Ở quán Khánh Kỳ, gà luộc được bán theo từng miếng, hoặc bóp gỏi ăn cùng cơm nấu với nước luộc gà vàng ươm. Nước mắm ở quán được pha sẵn rất vừa miệng. Ngoài ra, đặc sản vùng duyên hải Nam Trung bộ còn có một món mà đi chỗ nào cũng thấy, đó là bánh căn. Lang thang buổi tối ở Phan Rang, chúng tôi vào một quán ven đường để rồi suốt mấy đêm liền, ngày nào cũng phải ghé đến một lần. Bánh căn ở đây có ba loại nhân là trứng, thịt và mực. Thực khách nhúng chiếc bánh vỏ giòn vào chén mắm cá kho lạt, kèm theo xoài chua thái sợi cho thấm đều rồi thưởng thức. Món ăn dân dã, giản đơn nhưng mùi vị lại cực kỳ khó quên.

Ninh Thuận bánh căn
Bánh căn và bánh canh chả cá là hai món đặc sản của Ninh Thuận.

Bánh canh chả cá cũng là một món ăn nhất định bạn phải thử. Hàng bánh canh Nhường trên đường Ngô Gia Tự sáng sớm đã đông kín khách, chờ đến tận 20 phút phần ăn chúng tôi mới được mang ra. Tô bánh canh nóng hổi, nước lèo ngọt đậm đà được nấu từ xương heo và xương cá. Bánh canh ở đây làm từ 100% bột gạo, không pha bột năng, vừa mịn vừa dai, sợi bánh cũng vừa phải. Chả cá ngon tuyệt được làm hoàn toàn bằng thịt cá. Chủ quán đã phải dày công lóc xương, nạo thịt từng con cá tươi ngon nhất.

Ninh Thuận bánh canh cá

Vì khí hậu bán sa mạc nên Bình Thuận – Ninh Thuận còn nổi tiếng với con dông, một loài bò sát sống trong hang cát được chế biến thành món nướng hay gỏi trứ danh. Thịt dông ăn như thịt gà nhưng săn chắc và ngọt hơn, chấm với muối tiêu chanh. Chỉ có điều, khi chúng tôi lỡ gọi món “Dông nướng muối ớt nguyên da” (vì nghĩ da giòn cực phẩm), đĩa thức ăn được mang ra là hai con bò sát còn nguyên từ đầu đến chân nhìn thẳng về hướng thực khách. Cảm giác đó thật sự không thoải mái chút nào.

Ninh Thuận nổi tiếng với loại nho tím
Nho Ninh Thuận nổi tiếng bởi độ ngon, ngọt tự nhiên.
Ninh Thuận các em bé địa phương
Những em bé địa phương tụ tập chơi đùa trên phố.

Vẻ đẹp dễ gây thương nhớ

Đến Ninh Thuận thì phải đi “săn cừu”. Thật ra, “săn ảnh cừu” mới chính xác!

Cừu là loài gia súc được nuôi thử nghiệm bởi người Pháp để giải quyết vấn đề ăn uống của binh đoàn lính viễn chinh. Người ta kể rằng, do số lượng lính gốc Ấn khá lớn nên thịt cừu là giải pháp tối ưu cho việc kiêng kỵ thịt động vật của từng giáo luật. Do đó, nghề nuôi cừu ở đây dần dần phát triển. Bạn có thể ngắm cừu ở khắp mọi nơi trên đất Phan Rang, dù mọi người vẫn đồn thổi rằng đồng cừu An Hòa đẹp nhất. Có hôm chúng tôi rời làng dệt Mỹ Nghiệp để đi Cà Ná, vô tình bắt gặp một đàn cừu nhỏ ăn cỏ ngay cánh đồng trên đường quốc lộ. Chúng be be gọi nhau, chờ nhau rồi xếp thành một hàng ngăn nắp trên đường ruộng tiến thẳng đến bữa tiệc cỏ xanh gần đường ray theo lệnh của anh chăn cừu. Cảnh tượng tưởng chỉ có trong phim hoạt hình.

Ninh Thuận đàn cừu trắng
Đàn cừu thong thả ăn cỏ trên con đường từ Ninh Thuận đi Cà Ná.
Ninh Thuận chú cừu con
Chú cừu con ngoan ngoãn nằm trong lòng cậu bé chăn cừu.

Nếu đến đúng vào dịp tháng 8, bạn nhất định phải đi cung đường biển Cà Ná – Mũi Dinh. Ngoài việc được mệnh danh là cung đường biển đẹp nhất Việt Nam, vào thời điểm đó muối cũng đang chính vụ nên nét đẹp lao động của diêm dân trên những cánh đồng muối bao la, trắng xóa càng hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, với khí hậu bán sa mạc, Ninh Thuận có nhiều cồn cát trắng trải dài và diện tích cây xương rồng khá lớn tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ và hiếm nơi nào ở Việt Nam có được. Đặc biệt là đồi cát Nam Cương nằm sát trung tâm Phan Rang vào lúc hoàng hôn.

Một buổi chiều bình yên, đi thẳng lên trên đỉnh đồi cát, chúng tôi cứ đứng đó nhìn đàn chim sải cánh bay, ngắm ráng chiều loang màu đỏ ối rồi từ từ chìm trong màn đêm, để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng đẹp không thể nào quên.

Ninh Thuận khí hậu bán sa mạc

miền di sản quý giá

Người ta nói, nhớ về Ninh Thuận là nhớ về một phần Panduranga của vương quốc Chăm pa. Cộng đồng người Chăm ở đây lớn nhất cả nước. Không hiểu sao, ngay từ bé, chúng tôi đã thấy rất cuốn hút bởi vẻ bí ẩn của Chăm pa. Những câu chuyện hào hùng dù chỉ còn là quá khứ, nhưng bản sắc, văn hóa của họ vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay, như những ngọn tháp luôn sừng sững trước nắng gió. Chúng tôi đến làng gốm Bàu Trúc vào một buổi sớm. Dù đã là một trong những điểm du lịch nổi tiếng, nhưng ngôi làng này vẫn giữ được vẻ bình dị của nó. Cái tên Bàu Trúc bắt nguồn từ tên gốc Chăm là Paley HamuTrok (“làng trũng”), bởi địa hình nhô ra cuối triền sông. Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ xưa nhất của Đông Nam Á. Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà trong con phố vắng, nơi có một bé gái đang tập làm gốm. Trò chuyện với ông bà cụ người Chăm, chúng tôi biết được rằng theo phong tục, nghề gốm chỉ được truyền cho giới nữ. Ngày nay nghề gốm cũng dần mai một ít nhiều chứ ngày xưa, dân địa phương coi trọng nghề gốm lắm. Con gái phải biết nấu ăn, làm gốm mới cưới được chồng. Nhà nước cũng đã chứng nhận nghệ thuật gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và đang trình lên Unesco xét duyệt 12 di sản nhân loại báo động cần được giữ gìn.

Ninh Thuận phụ nữ Chăm làm gốm
Phụ nữ Chăm đang làm gốm thủ công tại làng Bàu Trúc.

Sau khi chọn mua cho mình vài món gốm nhỏ làm kỷ niệm, chúng tôi tranh thủ ghé thăm làng nghề Mỹ Nghiệp cách đó không xa. Nghề dệt thổ cẩm Chăm đã có từ rất lâu đời, nhưng thời đó, trừ những bộ trang phục cầu kỳ của vua quan và giới quý tộc, vải dùng cho dân thường được đan dệt đơn giản, thô sơ. Sau này, với cách sáng tạo và kết hợp màu sắc trên nền vải được truyền dạy từ nghệ nhân, tổ nghề Ponagar, thổ cẩm của người Chăm làng Mỹ Nghiệp đã trở thành một nghề chủ chốt trong cuộc sống kinh tế và tinh thần. Tuy nhiên, làng dệt hiện tại cũng không còn nhiều người dệt tại nhà. Nhà nước hỗ trợ xây dựng một khu nhà truyền thống nhỏ để trưng bày về nghề và tập trung các nghệ nhân tại đây để quảng bá những sản phẩm dệt thủ công của làng.

Ninh Thuận khung cửi dệt thổ cẩm
Bà cụ bên khung cửi dệt thổ cẩm xưa tại làng nghề Mỹ Nghiệp.

Chúng tôi nhờ đám trẻ dẫn đến gặp một cụ già gần nhà truyền thống. Bên ô cửa sổ của một ngôi nhà gỗ cũ kỹ, cụ già đang dệt vải cùng con gái bà. Chúng tôi xin phép được vào nhà trò chuyện. Đứa cháu ngoại nhỏ của bà thẹn thùng nép sau ô cửa, chốc chốc lại len lén nhìn chúng tôi. Khung cửi ở đây hoàn toàn khác so với những khung cửi ở nhà truyền thống. Bà khoe rằng cái khung gỗ tre thô sơ này đã theo gia đình bà nhiều năm. Bà thương nó, thương cả những âm thanh kẽo kẹt từ khung cửi, con thoi cũ. Người ta cũng đến động viên dùng khung mới để năng suất tốt hơn nhưng bà vẫn không quen được. Bà mỉm cười, cuộc trò chuyện với chúng tôi dừng lại trong tiếc nuối. Có lẽ bởi vốn tiếng Kinh ít ỏi không cho phép bà kể thêm những câu chuyện thú vị khác về chiếc khung cửi.

Lên kế hoạch cho chuyến đi Ninh Thuận lần này, chúng tôi nhất quyết tham dự cho được lễ hội Katé thiêng liêng vẫn được bảo tồn và cử hành trọng thể hằng năm. Katé được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của người Chăm, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ninh Thuận người dân trong lễ hội Kate
Người dân địa phương mặc trang phục truyền thống trong lễ hội Katé.

Vào đúng dịp đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 10 dương lịch), người Chăm ở khắp mọi miền đất nước hay ở nước ngoài đều trở về tham dự để tưởng nhớ công ơn những người đã khuất, các thần linh, tổ nghề đã dẫn thủy, nhập điền mang lại no ấm, thanh bình cho con cháu.

Ninh Thuận người đàn ông Chăm trong trang phục truyền thống
Đàn ông Chăm trong trang phục truyền thống màu trắng.

Khởi đầu lễ là nghi thức trao y trang được diễn ra tại làng Hữu Đức (palei Hamu Tanran). Trong ngày này, sẽ có sự tham gia của đại diện cộng đồng người Raglai (một dân tộc thiểu số ở vùng núi Ninh Thuận). Người ta cho rằng, người Raglai và người Chăm có quan hệ huyết thống, trong đó Raglai là em út. Theo tục lệ, người em út sẽ giữ những “báu vật” của gia đình, chính vì thế y trang của các vua cho đến nay vẫn ở làng người Raglai và hằng năm cứ lễ Katé họ sẽ mang xuống trao cho dân làng Hữu Đức y trang của đền Po Inu Nugar (Bà Mẹ Xứ Sở). Riêng trang phục vua Po Rome và Po Klong Garai đã được người Raglai trao lại hẳn cho người Chăm từ lâu nên sẽ không có lễ trao y trang tại các palei thuộc hai đền này.

Người Chăm coi trọng thần linh hơn tất cả mọi thứ, nên Katé phải được thực hiện ở tháp, đến đền rồi mới đến làng xã và cuối cùng là gia đình. Chúng tôi thật may mắn khi được tham gia cả lễ Katé ở tháp Pô Rome và lễ Katé tại đền ông Poklong Chanh và vợ là bà Nai Lank Mưh ở làng gốm Bàu Trúc. Không khí lễ diễn ra vô cùng trang nghiêm, đặc sắc bởi tiếng kéo đàn, tiếng hát của các bậc chức sắc và những nghi lễ mở cửa tháp và đền, rửa tượng và mặc y trang cho tượng thần. Đây cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình gần gũi, gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau hơn trong cuộc sống; là dịp để vui chơi, giải trí sau một năm lao động miệt mài.

Điều đáng tiếc là chúng tôi không thể tham gia được lễ Katé ở gia đình. Nhưng sự “chưa trọn vẹn” này sẽ thôi thúc chúng tôi trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa trên những chặng đường “đi lạc” sắp tới.

Ninh Thuận di tích tháp
Di tích tháp Pô Klong Garai là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14.
Ninh Thuận nhạc cụ truyền thống
Một người đàn ông Chăm đang chơi nhạc cụ truyền thống.

Ninh Thuận bãi biển xanh

Nhóm thực hiện

Bài: Wanderful Dreamers

Ảnh: Wanderful Dreamers, H.Ton

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)