Non nước phía Tây Nghệ An
Không phải những địa danh đã quá quen thuộc như thành phố Vinh, Cửa Lò hay Nam Đàn quê Bác, lần này, tôi khám phá Nghệ an theo cung đường phía Tây, nơi màu xanh trải dài đẹp như một bức tranh họa đồ hùng vĩ.
Từ hướng cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh, tôi men theo đường Hồ Chí Minh, con đường mòn lịch sử phía Tây uốn lượn như một con trăn khổng lồ ôm lấy rừng quốc gia Pù Mát xanh thăm thẳm. Nắng rực rỡ xuyên qua những tán lá nhoài mình vươn ra từ núi đá rồi đổ bóng lên đường, gió hà hơi vào cổ mát rượi, mang hương thơm thoang thoảng từ những đóa hoa rừng. Tôi đang đi về phía Tây Nghệ An – quê nội tôi, nơi tuổi thơ tôi từng trải qua những trưa Hè miên man nắng với tiếng cười hồn nhiên vang vọng khắp bờ sông Lam.
THƯƠNG VỀ QUÊ NỘI VỚI SÔNG LAM – ĐỒI CHÈ
Qua ranh giới tỉnh Hà Tĩnh là địa phận huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trời dần ngả về chiều, nắng nhuộm vàng cánh đồng lúa hai bên đường. Tầm này, đồng lúa đang vào mùa gặt, rơm rạ được phơi đầy trên các nẻo đường quê, dậy lên một mùi thơm quen thuộc. Chiếc xe tôi bon bon chạy về phía mặt trời chói chang trước mặt, tôi chợt thấy lòng bồi hồi, những hình ảnh tuổi thơ như một thước phim quay chậm đưa tôi về lại những ngày tháng xưa cũ.
Quê nội tôi là một xã nhỏ nằm nép bên dòng sông Lam thơ mộng. Sông Lam bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang ở Lào, chảy qua tỉnh Nghệ An, hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh rồi đổ ra biển tại Cửa Hội ở cuối hành trình. Tôi nhớ ngày còn bé, mỗi khi được ba mẹ đưa về nghỉ Hè, tôi luôn háo hức cùng các anh em họ, đều là những đứa trẻ đồng tuổi, rủ nhau ra sông tắm. Trong trí nhớ của tôi, bãi cát bên sông rộng mênh mông, mịn màng, thoai thoải với những luống đậu phộng xanh mướt phủ khắp hai bờ bên lở bên bồi (Nghệ An nổi tiếng có giống đậu phộng hạt to, chắc mẩy), xa xa là dãy Hồng Lĩnh trùng trùng điệp điệp. Tương truyền, núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn. Tên các ngọn núi được đặt theo dáng hình Ngũ Mã (hình năm con ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng. Theo truyền thuyết, vào thời mở nước, vua An Dương Vương đã từng đặt chân đến nơi này. Trải qua mấy nghìn năm văn hiến, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, núi Hồng – sông Lam vẫn sừng sững, như tính cách chịu thương chịu khó của người Nghệ An.
Ở quê tôi, cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Tây Nghệ An) còn nổi tiếng với khu du lịch Đồi chè Thanh Chương. Vài năm trở lại đây, những ốc đảo trồng chè xanh mướt bạt ngàn được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” của xứ Nghệ nổi lên như một ngôi sao trên bản đồ khám phá của giới trẻ.
Thuộc xã Thanh An, huyện Thanh Chương, cả vùng đồi chè rộng 420ha nằm giữa đập Cây Cau nước trong xanh suốt bốn mùa. Không như đồi chè Cầu Đất ở Đà Lạt, đồi chè Thanh Chương được trồng thành từng luống bậc thang phủ lên các ốc đảo nhỏ nằm rải rác trong đập, được vun vén bởi những bàn tay khéo léo của 200 hộ dân. Nhìn từ xa, ốc đảo tựa như những chiếc mai rùa núi mọc đầy rêu xanh nhấp nhô trên dòng nước.
Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khiết nhất của đồi chè và hít thở không khí trong lành của sớm mai, bạn nên xuống thuyền vào lúc những tia nắng đầu ngày vừa hé. Đó là khi những lá chè còn đẫm sương, hương thơm ngai ngái lan tỏa trong không gian tĩnh mịch, tiếng chim líu lo trên cành bằng lăng tím chào ngày mới. Những hôm trời trong xanh, bóng cây, bóng thuyền và cả bóng người in xuống dòng nước biếc, ta chợt thấy cuộc đời sao nhẹ nhàng thế, bao muộn phiền bỗng thoảng qua rồi tan biến như gió, như mây.
Sau khi luồn lách qua các đồi chè, thuyền sẽ cập bến một trong những đồi chè để bạn ngắm nghía và thưởng thức vị chè độc đáo của nơi này. Những búp chè non vừa hái được ủ trong ấm vẫn còn nóng hổi, giữ nguyên vị thanh ngọt đượm nơi cổ họng. Thưởng thức một ly chè xanh và nhấm nháp thanh kẹo Cu Đơ vừa có độ giòn của đậu phộng lẫn vị ngọt của đường mía và độ dẻo của mạch nha, bạn thấy mình phải lòng với đất Nghệ An lúc nào chẳng hay.
DƯỚI NẾP NHÀ NGƯỜI THÁI
Sau vài ngày ở quê thăm gia đình, được thưởng thức những món đặc sản trứ danh “ngon quên lối về” như dê núi, miến lươn béo ngậy, canh gà nấu với nghệ và hành tăm hấp dẫn, nhút (mít muối) đậm đà… tôi lại tiếp tục lăn bánh trên con đường mòn, hướng về Vườn quốc gia Pù Mát.
Vườn quốc gia Pù Mát nằm trong lõi khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất Đông Nam Á. Nơi tôi dừng trong vài ngày tới là ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái tại bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Ngôi nhà tôi lưu trú là một trong các homestay thuộc dự án phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh. Huyện Con Cuông là một trong số địa phương còn lưu giữ truyền thống bản sắc dân tộc Thái với những mái nhà sàn gỗ duyên dáng và phong tục văn hóa độc đáo. Từ xa xưa, người Thái thường sống ở lưng chừng núi, cạnh sông suối nên họ dựng nhà sàn để chống lũ quét và thú dữ. Họ thường chọn loại gỗ tốt nhất để làm nhà như lim, tau, săng lẻ với tỷ lệ cột chống, kèo, dây chằng… vững chãi, hài hòa với thiên nhiên.
Chủ nhà là đôi vợ chồng người Thái tầm tuổi trung niên, có hai người con đã lập nghiệp ở các thành phố lớn. Trong bữa cơm đơn giản có đĩa thịt lợn bản vừa mềm vừa ngọt, anh chị kể cho tôi nghe về gia đình, về hai năm khó khăn vừa qua, làng bản vắng bóng khách du lịch bởi dịch COVID-19. Hôm tôi đến cũng là khi Con Cuông mới bắt đầu đón khách trở lại. Anh chị bảo, hai năm đó không có nguồn thu nhập từ dịch vụ du lịch, anh chị phải nuôi ngan, nuôi heo ở khoảng vườn rộng phía sau nhà để tăng gia sản xuất, vừa tự cung tự cấp, vừa kiếm thêm thu nhập nuôi cả gia đình. Tôi cảm nhận được tấm lòng nhiệt tình, ấm áp của anh chị qua những lời sẻ chia chân thành. Những ngày sau đó, anh chị chăm sóc tôi chu đáo như người trong gia đình.
NGƯỢC DÒNG SÔNG GIĂNG
Từ bản Nưa đi khoảng 10km, xuyên qua con đường nhỏ với hai bên đường là bản làng, đồng lúa mạ non ai vừa cấy, tôi đặt chân đến đập Phà Lài, nơi có con sông Giăng nước xiết ngày đêm. Sông Giăng bắt nguồn từ khe Khẳng, trong lõi Vườn quốc gia Pù Mát rồi chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và hợp lưu với sông Lam. Bởi sông có độ dốc nên có hàng trăm ghềnh đá mọc lên giữa dòng, tạo nên sức chảy mãnh liệt và ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Chính vì thế, người dân ở đây có câu ca dao: “Anh đi khắp núi khắp ngàn; Không đâu đẹp bằng Đá Bàn, sông Giăng”. Lên thuyền ngược dòng sông Giăng trở thành một thử thách mà những người ưa thích mạo hiểm đều muốn một lần được vượt qua.
Từ hạ nguồn sông Giăng tại xã Môn Sơn, tôi thuê một chiếc thuyền, bắt đầu hành trình vượt qua 147 ghềnh thác, ngược dòng sông để đến bản Cò Phạt của tộc người Đan Lai, một dân tộc thiểu số chỉ có vỏn vẹn hơn 3.000 người sinh sống ở lõi Vườn quốc gia Pù Mát và có tục ngủ ngồi kỳ lạ từ xa xưa.
Đập Phà Lài nước chảy cuồn cuộn, hùng vĩ và hiên ngang giữa đất trời Con Cuông. Trong tiếng Thái, Phà Lài nghĩa là “hoa của trời”, một cảnh đẹp vô cùng ấn tượng khiến ai cũng trầm trồ không ngớt. Xuất phát từ bến, con thuyền chầm chậm tiến về phía lõi rừng Pù Mát. Đoạn này nước vẫn chảy êm đềm. Mặt nước xanh trong in bóng những đám mây, tựa như những chiếc chăn bông gòn mềm mại. Hai bên bờ sông là thảm rừng nguyên sinh xanh mướt phủ lên núi đá vôi mang hình thù kỳ dị, hiên ngang giữa đất trời. Ẩn hiện dưới tán lá xanh là những vạt hoa rừng đủ màu sắc, xinh xắn như tấm vải dệt thổ cẩm của các cô gái Thái. Đôi lúc, tôi bắt gặp một đàn trâu đang thư thái ngâm mình dưới cái nóng oi bức. Chim hót vang cả một góc trời.
Càng đi sâu, nước càng chảy xiết, lòng sông ngày càng thu hẹp, nhiều tảng đá xuất hiện rải rác giữa sông chắn ngang dòng chảy, tạo nên những luồng nước mạnh và dữ dội hơn. Hai bên bờ, các bụi cây rù rì với từng chùm hoa trắng ngần mỹ miều đung đưa trong gió, tỏa hương thơm ngan ngát, khoan khoái. Từng đàn bướm sặc sỡ bỗng từ đâu bay đến, lượn quanh từ bụi cây rậm rạp đến những tảng đá trơn trượt giữa sông, rồi lại nhởn nhơ trước mũi thuyền như đang trình diễn một bài múa ngoạn mục ca ngợi cuộc sống. Nước đập vào đá, tung lên rồi va vào mạn thuyền, văng vào người chúng tôi mát rượi. Người lái thuyền đầy kinh nghiệm với đôi tay rắn chắc đầy khéo léo lèo lái con thuyền luồn lách qua các tảng đá, chầm chầm vượt qua ghềnh thác mà không hề nao núng. Và bởi tin vào người lái thuyền, tôi không hề có cảm giác sợ hãi mà tận hưởng những pha mạo hiểm ấy một cách thích thú. Tôi lấy tay khua xuống làn nước trong vắt có thể nhìn thấy sỏi đá chen nhau dưới đáy. Một cảm giác xúc động nhẹ dâng lên trong lòng bởi thấy mình may mắn có được cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ tuyệt mỹ này của rừng già.
Khoảng hơn một giờ ngược sông, thuyền dừng lại một bản nhỏ, là nhánh bản Cò Phạt của người Đan Lai. Người Đan Lai có vài tập tục kỳ lạ như ngủ ngồi, bởi xa xưa họ phải luôn sẵn sàng trong tư thế chạy trốn quan quân, thú dữ; hay như trẻ con sinh ra phải nhúng xuống suối… Ngày nay, những hủ tục ấy đã được bỏ, người Đan Lai cũng được tiếp nhận ánh sáng của thế giới văn minh bên ngoài, nhưng trong họ vẫn còn những vẻ đẹp nguyên thủy. Tôi đi dạo quanh bản dưới cái nắng gay gắt, từng mái nhà sàn đơn sơ lần lượt hiện ra. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá, chăn nuôi gia súc. Tôi không thể hỏi chuyện được nhiều bởi không hiểu tiếng Đan Lai, tiếng Thái. Chúng tôi chỉ đành giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, tiếng cười. Mắt của họ đen và sáng, lấp lánh theo mỗi cử chỉ tay chân. Và tôi có thể cảm nhận sự hiếu khách, cởi mở trong tiếng cười lanh lảnh xua tan cái nóng giữa trưa Hè.
KỲ VĨ THÁC KHE KÈM
Đi vào trong rừng Pù Mát, qua những tán rừng nguyên sinh rợp bóng cây và những con suối róc rách ngày đêm, một tuyệt tác của thiên nhiên dần hiện ra lấp loáng giữa dãy núi đá sừng sững – thác Khe Kèm. Từ độ cao 500m, dòng nước đổ xuống trông như một dải lụa trắng mềm mại khổng lồ của ai bỏ quên, vắt vẻo giữa trời và đất. Mùa Hè là thời điểm lý tưởng để ghé thăm dòng thác đẹp như chốn bồng lai này. Bạn có thể đứng ngay dưới chân thác, để cho dòng nước hào sảng từ trên cao đổ xuống gột đi những lo toan của phố thị. Nước của rừng trong vắt và lạnh như băng, hơi mát phà vào người làm cho mọi căng thẳng tan biến. Bạn cũng có thể ngồi trên tảng đá, ngâm chân trong vũng nước nhỏ để cho đàn cá tịt mũi nhỏ xíu (đang được bảo tồn) “massage” chân vừa nhộn nhạo vừa thích thú.
Ngày cuối cùng, tôi ghé thăm trạm cứu hộ động vật của Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Từ cổng Vườn đi vào, có hai mẹ con voi khổng lồ được các bạn sinh viên Mỹ thuật dựng lên bằng hàng trăm bẫy thú tìm được ở trong rừng. Vườn Pù Mát được thành lập năm 2002, có vùng bảo tồn rộng 94.000ha và vùng đệm rộng 100.000ha. Với tình trạng săn bắt động vật hoang dã đáng báo động như hiện nay, Vườn quốc gia đã chung tay với các tổ chức phi chính phủ và người dân địa phương cùng cứu hộ, chăm sóc, sau đó thả về tự nhiên nhiều cá thể động vật hoang dã quý hiếm như gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, vượn bạc má, cáo đỏ, tê tê… Tôi đi qua chiếc lồng sắt, trong đó là một chú khỉ mặt đỏ được cứu ra từ một hộ dân trước đó. Chú khỉ ngồi thu mình, tay bám chặt vào song sắt, ánh mắt ươn ướt nhìn xa xăm buồn bã. Tôi chợt thấy bồi hồi. Liệu ánh mắt đáng thương này có đủ thức tỉnh những con người vẫn xem thú rừng là của ngon vật lạ chăng?
Bài & Ảnh: Hương Tôn