Lifestyle / Du lịch

Phải lòng mây núi Hà Giang

Ngay trong buổi sáng đầu tiên đến Hà Giang, tôi đã thấy choáng ngợp và "đổ" liêu xiêu trước vẻ đẹp kỳ vĩ của miền cao nguyên hoa đá này.

Theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi quyết định để cho “con ngựa sắt” của mình nghỉ ngơi tại Hà Nội sau 5 tháng xuyên Việt từ Nam ra Bắc, rồi chọn tour “easyrider” của Tin Tin Travel. Đây là một hình thức du lịch bằng xe máy khá phổ biến và được ưa chuộng để khám phá Hà Giang một cách trọn vẹn nhất. Tôi cho rằng, đây cũng là một cách để ủng hộ du lịch địa phương sau đại dịch. Với “easyrider”, tôi vừa có hướng dẫn viên bản địa, vừa có một người đồng hành chở tôi khi khắp các cung đường miền biên viễn xa xôi này.

Tôi đến Hà Giang khi thành phố vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Birdy – cô vẹt ngực hồng của tôi – có chút uể oải sau chuyến xe đường dài từ Hà Nội. Chúng tôi tranh thủ chợp mắt tại một homestay trong trung tâm thành phố, người vẫn có cảm giác bồng bềnh như đang trên chiếc xe giường nằm lao vun vút trong đêm.

Hà Giang khung cảnh hùng vĩ

CỔNG TRỜI QUẢN BẠ

7 giờ sáng, đón tôi trước cửa homestay là Cương, một Gen Z Hà Giang chính hiệu. Cậu khoảng trên 20 tuổi, dáng người dong dỏng cao và nụ cười hiền lành. Cương người Tày, nhà ở huyện Vị Xuyên cách thành phố vài cây số. Cậu đã làm công việc này một thời gian đủ lâu để thấy yêu nghề và muốn gắn bó với quê hương mình.

Chúng tôi xuyên qua các con đường đã bắt đầu nhộn nhịp đón chào ngày mới để đến cột mốc số 0 ngay trung tâm thành phố, đối diện với quảng trường 26-3 bên dòng sông Lô. Đây là điểm check-in nổi tiếng của dân du lịch khi mới đặt chân đến Hà Giang. Tuy chỉ là một khối bê tông bình thường bên đường đánh dấu KM0, cột mốc này lại mang ý nghĩa đặc biệt với dân “phượt” bởi đây là điểm bắt đầu cho một chuyến hành trình dài vượt qua những cung đèo hiểm trở và kỳ vĩ để khám phá cao nguyên đá. Với tôi, cột mốc số 0 trong thoáng chốc đã đẩy lùi cơn buồn ngủ, thay vào đó là cảm giác tò mò và sự hăm hở như sắp được mở một món quà bất ngờ. Kỳ lạ thay, đã trải qua hơn 20 năm phiêu bạt đây đó nhưng mỗi khi bắt đầu một chuyến đi mới, tôi vẫn không ngăn được sự háo hức hồn nhiên có phần trẻ con đó của mình.

Bỏ lại hàng hàng lớp lớp các dãy nhà mái ngói đỏ bên sông Lô êm đềm phía sau, chúng tôi đi theo quốc lộ 4C tiến về huyện Quản Bạ, cách thành phố Hà Giang hơn 40 cây số. Quốc lộ 4C còn có tên gọi là “con đường Hạnh Phúc” bắt đầu từ cầu Gacdie đi qua cao nguyên đá Đồng Văn với điểm kết thúc là thị trấn Mèo Vạc. Càng đi, tôi càng ngưỡng mộ công sức của hơn 15.000 dân công và thanh niên xung phong đã không ngại gian khổ xây dựng con đường hiểm trở cheo leo nhất nước này. Không còn bóng dáng của thành phố, trước mắt tôi là mênh mang một màu xanh của núi rừng, ruộng lúa và những cánh đồng ngô trải dài tít tắp.

Hà Giang ruộng bậc thang mùa nước đổ
Ruộng bậc thang vào mùa nước đổ là một trong những nét đẹp đặc sắc của Hà Giang.

Sau hơn một giờ chạy xe trên con đường quanh co nằm lưng chừng trời, chúng tôi dừng chân tại cổng trời Quản Bạ. Gọi là cổng trời, bởi người ta tin rằng, đây chính là ranh giới của trời và đất, rằng chỉ cần bước lên những bậc thang kẹp giữa hai đỉnh núi, ta sẽ thấy được chốn bồng lai tiên cảnh. Thật vậy, từ trên cao phóng tầm mắt xuống thung lũng, tôi đã ngất ngây trước tuyệt tác của tạo hóa này. Ngay dưới kia là con dốc ngoằn ngoèo như một con trăn xám lười biếng nằm phơi nắng giữa màu xanh nõn nà của những thửa ruộng mới cấy. Mây trắng bồng bềnh như những cụm bông khổng lồ thư thái tựa mình trên dãy núi trùng trùng điệp điệp. Cây cối vươn mình như muốn chạm đến bầu trời xanh ngắt vời vợi trên cao. Xa xa, núi Đôi Cô Tiên với hai ngọn núi nằm kề nhau mang hình dáng kỳ lạ trông như gò bồng đảo phổng phao của nàng sơn nữ đang nằm ngủ. Tạo hóa thật diệu kỳ và biết khơi dậy trí tò mò của con người. Theo truyền thuyết của người đồng bào, đôi núi này chính là hóa thân bầu ngực của một nàng tiên nữ, vì trót yêu một chàng trai nơi hạ giới, nàng phải quay về trời chịu tội, nhưng trước khi đi, nàng đã để lại bầu ngực cho con bú. Nhờ dòng sữa đó mà vùng đất này quanh năm mát mẻ, cây cối tốt tươi và người dân luôn được hưởng nhiều phúc lành.

Hà Giang đèo Mã Pí Lèng
Đèo Mã Pí Lèng uốn lượn giữa màu xanh đại ngàn.
Hà Giang núi đôi cô tiên
Núi Đôi Cô Tiên tại huyện Quản Bạ, phía Bắc Hà Giang.

Men theo xuống tận phía dưới con dốc là thôn Nậm Đăm của người Dao Chàm. Những ngôi nhà trình tường truyền thống được dựng lên từ nguyên vật liệu tự nhiên như đất và gỗ vàng ruộm dưới nắng, yên bình giữa những khu vườn ngập hoa lá. Với kỹ thuật xây dựng trình tường độc đáo này, mỗi bức tường dày khoảng 80cm, ngôi nhà luôn mát mẻ vào mùa Hè và ấm áp vào mùa Đông. Bên trong nhà sàn mộc mạc và thoáng đãng, còn khoảng sân rộng trước nhà được phơi đầy bắp ngô vàng mới được thu hoạch. Người lớn phơi ngô, làm vườn, lũ trẻ nô đùa chạy quanh, không khí thân thương và bình dị quá đỗi.

CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN

Tạm biệt những người dân nhiệt tình của thôn Nậm Đăm, chúng tôi rời Quản Bạ để tiến về Đồng Văn với tâm trạng háo hức. Bởi vùng cao biên giới này lâu nay vẫn nổi tiếng là nơi có nhiều cảnh đẹp nhất Hà Giang.

Con đường đến cao nguyên đá Đồng Văn đẹp đến nao lòng với một màu xanh miên man vô tận. Những em bé Mông, Tày mặc váy xếp ly xanh đỏ, cầm chiếc ô hoa đung đưa theo nhịp chân theo nhau sát bên vệ đường. Con dốc Thẩm Mã chín khúc uốn lượn hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh sơn dầu hoàn hảo đến từng chi tiết. Qua con dốc huyền thoại đầy thách thức này là đến những địa danh luôn được du khách nườm nượp check-in như “Nhà của Pao”, dinh thự vua Mèo, phố cổ Đồng Văn… Không có hứng thú xếp hàng chờ đến lượt chụp ảnh check-in, tôi thả bộ trên con đường lát đá đi vào trong làng. Mặc dù người ra kẻ vào nhưng Sủng Là vẫn bình yên và dịu dàng đến lạ. Những ngôi nhà cổ với mái ngói âm dương im lìm nằm dưới tán cây lê trĩu quả. Giờ đang là mùa lê đường ở Hà Giang, trái nhỏ chỉ bằng nắm tay đứa trẻ lên mười nhưng mọng nước, vỏ mỏng còn thịt lê trắng muốt, mát lịm.

phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn yên bình trong nắng sớm.
Hà Giang dốc Thẩm Mã
Vẻ đẹp ngoạn mục của dốc Thẩm Mã.

Đến phố cổ Đồng Văn, tôi thật sự ấn tượng với những ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 năm ở đây. Những ngôi nhà mang nét văn hóa đặc trưng của người Mông, người Tày và người Hoa với cột gỗ hai tầng, mái lợp ngói âm dương, tường trình đất, đá chạm trổ cầu kỳ. Bao quanh ngôi nhà là hàng rào đá với từng khối đá được xếp thủ công một cách tỉ mẩn, khéo léo và đầy tinh tế. Không hề có xi măng và cát, người Mông chọn những viên đá có góc cạnh, đặt vừa vặn với nhau thành một khối vững chãi qua bao tháng năm dầm mưa dãi nắng.

Tối hôm ấy ở phố cổ, Cương đưa tôi đến một nhà hàng nổi tiếng với món đặc sản lẩu gà đen. Món gà đen của vùng cao nổi tiếng dai ngọt tự nhiên, không phải nơi nào cũng có. Nguyên liệu để nấu lẩu rất quan trọng, gồm có nấm đông cô, bí đỏ, khoai lang và các gia vị khác để nồi nước đậm đà, ngọt thanh. Người Hà Giang thường dùng lẩu gà với nhiều món nhúng kèm khác như đậu hũ, bún, mì, thêm các loại rau đặc trưng của Hà Giang như cải mèo, bò khai để trung hòa vị giác, khi ăn đỡ ngán hơn. Trong không khí se lạnh của vùng cao, xì xụp chén lẩu gà cùng với ly rượu ngô cực phẩm, vị ngon đến từ sự chân phương nhưng chứa đầy tinh hoa của ẩm thực Hà Giang sẽ khiến bạn nhung nhớ mãi.

THỊ TRẤN MÈO VẠC

Trên con đường Hạnh Phúc từ Đồng Văn đến Mèo Vạc, chúng tôi dừng lại trên đèo Mã Pí Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Qua những bãi đá tai mèo xám lởm chởm hoang hoải, con đường đèo mềm mại như tấm dải lụa trắng vắt vẻo qua những sườn núi cao sừng sững đầy duyên dáng. Được lướt “con ngựa sắt” trên cung đường đèo này là niềm ao ước của dân phượt khắp nơi không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Bên dưới, dòng sông Nho Quế màu xanh ngọc lục bảo như sợi chỉ thanh thiên mảnh mai, êm đềm chảy qua các vách đá nguyên sơ thoạt trông dịu dàng nhưng ẩn chứa sự mãnh liệt, bí ẩn. Xa xa, hàng ngàn ngọn núi đá nhấp nhô trùng điệp, thấp thoáng trong biển mây đuổi nhau đến tận chân trời. Tôi ngồi đó, tim choáng ngợp và không ngăn nổi xúc động khi cố gắng thu vào tận cùng vẻ đẹp tráng lệ của núi non, sông nước. Thời gian như ngưng đọng. Ngay ở đây, tại khoảnh khắc này, con người dễ gặp nỗi cô đơn khi phải đối diện với chính mình. Cô đơn nhưng tự do tự tại, vừa khắc khoải bi tráng, vừa dịu dàng an yên.

trẻ em vùng cao
Nụ cười rạng rỡ của những em bé vùng cao.

Chúng tôi lên thuyền đi dọc sông Nho Quế qua hẻm vực Tu Sản, tiếng máy rù rì tan vào mây nước, gió trời. Hai bên sông với vách đá, rừng cây, thác nước trầm mặc dần lùi về phía sau. Tôi tưởng mình đang tiến vào một cảnh giới khác, nơi có khung cảnh ngoạn mục như một phim trường siêu thực. Trong suốt 192km chiều dài bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), chảy qua núi rừng hoang vu thăm thẳm, một phần của dòng sông đổ vào xã Lũng Cú, rồi tiếp tục xuôi dòng qua hẻm Tu Sản, tạo thành đường biên giới mang tên Nho Quế xanh biếc giữa đèo Mã Pí Lèng và đường Săm Pun. “Đệ nhất hùng quan” Hẻm Tu Sản như một cánh cổng mở ra một thế giới hoang đường đang chờ đón bạn. Giữa các vách đá cao đến 700-800m và dòng nước sâu độ 1.000m, hẻm Tu Sản là tác phẩm kỳ diệu của tạo hóa được kiến tạo từ hàng triệu năm trước, trở thành di sản địa chất độc nhất vô nhị của Việt Nam. Tôi ngồi ngay mũi thuyền chầm chậm tiến về phía trước, để mặc cho làn gió mát lạnh nô đùa rối tung mái tóc, tâm trí tĩnh tại như dòng nước dưới kia. Đứng trước thiên nhiên vừa uy nghiêm vừa quyến rũ này, bao lo lắng muộn phiền trong lòng bỗng thu nhỏ lại chỉ như một hạt cát, nhẹ bẫng và mất hút vào không trung.

đi thuyền trên sông Nho Quế
Đi thuyền trên sông Nho Quế để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp hùng tráng của hẻm Tu Sản.

Bữa tối hôm ấy, ở Làng H’Mông Pả Vi tại thị trấn Mèo Vạc, cùng với những chàng trai bản địa bên chén rượu ngô men nồng, tôi được nghe kể những chuyện đời, chuyện người trên đất Hà Giang. Tôi thấy lại tuổi trẻ của mình ở đây, tươi tắn, rạng ngời và đầy nhiệt huyết như những đóa hoa nở rộ dọc miền sơn cước.

làng Pả Vi Mèo
Pả Vi – Ngôi làng hình lục giác độc đáo của người Mông.

Ngày thứ ba, chúng tôi lưu lại ở một bản làng tại xã Du Già. Con đường đến homestay đầy thử thách với dốc đá chênh vênh hiểm trở. Chúng tôi rủ nhau đi ngâm mình trong dòng thác lạnh căm căm, run rẩy trong cơn mưa bất ngờ sầm sập tới. Tôi ngờ rằng, dòng thác mãnh liệt này có khả năng cuốn phăng đi mọi bụi bặm của trần gian.

thác Du Già
Thác Du Già mãnh liệt và dịu êm.

Buổi sáng cuối cùng ở vùng cao, tôi dậy thật sớm đón bình minh trên thung lũng Du Già. Bản làng tĩnh mịch chìm trong màn sương bảng lảng. Chú chó Đen của homestay lặng lẽ đến ngồi bên cạnh tôi, tận hưởng không khí tinh khiết mát lành và chiêm ngưỡng tia nắng đầu ngày đang vươn mình qua những tầng mây. Ghé qua chợ phiên Du Già nhộn nhịp và đầy màu sắc vùng cao, tôi cố thu nhặt tất cả những mảnh ghép đẹp đẽ của 4 ngày qua, cất vào một ngăn trong vùng ký ức. Chia xa là lưu luyến, là hoài niệm nhưng cũng là lý do để một ngày nào đó được quay trở về.

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn 

Ảnh: Hương Tôn, Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)