10 quốc gia xanh thân thiện với môi trường nhất trên thế giới 2024
Bài toán môi trường và phát triển bền vững là một trong những vấn đề toàn cầu nổi bật nhất thế kỷ 21. Trong bối cảnh đó, tính bền vững và thân thiện với môi trường dần trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá một quốc gia.
Độ xanh và độ bền vững phản ánh mức độ quan tâm của quốc gia đến việc bảo tồn và phục hồi môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên cũng như sức khỏe con người. Điều này được thể hiện thông qua quá trình hoạch định – thi hành chính sách và tính hiệu quả của các biện pháp hiện hành. Sau đây là 10 quốc gia xanh thân thiện với môi trường nhất trên thế giới năm 2024, theo kết quả nghiên cứu của GreenMatch – một chuyên trang được thiết kế nhằm giúp độc giả định hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
1. Thụy Điển
Đứng ở vị trí đầu tiên là Thụy Điển – vốn nổi tiếng là một trong những quốc gia bền vững nhất thế giới. Theo kết quả nghiên cứu, nước này đứng ở vị trí thứ 5 về Chỉ số Hiệu suất Môi trường (EPI) và thứ 9 về Chỉ số Tương lai Xanh (GFI). “Đất nước không bao giờ ngủ” còn đạt điểm EPI tuyệt đối về bảo vệ hệ sinh thái biển, và đứng thứ 2 về chỉ số tăng trưởng phát thải CO2 của GFI trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thêm vào đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 của quốc gia này cũng thuộc top thấp nhất với 6,6 μg/m³.
Trong nhiều năm qua, Thụy điển đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, như tua bin gió và năng lượng mặt trời. Stockholm cũng cam kết đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030, củng cố hơn nữa vị thế quốc gia dẫn đầu về tính bền vững và thân thiện với môi trường.
2. Đan Mạch
Đan Mạch được xem là một trong những quốc gia tiên phong về thúc đẩy tính bền vững. Chính phủ nước này đã có những bước tiến đáng chú ý trong việc giảm lượng khí thải carbon và đẩy mạnh khai thác năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu hoàn toàn từ bỏ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Cam kết của Copenhagen với phát triển bền vững còn được thể hiện ở các thành phố xanh và hệ thống giao thông thân thiện với môi trường. Cách tiếp cận sáng tạo của Đan Mạch đã giúp nước này lọt vào danh sách các quốc gia xanh nhất thế giới.
Theo GreenMatch, Đan Mạch có chỉ số EPI và GFI ấn tượng, lần lượt ở vị trí thứ nhất và thứ hai. Đặc biệt, nước này đứng đầu về chỉ số xử lý nước thải của EPI, nghĩa là 100% nước thải sinh hoạt được xử lý và 100% dân số Đan Mạch được trang bị hệ thống cấp thoát nước. Mặc dù vậy, vị trí của Copenhagen khá thấp trên các bảng xếp hạng về lượng khí thải CO2 bình quân đầu người và nồng độ PM2.5 trung bình.
3. Vương quốc Anh
Trong quá khứ, Vương quốc Anh từng nhiều lần đối diện với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tuy nhiên, nước này đã cho thấy tiến bộ trong những năm gần đây khi có các chỉ số EPI và GFI lần lượt xếp thứ 2 và thứ 4. Điều này chứng tỏ nỗ lực của Luân Đôn nhằm cải thiện tình hình và xây dựng một tương lai xanh hơn, bền vững hơn. Song, với 4,66 tấn khí thải CO2 bình quân và nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình là 8,8 μg/m³, Vương quốc Anh vẫn cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng môi trường.
4. Phần Lan
Phần Lan nổi tiếng với các nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững, ưu tiên bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Trên các bảng xếp hạng về chỉ số EPI và GFI, nước này lần lượt giữ vị trí thứ 3 và thứ 6. Đặc biệt, “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” còn thể hiện sự vượt trội khi có nồng độ PM2.5 trung bình thấp nhất (5,5 μg/m³).
Thời gian qua, chính phủ Phần Lan đã đầu tư đáng kể vào các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện và sinh khối. Đồng thời, thủ đô Helsinki còn cam kết giảm phát thải khí nhà kính và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm đạt được nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2035.
5. Thụy Sĩ
Thụy Sĩ xếp thứ 9 về chỉ số EPI và thứ 14 về chỉ số GFI, đồng thời có tỷ lệ DALY (thước đo gánh nặng bệnh tật tổng thể) thấp nhất trên thế giới. Chính quyền Thụy Sĩ đặc biệt chú trọng vai trò của phát triển bền vững, và đã thực hiện nhiều chính sách toàn diện nhằm giảm ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, “xứ sở đồng hồ” còn nổi tiếng với các quy định nghiêm ngặt về ô nhiễm không khí và quản lý chất thải nhằm đảm bảo sức khỏe môi trường. Những nỗ lực và cống hiến của Thụy Sĩ đã đưa đất nước này trở thành một trong những quốc gia xanh thân thiện với môi trường nhất thế giới.
Xem thêm
• 9 mẹo du lịch bền vững cho một chuyến đi “xanh”
• Những quốc gia có mức chi tiêu thấp bạn nên khám phá một lần trong đời
• 10 đất nước tuyệt vời nhất cho việc đi du lịch một mình
6. Pháp
Pháp là quốc gia xếp thứ 6 trong danh sách với chỉ số EPI đứng thứ 12 và GFI đứng thứ 7. Năm 2015, nước này trở thành một trong những quốc gia áp dụng sớm nhất các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Paris đồng thời giữ vị trí thứ 4 cho trụ cột Climate Policy (tạm dịch: Chính sách Khí hậu) của GFI. Tuy nhiên, lượng khí thải CO2 bình quân đầu người và nồng độ PM2.5 trung bình hằng năm của quốc gia này vẫn còn khá cao, lần lượt rơi vào mức 4,26 tấn và 11,4 μg/m³.
7. Costa Rica
Costa Rica là đại diện duy nhất không thuộc châu Âu trong danh sách này. Quốc gia Trung Mỹ đứng ở vị trí thứ 9 về nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm thấp nhất với 7,8 μg/m³, và vị trí thứ 12 về lượng khí thải CO2 bình quân đầu người với 1,55 tấn/năm. Trên các bảng xếp hạng GFI và EPI, Costa Rica chỉ lần lượt đạt hạng 20 và 68. Mặc dù vậy, bằng những chính sách môi trường nghiêm ngặt, nước này đã cắt giảm hơn 3,94% lượng khí thải mỗi năm. Thêm vào đó, chính quyền Costa Rica cũng đặt mục tiêu chuyển đổi thành nền kinh tế không phát thải carbon vào năm 2050.
8. Iceland
Giữ vị trí thứ 8 là Iceland – quốc gia đứng đầu về chỉ số GFI và thứ 10 về chỉ số EPI. Ngoài ra, nước này còn xếp thứ 3 trong danh sách các quốc gia có nồng độ PM2.5 trung bình hằng năm thấp nhất với 6,1 μg/m³. Song, lượng khí thải CO2 bình quân đầu người của Iceland vẫn cần nhiều cải thiện khi lên tới 9,23 tấn/năm.
Hiện Iceland đang đặt mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2040 và không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Theo đó, chính phủ Iceland đã tiến hành khai thác các nguồn địa nhiệt và thủy điện, và là một trong những nước đi đầu trong sản xuất năng lượng sạch. Quốc gia châu Âu còn khẳng định quyết tâm phát triển du lịch bền vững nhằm bảo tồn cảnh quan thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.
9. Na Uy
Na Uy là một đại diện khác đến từ Bắc Âu góp mặt trong danh sách này. Đất nước được mệnh danh là “mặt trời lúc nửa đêm” đứng thứ 20 về EPI và thứ 5 về GFI. Đặc biệt, theo chỉ số GFI, Na Uy đang dẫn đầu trong lĩnh vực Giao thông Xanh (Green Transport). Để trở nên thân thiện với môi trường hơn nữa, nước này đang có kế hoạch giảm từ 90 đến 95% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
10. Ireland
Với chỉ số EPI xếp thứ 24 và GFi xếp thứ 12, Ireland là cái tên thứ 10 trong danh sách những quốc gia thân thiện với môi trường nhất trên thế giới năm 2024. Quốc gia này đồng thời giữ vị trí thứ 3 trong trụ cột Green Society (tạm dịch: Xã hội Xanh) của GFI, và đứng thứ 9 về nồng độ PM2.5 trung bình hằng năm thấp nhất với 8 μg/m³. Tuy nhiên, Ireland chỉ xếp thứ 41 về lượng khí thải CO2 bình quân đầu người với 6,68 tấn. Để giải quyết vấn đề này, các nhà làm chính sách Ireland đã triển khai Kế hoạch Hành động vì khí hậu (Climate Action Plan), trong đó cam kết đạt mức ròng chậm nhất vào năm 2050.
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: GreenMatch; Sustainable Review