Câu ca dao đã đi vào lòng người dân cả nước cũng như kiều bào nước ngoài mỗi khi xuân qua, hè về nhắc nhở chúng ta về một lễ hội tưng bừng tưởng nhớ một thời kỳ lịch sử từ thuở lập nước xa xưa. Nhân dịp Quốc Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Elle Việt Nam mời các bạn tìm hiểu thêm về hành trình về miền đất Tổ Phú Thọ nơi tọa lạc quần thể di lích lịch sử văn hóa lễ hội rực rỡ này.
Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu (Phú thọ) là quần thể di tích lịch sử quốc gia, ghi dấu tích các Vua Hùng buổi ban đầu dựng nước, gắn với những huyền thoại được lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành niềm tự hào của dân tộc ta. Đền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.
Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh. Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 đến thành phố Việt Trì (84km) đi tiếp khoảng 10km đến ngã ba Hàng rẽ về bên trái 3 km là đến khu di tích. Người dân hành hương về đất Tổ không hề có sự phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm khảm họ đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng. Bởi vậy, hễ ai là người Việt Nam nếu có sẵn tâm thành và lòng ham muốn hành hương về đất Tổ thì tự mình có thể thực hiện ước nguyện chính đáng đó một cách dễ dàng và thuận tiện.
Ðền Hạ: Từ chân núi Hùng rẽ qua Ðại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa (Thiên Quang tự). Ðền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.
Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản thủ đô có nói chuyện với chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ðền Trung: Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp tết.
Ðền Thượng: Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng, nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.
Ðền Giếng: Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Ðông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.
Lăng vua Hùng: Tương truyền là mộ vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh giặc Ân bay lên trời, vua Hùng đã hoá ở đây. Trước cửa đền có mọc loại cây lạ mọi người thường gọi là Cây Rà Đẹt Đền Hùng có hoa đẹp màu vàng cam sặc sở và đặc biệt là hoa mọc từ thân nên rất hợp trồng làm cây cảnh, trồng trong đền chùa, hoa nấu canh ăn ngon, vỏ cây có tác dụng chữa nhiều bệnh.
Bảo tàng Hùng Vương: được xây dựng tương đối lớn trưng bày nhiều hiện vật thời kỳ Hùng Vương dựng nước qua nền văn hoá thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt…
Lễ hội đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng. Lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Cũng như mọi lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, ở lễ hội đền Hùng gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội.
Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội:
Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương.
Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.
Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như những cuộc thi hát xoan, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
Từ năm 2001, giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc lễ. Từ năm 2007, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội đền Hùng những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Các năm chẵn sẽ có quy mô ở các cấp trung ương. Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như thành phố Hồ Chính Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Ngoài việc hành hương, khấn vái, tham dự các lễ hội, khách thập phương cũng có thể mua rất nhiều đồ lưu niệm đẹp về tặng cho bạn bè người thân để chia sẻ niềm may mắn và hạnh phúc cho mọi người
—
Xem thêm
10 địa điểm du lịch đẹp nhất mùa Thu-Đông Việt Nam
Du lịch Phan Rang – Thăm khu mộ người Chăm & đàn cừu duy nhất Việt Nam
Nhóm thực hiện