Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat: Ngôi đền Banteay Chhmar
Trong kiến trúc các đền đài thuộc nền văn minh Angkor, Banteay Chhmar có lối kiến trúc Bayon quen thuộc nhưng lại mang rất nhiều mảng điêu khắc lạ trên các vách tường thành.
Banteay Chhmar cách Angkor Wat khoảng 160km theo hướng Tây Bắc, thuộc tỉnh Banteay Meanchey, có niên đại vào khoảng thế kỷ 12 do vua Jayavarman VII (1125 – 1218) xây nên để tưởng niệm người con trai tử trận trong cuộc chiến với đạo quân Champa. Sự tích của cuộc chiến được miêu tả tỉ mỉ và chi tiết trong điêu khắc ở mảng tường phía Đông, ngay cổng vào chính của đền. Đây là hình ảnh hiếm hoi về trận thủy chiến đầu tiên của Jayavarman VII với quân Chămpa, sự kết hợp hai phương cách chiến đấu bộ binh và thủy binh của Jayavarman VII đã đem lại chiến thắng vẻ vang. Tích truyện từ mảng điêu khắc chiến binh của Jayavarman VII trên thuyền ở Banteay Chhmar cũng chính là câu chuyện hình thành sự tích đua ghe ngo của người Khơme được lưu truyền cho đến ngày nay.
Banteay Chhmar mang phong cách kiến trúc Bayon, với ước tính có đến 50 tòa tháp lớn nhỏ, nhưng kiến trúc nguyên bản của ngôi đền nay đã sụp đổ hơn 70%, chỉ còn lại một số ít các tháp lớn, trên đó là nụ cười bí ẩn cùng ánh mắt khép hờ quen thuộc của gương mặt Bayon – tương tự như đền Bayon trong quần thể Angkor Wat, Siem Riep. Có nhiều lý giải cho rằng vẻ đẹp bí ẩn của gương mặt Bayon cũng chính là chân dung của Jayavarman VII. Giả thuyết khác cho rằng đây là gương mặt của đức Phật, vì Jayavarman VII là vị vua duy nhất của đế chế Khơme tôn thờ Phật.
Riêng trong quan niệm dân gian, người Campuchia tin rằng vua Jayavarman VII là vị Phật sống, có năng lực đi lại như các vị thần, dùng quyền năng siêu nhiên của mình để xây nên các đền đài kỳ vĩ nhất trong nền văn minh Angkor như Ta Prohm, Preah Khan, Bayon, Angkor Thom, Neak Pean. Ông cũng là người tiếp bước vua Suryavarman II hoàn thiện công trình Angkor Wat kỳ vĩ. Các học giả nghiên cứu về văn minh Angkor thống kê rằng tổng số lượng các công trình do vua Jayavarman VII xây dựng bằng tất cả các triều vua khác ở thời kỳ Angkor gộp lại.
Khác với các công trình đền đài vốn thường được xây lên để phục vụ mục đích thờ tự, Banteay Chhmar lại mang ý nghĩa tưởng niệm, thế nên trong mỹ thuật trang trí và điêu khắc, Banteay Chhmar sử dụng hầu hết các hình ảnh miêu tả thực tế cuộc sống hơn là các mô típ trang trí theo thần thoại với hình ảnh quỹ dữ, thần tiên, thiên đàng, hạ giới… trích từ sử thi Ramayana hay Mahabharata quen gặp trong kiến trúc đền thời Angkor.
Dấu ấn về lịch sử chiến tranh giữa hai đạo quân Chămpa và Khơme
gần như hiện hữu đủ ở cả bốn mặt tường thành, từ việc vận dụng thủy binh và bộ binh với những màn giao tranh tàn khốc ở tường thành phía Đông, bức tường phía Nam là những hình ảnh về chiến thắng vẻ vang của đạo quân Khơme trước kẻ thù, tường thành phía Bắc là hình ảnh chiến đấu anh dũng của vua Jayavarman VII và hoàng tử… Có thể nói, những bức tường đá ở Banteay Chhmar thực là những trang sử đầy sinh động, vừa cụ thể, vừa chi tiết, nhưng cũng ẩn chứa đầy huyền bí mà cho đến nay vẫn chưa được giải mã toàn vẹn.
Do tách biệt hẳn với các công trình khác trong quần thể Angkor, Banteay Chhmar rất hiếm lữ khách viếng thăm. Sự hoang vu, thanh
vắng càng khiến những đổ nát, cổ kính, trầm mặc trên các mảng tường điêu khắc độc đáo ở Banteay Chhmar thêm huyền bí và hấp dẫn.
—
Xem thêm
Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt – Nỗi u hoài về thời gian đã mất
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE