Lifestyle / Du lịch

Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat – Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey

Kỹ thuật điêu khắc trên đá của ngôi đền xây từ năm 967 cho đến nay vẫn là một tuyệt tác nghệ thuật, từng nét chạm trổ ở Banteay Srey được cho rằng gần với kỹ thuật chế tác kim hoàn hơn là điêu khắc trên nền đá.

Trong tất cả kiến trúc đền đài thuộc nền văn minh Angkor, Banteay Srey có khá nhiều điểm đặc biệt. Nếu nói về chất liệu, đây là ngôi đền duy nhất được xây dựng hoàn toàn bằng đá sa thạch đỏ – một nguyên liệu hiếm so với đá sa thạch xanh, đá ong và đá núi lửa (thường gặp trong kiến trúc phổ biến ở các công trình của thời kỳ Angkor).

Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey 1
Mảng điêu khắc Indra cưỡi voi Airavata phun nước thần cứu thế gian khỏi cơn thịnh nộ của thần lửa Agni.

Ở đế chế Khơme, việc quan trọng nhất của các vị vua khi lên ngôi là xây đền đài làm nơi thờ tự, hoặc trở thành làm lăng mộ sau khi băng hà. Thế nhưng, chỉ riêng Banteay Srey là ngôi đền duy nhất không phải do các triều vua xây dựng, mà là do một đạo sĩ Bàlamôn thực hiện làm món quà dành tặng vua trị vì là Jayavarman V. Đền xây nên thờ vị thần chính là Shiva, một trong tam thần trọng yếu nhất của Hindu giáo (hai vị thần còn lại Vishnu và Brahma).

Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey 2
Rắn thần Naga, chim thần Garuda, cùng mảng điêu khắc Brahma cưỡi ngỗng Hamsa trên tháp thờ thần Brahma.

Theo sử ký, ban đầu Banteay Srey có tên gọi Tribhuvanamahesvara
(nghĩa là đền thờ ba đấng tối cao của Hindu giáo), nhưng dựa vào các mảng điêu khắc tiên nữ đứng duyên dáng trên vách đá, được cho là biểu trưng của vẻ đẹp người phụ nữ dưới thời kỳ Angkor, nên tên đền được chuyển thành Banteay Srey (nghĩa là vẻ đẹp của ngôi đền người phụ nữ).

Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey 3
Các chi tiết điêu khắc chính ở Banteay Srey đều được trích từ sử thi Mahabharata và Ramayana của Hindu giáo.
Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey 4
Hình ảnh tiên nữ mang vẻ đẹp biểu trưng của thời kỳ Angkor trên vách đền Banteay Srey.

Điểm ấn tượng khi đứng trước ngôi đền Banteay Srey là hầu hết các
mảng tường đá của đền đều được trang trí bằng nghệ thuật điêu khắc, miêu tả những tích truyện thú vị trong sử thi Mahabharata và Ramayana.

Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey 5
Vẻ đẹp của Banteay Srey được cho là không thể diễn tả hết được bằng ngôn ngữ cuộc sống

Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey 6

Người xem thấy ở đó câu chuyện tình yêu của anh hùng Rama ngồi bên nàng Shita trong sử thi Ramayana, phía dưới là ánh mắt ghen tị của quỷ vương 10 đầu Ravana đang rắp tâm chiếm đoạt Sita về làm vợ. Hay bức điêu khắc thần Krisna – một hóa thân của Vishnu trong sử thi Mahabharata – xuống hạ giới để trừ diệt vị hoàng tử bất hiếu Kamsak.

Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey 7

Tìm hiểu Quần thể Angkor Wat Tuyệt mỹ về điêu khắc ở đền Banteay Srey 8
Không đồ sộ, bề thế nhưng Banteay Srey là đại diện hoàn hảo cho nghệ thuật trang trí trên đá thời kỳ Angkor.

Ở tòa tháp chính thờ thần Shiva, hình tượng vị thần đang thể hiện vũ điệu hủy diệt Ravanda với những đường nét uyển chuyển, sống động như đang chuyển bước ra khỏi vách đá của đền. Những mảng điêu khắc còn miêu tả về các vị linh thần khác như thần Brahma cưỡi ngỗng Hamsa, thần Shiva và vợ là nàng Uma, nữ thần sắc đẹp Laksmi,hình tượng tướng khỉ Hanuman, cả mảngđiêu khắc về đời sống xã hội dưới sự cai trị của triều vua Jayavarman V, câu chuyện quỷ vương Ravana bắt cóc nàng công chúa Sita ra đảo Lanka… Đan xen là những đồ án trang trí hoa dây, hình tượng rắn thần Naga, thần gió Rahu… đều là những chi tiết thể hiện kỹ thuật đỉnh cao trong điêu khắc đá. Người ta cho rằng, chỉ có niềm tin tối thượng vào các vị thần linh mới đem lại những cảm xúc thăng hoa để nghệ nhân thời Angkor tạo nên tuyệt tác về điêu khắc ở Banteay Srey khiến hậu thế hôm nay phải nghiêng mình thán phục.

Xem thêm

Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt – Nỗi u hoài về thời gian đã mất

Nhà thờ Cha Tam và kiến trúc Gothic ở Chợ Lớn

Đường cong hội quán Phước Kiến

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)