Toronto – Trái tim đa văn hóa của Canada
Một ngày đầu tháng 5/2023, chuyến đi vượt đại dương đến thăm một trong những thành phố bận rộn nhất xứ sở lá phong yên bình. Toronto là trung tâm công nghệ lớn thứ ba khu vực Bắc Mỹ, sau Thung Lũng Silicon và New York. Là một người cực kỳ yêu thích công nghệ và du lịch trải nghiệm, tôi thực sự mong đợi những điều thú vị đang chờ mình khám phá phía trước.
Thành phố ban đầu được người Anh đặt tên là “Town of York” khi mới thành lập năm 1793, thanh bình nằm kế bên hồ Ontario rộng lớn và từ đó dần trở nên nổi bật vì sự du nhập các nền văn hóa đa dạng từ khắp nơi trên thế giới. Theo chân những gợi ý từ ứng dụng Yelp, tôi rảo bước trên những con phố độc đáo ở khu Little Italy, một trong những cộng đồng nổi bật nhất vì nét văn hóa rất đặc trưng từ kiến trúc của những dãy nhà song lập theo phong cách Victorian, đặc biệt là văn hóa caffetteria và những quán bar mang đậm chất Ý.
Ngồi dưới mái hiên của nhà hàng nhỏ Kalendar trên phố College, tôi bắt đầu nhâm nhi một ly Negroni truyền thống được trang trí với một miếng vỏ cam bắt mắt. Tôi để ý thấy bàn cạnh bên có một cặp vợ chồng già đang ngồi bên nhau tận hưởng ly rượu vang trắng và món pasta yêu thích của họ. Bất chợt, trong lòng tôi cảm thấy thật thư giãn, đúng như cách mà người Ý vẫn thường nói với nhau là “La Dolce Vita” hay “La Pausa” để thể hiện sự tôn trọng việc nghỉ ngơi và cảm nhận trọn vẹn “cuộc sống ngọt ngào”.
Các hàng quán ở Canada thường được mở rộng ra vỉa hè, cả khu chợ ngoài trời và trong nhà đều chật kín với cá tươi, thịt muối và phô mai thơm phức. Tất cả những hoạt động này khiến nơi đây trở thành một địa điểm lý tưởng để quan sát nhịp sinh hoạt hằng ngày của con người trong khi thưởng thức một ly cappuccino nóng hoặc một miếng pizza ngon lành tại một trong những nhà hàng dọc theo khu phố. Thật khó để có thể trải nghiệm đầy đủ sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa cởi mở ở Toronto khi thành phố là nhà của 250 cộng đồng sắc tộc lớn nhỏ khác nhau và hơn 170 ngôn ngữ đang được sử dụng như theo lời dẫn của Anthony Bourdain, đầu bếp và ngôi sao truyền hình nổi tiếng người Mỹ.
THÀNH PHỐ KHÔNG NGỦ
Đi bộ dọc trên đường Bay và Front trong khu trung tâm tài chính, tôi thấy mình lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời cao vút nằm san sát nhau với thiết kế có sự pha trộn tuyệt vời giữa nét kiến trúc hiện đại tối giản của Mies Van Der Rohe – NTK nổi tiếng với câu nói “less is more” – và sự lịch lãm vốn có của thành phố. Dễ dàng nhận thấy phong cách thiết kế cách tân đặc trưng này dường như rất phổ biến với những công trình lớn nhỏ đan xen chi chít cùng chất liệu chủ yếu là thép và xà gồ, mang đến cảm giác thật mạnh mẽ và hùng vĩ, nhưng đâu đó vẫn ẩn hiện nét chấm phá duyên dáng không ngờ mang tính biểu tượng của Toronto.
Được xây dựng từ 1975 với độ cao 533,33m, tháp CN có thể không phải là kiến trúc sáng tạo hay thể hiện được trọn vẹn trí tưởng tượng của Toronto, nhưng gần như ở mọi ngõ ngách nào của thành phố cũng đều có thể nhìn thấy được tòa tháp cao vượt trội tọa lạc ngay chính giữa khu trung tâm, mà kế bên là sân vận động BMO Field náo nhiệt vào mỗi trận bóng cuối tuần. Càng khám phá thành phố thú vị này, tôi càng cảm nhận được thật nhiều sự dễ thương nho nhỏ dành cho mình, một lữ khách đến từ phương xa. Tôi thường bị mất phương hướng khi bước ra khỏi đường hầm tàu điện ngầm và tòa tháp CN luôn là vị cứu tinh đáng tin cậy.
Thành phố Toronto của Canada dường như không bao giờ ngủ mà luôn rộn ràng tấp nập cả ngày lẫn đêm, vây xung quanh là rất nhiều công ty công nghệ ở các khu phố nổi tiếng như Liberty Village và Distillery District. Đặc biệt, tôi cảm thấy choáng ngợp với sự đầu tư của thành phố và tỉnh bang Ontario khi ghé thăm khu phức hợp dành cho các start-up công nghệ và các công ty đổi mới sáng tạo MaRS Discovery District trên đường College, được đi vào hoạt động từ 2005. Theo báo cáo gần nhất, các công ty start-up ở MaRS đã gọi vốn được trên 10 tỷ USD với nguồn thu đem lại khoảng 7 tỷ USD.
Hơn một nửa trong số 250 công ty công nghệ hàng đầu tại Canada đặt trụ sở tại Toronto với các tập đoàn toàn cầu lớn như Google, Facebook và Microsoft đều có văn phòng tại khu trung tâm. Sự hiện diện của những công ty này là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ tại Toronto với khoảng 168.000 người đang làm việc tại hơn 15.000 công ty công nghệ ở Great Toronto Area (GTA), đóng góp hàng tỷ USD mỗi năm vào GDP của Canada.
Tôi tiếp tục tìm đến Toronto Harbourfront, khu bến cảng truyền thống ở trung tâm, nơi thể hiện mối quan hệ văn hóa và tâm linh độc đáo đối với đất và nước theo truyền thống của người bản địa Anishinabeg, Haudenosaunee và Wendat. Từ đây, tôi phóng tầm mắt ra Vịnh Ontario vĩ đại và gần như không tìm thấy được đường chân trời. Vịnh Ontario ôm trọn thành phố Toronto và các thành phố lân cận trong vòng tay của mình, là một trong ngũ đại hồ nổi tiếng giao thoa giữa Canada và Hoa Kỳ. Ở một thành phố nhộn nhịp như thế này, thật tuyệt vời khi dừng chân tại một tiệm craft beer và Amsterstam Brewhouse là một địa điểm không thể lý tưởng hơn. Tôi gọi một cốc bia IPA mát lạnh, thư thả ngắm nhìn thành phố và khu bến cảng lung linh vào buổi chiều tà bên cạnh quầy bar.
THÀNH PHỐ CỦA HOA & NGHỆ THUẬT
Sinh ra từ xứ sở ngàn hoa Đà Lạt nên đi đâu tôi cũng sẽ tìm đến những mảng xanh để được hòa mình với thiên nhiên và tản bộ, hít thở không khí trong lành, ngắm cây cảnh xung quanh. Hành trình đến thăm Toronto lần này cũng vậy, nhưng thật bất ngờ là giữa những khu phố mênh mông, triền miên từ Đông sang Tây lại có rất nhiều công viên rộng bát ngát, được chăm sóc rất tỉ mỉ và cẩn thận. Tôi bỗng như lạc bước trong khu công viên trung tâm rộng lớn nhất thành phố, công viên High Park.
Thật may mắn khi tôi đến đây vào đúng mùa hoa anh đào nở rộ. Trên triền đồi đi xuống gần ao vịt, trước mắt tôi là ngập tràn những cây anh đào Nhật Bản, được cộng đồng người dân Tokyo trồng trong khu vườn Hillside. Những cánh hoa anh đào nhẹ nhàng rơi xuống trắng xóa một đoạn đường, phía trên là những cành hoa chi chít cuộn tròn như những khối bông gòn màu hồng nhạt khổng lồ, lơ lửng bay trên không trung. Tôi thầm nhớ về những kỷ niệm thật đẹp với ba mẹ ở thành phố Kyoto cũng vào một ngày cuối Xuân, khi dọc con kênh là dòng nước trong vắt, ánh nắng chiều dịu dàng, những cô cậu học trò vừa tan trường, thư thả ngồi dưới tán hoa đào trò chuyện cùng nhau, thật bình yên và đẹp như tranh vẽ.
Người dân Toronto thường rất chăm chút cho những mảnh vườn nhỏ trong khuôn viên nhà mình và dường như góc phố nào tôi đi qua cũng đều ngập tràn những khóm hoa đủ màu khoe sắc dưới ánh nắng rực rỡ của mùa Hè. Tôi đặc biệt ấn tượng với khóm hoa tulip ở gần trường Đại học Toronto mà chụp góc máy nào cũng lung linh lạ thường. Đó là lý do tôi không cảm thấy bất ngờ khi ngoài văn hóa đa dạng, Toronto cũng là một trong những cái nôi nghệ thuật lớn của khu vực Bắc Mỹ. Rất nhiều nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới ghé thăm và trình diễn nghệ thuật ở đây hằng năm.
Hành trình lần này đưa tôi đến Music Garden bên cạnh Vịnh Ontario, một dự án âm nhạc ngoài trời với rất nhiều màn trình diễn đặc sắc từ cổ điển đến đương đại. Tôi ngồi mê đắm nghe những thanh âm jazzy từ giọng ca trầm ấm của Beau Dixon và ngón đàn keyboard thật điêu luyện của anh. Beau Dixon là một nghệ sĩ đa tài, anh đảm nhận vai trò giám tuyển, đạo diễn, giám đốc âm nhạc, ca sĩ kiêm nghệ sĩ đàn keyboard và nghệ sĩ harmonica cho chuỗi dự án âm nhạc nổi tiếng Freedom 2.0: Black Music That Shaped The Dream Of America, một chương trình hấp dẫn và gần gũi khám phá những âm thanh của blues, gospel, reggae, soul và jazz, cũng như ảnh hưởng của âm nhạc người Mỹ gốc Phi đối với nền văn minh phương Tây trong thời kỳ Phong trào Tự do và thời kỳ quyền công dân. Tôi bị cuốn hút từ cách trình diễn như kể chuyện của anh qua các tác phẩm của nhạc sĩ, nhà thơ và những nhà hoạt động vì cộng đồng như Martin Luther King Jr., Stevie Wonder, James Baldwin và Maya Angelou, bắt đầu bằng bản nhạc bất hủ Love’s In Need Of Love Today rồi tiếp nối bằng tiết tấu nhanh và sôi động của I’m A Black Man In A White World, hay sự ngọt ngào, chậm rãi mà sâu lắng của bản To Be Young, Gifted and Black.
Thật sự, Toronto đã đưa tôi qua rất nhiều cung bậc của cảm xúc khác nhau, một Canada muôn màu hứa hẹn sẽ còn nhiều hơn nữa những bản tình ca và âm hưởng đối lập tại những thời điểm khác nhau trong năm và tôi sẽ phải quay trở lại vùng đất này vào một ngày không xa, khi toàn thành phố ngả màu đỏ rực của lá phong mùa Thu hay những bông tuyết trắng muốt phủ khắp phố Yonge hoa lệ.
Bài: Nhã Nguyễn
Ảnh: Nhã Nguyễn, tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE