Trái tim của Sơn Đoòng

Đăng ngày:

Thiên nhiên tạo ra Sơn Đoòng kỳ vĩ và thần bí, nhưng chính con người làm cho bậc thềm cổ đại này có khả năng lay động trái tim. Đến rồi không chỉ choáng ngợp mà còn yêu thương. Bạn có tin vào thế giới song song, tin rằng con người rồi sẽ quay trở lại sống trong hang động? Tin rằng có một nỗi nhớ mang tên “ngọn núi của bản Đoòng”.

KHÔNG CHỈ LÀ HANG ĐỘNG LỚN NHẤT

Tôi đã nghe tất cả những mỹ từ kinh thiên động địa nhất mà truyền thông dành cho Sơn Đoòng. Rằng đó là một kỳ quan lộng lẫy, là hang động lớn nhất hành tinh, đủ cao để chứa một tòa nhà chọc trời 40 tầng, đủ rộng để ôm trọn một chiếc Boeing 747, kết cấu đá vôi triệu năm làm rúng động các cơ quan thông tấn quốc tế từ Nat Geo, The New York Times, ABC News đến xuất hiện trong hàng loạt bộ phim bom tấn về đề tài viễn tưởng hay các MV ca nhạc trăm triệu view.

Sơn Đoòng hố sụt 2

Từ hố sụt 2 nhìn lên là một vòm trời phủ sương mờ ảo bên trên khu rừng nguyên sinh phát triển ngay trong lòng hang.

Sơn Đoòng không chỉ được chú ý về độ lớn mà điểm đặc biệt nhất của nơi này chính là thế giới độc đáo bên trong hang như thể được sắp đặt bởi một thế lực lớn lao nào đó cách đây 5 triệu năm. Có một thế giới riêng, tồn tại song song với thế giới trên mặt đất của chúng ta. Sự sống nơi vạn dặm sâu thẳm ấy chứa tầng tầng lớp lớp thạch nhũ khổng lồ muôn hình vạn trạng như cuộc chơi kỳ bí nhất của bàn tay vô hình, chứa cả rừng cây nguyên sinh với những tầng lớp màu xanh thẫm các sắc độ, trái gì bé xíu trắng toát như tuyết, một hệ sinh thái địa chất địa mạo riêng, thời tiết riêng biệt độc lập, và dòng sông ngầm bí ẩn chảy trôi lạnh lẽo trong màu xanh ngọc lục bảo và độ trong suốt rợn người.

Nếu bạn không có một tấm ảnh trên thạch nhũ có hình dáng như Bánh Cưới, có lẽ người ta không tin bạn đã đến Sơn Đoòng. Thạch nhũ xếp tầng ấy nằm ở hố sụt 1 có tên Vọng Khủng Long. Hố sụt là đặc sản của nơi này. Đó là những nơi mà sự bào mòn quá dữ dội khiến vòm hang bị sập xuống tạo nên những giếng trời đầy ánh sáng, từ đó thực vật sinh sôi xanh rì. Ngỡ rằng hang động gắn liền với bóng tối vĩnh cửu, nhưng không, ánh sáng và gió tràn ngập khiến thảo bì sinh, rêu tảo, thân leo, thân gỗ lớn nhỏ mọc thành từng tầng lục thẫm giữa dốc đá, giữa im ắng không lời. Và ở nơi bóng tối chiếm thế thượng phong ấy, cá – mọt ẩm – cuốn chiếu – nhện – bọ cạp sinh ra và thích nghi bằng cách trở nên trong suốt và không có mắt.

chị ngọc đi sơn đoòng

Một tấm ảnh trên thạch nhũ Bánh Cưới là minh chứng cho bất cứ ai đã đến Sơn Đoòng

Sơn Đoòng vọng khủng long

Chùm nắng sớm rọi xuống Vọng Khủng Long, gần đó là là bãi trại hố sụt 1.

Hố sụt 2 “Garden of Edam” – Vườn Địa Đàng là một cánh rừng nguyên sinh ngay bên trong lòng hang Sơn Đoòng. Trèo qua vô số dốc đá sâu thăm thẳm như cà phê pour-over, bỗng hiện ra trước mắt là tầng lớp bậc thang bên trên mọc vô số cây cổ thụ cao 40-50m, bạt ngàn rêu, dương xỉ cùng nhau dệt thảm, là trái gì giống hệt đào đông nhưng lại trắng như tuyết bé xíu. Hệt như khung cảnh của địa đàng nguyên sơ, bước lên mãi, lên mãi trên con đường duy nhất nhỏ hẹp mờ sương giữa rừng, trên đầu là bầu trời qua miệng hang kỳ lạ, xung quanh là rừng rậm thành hình nơi tầng sâu địa chất. Ta có thể tìm thấy sự sống ở nơi không bao giờ ngờ đến, và sự sinh sôi đó đẹp hơn mọi giới hạn của trí tưởng tượng con người.

Sơn Đoòng vườn địa đàng

Lối lên Vườn Địa Đàng ở khu vực hố sụt 2.

NHÌN VÀO MẮT NỖI SỢ

Đi xuống hay đi lên vách núi đáng sợ hơn? Bạn sẽ sợ cảm giác gieo mình xuống bóng tối hơn hay sợ cảm giác cố gắng leo lên mặt phẳng thẳng đứng hơn? Dù lên hay xuống thì sau lưng vẫn là vực sâu hun hút. Khi người ta run sợ sẽ có khuynh hướng co cụm cơ thể lại. Nhưng kỳ thực, để leo núi, bạn lại cần giang hai chân rộng bằng vai và ngửa người ra sau, giao mình cho chính bóng tối mà bạn đang sợ hãi. Chỉ cần đừng bao giờ buông tay và biết rõ điểm đặt từng bước chân nhỏ, rồi sẽ qua.

Hành trình khám phá Sơn Đoòng đòi hỏi kỹ thuật đi dây trong hang gần như mỗi ngày. Đội ngũ chuyên gia – trợ lý an toàn sẽ tạo ra những hệ thống dây để du khách có thể dùng lực của đôi tay, sức bám của đôi chân vượt qua những đoạn đường kịch tính. Để đặt chân xuống lòng hang, bạn sẽ cần phải đu dây xuống vách Loọng Con trơn trượt nhẵn thín, để ra khỏi hang sẽ phải đu dây lên Bức Tường Việt Nam là tảng nhũ đá trơn bóng cao 90m từ dốc đứng đến 90 độ, xen giữa hành trình sẽ là nhiều lần đu dây qua sông ngầm chảy xiết trong bóng tối, đu mình lên những vách đá cheo leo sau lưng là vực thẳm.

Người ta nói đoạn vượt qua Bức Tường Việt Nam là thót tim nhất hành trình. Bởi khối đá nằm chôn chân trong nước lạnh, như một chảo mỡ trơn trượt thử thách đôi tay đôi chân và tâm lý lì lợm của lữ khách, trước mặt là thăm thẳm dựng đứng, sau lưng là hành lang Passchendaele vào mùa Xuân nước dâng đã biến thành một mặt hồ xanh như mắt mèo. Bạn đừng nhìn lên, cũng đừng nhìn xuống, hãy chỉ tập trung vào từng bước chân, từng nhịp thở, gạt bỏ mọi suy nghĩ, chẳng còn nỗi sợ nào cũng không còn tiếng nói nào, hãy chỉ dựa vào đôi tay và sự tĩnh lặng của chính mình.

Sơn Đoòng hành lang passchandaele

Hành lang Passchendaele là hồ nước bên dưới Bức Tường Việt Nam, có chiều dài hơn 600m.

Sơn Đoòng bức tường Việt Nam

Bức Tường Việt Nam – bức tường thạch nhũ cao 90m ở cuối hang Sơn Đoòng.

Nhưng với tôi, Bức Tường Việt Nam không đáng sợ bằng “hàng rào” – quãng đường sau đó để ra khỏi khu rừng cửa sau hang Sơn Đoòng. Đoạn đường gồm miên man đá tảng chờ người sảy chân nối liền với cánh rừng ướt sũng nước mưa đầy đá tai mèo sắc như ngàn mũi dao phủ đầy rêu xanh trơn như bôi mỡ, dốc thẳng xuống. Một bước chân lạc nhịp có thể trả giá bằng chấn thương dập nát. Tôi đi bằng tay, chân và bằng… vòng 3. Các anh em trợ lý an toàn trêu rằng tôi làm mòn hết đá Sơn Đoòng rồi. Kỳ thực, tôi nghĩ đó là cách leo hang leo đá khá phù hợp với phụ nữ, khi thấy không chắc chắn thì cứ hạ trọng tâm xuống mà đi thôi.

Bù lại, phần thưởng cuối mỗi ngày bầm trầy trèo đá đu dây là 3 đêm độc nhất vô nhị trong cuộc đời mỗi người: ngủ trong những hang động 3 đến 5 triệu năm tuổi. Tôi nghĩ mình đã ngủ trong những căn phòng khách sạn xa hoa ở nhiều đô thị lấp lánh trên toàn cầu: Tokyo, San Francisco, Paris, Vienna hay cả Marrakesh. Nhưng không sự xa xỉ nào đáng tự hào bằng phòng ngủ bốn bề là thạch nhũ đá vôi được tạo ra bằng sự đứt gãy của dãy Trường Sơn và bị dòng nước sông Rào Thương ăn mòn qua hàng triệu năm. Buổi sáng thức dậy trong Hang Én, nhìn về miệng hang trên cao, chúng tôi chờ đợi chùm ánh sáng khổng lồ chiếu thẳng vào lòng hang, rọi xuống mặt hồ xanh biếc như ngọc tạo thành một cảnh quan như lối lên thiên đường.

Sơn Đoòng hành trình khám phá

Hành trình khám phá Sơn Đoòng đòi hỏi kỹ thuật đi dây trong hang gần như mỗi ngày.

Người ta sợ hang sâu tăm tối, nhưng biết đâu ở chính nơi thăm thẳm đó lại thấy ánh sáng mạnh mẽ chói lòa nhất.

Đường về bãi trại hố sụt 1 – “căn phòng ngủ” thứ hai của hành trình, đi qua măng đá tự nhiên Hand Of Dog. Tôi nhìn thì thấy giống hình ảnh khuôn mặt một… mụ phù thủy hơn. Khối đá cao 60m đứng trơ trọi giữa thinh không. Sao có thể cao đến vậy? Là do vòm hang cao 100m, hàng trăm ngàn năm mải miết nhỏ nước muối mang canxi vào đúng một điểm tạo nên hình thù mà ai cũng sẽ có một tưởng tượng riêng.

Mọi người nói với nhau gì đó về nắng mưa. Anh Đức Dũng – chuyên gia an toàn của đoàn, bảo: “Nắng mưa cũng có sao đâu. Cái hang như ngôi nhà ấy mà”. Chúng tôi nấu ăn, nhóm lửa, uống cà phê và mơ mộng trong ngôi nhà đó. Dòng chảy tiến hóa đưa cư dân thượng cổ rời xa hang động. Chúng ta gắn liền hình ảnh hang đá với bóng tối, u mê, bất tiện, với “ăn lông ở lỗ”. Nhưng thật ra, hang động là nơi trú ẩn an toàn, che chở con người khỏi thời tiết khắc nghiệt và thú hoang. Đêm ở bãi trại hố sụt 2, xung quanh là những mảng đá vôi đủ hình thù im lìm, vòm hang tạo hình như trần nhà thờ, phóng mắt ra xa kia là vườn địa đàng ban chiều bảng lảng sương mờ, đêm đến rắc những vì sao như thủy tinh. Đêm ngủ trong hang im lặng đến vang vọng, một giọt nước rơi cũng nghe tiếng thánh thót. Người ta bảo trong hang này khoảng từ 3 đến 4 giờ sáng đôi khi nghe tiếng đập cánh của một loài chim khổng lồ. Cuộc sống như lùi lại hàng vạn năm. Như trong những mẩu chuyện.

Sơn Đoòng ngủ qua đêm tại hang động

Ngủ qua đêm trong hang là một trải nghiệm độc nhất vô nhị.

NIỀM TỰ HÀO CỦA ĐẠI NGÀN

Hành trình khám phá Sơn Đoòng đang được xem là tour du lịch đắt nhất Việt Nam. Để phục vụ 10 lữ khách, cần một đội ngũ 26 người gồm 1 chuyên gia an toàn, 1 hướng dẫn viên, 6 trợ lý an toàn, 2 đầu bếp và đội ngũ porter mang vác hành lý dụng cụ. Với tôi, những người con của sông Son đó đã làm nên phần hồn của Sơn Đoòng. Đặc điểm nhận dạng của họ là những đôi sandal cao su kiểu “dép rọ” dưới chân. Khi tôi mang một đôi giày trekking bạc triệu thì họ chỉ cần đôi dép rọ đó để vượt mọi địa hình hiểm hóc nhất dù là đá tai mèo, rừng nguyên sinh hay vách hang mỏm núi nào thách thức. Nhìn họ làm chủ địa hình, leo núi đi hang thong dong như người ta đi dạo công viên mà cảm thấy tự hào về bản lĩnh Việt Nam.

Họ thông thuộc địa hình vùng núi quê hương, là những “cao thủ đi rừng” đưa bàn tay rắn rỏi như sắt đá nâng đỡ tôi trong những bước chân yếu mềm lạc nhịp. Hiền lành, hài hước, đầy động viên: “Đến đây rồi thì phang tất đi chị”, “Em sẽ đưa chị ra khỏi khu rừng này an toàn”. Mấy ngày liền nghe tiếng Quảng Bình, ban đầu không hiểu sau lại thấy êm ái như thơ. Các hệ thống dây trong hang cũng do họ lắp đặt, điều khiển, tất cả để bảo đảm sự an toàn và tận hưởng cho khách thám hiểm. Tôi mang một chiếc ba lô nhỏ xíu trên vai và ì ạch leo. Họ gùi trên lưng cả bếp ga vào hang nấu ăn, cả đèn công suất lớn. Sự kỳ vĩ của Sơn Đoòng, những sắp đặt hùng tráng của thiên nhiên, độ sâu của hang, độ dốc của vườn địa đàng – làm sao tôi có thể thấy được trong bóng tối dưới hang sâu? Là do anh em trợ lý an toàn mang trên lưng đèn 43.000 lumen, đứng sẵn vào các vị trí thích hợp, đồng loạt bật đèn thắp sáng hang động để sự kỳ vĩ hiển lộ trước mắt người xem như một show diễn ánh sáng. Tất cả nhịp nhàng, mạnh mẽ mà nên thơ như trong một bản nhạc.

Sơn Đoòng đội ngũ dẫn đường

Chính đội ngũ dẫn đường đã làm nên phần hồn của tour thám hiểm Son Đoòng.

Rất nhiều trợ lý, porter của hành trình Sơn Đoòng xuất thân là phu trầm, dân đi rừng, hay lâm tặc. Oxalis Adventure đào tạo chính những người hiểu rừng nhất ấy trở thành đội ngũ dẫn đường đưa khách thám hiểm viên ngọc trong lòng Phong Nha. Cả hành trình khám phá hang là chuỗi ngày sống xanh, không một mảnh rác nào được ở lại, không có bất kỳ chất hóa học độc hại nào được xuống nước, những gì mang vào sẽ phải được mang ra. Du lịch bền vững, du lịch cộng đồng trở nên trực quan, sống động hơn bao giờ hết.

Tạo hóa ban cho Việt Nam một “kỳ quan nhất động” nhưng có lẽ chính những con người Việt mới làm cho kỳ quan trở thành một nỗi nhớ cho những ai đã từng đến. Có một cảm giác kỳ lạ của cuộc đời tên là “nhớ hang”. Có lẽ chỉ Sơn Đoòng mới có thể mang lại.

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Ngọc 

Ảnh: Oxalis Adventure

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more