Lifestyle / Du lịch

Trị An mùa thảnh thơi

bao lâu rồi bạn không nếm mùi cơm cháy từ nổi gang bếp củi? bao lâu rồi bạn lỡ hẹn với một hoàng hôn lấp lánh mơ màng? Đến hồ Trị An, chỉ đơn giản rời xa đô thị chật chội lo toan, để tâm trí được thảnh thơi cùng thiên nhiên an lành.

Cách TP.HCM chừng 70km, hồ Trị An là cái tên vừa quen, vừa lạ. Là một hồ nước nhân tạo nằm trên dòng sông Đồng Nai, hồ chính là nơi chứa nước chủ yếu của đập thủy điện Trị An. Mặt hồ yên ả với màu sắc thay đổi theo mùa, không gian trong lành lan tỏa từ phía rừng già. Đến đây, mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng và đơn sơ, cảm giác như được quay về với khoảng thời gian êm ả thời niên thiếu.

VỀ BÀ ĐẤT ÔN LẠI TUỔI THƠ

Từ Sài Gòn, chúng tôi đi dọc theo quốc lộ 1A về hướng sông Đồng Nai, khoảng hai giờ là đến xã Hiếu Liêm. Đi qua chợ, rẽ vào một con đường trải nhựa thoáng đãng, chúng tôi dừng lại trước cửa Bà Đất homestay tại Trị An, nơi có giàn hoa giấy nở hồng rực rỡ ôm lấy cổng chào.

Chúng tôi bước qua cánh cổng sắt, mảnh sân phía trước được che rợp bóng mát bởi hai cây sơ ri cổ thụ trĩu trịt trái xanh, trái đỏ, sỏi lạo xạo dưới chân. Trước mắt chúng tôi là mái ngói nâu lấp ló sau những tán lá xanh mơn mởn. Một khu vườn nhiệt đới hiện ra mát rượi lập tức xua tan cái nóng oi ả buổi trưa Hè. Xuống hết bậc thềm lát gạch xen kẽ rong rêu, cây cối san sát vương vít bước chân, chúng tôi đến một khoảng sân rộng có kê bộ bàn gỗ mộc dài, nằm ngay dưới hàng trầu bà rủ duyên dáng. Hai bên là hai khu nhà sàn đậm kiểu truyền thống miền Bắc. Từ chiếc cột gỗ to đến hàng rào phên nứa đều phảng phất hơi thở đồng quê ngọt ngào giản dị.

Trị An Bà Đất homestay

Bà Đất là nhà nghỉ địa phương theo phong cách eco đầu tiên của Trị An từ năm 2012. Người sáng lập là Hiếu, một người đàn ông có niềm đam mê thể thao đã từng sinh sống và làm việc nhiều năm ở Sài Gòn. Rồi một ngày Hiếu bỏ lại thành thị phía sau, gói ghém hành trang trở về mảnh đất của gia đình và khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch sinh thái tại Trị An. Anh mong ngôi nhà này trở thành nơi hạnh ngộ của những người bạn có cùng sở thích, để cùng nhau hàn huyên bên mâm cơm đồng nội, san sẻ những câu chuyện đời. Vậy là khu đất trống trải được trồng thêm cây xanh, dựng thêm dãy nhà sàn mới cho khách nhưng vẫn giữ nguyên chất Bắc Bộ với căn bếp đơn sơ và các vật dụng giản dị. Khu nhà rộng rãi nhưng lúc nào cũng được mẹ anh, người phụ nữ miền Bắc điển hình chăm sóc sạch sẽ gọn gàng. Bữa cơm tươm tất được hai chị khéo nấu lúc nào cũng nóng hổi, thơm ngon.

Bao năm qua Hiếu cùng mẹ và các chị vẫn không ngừng vun đắp cho ngôi nhà ngày một hoàn thiện, để ai đến đều mang cảm giác tạm xa phố thị đông đúc, tận hưởng những phút giây thư thái và tái tạo cảm xúc nguyên bản của chính mình.

Trị An homestay đậm chất Bắc Bộ
Homestay được xây dựng từ những nguyên liệu truyền thống mộc mạc đậm chất Bắc Bộ.

Bạn có thấy nao lòng không khi tôi nói rằng ở đây, vào buổi sáng sớm, khi thức dậy sẽ không thấy nhà cao tầng che khuất cửa sổ, không còn tiếng còi xe nhức nhối, chỉ có một màu xanh cây cối, tiếng chim hót rộn ràng, tiếng chó sủa đuổi gà chạy quanh gốc mít, tiếng chổi tre lào rào trong sân… Rồi bạn hít hà mùi ngai ngái của đất quyện cùng khói bếp củi, chợt nhận ra hương quê ấm áp quen thuộc làm sao. Thế là, cả một vùng trời tuổi thơ bỗng từ đâu tràn về làm khóe mắt cay cay.

Trị An món ăn nấu từ bếp củi
Món ăn đều được nấu từ bếp củi làm dấy lên hương vị cơm nhà.

Ở Bà Đất, thích nhất là được ăn cơm nấu bằng bếp củi. Vị ngon thật thà của cơm cháy giòn rụm và thức ăn nấu bằng nồi gang sao mà đậm đà. Rau củ đều được hái từ vườn nhà tươi ngon, ngọt mát. Chẳng đợi đến khi được gọi, cơm vừa dọn ra nóng hổi chúng tôi đã quây quần bên chiếc bàn gỗ ngoài trời, tranh nhau mẻ cơm cháy dưới đáy nồi rồi kể chuyện ngày xưa. Cánh hoa rơi li ti và nắng nhảy nhót trên đầu. Tiếng cười lanh lảnh xua tan cái nắng oi gắt ban trưa.

HOÀNG HÔN ĐÁNH RƠI BÊN HỒ

Từ Bà Đất homestay chỉ cần đi bộ thư thả khoảng hai cây số, xuyên qua con đường quanh co tĩnh mịch là đến đập Trị An. Con đường ấy càng trở nên thơ mộng hơn bởi những cây cao vươn nhánh dài, bởi hàng bông lau trắng muốt đung đưa trong gió. Từ trên đập, nhìn xuống bên này là khu rừng rậm rạp xanh bạt ngàn, phía bên kia là hồ nước rộng lớn phẳng lặng, dịu êm trong nắng.

Hồ Trị An được ví như dòng sữa chảy mát ngọt nuôi dưỡng cư dân toàn vùng miền Đông Nam Bộ. Mục đích ban đầu “là nguồn năng lượng tái thiết đất nước sau chiến tranh”, một công trình Xã hội Chủ nghĩa cuối cùng dưới sự giúp đỡ của nhưng người bạn chuyên gia và đất nước Liên Xô trong thời kỳ bước vào con đường hội nhập. Nhà máy được thiết kế với 4 tổ máy, công suất thiết kế 400 MW, sản lượng điện thiết kế trung bình hàng năm 1,7 tỷ kWh.

Trị An không gian thiên nhiên
Không gian trong lành khiến trong lòng cảm thấy an nhiên, sảng khoái.

Từ cao nguyên Lâm Viên, chảy qua bao thác gềnh, để trên bậc thứ 9 của dòng sông Đồng Nai thác Trị An, nhà máy thuỷ điện đã ra đời. Ngoài chức năng cung cấp điện, hồ như một cái máy điều hòa khổng lồ điều tiết khí hậu cho cả khu vực luôn mát mẻ trong lành. Hàng năm, nếu đi Trị An vào đúng dịp cúng Ông Táo, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến ngày hội thả cá nhằm tái tạo và gia tăng thêm nguồn thủy sản cho hồ. Đặc biệt hơn, từ tháng 7 đến tháng 9, bạn sẽ thấy ngỡ ngàng khi mùa tảo lục “nở hoa”, nước hồ được nhuộm xanh ngắt như một tấm thảm nhung tuyệt đẹp.

Chúng tôi đi men theo bờ hồ, chẳng ai nói với ai câu gì. Gió mát rười rượi và nắng chiều ngọt như màu mật ong rưới lên trảng cỏ. Rải rác đâu đó vài người ngồi bất động bên chiếc cần câu như đang suy tư về chuyện đời, chuyện người. Một cặp thuyền kayak khua mái chèo nhè nhẹ lướt qua. Đôi ba cánh diều chấp chới trên không trung được thả từ một bãi đất bồi rộng rãi tương đối bằng phẳng. Đây cũng là nơi dành cho dân phượt dựng lều cắm trại, trải nghiệm thanh xuân dưới ngàn ánh sao và chiêm ngưỡng những tia nắng đầu tiên trong ngày.

Trị An con đường đến đập thủy điện
Con đường thơ mộng dẫn ra đập thủy diện Trị An.

Nắng bắt đầu tụ lại thành một vùng cam sẫm trước mắt chúng tôi. Những ráng mây nhỏ lơ lửng tạo thành những vệt màu loang. Cả vùng trời sáng bừng và rồi nhuộm mặt nước thành màu nâu vàng sóng sánh như rượu whisky. Cái màu nhức nhối khiến chúng tôi lặng người, say đắm không rời mắt. Khi phía chân trời đang dần chuyển sang màu hồng tím, không gian tĩnh mịch lạ thường, chỉ có tiếng chim gọi nhau vang vọng lại từ phía rừng Mã Đà. Đã bao lâu rồi chúng tôi mải mê chạy theo thời cuộc mà lỡ hẹn với một chiều hoàng hôn khiến trái tim rung động như thế?

Trị An hoàng hôn
Hoàng hôn bên hồ đẹp đến nao lòng, tưởng như thời gian ngưng đọng và vĩnh hằng.

Chúng tôi nấn ná đợi cho đến khi nắng chỉ còn là vệt tím mờ đằng xa, hơi lạnh thoảng qua cổ áo. Cuối ngày, màn đêm tịch liêu làm tiếng cá đớp mồi dưới ao trở nên rõ mồn một. Tiếng vọng cổ nhà ai văng vẳng não nề làm tôi bỗng nhớ quay quắt cái đài cassette cũ kỹ của ông ngoại ngày xưa…

Trị An mùa thảnh thơi

XUYÊN RỪNG MÃ ĐÀ

Rừng Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nổi tiếng với những di tích lịch sử và rừng nguyên sinh bạt ngàn có nhiều cây cổ thụ mấy người ôm không xuể.

Rộng hơn 100 nghìn hécta với hơn 67 ngàn hécta đất rừng, 32 nghìn hécta mặt nước (hồ Trị An), khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai là một trong những khu rừng gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Du khách thập phương có thể thăm thú các điểm di tích lịch sử như Trung tâm sinh thái Văn hóa Lịch sử Chiến khu Đ, di tích căn cứ Khu ủy miền Đông… và lắng nghe những câu chuyện huyền thoại về một lịch sử hào hùng. Rừng Mã Đà được mệnh danh là lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ. Cũng như rừng quốc gia Nam Cát Tiên, rừng Mã Đà có cơ man nào cây gõ đỏ, dầu, bằng lăng vươn lên cao vút, oai vệ giữa không trung, ngoài ra còn có nhiều loại thuốc quý hiếm. Đặc biệt, bạn sẽ bắt gặp và có cơ hội tìm hiểu loài cây trung quân, loại cây kỳ lạ có lá không bao giờ bị đốt cháy.

Trị An xuyên rừng Mã Đà
“Mã Đà sơn cước” được ví như lá phổi xanh thanh lọc không khí và tâm hồn cho khách phương xa.

Bên cạnh đó, rừng già còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã và côn trùng. Sẽ chẳng khó khi tình cờ thấy vài chú sóc nhỏ thoăn thoắt chuyền cành, từng đàn bướm dập dìu theo bước chân. Thời gian đẹp nhất để tham quan Khu bảo tồn và rừng Mã Đà thường từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Mùa mưa không khí mát mẻ, cũng là mùa bướm sinh sôi trong rừng. Hàng vạn cánh bướm khoe sắc phủ trên đường đi, vương trên tán lá, hững hờ đậu trên tóc dễ khiến bạn đắm say quên đường về. Buổi sớm trong rừng, nắng xuyên qua kẽ lá rọi xuống màn sương, phản chiếu ánh sáng huyền ảo, biến khu rừng trở nên mơ màng như cổ tích.

Trị An bướm khoe sắc

Trị An hoa dại khoe sắc
Mùa mưa, ngàn cánh bướm rực rỡ và hoa dại đua nhau khoe sắc.

Ở Bà Đất, Hiếu thường tổ chức những buổi đi bộ, chạy việt dã hoặc đạp xe xuyên rừng. Những hoạt động thể thao này vừa rèn luyện sức khỏe, vừa để mọi người gần gũi và cảm nhận thiên nhiên. Với Hiếu, thiên nhiên thật kỳ diệu, nó có thể vỗ về và chữa lành những bất ổn nơi sâu thẳm trong con người. Sau một thời gian dài năng nổ trong các hoạt động liên quan đến thể chất, Hiếu thử nghiệm với việc đi bộ trong rừng, như là một phần trong chương trình chữa lành. Dựa vào sự hiểu biết của mình về thiên nhiên và kinh nghiệm dày dạn trong ngành du lịch sinh thái, Hiếu quyết tâm tổ chức các buổi chữa lành cảm xúc để tìm lại đứa bé bên trong của mỗi người. Hiếu chia sẻ, bởi đã gặp nhiều người có những vết xước về tâm lý ở Bà Đất, nên Hiếu muốn homestay trở thành trạm tiếp năng lượng và tái tạo lại cảm xúc. Từ đây họ hiểu mình, hiểu nỗi đau bên trong của đứa trẻ mà mình cần được tôn trọng, yêu thương và chữa lành, để rồi trở về để sống tươi vui bình an hơn, mạnh mẽ hơn.

Trị An hoạt động chạy bộ
Trị An là nơi diễn ra nhiều hoạt động thể thao rèn luyện thể chất như chạy bộ, đạp xe xuyên rừng.

Không cần gì nhiều, chỉ cần chậm rãi lắng nghe, nhắm mắt và cảm nhận hơi thở của thiên nhiên. Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi và chiêm nghiệm, đưa bản thân lên một chuyến đi trở về với cảm xúc nguyên bản.

Nhóm thực hiện

Bài: Quỳnh Hương

Ảnh: Mervin Ting Feng Lee, Nguyễn Hải Vinh, Nguyễn Đình Hiếu, Lam Jiang

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)