NỖ LỰC GƯỢNG DẬY CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP DU LỊCH
Cũng giống như tình trạng thất nghiệp hàng loạt đã để lại những vết sẹo không thể xóa nhòa trên thị trường lao động, sự sụp đổ du lịch toàn cầu hiện nay cũng sẽ mang lại những thay đổi lâu dài đối với các mô hình di chuyển quốc tế bao gồm du lịch công tác và nghỉ dưỡng.
Khi mùa Hè năm 2021 bắt đầu, một số nước trên thế giới đã từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại. Hồi tháng 7, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã mở lại đường biên giới nội bộ và cho phép du lịch từ bên ngoài khối dù khá dè dặt. Tại châu Á, Singapore và Hồng Kông đã bắt đầu cho phép các chuyến du lịch giữa hai nước từ cuối năm 2020 nhưng chỉ đối với những hành khách có kết quả âm tính với COVID-19, đồng thời họ phải sử dụng ứng dụng theo dõi liên lạc và cam kết không đi chệch khỏi hành trình đã định sẵn.
Cố gắng cầm cự suốt hơn một năm qua, hiện tại, các hãng hàng không đang tính toán lịch trình cho những tháng cuối cùng của năm dù số lượng chuyến bay sẽ chỉ bằng một phần nhỏ tần suất trước đại dịch. Tuy vậy, đa số các sân bay vẫn vắng vẻ như những thị trấn ma, một số thậm chí đã trở thành “căn cứ” của động vật hoang dã, và các chuyến du lịch đường dài quốc tế đều đóng băng. Trên toàn cầu, sự sụp đổ của nền kinh tế du lịch đã dẫn đến hàng loạt khách sạn, nhà hàng, đại lý du lịch hay công ty vận tải bị phá sản. Ước tính khoảng 100 triệu người mất việc làm.
BÀI LIÊN QUAN
Hiện tại, các hãng hàng không và chủ khách sạn đang kỳ vọng vào chương trình “bong bóng du lịch”, theo đó các nhóm quốc gia nhỏ chỉ mở lại biên giới với nhau. Đồng thời, “hành lang xanh” được thiết lập, tạo ra các tuyến đường đặc biệt đến những điểm đến tại các quốc gia thành viên, dành cho những khách du lịch đã có chứng nhận tiêm chủng. Hầu hết chúng ta đều hy vọng rằng du lịch gần như bình thường sẽ trở lại vào năm tới. Trước tiên là một hệ thống mới gồm các vùng an toàn lồng vào nhau sẽ hoạt động trong tương lai gần, hoặc ít nhất là cho đến khi vaccine được triển khai rộng rãi.
Việc đi lại sẽ bình thường hóa nhanh chóng hơn trong các khu vực an toàn đối phó tốt với COVID-19, chẳng hạn như giữa Hàn Quốc và Đài Loan, hoặc giữa Hy Lạp và các nước thuộc khối châu Âu. Nhưng với các nước đang điêu đứng vì đại dịch như Ấn Độ hoặc Indonesia, sự phục hồi vẫn rất chậm chạp và mong manh. Điển hình là Thái Lan, một trong những nước tiên phong tiến hành mô hình “hộp cát Phuket”, dù được xem là ý tưởng hay nhưng thủ tục rườm rà cộng với những quy định nghiêm khắc đã làm du khách mất hứng thú. Hòn đảo nổi tiếng này cũng đang đối diện với nguy cơ bùng dịch trở lại và không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Tất cả điều này sẽ thay đổi cách vận hành của ngành du lịch toàn cầu trong tương lai. Nhiều người sẽ chọn không đi đâu xa nữa, đặc biệt là người cao tuổi. Du khách thử nghiệm các địa điểm mới trong nước hoặc trong vùng an toàn sẽ phải tập các thói quen mới. Các quốc gia đã thành công trong đối phó với đại dịch sẽ tận dụng như một chiến lược tiếp thị du lịch đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, các điều kiện đi lại liên quan đến COVID-19 còn làm phức tạp hóa các kỳ nghỉ trong tương lai, bao gồm các biện pháp như yêu cầu mọi người phải tiêm phòng, xét nghiệm kháng thể hay cách ly. Đáng ngại là điều này sẽ hạn chế các lựa chọn điểm đến ở nước ngoài, thậm chí cả du lịch trong nước cho những người chưa được tiêm vaccine. Các vấn đề kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng bởi rất nhiều người đã mất thu nhập trong thời gian xảy ra đại dịch.
Những thách thức này sẽ ảnh hưởng các quyết định của chúng ta khi chọn một kỳ nghỉ. Hơn bao giờ hết, du khách đang tìm kiếm sự hướng dẫn và những câu trả lời: Họ có thể đi đâu? Liệu họ có cần cách ly khi đến đó không? Tình hình hiện tại có an toàn không? Vì thế, ngành công nghiệp du lịch phải áp dụng công nghệ mới để tìm cách trấn an khách du lịch, chủ yếu là các quy trình khử khuẩn và loại bỏ phí đổi trả.
Các hãng hàng không United, Iberia và JetBlue đã thử nghiệm các quy trình làm sạch khác nhau bao gồm công nghệ không chạm khi làm thủ tục hành lý và súng tĩnh điện bắn bột khử trùng trong cabin để làm sạch những bộ phận khó tiếp cận nhất của tựa đầu, tay vịn, khay gấp… Delta, American Airlines và nhiều hãng hàng không khác đều đã loại bỏ phí đổi trả để giúp du khách cảm thấy thoải mái hơn khi đặt vé. Bên cạnh đó, “hộ chiếu vaccine” đang được các nước nghiên cứu nghiêm túc với hy vọng khôi phục được sự sôi động của giao thương quốc tế.
BÀI LIÊN QUAN
Đối mặt với mong muốn đi du lịch và những trở ngại thực tế, du khách sẽ cân nhắc khi đưa ra lựa chọn và ít thỏa hiệp hơn. Họ sẽ có kỳ vọng cao và khắt khe đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Do đó, ngành khách sạn cần ưu tiên cung cấp các dịch vụ, cơ sở vật chất, trải nghiệm sức khỏe và các tiêu chuẩn vệ sinh cao cấp.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy các xu hướng như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch tôn giáo – tâm linh, du lịch tình nguyện đang trở nên phổ biến. Nhờ đại dịch, khách du lịch chú ý hơn bao giờ hết đến những nhu cầu này, dù đó là sự khẩn cấp về sức khỏe, những phương pháp điều trị xa xỉ hay theo đuổi sự cân bằng về thể chất, trí tuệ và tinh thần sau gần hai năm sống với những hạn chế.
XU HƯỚNG DU LỊCH HẬU ĐẠI DỊCH
1. Du lịch hướng đến con người
Theo học giả du lịch Fabio Carbone, du lịch hậu COVID-19 sẽ tập trung vào con người hơn là điểm đến. Sau những đợt giãn cách xã hội nhiều tháng trời, nhu cầu được tái hòa nhập cộng đồng, được gìn giữ mối quan hệ hiện có, gặp gỡ những người thân yêu nơi xa và tìm kiếm những mối gắn kết mới trở nên bức thiết. Bởi thế, du lịch chính là cầu nối hoàn hảo để thực hiện những mong muốn đó.
Du lịch tình nguyện cũng là một trong những xu hướng gắn kết giữa người với người, thông qua hoạt động kết hợp giữa trải nghiệm khám phá với các công việc tình nguyện tại một địa phương trong nước hoặc nước ngoài. Mặc dù nhiều người còn hoài nghi về khả năng đóng góp tích cực cho các nước đang phát triển và các cộng đồng kém may mắn, du lịch tình nguyện dù sao cũng đã tạo ra những công việc mang tính nhân đạo có giá trị. Đại dịch đi qua để lại những hậu quả nghiêm trọng đến kinh tế, hoạt động tình nguyện không chỉ mang ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần mà còn vô cùng cần thiết.
Bên cạnh đó, một xu hướng phổ biến trong những năm gần đây và sẽ ngày càng phát triển trong tương lai là du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh thường gắn liền với những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể có liên quan đến lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần khác. Đây là hình thức du lịch góp phần quan trọng giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa không bị mai một theo thời gian. Hơn cả, nó còn mang ý nghĩa về tinh thần, giúp con người tỉnh thức, hướng về bên trong, tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, từ đó cải thiện sức khỏe và có cuộc sống nhẹ nhàng, an yên hơn.
2. Du lịch bền vững
Hơn một năm nay, chúng ta đã chứng kiến rõ ràng sự thay đổi tích cực của môi trường. Bầu trời và đại dương trong xanh hơn, không khí sạch hơn, động vật hoang dã rủ nhau quay trở lại những nơi đã từng thuộc về chúng. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc phong tỏa đã mang lại lợi ích tuyệt vời cho thế giới tự nhiên. Những chuyến du lịch về nơi hoang dã giúp chúng ta biết trân quý thiên nhiên và kết nối với nội tâm của chính mình. Đồng thời, những bài học trong quá khứ giúp chúng ta du lịch có ý thức và quan tâm hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Sự kết hợp giữa du lịch công tác và nghỉ dưỡng (“workation” là từ kết hợp của “work” và “vacation” hay “bleisure travel” là từ kết hợp của “business” và “leisure”) tiếp tục là một xu hướng du lịch trong những năm tới. Theo nghiên cứu khảo sát của Booking.com về dự đoán tương lai của du lịch: hơn một nửa số khách du lịch Việt Nam (52%) cân nhắc đặt chỗ nghỉ ở điểm đến nào đó, nơi họ có thể làm việc thay vì ở nhà hoặc tại văn phòng, đồng thời 57% không ngại đi cách ly nếu có cơ hội làm việc từ xa. Một phần của động lực này là nhờ thói quen làm việc và học tập online suốt một thời gian dài. Kéo dài chuyến đi, vừa làm việc vừa khám phá vùng đất mới chẳng phải là cuộc sống mà chúng ta vẫn hằng mơ ước hay sao?
BÀI LIÊN QUAN
3. Giải pháp công nghệ
Vì thực trạng du lịch lao đao khiến hàng triệu người thất nghiệp, thực tế ảo (VR) có thể chính là giải pháp. VR giúp truyền cảm hứng cho khách hàng bằng cách cho họ thấy những dịch vụ tốt nhất và trải nghiệm mô phỏng sẽ khiến khách muốn đến thăm địa điểm đó một cách trực tiếp.
Một giải pháp khác sẽ được nâng cấp và sử dụng rộng rãi trong tương lai là công nghệ không tiếp xúc (untouched technology). Giờ đây, mọi người đều có thói quen rửa tay và thận trọng khi chạm vào bất cứ vật gì nơi công cộng. Chúng ta có thể tự check-in tại sân bay hay khách sạn mà không cần phải xếp hàng hoặc tiếp xúc với nhân viên. Chúng ta cũng có thể thanh toán các chi phí hoặc mở cửa phòng bằng cách quét mã vạch mà không cần chạm vào tay nắm cửa.
Thú vị hơn, robot sẽ trở nên quen thuộc. Đối với ngành du lịch, từ chatbot được tích hợp trong trang web đến một chú robot dễ thương mang va li lên tận phòng khiến việc du lịch trở nên dễ dàng, thoải mái, an toàn và riêng tư hơn bao giờ hết.
Ngoài ra còn có trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng dữ liệu để đưa ra dự đoán dựa trên hành vi. Các công ty phần mềm có thể cung cấp cho bạn các lựa chọn giải trí hoặc du lịch đã được cá nhân hóa. Ngoài ra, các trợ lý ảo như Siri có thể cung cấp các bản cập nhật hành trình cho bạn một cách chi tiết.
4. Kiểm dịch
Bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà, xét nghiệm tại chỗ ở khách sạn, sân bay hay xét nghiệm nhanh (cho kết quả trong 15 phút) là các hình thức quan trọng để giảm bớt nỗi lo về lây nhiễm.
Ngoài ra, một trong những vấn đề phức tạp nhất trong du lịch hiện nay là tiếp nhận các quy định về biên giới và hạn chế đi lại. Vì đại dịch, các quốc gia mở – đóng cửa biên giới với nhiều quy tắc kiểm dịch khác nhau, nên cần phải có công cụ để thông báo, cập nhật nhanh chóng từng phút tình hình ở bất kỳ điểm đến nào cho hành khách.
Nhóm thực hiện
Bài: Quỳnh Hương Ảnh: Q.H, Jamie Nanson, Huy Long, Tôn Đồng, Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE