Lifestyle / Du lịch

Vì có khi, mình bị kẹt ở đâu đó – blog Mít Đặc

Tôi ngừng tất cả để sống giấc mơ nho nhỏ của đời mình: đi du lịch một năm, từ Châu Âu sang Châu Mỹ và sẽ kết thúc tại Tây Á. Những điều tôi thấy, nghe, nếm thử và trải qua trong năm này – rất có thể cũng sẽ hấp dẫn với bạn.

Khác với mọi khi, tôi viết những dòng này trên một mẩu giấy sót lại trong ba lô, chứ không phải trên máy tính. Tôi đang ở giữa biển, trên một hòn đảo nhỏ bằng bàn tay, không có nước ngọt để tắm, và không biết chắc liệu ngày mai có thực sự sẽ khởi hành như họ nói hay không.

Hôm nay là ngày thứ hai tôi kẹt lại ở đây, trên đường vượt biên giới từ Panama sang Colombia. Hòn đảo nhỏ này thuộc cụm đảo Cartí, vẫn là Panama, và phải thêm một chuyến tàu biển cỡ 7 tiếng nữa thì mới đến biên giới Colombia. Nhưng cái chuyến tàu ấy từ hôm qua đến giờ vẫn chỉ là hứa hẹn.

Kẻ đến trước người đến sau, nhưng tất cả đám du khách bọn tôi đều kẹt lại trong cái quán ăn ngay bến thuyền, ngủ lại trên những chiếc võng mắc sẵn trong cái lán tre. Nhìn cứ như một trại tập trung nho nhỏ. Tôi thậm chí không cần dùng đến túi ngủ của mình, vì sau một ngày nóng bức mà không được tắm, thì giữa mình và cái võng bốc mùi ngai ngái này, cũng không biết ai bẩn hơn ai.

Cuộc “họp” căng thẳng giữa đám du khách ba lô và người tổ chức chuyến đi kéo dài đến hơn nửa đêm. Tôi không tham gia vì không biết tiếng Tây Ban Nha, có ngồi vào cũng như vịt nghe sấm. Thay vào đó, tôi đi bộ một vòng (nữa) quanh làng, để nhìn xem những dây đèn Giáng sinh nho nhỏ sẽ lấp lánh ra sao vào buổi tối.

Trên hòn đảo tí hon này chỉ có duy nhất một ngôi làng, của người Kuna. Thật ra vào ban ngày, tôi và mấy người bạn đồng hành đã đi dạo đến 5 lần quanh đảo, vì chỉ cần 15 phút là bạn có thể đi hết mọi đường ngang ngõ dọc trong làng. Chúng tôi đi coi lợn con, đếm xem có bao nhiêu mèo (có lẽ là khoảng 15 con), chơi banh với bọn con nít, vào bệnh viện xem ti vi và tán gẫu với cô bác sĩ trẻ nói được tiếng Anh.

Buổi tối, thật lạ lùng khi giữa đêm đen mênh mông, ta nhìn thấy vài dây đèn Giáng sinh nhấp nháy. Ở mảnh sân chung trong làng, người Kuna thổi khèn và nhảy điệu nhảy vòng tròn với nhau. Ngay gần đó, mấy người đàn ông ngồi chơi domino bên ánh lửa lập loè đốt từ một chai dầu hoả. Khung cảnh yên bình lơ đãng đó như được cắt ra từ một bộ phim cũ, với nhạc đệm là tiếng khèn Kuna dìu dặt.

Đến sáng nay, vài người trong đám du khách đã hết chịu nổi. Một anh người Mexico đã quay lại đất liền. Một cậu người Canada bảo tôi là nếu ngày mai vẫn không có thuyền thì cậu sẽ bỏ cuộc. Andi – cậu người Đức trong nhóm chúng tôi – cuối cùng đã nhảy xuống biển bơi, bất chấp vùng nước đầy chất thải xung quanh đảo.

Tôi cũng thấm mệt vì chỉ mới vừa hết bệnh. Nhưng thật tình mà nói, thời gian kẹt lại trên đảo Cartí là những ngày thú vị nhất mà tôi có ở Panama. Tự nhiên bị bốc lên hòn đảo trơ trọi này, sống giữa ngôi làng của người Kuna, và xà quần trong cái lán tre với những người ngẫu nhiên thành bạn đồng hành. Cái xã hội trong lán tre này cũng phức tạp chẳng kém thế giới ngoài kia.

Nhưng đâu có bao nhiêu ngày trong đời mà ta đi dạo đến 6 lần quanh một chỗ, đếm mèo, xem lợn, chơi ở bệnh viện, và rối hết cả đầu vì phải tán láo và cười vang  với nhau bằng thứ ngôn ngữ mình không hiểu.

Cũng không tệ lắm đâu, khi mình bị kẹt ít lâu ở đâu đó.

Viết trên đảo Cartí, Panama

(Khi bạn đọc được bài này, thì có nghĩa là cuối cùng tôi cũng đã có thuyền để rời đảo, và đến Colombia bình yên.)

 

photo 1
Một trong những đảo nhỏ xíu thuộc cụm đảo Cartí. Hòn đảo tôi ở cũng bé y như vậy.

 

photo 5
Nhà tranh tre đặc trưng của người Kuna trên đảo, với các sản phẩm làm bằng tay.

 

photo 4
Chơi domino bên ánh lửa từ chai dầu hoả

 

photo 3
Người Kuna trong làng

photo 2

Viết thêm về chuyến đi đường biển đến Colombia

Cuối cùng cũng có thuyền đi. Nhưng chuyến đi đường biển đến Colombia khó hơn tôi nghĩ. Thuyền đi chỉ là một chiếc thuyền nhỏ gắn máy đuôi tôm, nhét được 15 người. Ngồi thuyền mà hệt như cưỡi ngựa, cứ mỗi đợt sóng đánh là chiếc thuyền lại nhảy chồm lên. Ngày hôm sau, những bạn ngồi đầu mũi thuyền cho nhau xem những vết bầm tím vì va đập, có anh bị tróc cả… da mông. Tôi may mắn ngồi cuối thuyền nên đỡ hơn, chỉ đơn giản là bị nước tạt suốt cả ngày. Nhưng rõ ràng đó không phải là một chiếc thuyền an toàn để đi biển, dù mọi người đều có áo phao. Nhưng với chi phí thấp (tôi trả 177usd để đi từ Panama City sang Capurgana của Colombia) thì nhiều du khách ba lô mạo hiểm vẫn chọn đường đi này.

Nhưng thật lòng mà nói, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn đi đường biển, chọn cả những ngày bị kẹt trên đảo. Chính nhờ chiếc thuyền nhỏ, ngồi sát mép nước như vậy, tôi mới thấy được biển Caribbean đẹp đến chừng nào. Suốt hơn nửa tháng ở Panama, tôi chưa khi nào thấy được điều đó.

 

*Hình ảnh của blog đều do Mít Đặc ghi lại trong suốt chuyến đi

Theo dõi câu chuyện “Mít Đặc & 1 năm bay khinh khí cầu”

 

Nhóm thực hiện

Blog & hình ảnh: Mít Đặc
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)