Học làm gốm Việt kiểu Nhật
Gốm được coi là một công việc người ta phải theo đuổi cả đời, nhưng nếu chúng ta chỉ xem đó là một thú vui thì nên đến đâu để học? Câu trả lời đã được một người đàn ông Nhật mang đến tại một góc nhỏ ở Sài Gòn.
Trong một căn nhà nhỏ trên con đường nhỏ Huỳnh Khương Ninh, một cô bé đang mải mê sửa những nét cuối cùng của chiếc cốc làm từ đất sét trên bàn xoay. Ở cái bàn bên cạnh, một người đàn ông ở độ tuổi trung niên đang loay hoay tạo hình cho một bộ trà có hình dáng lạ lùng mà anh mới nghĩ ra. Đó là không khí thường thấy tại một buổi học tại Overland Club, lớp học làm gốm do Tomizawa Mamoru, một người đàn ông Nhật đã phải lòng nghề gốm Việt Nam.
Trước khi dừng chân tại Sài Gòn, ông Tomizawa đã đi qua khá nhiều quốc gia để làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về giáo dục. Và khi đến Việt Nam, ông tìm thấy cơ hội để tìm lại niềm hạnh phúc (gia đình ông là một trong những nạn nhân của vụ động đất Kobe, ông đã mất hết người thân và tài sản trong thảm họa này).
Tinh thần của người thầy đã tạo nên không khí tại lớp học. Bước vào lớp học gốm, người ta thấy ngay được cảm giác nhẹ nhõm, yên bình. Lớp chỉ có đủ không gian cho 8 học viên, hết sức yên tĩnh và thân thiện. Điều quan trọng là vào đây, học viên không gặp phải bất cứ áp lực nào. Với buổi học kéo dài một tiếng rưỡi, một người chưa bao giờ chạm vào đất sét cũng có thể làm ra một chiếc cốc hay một chiếc ly. Những người muốn hoàn thiện tay nghề và hiểu hơn về việc làm gốm có thể theo học những lớp chuyên sâu kéo dài nhiều tuần. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi độ tuổi và nhu cầu của các học viên khá đa dạng.
Rõ ràng là có rất nhiều người đến đây học làm gốm như một cách giảm bớt căng thẳng bởi khi làm gốm, người ta không thể nóng nảy. Một học viên khác cho biết chị chọn lớp học này vì thích gốm Nhật và muốn tự tay làm thử một món như vậy xem sao. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng lớp học này sử dụng công nghệ làm gốm Bát Tràng. Bản thân Tomizawa Mamoru đã theo học tại Bát Tràng một thời gian dài, trước khi mở ra lớp học này. Điều tạo nên sự đặc biệt tại nơi đây chính là ở đó, kỹ thuật gốm Bát Tràng đã gặp được mỹ cảm và cách tạo dáng của Nhật Bản, và nhờ đó, học viên tại đây có thể cùng lúc biết được về cả hai nền văn hóa.
Học phí có thể khá cao đối với một số người, tuy nhiên, một sinh viên cho biết nếu có thể, em sẽ theo học lâu dài tại đây “vì một buổi học là quá ngắn để hiểu về việc làm gốm”. Và điều quan trọng hơn cả vẫn là cảm giác được chạm tay vào đất và tự khám phá khả năng sáng tạo của mình, không một chút sức ép nào, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự chăm chút và tình yêu.
Xem thêm Gốm sứ cổ – Nghề chơi lắm gian nan
Xem thêm Dạo “chợ Kiều” xem gốm sứ cổ – kim
Xem thêm Gốm & sắc men của trời xanh
Xem thêm Nét & Hồn của hoa văn gốm
Xem thêm Trở lại làng gốm
Xem thêm Gốm Nhân và nghệ sĩ gốm Bạch Văn Nhân
Xem thêm Gốm Raku của Khưu Đức
Thực hiện: Phương Thủy – Ảnh: Tư liệu